Chuyện cảm động người chồng từng muốn vợ đi thêm bước nữa

05:57, Thứ tư 31/10/2012

( PHUNUTODAY ) - “Giờ bà không muốn ở với tôi nữa thì tôi cũng chịu chứ chẳng biết phải làm thế nào. Vì hạnh phúc của một người phụ nữ, bà nên đi thêm bước nữa”. Nghe ông nói vậy, bà Ngà tủi thân phát khóc.

Cùng tham gia chiến đấu trong những ngày bom rơi đạn nổ ở nơi rừng thiêng Yên Thế, bà Lương Thị Ngà (quê Tân Yên, Bắc Giang) đã bén duyên với anh chàng dân quân thật thà, chân chất. Cả hai trở thành vợ chồng sau đó không lâu. Thế nhưng số phận thật bất công khi người chồng bị vô sinh. Thương vợ mòn mỏi ngóng đợi một đứa con, ông xui bà đi thêm bước nữa…
[links()]
Những ngày kháng chiến ươm mầm tình yêu

Khi vừa tròn 18 tuổi, cũng như bao cô gái khác trong làng với lòng nhiệt tình tuổi trẻ, muốn cống hiến cho quê hương, đất nước, bà Ngà xin làm dân quân du kích góp sức cho kháng chiến. Bà vẫn còn nhớ những ngày khổ cực, phải ăn cơm nắm muối giềng từ gà gáy rồi khẩn trương làm nhiệm vụ.

Ngày ấy, bà cùng một số chị em dân quân du kích khác được giao nhiệm vụ vào rừng chặt che nứa làm thành các kho đựng lương thực, phục vụ quân lương cho chiến dịch Điện Biên Phủ.

Máy bay của địch thường bay rà soát sát sạt mặt đất, cứ mỗi khi nghe thấy tiếng máy bay là tất cả nằm rạp xuống. Khi máy bay đi qua là tất cả lại vội vàng vác tre nứa về nơi tập kết để làm kho lương. Mỗi ngày, bà thường lấy được khoảng 6 cây nứa to bằng bắp tay, về đập ra rồi cùng các chị em khác đan lát.

Buổi tối trước khi đi ngủ, cánh chị em lại phải kiếm các cây gỗ hoặc cành cây to và ít cong nhất để sắp chúng sát lại với nhau tạo thành một bề mặt phẳng như chiếc giường. Thế nhưng những cành cây ấy chẳng cành nào giống cành nào, cành to cành bé, cành thẳng cành cong nên khi xếp lại thì cái gường tự chế có chỗ nhô lên chỗ lại võng xuống.

Để tạo độ êm ái, người ta vơ lá tre rải đều lên bề mặt các cây gỗ. Ấy thế mà tối ngủ, khắp lưng vẫn đau ê ẩm. Bà kể: “Những ngày đầu không quen, dù hàng ngày làm việc vất vả, tưởng rằng chỉ cần chợp mắt để nằm là có thể ngủ li bì, ai dè cái dát giường tự tạo khiến ai cũng đau khắp người. Được một thời gian thì ai nấy quen hết, nằm là ngủ liền”.

Bà Lương Thị Ngà tại TTBTXH tỉnh Bắc Giang
Bà Lương Thị Ngà tại TTBTXH tỉnh Bắc Giang

Chồng của bà khi ấy là một anh du kích hiền lành khỏe mạnh. Ông quê ở Đa Mai, Bắc Giang nhưng cũng đóng quân ở Yên Thế. Hai người ở gần đơn vị nên cũng biết nhau. Ông lại là con nuôi của một người quen của bà Ngà, bà này mai mối thêm, cộng với sự tìm hiểu từ hai phía nên sớm nảy sinh tình cảm.

20 tuổi, bà Ngà lấy chồng. Đám cưới của hai người được tổ chức tập thể cùng một số cặp đôi khác ở nơi đóng quân. Vào những thời điểm chiến tranh ác liệt, bà còn tưởng rằng mình sắp mất chồng.

Đó là một lần, ông dẫn đoàn đi theo dấu (vốn là các đốt tre được rải dọc đường) của đồng đội thì bất ngờ bị địch phát hiện và bắt giữ, lôi vào cái bốt ở gần nhất. Mọi người cứ tưởng rằng phen này ông khó thoát nhưng thật bất ngờ bởi ông đã đánh gục được kẻ bắt giữ mình, lẳng lặng chui ra ngoài và thoát chết.

