Chuyến đi sứ TQ độc nhất vô nhị của vua Quang Trung

06:30, Thứ hai 27/02/2012

( PHUNUTODAY ) - Quang Trung Hoàng đế là vị hoàng đế thứ hai của nhà Tây Sơn. Ông ở ngôi từ năm 1788 tới năm 1792 sau Thái Đức Hoàng đế Nguyễn Nhạc.

Người nổi tiếng) -Quang Trung Hoàng đế là vị hoàng đế thứ hai của nhà Tây Sơn. Ông ở ngôi từ năm 1788 tới năm 1792 sau Thái Đức Hoàng đế Nguyễn Nhạc. Năm 1790, nhà Thanh yêu cầu vua Quang Trung sang triều cận vua Thanh nhân bát tuần đại khánh (mừng thọ 80 tuổi). Tuy nhiên, một Quang Trung “giả” đã đi thay và tạo ra sự kiện ngoại giao “lạ lùng và vẻ vang” trong lịch sử ngoại giao của dân tộc ta.

Nguyễn Huệ còn có tên là Quang Bình, Văn Huệ hay Hồ Thơm, sinh năm 1753. Sau này, người dân địa phương thường gọi ông là Đức ông Bình hoặc Đức ông Tám. Lớn lên, ông cùng hai người anh em là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ được đưa đến thụ giáo cả văn lẫn võ với thầy Trương Văn Hiến.

Trương Văn Hiến là môn khách của Trương Văn Hạnh, còn Trương Văn Hạnh là thầy dạy của Nguyễn Phúc Luân - thân phụ của Nguyễn Ánh. Sau khi Trương Văn Hạnh bị quyền thần Trương Phúc Loan hãm hại, Trương Văn Hiến chạy vào Bình Định. Chính người thầy này đã phát hiện được khả năng của Nguyễn Huệ và khuyên ba anh em khởi nghĩa để xây dựng đại nghiệp.

Tương truyền câu sấm “Tây khởi nghĩa, Bắc thu công” là của Trương Văn Hiến. Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc và Nguyễn Lữ đều là những người rất giỏi võ nghệ và là những người khai sáng ra một số võ phái Bình Định.

Nguyễn Huệ khai sáng Yến phi quyền, Nguyễn Lữ sáng tạo Hùng kê quyền. Cả ba anh em Tây Sơn sáng tạo Độc lư thương. Tây Sơn tam kiệt có vai trò rất lớn cho sự hình thành, phát triển võ phái Tây Sơn Bình Định, là những đầu lĩnh sáng tạo, cải cách các bài quyền, bài binh khí để truyền dạy cho ba quân trong giai đoạn đầu khởi nghĩa.

Chiến thắng lịch sử của người anh hùng áo vải

Cuối năm 1788, mượn cớ Lê Chiêu Thống sang cầu xin viện binh, vua Thanh là Càn Long sai Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị chỉ huy 29 vạn quân Thanh hộ tống Lê Chiêu Thống về Đại Việt với danh nghĩa “phù Lê”, vào chiếm đóng Thăng Long.

 Nhận được tin này, quân Tây Sơn do Đại tư mã Ngô Văn Sở, theo mưu kế của Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích và các mưu thần khác, chủ động rút quân về đóng ở Tam Điệp - Biện Sơn, cố thủ chờ lệnh.

 Nghe tin báo, ngày 25 tháng 11 năm Mậu Thân, tức ngày 22 tháng 12 năm 1788, Nguyễn Huệ xuất quân tiến ra Bắc Hà. Để lấy danh nghĩa chính thống, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu Quang Trung.

Tương truyền, trước khi ra quân đánh quân Thanh, tại lễ đăng quang ở Phú Xuân, Nguyễn Huệ lập kế để động viên quân sĩ.

Sau lúc làm lễ, Quang Trung sai mang đến cái mâm, trên để các đồng tiền, có phủ vải điều, rồi tuyên bố với quân sĩ: “Ba quân hãy cùng ta quan sát. Nếu cả hai trăm đồng tiền này đều sấp, thì đó là điềm trời báo chúng ta đại thắng. Nhược bằng, có đồng ngửa, thì đó là đại sự của chúng ta có điều trắc trở”.

2
Vua Quang Trung


Nguyễn Huệ chắp tay khấn vái, đặng bưng mâm tiền, cung kính dâng lên cao, rồi hất tung xuống sân. Quân sĩ thấy các đồng tiền nhất loạt đều sấp, reo hò mừng rỡ, tin chắc trận ra Bắc sẽ thắng quân Thanh.

Kỳ thực, Nguyễn Huệ đã sai đúc 200 đồng tiền có cả 2 mặt đều là mặt sấp. Tuy nhiên, chính điều này đã giúp cho khí thế của quân ta tăng cao, góp phần tạo ra chiến thắng lịch sử của dân tộc.

Vào ngày 29 tháng 11 năm Mậu Thân, tức ngày 26 tháng 12 năm 1788, đại quân của Hoàng đế Quang Trung tới Nghệ An, dừng quân tại đó hơn 10 ngày để tuyển quân và củng cố lực lượng, nâng quân số lên tới 10 vạn. Mười vạn quân này được tổ chức thành 5 đạo quân: tiền, hậu, tả, hữu và trung quân.

Ngoài ra, đội quân của Quang Trung còn có một đội tượng binh gồm 200 voi chiến. Để khích lệ tinh thần và ý chí quyết chiến, quyết thắng của tướng sĩ đối với quân xâm lược Mãn Thanh, Quang Trung tổ chức lễ duyệt binh ngay tại Nghệ An. Ngay sau lễ duyệt binh, Quang Trung tiến quân ra Bắc Hà.

Về phía quân Thanh, Tôn Sĩ Nghị coi thường quân Tây Sơn. Tuy nhiên, sau nghe lời các tướng của Chiêu Thống thì có lo đôi phần, hẹn mồng 6 Tết ra quân đánh Tây Sơn.

 Ngày 20 tháng Chạp năm Mậu Thân tức ngày 15 tháng 1 năm 1789, đại quân của Quang Trung đã ra đến Tam Điệp. Sau khi xem xét tình hình, Quang Trung hẹn ba quân ngày mồng 7 Tết sẽ quét sạch quân Thanh, vào ăn Tết ở Thăng Long. Quang Trung chia quân làm 5 đạo.

Một cánh do đô đốc Long chỉ huy từ làng Nhân Mục tập kích đồn Khương Thượng và phía Tây Thăng Long. Cánh đô đốc Bảo tiến đánh các đồn phía Nam Thăng Long. Trung quân do đích thân Quang Trung chỉ huy, phối hợp với đô đốc Bảo đánh diệt các đồn phía Nam Thăng Long.

 Cánh đô đốc Tuyết và đô đốc Lộc theo đường biển ra Bắc, chặn đường lui của địch ở phía Bắc sông Nhị Hà và huyện Phượng Nhãn.

Đêm 30 tháng Chạp âm lịch, quân Tây Sơn đánh diệt đồn Gián Khẩu của các tướng Lê Chiêu Thống. Sau đó, Quang Trung đánh diệt các đồn Nguyệt Quyết, Nhật Tảo, dụ hàng được đồn Hà Hồi.

Đêm mồng 4 Tết, Quang Trung tiến đến trước đồn lớn nhất của quân Thanh là Ngọc Hồi nhưng dừng lại, chưa đánh khiến quân Thanh lo sợ, bị động, không dám đánh trước nhưng cũng không biết bị đánh lúc nào.

Trong khi đó, cánh quân của đô đốc Long bất ngờ tập kích đồn Khương Thượng khiến quân Thanh không kịp trở tay, hàng vạn lính bỏ mạng. Chủ tướng Sầm Nghi Đống tự vẫn. Xác quân Thanh chết xếp thành 13 gò đống lớn, có đa mọc um tùm nên gọi là gò Đống Đa.

Đô đốc Long tiến vào đánh phá quân địch phòng thủ ở Tây Long. Sáng mồng 5, Quang Trung mới cùng đô đốc Bảo tổng tấn công vào đồn Ngọc Hồi.

 Trước sức tấn công mãnh liệt của Tây Sơn, quân Thanh bị động, thua chết hàng vạn, phần lớn các tướng bị giết. Trong khi Quang Trung chưa đánh Ngọc Hồi thì Tôn Sĩ Nghị nghe tin đô đốc Long đánh vào Thăng Long, cuống cuồng sợ hãi, đã bỏ chạy trước.

Đến sông Nhị Hà, sợ quân Tây Sơn đuổi theo, Tôn Sĩ Nghị hạ lệnh cắt cầu khiến quân Thanh rơi xuống sông chết rất nhiều, làm dòng sông bị nghẽn dòng chảy.

Trên đường tháo chạy, Tôn Sĩ Nghị bị hai cánh quân Tây Sơn của đô đốc Tuyết và đô đốc Lộc chặn đánh, tơi tả chạy về.

Lê Chiêu Thống hớt hải chạy theo Tôn Sĩ Nghị thoát sang bên kia biên giới. Quân Tây Sơn đuổi theo và rao lên rằng sẽ đuổi qua biên giới đến khi bắt được Tôn Sĩ Nghị và Chiêu Thống mới thôi.

Bởi thế, dân Trung Quốc ở biên giới dắt nhau chạy làm cho suốt vài chục dặm không có người. Như vậy, sớm hơn dự kiến, chỉ trong vòng 6 ngày, quân Tây Sơn đã đánh tan quân Thanh. Trưa mồng 5 Tết, Quang Trung tiến vào thành Thăng Long trong sự chào đón của nhân dân.

Cốt yên bờ cõi và chuyến ngoại giao lạ lùng, đầy vẻ vang

Ngay sau chiến thắng Kỷ Dậu, Quang Trung vội trở lại Phú Xuân để lo việc diệt Nguyễn Ánh. Ông trao lại binh quyền cho Ngô Văn Sở và Ngô Thì Nhậm. Cũng sau đại thắng mùa xuân năm 1789, uy thế của triều đại Tây Sơn lên cao chưa từng thấy.

Tuy nhiên, như vua Quang Trung nhận định: “Chúng là nước lớn gấp mười nước ta, sau khi bị nhục một trận, ắt lấy làm thẹn mà lo báo thù. Như thế thì việc binh đao không bao giờ dứt, không phải là phúc cho dân” (theo “Hoàng Lê nhất thống chí”).

Tượng vua Quang Trung
Tượng vua Quang Trung


Để tránh một cuộc binh đao cho người dân có thể yên tâm sinh sống, đường lối ngoại giao của nhà Tây Sơn lựa chọn là khôn khéo, mềm dẻo, nhún nhường, linh hoạt. Nguyên tắc đặt ra là tránh những căng thẳng ngoại giao không cần thiết, có thể thỏa mãn những tiểu tiết nếu điều đó không ảnh hưởng đến chủ quyền dân tộc, lợi ích quốc gia.

Trong khi đó, về phía nhà Thanh, sau trận thua đau mùa xuân Kỷ Dậu, không khỏi hổ thẹn, nuôi chí phục thù.

Tuy nhiên, đối với các quan lại địa phương sát biên giới nước ta như Phúc Khang An, Thang Hùng Nghiệp… thì cũng lo sợ khi phải nghĩ đến những cuộc chiến tiếp theo do đã thấy được sức mạnh của quân Tây Sơn, nhất là khi bài học của Tôn Sĩ Nghị vẫn đang ở trước mắt. Lúc này, cả Tây Sơn và nhà Thanh đều nhận thấy một cuộc đối thoại sẽ tốt hơn là một cuộc chiến.

Tuy nhiên, vua Càn Long nhà Thanh vẫn lấy cái uy của nước lớn đặt ra là vua Quang Trung phải sang triều cận vua Thanh để tỏ ý “thần phục”. Đó cũng là cách mà vua Càn Long và triều đình nhà Thanh chữa thẹn trước trận thua đau đớn trước quân Tây Sơn.

Chính vì thế, theo phương lược vạch sẵn, với tài ngoại giao khéo léo của Ngô Thì Nhậm, Tây Sơn nhanh chóng bình thường hóa bang giao với phương Bắc.

Vua Càn Long nhà Thanh đã cho sứ giả sang Đại Việt phong vương cho Nguyễn Huệ. Sau đó, Hoàng đế Quang Trung giả đã sang triều kiến và dự lễ mừng thọ 80 tuổi của Càn Long.

Tháng 1 năm 1790, đoàn sứ bộ của Tây Sơn sang Trung Quốc để tham dự lễ mừng thọ của vua Thanh. Theo phương kế của Ngô Thì Nhậm, Quang Trung sai người đóng giả mình cầm đầu đoàn sứ.

 Phái đoàn sứ bộ gồm 150 người, trong đó có các quan văn võ cao cấp như Ngô Văn Sở, Đặng Văn Chân, Phan Huy Ích, Vũ Huy Tấn, Nguyễn Tiến Lộc... Các tài liệu ghi khác nhau về nhân vật đóng giả Quang Trung.

Theo “Hoàng Lê nhất thống chí” và “Việt Nam sử lược”, người đóng Nguyễn Huệ tên là Phạm Công Trị, cháu gọi Nguyễn Huệ bằng cậu. Nhưng theo “Đại Nam chính biên liệt truyện” thì người đóng giả Quang Trung là tướng Nguyễn Quang Thực, người Nghệ An.

Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều nghiên cứu nghiêng về việc Phạm Công Trị chính là người đóng giả vua Quang Trung trong chuyến sang nhà Thanh.

Mục đích của đoàn sứ đi lần này không chỉ là củng cố quan hệ bang giao, tăng cường nền hòa bình mà còn có ý thăm dò thái độ của nhà Thanh đối với vị vua lưu vong Chiêu Thống của nhà Lê.

Về việc Phạm Công Trị đóng giả vua Quang Trung thì theo như Quốc sử quán triều Nguyễn, đây đã là lần thứ hai. Vào tháng 10 năm 1789, vua Quang Trung cũng cho Phạm Công Trị đóng vai Quang Trung giả ra Thăng Long nhận sắc phong của vua Thanh.

Chuyện kể rằng, chuyến đi của đoàn sứ bộ diễn ra một cách thuận lợi. Tuy nhiên, khi mới đi hết địa phận Lưỡng Quảng thì Nguyễn Quang Thùy bị ốm, không đi tiếp được, phải về nước dưỡng bệnh. Trong số những người tháp tùng hoàng tử về nước dưỡng bệnh có Phạm Công Trị.

Điều này sứ đoàn ngoại giao của ta đã có tâu báo với vua Càn Long, và đích thân Càn Long đã ra chỉ dụ, trong đó viết: “Nguyễn Quang Thùy ít tuổi, người yếu, đi xa muôn dặm lại thêm phần khó nhọc, lũ Phúc Khang An cho phái bồi thần nước ấy là Đặng Văn Chân cùng cháu gọi vua nước ấy bằng cậu là Phạm Công Trị đi kèm để ra khỏi cửa quan, dặn phải điều trị cho khéo, điều đó là rất phải”.

Đây chính là điều làm nhiều nhà nghiên cứu thắc mắc, cho rằng Phạm Công Trị đã về nước theo Nguyễn Quang Thùy rồi, đâu còn ở lại trong đoàn mà đóng vai “vua giả”.

Tuy nhiên, sự việc này đã được kiến giải một cách hợp lí và qua đó thấy được cái tài của các nhà ngoại giao Tây Sơn. Việc cử “vua giả” sang chầu Càn Long vừa là một điều bắt buộc, vừa là một sự vạn bất đắc dĩ bởi nó là sự mạo hiểm chết người.

Nếu không thành công, nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thành quả ngoại giao của cả hai bên. Vì vậy, chuyến đi buộc phải được tính toán kĩ lưỡng. Do thời gian của chuyến đi kéo dài, lại phải trải qua nhiều địa điểm đón tiếp nên việc phạm phải những sơ suất mà từ đó chân tướng vua giả lộ ra là điều rất dễ mắc phải.

Bởi vậy, một kế sách cẩn trọng đã được những nhà ngoại giao Tây Sơn vạch ra. Mặc dù, nhà Thanh chỉ yêu cầu Quang Trung sang sứ. Tuy nhiên, chúng ta nhận thấy rằng trong đoàn đi sứ có cả Nguyễn Quang Thùy – con của vua Quang Trung.

Và chính Nguyễn Quang Thùy là người đảm trách nhiệm vụ thực hiện phương án hai nếu việc vua Quang Trung giả bị lộ. Tình huống cụ thể ở đây là Phạm Công Trị sẽ đóng vai Quang Trung, còn vai Phạm Công Trị lại được một người khác đóng thế.

Nếu Quang Trung giả (Phạm Công Trị đóng) bị phát hiện thì Phạm Công Trị sẽ phải đứng ra nhận mình chính là Phạm Công Trị. Vua Quang Trung lúc này sẽ cáo ốm và để con là Nguyễn Quang Thùy tiếp tục đi thay.

Lúc đó, một tờ biểu trần tình với nội dung (đại loại) sẽ được gửi đến vua Càn Long: Tiểu phiên (tức Quang Trung) vì không quen thủy thổ, bị ốm dọc đường, tình thế rất khẩn thiết, nay ủy cho con trai là Nguyễn Quang Thùy thay mặt Tiểu phiên đến chầu hầu Đại Hoàng đế.
 
Tiểu phiên lòng xiết bao sợ hãi, xin được xá tội... Và vua Quang Trung giả sẽ về nước. Người trong vai vua Quang Trung lại chính là người đã đóng Phạm Công Trị lúc trước.

Tuy nhiên, cũng rất may mắn rằng điều này đã không xảy ra trong chuyến đi sứ của quân Tây Sơn. Đoàn sứ bộ vượt biên giới Lạng Sơn vào ngày 13 tháng 4 năm 1790. Đầu tháng 5 thì đi hết địa phận Lưỡng Quảng. Sự việc diễn ra êm đẹp. Từ đây, khi đã vào sâu trong nội địa Trung Quốc thì mối lo bị lộ tẩy do các vong thần nhà Lê hay các thế lực thù địch với Tây Sơn không còn nữa.

Lúc này, việc Nguyễn Quang Thùy cần phải có để làm thay nhiệm vụ của Quang Trung giả lúc bị lộ không cần nữa nên Nguyễn Quang Thùy phải trở về nước. Nguyễn Quang Thùy vốn được phong tước Khang Công, đang lĩnh chức Tiết chế thủy bộ ở Bắc Thành nên còn nhiều việc phải làm.

Phạm Công Trị hoàn thành tốt vai Quang Trung giả, không có gì sơ suất nên người đóng vai Phạm Công Trị sẽ trở về cùng với Nguyễn Quang Thùy. Có thể thấy rằng, những nhà ngoại giao Tây Sơn thực sự tài năng khi thiết kế chuyến đi ngoại giao có một không hai với thực - giả lẫn lộn này.

Không những không bị lộ thân phận thật của vua Quang Trung, phái đoàn sứ bộ của ta cũng đã đạt được những thành công nhất định trong chuyến đi sứ nhà Thanh lần này. Sử sách ghi lại rằng, vua Càn Long đã tỏ ra rất trân trọng, chu đáo với Quang Trung giả. Trên đất Trung Quốc, phái đoàn đi đến đâu cũng được đón tiếp long trọng như là đón vua thật.

Khi phái đoàn của Quang Trung giả đến Nhiệt Hà để ra mắt Càn Long, vua Thanh đã tặng An Nam Quốc vương một viên ngọc Như ý, một tòa Ngọc phật, tặng cả đoàn một vạn lạng bạc, tặng Ngô Văn Sở một cái mũ san hô tam phẩm.

 Ngày 20 tháng 8 năm 1790, vua Thanh đặt tiệc tiễn Quang Trung về nước. Khi Quang Trung giả vào bệ kiến để từ biệt, Càn Long đã mời vào bên giường ngự và sai họa sĩ cung đình vẽ một bức chân dung Quang Trung để tặng.

Càn Long lại tự tay viết 4 chữ đại tự “Củng cực quy thành” (Chầu về sao Bắc đẩu với tất cả lòng trung thuận, thành thực).

Sách “Hoàng Lê nhất thống chí” ghi chép lại: “Khi Quốc vương tới Yên Kinh, vua Thanh mừng lắm, không hề biết là Quang Trung giả. Lúc Quốc vương vào yết kiến, vua Thanh cho ăn yến với các vị thân vương, lại ban ơn đặc biệt cho làm lễ ôm gối, hệt như tình cha con trong nhà.

Lúc Quốc vương lạy tạ về nước, vua Thanh sai thợ vẽ bức truyền thần mà ban cho, ân lễ rất trọng hậu, thực là một cách đối đãi khác thường từ ngàn xưa hiếm có”.

 Cũng theo “Đại thanh thực lục” thì số tiền nhà Thanh bỏ ra để chi tiêu vào việc đón tiếp Quang Trung trong suốt đợt đi sứ hết 80 vạn lạng

Nhận xét về chuyến đi sứ này, nhà thơ Đoàn Nguyễn Tuấn - một thành viên của sứ bộ - viết: “Từ trước đến nay, người mình đi sứ Trung Quốc chưa có lần nào lạ lùng và vẻ vang như thế”.

Tới tháng 11 năm 1790, đoàn sứ bộ trở về Thăng Long. Như vậy là từ mùa xuân 1789, đang là kẻ thù không đội trời chung thì hơn một năm sau, năm 1790, hai nước đã trở lại quan hệ hữu hảo với nhau. Đó chính là thành tựu ngoại giao mà triều đại Tây Sơn đã đạt được.

Theo các nhà nghiên cứu, phái bộ này đã có ảnh hưởng tới thái độ của nhà Thanh đối với Lê Chiêu Thống.

 Sang năm 1791, nhà Thanh sai phân tán các quan lại cũ của nhà Lê đi các nơi để tách biệt không liên lạc được với nhau và cô lập Lê Chiêu Thống. Bản thân Lê Chiêu Thống bị giam lỏng ở “Tây An Nam dinh” tại Yên Kinh và sau ốm mà chết yểu. Tuy nhiên, Quang Trung không chỉ muốn hòa hoãn với Càn Long mà còn muốn xuất quân đánh nhà Thanh.

Trước khi tính chuyện đánh Thanh, nhà vua cho quấy rối nội địa Trung Quốc bằng cách lợi dụng đảng “Thiên Địa Hội” khiêu khích người Thanh.

Các biên thần nhà Thanh như Phúc Khang An (mới thay Tôn Sĩ Nghị) tuy biết rõ Tây Sơn có bí mật nhúng tay, nhưng cũng chịu nhịn, cho qua chuyện. Ông cũng cầu hôn với công chúa Thanh và xin đất Lưỡng Quảng để thử ý vua Thanh. Dù vậy, ý định này không kịp trở thành hiện thực do cái chết đột ngột của ông.

Tương truyền, vào một buổi chiều đầu thu năm 1792, vua Quang Trung đang ngồi làm việc bỗng hoa mắt, tối sầm mặt mũi, mê man bất tỉnh. Khi tỉnh dậy, nhà vua cho triệu trấn thủ Nghệ An là Trần Quang Diệu về triều bàn việc thiên đô ra Phượng Hoàng Trung Đô.

Nhưng việc chưa quyết xong thì bệnh tình nhà vua đã nguy kịch. Trước khi mất, nhà vua đã căn dặn Trần Quang Diệu và các quần thần: “Ta mở mang bờ cõi, khai thác đất đai, có cả cõi Nam này. Nay đau ốm, tất không khỏi được.

Thái tử tư chất hơi cao, nhưng tuổi còn nhỏ. Ngoài thì có quân Gia Định là quốc thù, mà Thái Đức thì tuổi già, ham dật lạc, cầu yên tạm bợ, không toan tính cái lo về sau.

 Khi ta chết rồi, nội trong một tháng phải chôn cất, việc tang làm lao thảo thôi. Lũ ngươi nên hợp sức mà giúp Thái tử sớm thiên đô về Vĩnh Đô để khống chế thiên hạ. Bằng không, quân Gia Định kéo đến thì các ngươi không có chỗ chôn thân!”.

Ngày 29 tháng 7 năm Nhâm Tý, tức 16 tháng 9 năm 1792, vào khoảng 11 đến 12 giờ đêm, vua Quang Trung qua đời. Ông tại ngôi được 4 năm, hưởng thọ 40 tuổi, miếu hiệu là Thái Tổ Vũ Hoàng đế.

Thời điểm mất của vua Quang Trung được các tài liệu cổ ghi khác nhau. Sách “Đại Nam thực lục” của nhà Nguyễn ghi ông mất tháng 7 âm lịch năm 1792, “Hoàng Lê nhất thống chí” ghi ông mất tháng 8 âm lịch năm 1792.

 Theo lý giải của Hoàng Xuân Hãn trong “La Sơn phu tử”, cả hai sách ghi đều không sai. Quang Trung mất vào khoảng 11 giờ đêm ngày 29 tháng 7 âm lịch, khoảng đó là giờ Tý, nghĩa là bắt đầu được tính sang hôm sau. Mà tháng 7 năm đó là tháng thiếu, ngày 29 là ngày cuối tháng, nên sau 11 giờ đêm đã chuyển sang tháng 8.

Theo Hoàng Xuân Hãn: “Ghi tháng 7 hay tháng 8 thực ra chỉ chênh nhau khoảng nửa giờ”. Sau khi vua Quang Trung mất, Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân đã viết bài “Tế vua Quang Trung” và bài “Ai Tư Vãn” để bày tỏ nỗi đau khổ và tiếc thương cho người chồng anh hùng sớm ra đi.

Hùng Hoàng
[links()]

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc