Bất chấp khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Trung Quốc hiện nay đang là mảnh đất tốt cho sự sinh sôi nảy nở các tỷ phú. Số lượng các tỷ phú của Trung Quốc giờ đã đứng thứ hai trên thế giới, chỉ sau Mỹ, và con số này chắc chắn sẽ còn tiếp tục tăng nhanh trong những năm tới. Câu chuyện làm giàu của các mỹ nhân tỷ phú đã và đang trở thành tâm điểm chú ý của rất nhiều người. Song với chị em phụ nữ, chuyện hôn nhân - gia đình và chuyện các bà mẹ tỷ phú nuôi dạy con cái như thế nào mới là điều khiến người ta thực sự muốn tìm hiểu.
[links()]
“Tuổi thơ dữ dội” của các nữ tỷ phú Trung Quốc
Với độ tuổi hiện tại khoảng 40-50, các nữ tỷ phú Trung Quốc hiển nhiên không có một tuổi thơ êm đềm, không được sinh ra và lớn lên trong một gia đình "tỷ phú" và cũng chẳng có những khoản thừa kế kếch sù từ dòng họ như nhiều tỷ phú Mỹ khác.
Hầu hết trong số họ đã có một "tuổi thơ dữ dội", nghèo khổ, loạn lạc và không toàn vẹn.
Sinh năm 1958 trong một gia đình trí thức Bắc Kinh, bà chủ tập đoàn kinh doanh nhà hàng South Beauty nổi tiếng Trương Lan đã trải qua một thời thơ ấu đầy cay đắng.
Bà sống cả tuổi thơ ở một trại cải tạo cùng gia đình, lao động vất vả, ăn không đủ no, và hơn hết, phải chứng kiến cảnh mẹ mình bị sỉ nhục hàng ngày vì là "phần tử phản động". "Phải ra đi" là quyết tâm ngày đêm của bà lúc đó, và nó ám ảnh bà cho tới tận khi bà quay trở lại Bắc Kinh học Đại học công thương, lập gia đình riêng và có một cậu con trai.
Bởi thế bà đã một mình đi sang Canada khi có cơ hội, làm việc phục vụ trong các nhà hàng không hề nghỉ lấy một ngày với mục đích dành dụm 20 nghìn đô la trở về Trung Quốc lập nghiệp. Bà đặt tấm ảnh cậu con trai 6 tuổi ở đầu giường để làm động lực phấn đấu, và chỉ 2 năm sau, bà đã kiếm đủ số tiền dự định để trở về Trung Quốc.
Tuổi thơ trong trại cải tạo đã rèn luyện cho bà một ý chí kiên cường không gì khuất phục nổi. Trương Lan cho biết, bà tự cho phép mình mỗi năm chỉ được khóc một lần, và trong cuộc sống không bao giờ bà có ý nghĩ dựa dẫm vào một người đàn ông.
Xem ra, những nữ tỷ phú Trung Quốc vẫn là những tấm gương của việc kết hợp giữa truyền thống phương Đông và văn minh phương Tây trong việc dạy dỗ con cái. |
Nữ tỷ phú Trương Hân, nhà đồng sáng lập Soho Trung Quốc, sinh năm 1965 tại Bắc Kinh, và lập tức cô bé cùng gia đình bị cuốn vào cơn lốc "đại cách mạng văn hóa" đã nhấn chìm cả Trung Quốc trong một không khí đen tối ảm đảm suốt 10 năm từ 1966 đến 1976.
Trương Hân theo gia đình rời khỏi Bắc Kinh đi xuống nông thôn, lớn lên trong cảnh nghèo khổ, và đến năm 1972, bà theo cha mẹ di dân đến Hồng Kông. Cuộc sống nơi miền đất mới đem lại cho bà những thách thức mới:
Bà đi làm ở nhà máy vào ban ngày và tham gia vào lớp học ban đêm suốt mấy năm trời đằng đẵng. Mẹ bà thể hiện tình yêu với bà bằng cách duy nhất là ép buộc bà học như điên.
Đến năm 20 tuổi, Trương Hân bỏ trốn sang Anh, bắt đầu cuộc sống tự lập nơi xứ người chỉ với một niềm hy vọng được thay đổi cuộc đời. Và từ hai bàn tay trắng, với một nghị lực phi thường, bà đã trở thành sinh viên của Đại học Sussex, rồi tốt nghiệp thạc sĩ kinh tế đại học Cambrigde.
Sinh năm 1968 tại Bắc Kinh trong một gia đình trí thức cao cấp, nữ tỷ phú Dương Lan là một trường hợp hiếm hoi không trải qua tuổi thơ đầy sóng gió như các đàn chị Trương Lan và Trương Hân.
Tuy nhiên, bà cũng như hai nữ tỷ phú trên đã trải qua ấu thơ tại Trung Quốc nhưng đã lựa chọn con đường đi sang phương Tây để bắt đầu lập nghiệp.
Bà đã học thạc sĩ tại đại học Columbia ở Mỹ, và khi về nước đã trải qua khá nhiều thăng trầm để giờ đây trở thành bà chủ của tập đoàn truyền thông tư nhân lớn nhất Trung Quốc, đồng thời là một gương mặt dẫn chương trình nổi tiếng bởi sự duyên dáng và thông minh vượt bậc.
Và những cách dạy con của các bà mẹ "hổ"
Một điểm chung thật dễ dàng nhận thấy ở các nữ tỷ phú Trung Quốc này là họ có một vẻ bề ngoài hết sức ưa nhìn, xinh đẹp và trẻ trung hơn nhiều so với tuổi thực của họ, phong thái của họ thoải mái và gần gũi đến mức những người có cơ hội tiếp xúc đôi khi quên mất rằng người phụ nữ đối diện với mình là một nữ tỷ phú, và hơn thế, một nữ tỷ phú đi lên từ một tuổi thơ đầy gian khổ cay đắng.
Là phụ nữ, chúng ta không khỏi tự hỏi mình rằng những bà mẹ xinh đẹp và thành đạt này nuôi dạy con cái như thế nào? Câu trả lời là, mỗi người một cách, nhưng đây thực sự là những bà mẹ "hổ" chân chính trong chuyện dạy con.
Người phụ nữ thép Trương Lan đã nhường lại vị trí CEO cho cậu con trai Tiểu Phi, song bà vẫn có vai trò rất lớn không chỉ trong sự nghiệp mà cả trong cuộc sống của cậu.
Tiểu Phi được thừa hưởng ý chí mạnh mẽ của mẹ, cậu từng cho biết từ khi còn là một cậu bé, cậu đã có một tính cách rất người lớn, rất chín chắn. Vì thế, việc cha mẹ li hôn hầu như không ảnh hưởng gì đến cậu cả.
Khi còn đi học, nếu bị điểm kém, thì chuyện bị mắng hay "ăn roi" với Tiểu Phi là chuyện thường ngày ở huyện. Bà cũng luôn dạy con phải kiếm tiền bằng chính sức lao động của mình, ngay cả khi được sinh ra và lớn lên trong một gia đình tỷ phú.
Năm Tiểu Phi 14 tuổi, bà cho cậu sang Pháp học, nhưng tiền học phí do cậu tự trả bằng cách đi làm thêm. Và giờ đây, khi đã nhường vị trí đứng đầu công việc kinh doanh cho con trai, bà vẫn khẳng định rằng tài sản của cậu hoàn toàn do cậu tự kiếm được.
Trương Hân từng thừa nhận rằng, mặc dù bà có một mối thiện cảm vô bờ bến với thế giới phương Tây - nơi đã đem lại cho bà cơ hội học tập và đổi đời mà bà không thể có được tại quê hương.
Mặc dù chính lối suy nghĩ rất "Tây" của bà trong cuộc sống cũng như trong công việc là nguyên nhân quan trọng khiến cho bà xung đột và chia rẽ với chồng, song trong việc giáo dục hai cậu con trai, truyền thống phương Đông vẫn là nền tảng quan trọng mà bà không thể nào từ bỏ được.
Sau giờ học ở trường, bên cạnh những bài tập về nhà, bà mẹ Trương Hân bắt các cậu con trai phải dành ra hai tiếng mỗi ngày để luyện viết chữ tiếng Trung, và thời khóa biểu này luôn được bà thực hiện một cách nghiêm ngặt.
Bà cũng cho biết, khi các cậu con trai còn nhỏ, bà và chồng luôn chia sẻ một cách bình đẳng việc chăm sóc các con như cho uống sữa hay thay tã giữa đêm, song dường như mọi "luật lệ" với các con đều do bà đề ra và quyết định.
Với bà, đây là điều hết sức tự nhiên, bởi vì người mẹ mới là người quan tâm đến các con với từng chi tiết nhỏ. Trương Hân quyết định từ việc hai con trai sẽ ăn cái gì, mặc trang phục gì cho tới chuyện học hành.
Song khi hai cậu bé lớn hơn một chút, thì điều bà quan tâm nhất là làm sao bồi dưỡng cho các con một "nhân sinh quan" có tính mục đích rõ ràng, làm sao để chúng hiều được việc chúng được sinh ra và sống trên cõi đời này là điều hết sức có ý nghĩa, và mỗi con người đều cần làm cái gì đó để cuộc sống của mình trở nên không vô ích.
Bà cho rằng, chỉ cần có được nhân sinh quan đó, thì việc đứa trẻ sinh ra trong một gia đình giàu khó hay nghèo khổ, thuận lợi hay khó khăn không thể làm ảnh hưởng đến ý chí phấn đấu của chúng.
Một cách khéo léo, bà cũng tạo lập nên một mối quan hệ rất thành công giữa chồng và hai con trai. Bà cho biết, chồng và các con có một "Hội đọc sách" vào mỗi buổi tối, nơi "ba người đàn ông" có thể cùng đọc sách và chia sẻ với nhau những suy nghĩ xung quanh sách vở hay cuộc sống thường nhật.
Nữ MC Dương Lan không chỉ được các khán giả Trung Quốc yêu thích mà còn nhận được sự mến mộ của nhiều khán giả phương Tây, đặc biệt qua chương trình truyền hình TED. Thế nhưng, trong việc giáo dục con cái, bà tự nhận mình là người theo chủ nghĩa truyền thống.
Việc hiếu thuận với cha mẹ được bà hết sức coi trọng. Bà cho biết, bản thân bà là con gái một, và bà hiểu rằng sự gần gũi và hiếu thảo của mình quan trọng thế nào với họ.
Gia đình bà hiện nay vẫn sống theo kiểu "tam đại đồng đường", và bà thổ lộ rằng ước mơ lớn nhất của mình là được cùng chồng nuôi dưỡng hai người con, sống với nhau hòa thuận đến lúc đầu bạc răng long như bố mẹ bà đã sống.
Dương Lan và người chồng hiện tại đến với nhau sau khi cả hai đã trải qua một lần thất bại trong hôn nhân, trải qua 16 năm đồng cam cộng khổ bên nhau, giờ đây họ coi nhau không chỉ như người vợ, người chồng, người yêu, mà quan trọng hơn, là những người bạn thân thiết nhất.
Cả hai rất thống nhất với nhau trong việc giáo dục con cái: tạo những điều kiện tốt nhất cho con cái học tập, nhưng không có nghĩa là đặt toàn bộ kỳ vọng vào chúng. Bà và chồng cũng chia sẻ quan điểm rằng:
Trong hoàn cảnh Trung Quốc đang ngày càng phát triển, điều kiện sống tại các thành phố lớn ngày càng tốt hơn, và mỗi gia đình chỉ có một đứa con duy nhất, thì việc nuôi dạy đứa con trở thành một người biết hiếu thuận với ông bà và quan tâm đến người khác đích thực là một thách thức lớn lao. Bởi thế, nghiêm khắc với con cái đôi khi là điều khó tránh khỏi.
Xem ra, những nữ tỷ phú Trung Quốc vẫn là những tấm gương của việc kết hợp giữa truyền thống phương Đông và văn minh phương Tây trong việc dạy dỗ con cái. Và chúng ta có thể chờ đón những "thành quả" thực tế của họ trong một tương lai không xa - khi con cái họ rất có thể sẽ trở thành một thế hệ thành đạt mới của Trung Quốc.
- Quý Khanh