Năm 1954, bà và ông đều trở về làng. Lúc ấy cả hai vẫn chưa được hưởng bất kỳ chế độ trợ cấp nào của Nhà nước. Ông phải đi vào rừng xe gỗ về làm kho, lấy nứa làm bè để bán. Bà thì mò cua bắt ốc, mãi mới gom đủ tiền mua cái nồi để nấu nướng.

Căn nhà đi ở cũng là đi mượn tạm của người ta, ông đi làm vất vả nên bị đau lưng, nhiều khi nghĩ tủi thân, thương chồng, bà Ngà cứ ôm mặt khóc. Đó là những lúc ông phải an ủi, dỗ dành bà tin tưởng vào cuộc sống.

Sau đó một thời gian, vợ chồng bà được chia cho một mảnh đất có một ngôi nhà nhỏ xây cất tạm bợ. Ông được điều về xã làm cán bộ, bà có 2 sào ruộng cấy với 6 thước ruộng phần trăm nên ngày này qua ngày khác bán mặt cho đất bán lưng cho trời.

Cuộc sống tuy vất vả nhưng đã không còn khó khăn như trước. Điều khiến vợ chồng bà Ngà buồn là căn nhà vắng vẻ không hề có tiếng cười nói của trẻ nhỏ. Dành dụm tiền đi khám, ông bà mới biết rằng chuyện hai người có con là không thể vì chồng bà bị mắc chứng vô sinh.

Chồng muốn vợ đi thêm bước nữa

Từ ngày về chung sống, chưa biết được sự thật kia, ông luôn đối xử với bà rất tốt. Cả hai vợ chồng đã trải qua bao gian khó từ khi còn tham gia kháng chiến cho đến khi tay trắng gây dựng lên tất cả nên ông bà rất thấu hiểu và nhường nhịn nhau.

Cuộc sống vợ chồng hạnh phúc ấy là niềm khao khát của biết bao người khác. Ông là người tình cảm, bà cũng rất biết cách trân trọng chồng. Sống với nhau hàng chục năm trời, bà tự hào: “Chúng tôi chưa bao giờ nói nặng với nhau nửa lời. Chuyện cãi cọ thì càng không”.

Từ khi đi khám về nhà, bà thấy ông trầm lặng hẳn, gương mặt buồn rầu hơn. Như trước kia, công việc hằng ngày của ông ở xã khá bận rộn nhưng ông vẫn cố gắng về ăn cơm hoặc về nhà thật sớm với vợ. Thế nhưng từ ngày biết được tin dữ kia, ông thường xuyên đi đến tận tối khuya mới về.

Bà gặng hỏi song ông không trả lời hoặc chỉ nói qua quýt cho xong chuyện. Nhận thấy thái độ bất bình thường của chồng, bà Ngà đã biết chắc ông đang suy nghĩ và buồn lòng nhiều lắm.

Rồi bỗng một ngày, ông gọi bà đến và bảo rằng ông biết từ tận sâu trong đáy lòng bà luôn khát khao có một đứa con để vơi bớt nỗi trống vắng những khi ông vắng nhà. Biết rằng nguyên nhân của việc không có con là từ phía mình, giọng ông buồn hẳn:

“Giờ bà không muốn ở với tôi nữa thì tôi cũng chịu chứ chẳng biết phải làm thế nào. Vì hạnh phúc của một người phụ nữ, bà nên đi thêm bước nữa”. Nghe ông nói vậy, bà Ngà tủi thân phát khóc.

Câu nói ấy như cứa sâu vào tâm can bà, bao nhiêu kỷ niệm của những ngày tháng chung sống hạnh phúc ùa về khiến bà nước mắt lưng tròng. Rồi bà nhìn ông quả quyết: “Dù thế nào tôi cũng sống với ông đến khi đầu bạc răng long chứ nhất định không thêm đi bước nữa”.

Mọi chuyện sau đó thì nguôi ngoai dần, hai người lại quay trở lại quỹ đạo cuộc sống. Thế nhưng, nỗi tự ti khi nghĩ rằng vì mình mà vợ phải khổ luôn giày xéo tâm can chồng bà. Một lần khác ông lại khuyên bà nên đi kiếm đứa con:

“Thôi bà cứ đi lấy cái vốn, vợ chồng ta vẫn cứ là vợ chồng, có thêm đứa con cho vui cửa vui nhà, bà cũng đỡ buồn hơn”. Chưa kịp suy nghĩ gì nhiều, bà Ngà bảo luôn:

“Ông bảo tôi đi gần gũi người khác, lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, nhỡ đâu tôi trót nảy sinh tình cảm thật với người ta thì ông khổ mà tôi cũng tự xấu hổ với bản thân mình. Cuộc sống của vợ chồng mình thế này là được rồi. Chuyện con cái cũng quan trọng nhưng không so sánh được với việc vợ chồng yêu thương nhau để sống hạnh phúc”.

Hạnh phúc nhỏ nhoi lúc tuổi già

Từ đó, cả hai ngầm hiểu ra vấn đề, ông không đề cập đến chuyện con cái nữa và bà thì càng không muốn nhắc đến. Ông vẫn hàng ngày bận rộn với công việc làng xã, bà cấy mướn gặt thuê, làm ruộng nương để duy trì cuộc sống.

Những lúc ốm đau thì hai thân già nương tựa vào nhau, ngụm nước bát cháo cũng thấy ấm lòng hơn. “May sao trời phật thương xót nên tôi với ông nhà tôi ít khi ốm đau lắm, chỉ qua quýt sổ mũi nhức đầu rồi một hai ngày là khỏi ngay”, bà Ngà nhớ lại.

Căn nhà tạm bợ rúm ró mà vợ chồng ông bà được chia không thể chịu đựng nổi sức tàn phá mạnh của một cơn bão nên bị đổ. Ông đi công chuyện về thấy nhà sập thì tưởng bà ở trong nên cứ gào thét tên bà, mãi về sau khi thấy bóng bà bước ra từ trong đám đông ông mới choàng tỉnh.

Ông bà được người dân kính nể nên ngay sau đó người có công góp công, người có của góp của, dân làng đã góp sức để xây dựng lại cho ông bà ngôi nhà mới.

Hai vợ chồng ông bà đã sống với nhau tình nghĩa cho đến khi ông mất. Nhà bà có 3 anh chị em, em trai và chị gái đều lập gia đình có con cháu đề huề, chỉ riêng bà là chồng mất phải sống cảnh cô đơn.

Thế nhưng bà không muốn chuyện của mình ảnh hưởng đến đời sống gia đình của chị gái, em trai nên chấp nhận sống như vậy một mình ôm nỗi nhớ khôn nguôi về người chồng đã khuất.

Các cán bộ của xã động viên bà nên để họ làm các loại giấy tờ rồi đưa bà vào ở Trung tâm bảo trợ xã hội của tỉnh để được chăm sóc một cách tốt nhất. Bà biết lòng tốt của mọi người nhưng phải khéo léo từ chối: “Các chú cho tôi khất mấy năm, bao giờ ông ấy mồ yên mả đẹp thì tôi sẽ tự vào”.

4 năm sau sự ra đi của người chồng hiền lành tốt bụng, bốc mộ cho ông xong thì bà cũng chuyển vào sống ở Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Bắc Giang. Tính đến nay bà đã sống ở đây ngót 20 năm ròng. Mặc dù đã gần 90 tuổi nhưng trông dáng bà vẫn còn dẻo dai, mạnh khỏe lắm.

Cuộc sống ở trung tâm bà không phải lo ăn từng bữa, đời sống tinh thần cũng rất thoải mái, bà có thêm những người bạn già, vẫn thường xuyên trò chuyện với những người hợp nhất. Cuộc đời này với bà cũng chẳng còn nhiều điều thiết tha. Bà chưa bao giờ hối hận về bất kỳ điều gì.

Nếu bà ngheo theo lời chồng, xin được đứa con, chắc tình hình bà giờ đã khác nhiều song mỗi lần nghĩ đến quyết định ấy bà lại mỉm cười vì bà luôn tin mình đã làm đúng. Và bà biết ở một phương trời xa xôi nào đó, chồng bà vẫn luôn hướng ánh mắt đầy trìu mến, trân trọng về nơi bà sống.

  • Thanh Thu
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc