Mỗi khi Tess và Quinton cần đồ ăn, họ không đến siêu thị hay tiệm tạp hóa, cũng không gõ cửa nhà dân xin đồ hay ăn xin ngoài phố mà đến các bãi để rác. Đi học về, lúc trời tối, hai chàng trai mang đèn pin, mặc trên người bộ đồ cũ, chân đi ủng cao su lao nhanh đến các thùng rác đặt ngoài siêu thị, kiếm những thứ đồ còn dùng được từ quần áo, giày dép cho đến đồ ăn, trái cây... dù chúng có hơi bị trầy xước, hay thậm chí chảy nước…
Cả người nghèo và triệu phú cũng đi nhặt rác
Trong bối cảnh giá lương thực - thực phẩm trên thế giới ngày càng đắt đỏ, tại một số quốc gia hiện dấy lên phong trào “Sống bằng rác thải” (Freegan) nhằm triệt để tận dụng thức ăn bị bỏ đi.
Tess Campbell, 19 tuổi và Quinton Gardiner, 20 tuổi là 2 sinh viên vô gia cư nổi tiếng ở trường đại học tiểu bang Tasmania. Họ biết đến là những sinh viên vượt khó, chăm ngoan, học hỏi. Đặc biệt, Tess và Quinton được mệnh danh là có đời sống “siêu tiết kiệm”. Hàng ngày họ không mất một đồng ăn uống, đồ dùng sinh hoạt. Thức ăn hai cậu lấy từ các… bãi rác.
Mỗi khi Tess và Quinton cần đồ ăn, họ không đến siêu thị hay tiệm tạp hóa, cũng không gõ cửa nhà dân xin đồ hay ăn xin ngoài phố mà đến các bãi rác.
Đi học về, lúc trời tối, hai chàng trai mang đèn pin, mặc trên người bộ đồ cũ, chân đi ủng cao su lao nhanh đến các thùng rác đặt ngoài siêu thị, kiếm những thứ đồ còn dùng được từ quần áo, giày dép cho đến đồ ăn, trái cây... dù chúng có hơi bị trầy xước, hay thậm chí... chảy nước.
Tess và Quinton vô cùng hào hứng trước những vật phẩm thu nhặt được. Thứ thì để ăn ngon lành, thứ thì dùng trong sinh hoạt hàng ngày khá thuận tiện.
Phái viên báo The Mercury ghi nhận, trong một tuần kiếm ăn dưới màn đêm tĩnh lặng, 2 sinh viên Tess và Quinton tìm được 3 hộp xoài, 16 kg cherry, 4 chai rượu chát, 2 thùng chip khoai tây và 25 thỏi chocolate.
Phần lớn thực phẩm họ tìm thấy chỉ bị trầy xước một chút, hay bao gói bị nhăn nheo, rách vài lỗ, nhưng tất cả vẫn ăn được, thậm chí là ngon và đầy đủ. “Thật là rất phí khi người ta bỏ đồ còn dùng được vào thùng rác”, Quinton Gardiner nói.
“Nhiều người sẽ vô cùng ngạc nhiên, có thể là sốc khi thấy chúng tôi moi được hàng hóa khá tốt từ nơi chứa đồ bỏ đi. Xã hội Úc giàu quá nên người ta lãng phí chăng? Chúng tôi muốn sống tiết kiệm, tận dụng những gì còn dùng được”, anh cho biết thêm.
Quinton Gardiner hồ hởi với nhưng thứ nhặt được |
Nổi tiếng thế giới về lối sống tiết kiệm là người Đức. Họ kêu gọi sử dụng triệt để thức ăn bị loại bỏ ở các siêu thị, nhà hàng hoặc sử dụng đồ ăn người khác bỏ đi, nhằm phản đối việc tiêu thụ thực phẩm lãng phí.
Phía sau một cửa hàng tạp phẩm tại thủ đô Berlin, cô Tina, 21 tuổi, khi đổ trái cây thối vào thùng rác đã nhìn thấy một quả táo với hai vết bầm nhỏ.
Lập tức, Tina cho vào ba lô và một lát sau đó thì ăn ngon lành. Tina cho biết, nhiều người nghèo khổ sống được nhờ rác thải, trong đó cô có biết một trường hợp thương tâm nhất.
Đó là câu chuyện cảm động về một ông bố bị bệnh tâm thần nhặt thức ăn thừa nuôi đứa con gái lên 4 tuổi. Hàng ngày, người đàn ông này ăn mặc rách rưới, đi quanh các ngóc ngách bới rác tìm thức ăn thừa.
Hai cha con vẫn lang thang đầu đường xó chợ và sống nhờ vào thức ăn thừa mà người bố bới được trong những thùng rác. Bản thân Tina cũng nhiều lần thu nhặt đồ thừa ở các thùng rác mang tới cho hai cha con ông ấy khi người cha bị ốm.
Ở Pháp cũng có phong trào “Freegan”. Dù không thiếu thốn thứ gì nhưng tối nào, bà Monique, 55 tuổi, một viên chức về hưu, cũng đến mót đồ trong các thùng rác của một cửa hàng lớn bán sản phẩm sinh học ở quận 12 của Paris.
Bà phát hiện ra siêu thị này ngày nào cũng vứt nhiều loại thực phẩm như bánh mì, sữa chua, sushi... mà phần lớn gần hết hạn sử dụng.
“Trước khi vứt những sản phẩm sắp hết hạn sử dụng này ra thùng rác, tại sao các ông bà chủ cửa hàng không có động thái “khuyến mại” kiểu như hạ giá sản phẩm? Việc làm này có thể giúp những người sống lang thang trong khu phố có cái ăn.
Và trước khi các siêu thị này tưới xăng hay nước tẩy javel trên các thùng rác, những người như tôi có thể tranh thủ thu nhặt đồ ăn được” - bà Monnique bày tỏ.
Ở tỉnh Essonne gần Paris, mỗi ngày, khoảng trước 9h sáng, nhiều người đến lục lọi các thùng rác một siêu thị gần đó, rồi mang các hộp xà lách, các bó tỏi tây hay một vài con cá bỏ vào cốp sau xe ôtô.
Một người về hưu cho biết, ông đến lấy bởi vì thấy tiếc khi có quá nhiều thực phẩm còn tươi bị vứt bỏ.
“Đồ bán tại siêu thị khá đắt. Một phần người tiêu dùng trả giá cao để siêu thị trưng đồ ngon, loại bỏ bớt hàng không đạt chất lượng. Do vậy một số thứ bị thải ra thùng rác dù chúng là những món đồ rất khá, thương hiệu nổi tiếng” - ông này cho biết.
Pierrick Goujon, một người sống gần thành phố Rennes (vùng Bretagne, Pháp), cho biết: “Các tiệm thức ăn nhanh cũng vứt rất nhiều: hàng lô cà chua đã thái thành lát, phomát, bánh mì gối”.
Anh chàng 27 tuổi này tuyên bố mình là “người sống bằng chất thải”. Năm 2006, Pierrick lập ra trang web “Freegan.fr” và phân phối các thứ mà anh mót được cho những người vô gia cư.
Phong trào “Sống bằng rác thải”
Họ là thành viên của Freegan, phong trào dùng đồ thừa trong xã hội, những thứ của ai đó dùng không hết, hoặc bị loại bỏ do phẩm chất không đảm bảo cho tiêu dùng qua kênh phân phối chính thức.
“Freegan” là từ ghép của “free” (miễn phí) và “vegan” (người ăn chay), một phong trào ăn chay ở Mỹ vào những năm 1980, tố cáo sự phung phí thực phẩm một cách thái quá.
Chiếc bánh mỳ ngon tuyệt được vất trong thùng rác |
“Freegan” cũng bắt nguồn từ “Thức ăn không phải là bom”, một tổ chức quốc tế quyên góp thức ăn thừa cho người vô gia cư.
Không chỉ vậy, những người “Sống bằng rác thải” này cũng tìm những bộ quần áo cũ hay vật dụng gia đình bị bỏ đi để tái sử dụng.
Tham gia phong trào “Freegan” không hẳn là người nghèo hay vô gia cư, họ hầu như đều xuất thân từ tầng lớp trung lưu trong xã hội có công việc ổn định như quản lý nhà hàng, khách sạn, kỹ thuật viên, giáo viên…, thậm chí có người là triệu phú.
Lối sống an toàn?
Liệu thực phẩm bỏ đi có an toàn cho thành viên Freegan tiêu thụ hay không? Theo giải thích của Quinton, hiếm khi anh gặp thực phẩm ôi thiu, vì chúng nằm trong thùng rác chưa lâu đã có người nhanh chân đến lấy rồi.
Tuy nhiên, Quinton cũng cho biết đi kiếm đồ ăn ở những bãi rác cũng cần phải có kinh nghiệm, lựa chọn cẩn thận: “Thống kê về ngộ độc thực phẩm cho thấy thịt là nguyên nhân chủ yếu gây bệnh. Nếu ai đó chỉ lấy rau, quả hoặc là người ăn chay thì hiếm khi bị ngộ độc”.
Phát ngôn viên của phong trào Freegan, Adam Weissman cho biết, bản thân ông không ngượng ngùng với hành động kiếm đồ ăn từ thùng rác.
Hay ai đó đánh đồng những thành viên của Freegan là những người hà tiện đến bủn xỉn, không dám bỏ tiền mua đồ ăn là hoàn toàn sai lầm. Theo ông, phong trào dùng đồ thừa là hành động bắt buộc nếu muốn cứu trái đất.
“Toàn cầu hiện có 900 triệu người sống trong cảnh thiếu ăn. Trong khi đó, khủng hoảng sinh thái một cách trầm trọng do con người khai thác tài nguyên quá mức. Hành động tham lam như vậy rõ ràng đe dọa đến tương lai của trái đất”, Weissman nói với ABC.
Mỗi ngày, thành viên của đội quân sống bằng đồ thừa tại Hobart và Launceston (Tasmania) lục lọi thùng rác của siêu thị, tiệm bánh mì, cửa hàng tạp hóa, thậm chí cả cửa hàng điện tử để tìm thực phẩm, quần áo, đồ gia dụng, đồ điện, những thứ bỏ đi nhưng còn ăn được, mặc vừa và dùng được.
Ngoài việc tiết kiệm tiền, những người theo chủ nghĩa xài đồ thừa nói rằng việc làm của họ là cách giảm bớt lượng rác thải, nhắc nhở mọi người sự lãng phí rất lớn của xã hội tiêu thụ.
Một số người kinh ngạc trước lối sống của những người theo chủ nghĩa chống tiêu thụ. Nhiều điện thư gửi về các tòa soạn báo chỉ trích lối sống phóng túng, bất cẩn, bất chấp tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm, vốn khá nghiêm ngặt như Úc, Đức, Pháp.
Hai thành viên của Freegan đang tìm kiếm thức ăn trong rác |
Một bộ phận người dân tỏ ra hết sức quan ngại về ngộ độc thực phẩm: Dưới sức nóng mùa hè, đồ ăn thải ra thùng rác có bị hư thối, hủy hoại hay không? Rồi còn gián và chuột kéo đến để tìm đồ ăn tại thùng rác nữa.
Mickey Flanagan, nhân viên một siêu thị tại Hobart, cho rằng “mấy tay gàn dở, ăn đồ thừa” mà báo chí nói đến sẽ không dám đụng đến thùng rác của siêu thị nếu họ biết nguyên nhân tại sao siêu thị thải đồ.
Một số đồ thải vẫn có thể ăn được, Mickey thừa nhận, tuy nhiên không ai dại dột mạo hiểm sức khỏe của mình với đồ thải từ siêu thị.
Và cũng có một số ý kiến chỉ trích những người sống bằng rác thải (nhất là bộ phận thanh thiếu niên trẻ khỏe) là những kẻ ăn bám xã hội.
Freegan - lối sống chống bão giá
Dù bị chê bôi hay phản đối, việc làm “cứu môi trường, giảm bớt chủ nghĩa tiêu thụ” của những thành viên “Freegan” cũng được nhiều người tán đồng và hậu thuẫn.
“Vật giá cứ đắt đỏ hơn, đồ thải ra vẫn ngập thùng rác, chỉ vì quá hạn, trầy xước nhẹ. Hãy tự hào với hành động tiết kiệm này” - Jake Mulligan từ Launceston trấn an mọi người về sức khỏe của dân ăn đồ thải bằng việc dẫn chứng một phụ nữ tại Launceston lượm đồ thùng rác từ nhiều năm nay và vẫn khỏe mạnh.
Ngoài tiết kiệm tiền, những người theo chủ nghĩa dùng đồ thừa nói rằng việc làm của họ là cách giảm lượng rác thải, nhắc nhở mọi người sự lãng phí của xã hội tiêu thụ.
Hoạt động của các “Freegan” đã nhận được sự ủng hộ từ nhiều tổ chức, như tổ chức từ thiện Welthhungerhife (Đức), Quỹ Bảo vệ thiên nhiên quốc tế...
Mới đây, nhà làm phim Valentin Thurn đã cho ra mắt bộ phim tài liệu nói về những “Freegan” có tiêu đề “Thưởng thức và hoang phí”. Bộ phim đã được trình chiếu tại Liên hoan phim quốc tế Berlin.
- Thiên Quân
[links()]