Chuyện đời của người vợ lính đảo Trường Sa (Kỳ 1)

09:39, Thứ năm 26/01/2012

( PHUNUTODAY ) - Chị Nguyễn Thị Chỉnh thầm thì nhắc nhớ về một thời không thể nào quên của cuộc đời, một cuộc đời được làm vợ người lính đảo kiên cường, cuộc đời làm mẹ tảo tần của những đứa con hiếu thuận.

(Phunutoday) - Trong ánh nắng chiều bảng lảng xiên qua khe cửa, gian phòng thờ nghi ngút khói hương kỉ niệm ngày mất của chồng, người đàn bà lặng lẽ thì thầm những lời trò chuyện với người chồng đã đi về phía bên kia thế giới.
 
Đôi mắt chị nheo lại, rơm rớm, khắc khoải màu của hoài niệm nhớ về những ngày chạy vào quá vãng, bàn tay gầy guộc lật giở những tấm ảnh ố vàng quẩn quanh kỉ niệm, giọng kể đều đều với chất giọng rất đặc trưng của vùng quê Tứ Xã, Lâm Thao, Phú Thọ, chị Nguyễn Thị Chỉnh thầm thì nhắc nhớ về một thời không thể nào quên của cuộc đời, một cuộc đời được làm vợ người lính đảo kiên cường, cuộc đời làm mẹ tảo tần của những đứa con hiếu thuận.                                                 
 Có những ai kinh qua sinh tử mới hiểu được giá trị thiêng liêng của giây phút gặp gỡ người thân trong ngày trở lại.
Có những ai kinh qua sinh tử mới hiểu được giá trị thiêng liêng của giây phút gặp gỡ người thân trong ngày trở lại. (Vợ chồng chị Chỉnh, anh Quang).
Người chồng lính đảo bước qua ranh giới sinh - tử
 
Đến huyện Tứ Xã, Lâm Thao, hỏi tới nhà chị Nguyễn Thị Chỉnh, không mấy ai không biết tới. Người phụ nữ có vóc hình nhỏ bé, gầy guộc này thật thà: “Đã có lúc, tôi tưởng như ngã gục trước hoàn cảnh, tự hỏi sao ông trời nghiệt ngã với cuộc đời mình”, nhưng bằng ý chí, nghị lực, tình yêu của một người vợ, một người mẹ, chị đã trụ vững cho tới ngày hôm nay, thay chồng phụng dưỡng mẹ già, nuôi dạy 4 người con ngoan ngoãn, khôn lớn, trưởng thành. Cuộc đời ấy đã giành được thêm nhiều phúc phận và trái ngọt.
 
Nhưng, cõi lòng chị luôn canh cánh một điều: “Giá như anh ấy (anh Khổng Ngọc Quang - chồng chị Nguyễn Thị Chính - PV) có thể sống với mẹ con tôi, chứng kiến các con nên người thành đạt, hưởng một chút ấm no của cuộc sống mới thì hạnh phúc biết bao. Đằng này…”. Nói tới đây, đôi mắt chị rơm rớm lệ.
 
Trong những ngày này, báo đài tấp nập đưa tin về chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa, lòng chị chợt dâng lên những cảm xúc tha thiết thật khó tả. Bởi lẽ, chồng chị cũng từng là lính đảo, cũng từng tham gia vào trận chiến khốc liệt ngày 14/3/1988 chống Hải quân Trung Quốc xâm lược biển đảo Việt Nam. May mắn trở về sau trận chiến khốc liệt, có cơ hội đoàn tụ gia đình, gặp gỡ vợ và con thơ, đó là hạnh phúc tuyệt vời của người lính đảo.
 
Chị bồi hồi nhớ lại: “Năm 1981, tôi và anh Quang kết hôn, cưới được 3 ngày, anh nhận được lệnh ra đảo Trường Sa. Mới về làm vợ được 3 ngày, bao nhiêu bỡ ngỡ, lạ lẫm còn chưa kịp thích nghi, người thân yêu, gần gũi nhất với mình phải lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc. Vợ chồng tôi bịn rịn chia tay, khi đi anh chỉ kịp rặn một lời ngắn ngủi: “Anh sẽ sớm trở về”.
 
Tính ra 10 năm, anh sống cùng sóng gió Trường Sa, từ năm 1981 tới năm 1991, vợ chồng tôi chẳng có mấy thời gian gắn bó. Sự xa cách, ly biệt trong thời bình có đôi lúc khiến tôi chạnh lòng, tủi thân, nhưng đã là trách nhiệm, là tình yêu đối với Tổ quốc, bản thân người trong cuộc đã xác định một tư tưởng về sự hy sinh và lập trường kiên định.
 
Đi biền biệt hàng năm trời, có kỳ phép anh ở lâu nhất cùng mẹ con tôi là vào đợt cuối năm 1987, khi ấy đang là mùa đông rét mướt. Nhìn cảnh vợ trẻ, con thơ nheo nhóc, co ro trong ngôi nhà bé tí tẹo, lụp xụp, trống hoác ngước lên mái nhà có thể đếm cả trăng sao, anh Quang thương xót quá, quyết định cất ngôi nhà mới. Hồi đó nghèo lắm, tiền đâu mà thuê thợ về làm, anh cùng tôi đêm đi gánh đất, ngày nung gạch và tự xây nhà, túc tắc qua ngày.
 
Ngôi nhà vội vã hoàn tất trong thời gian ngắn, lập tức anh trở lại đơn vị. Lúc đó, anh đang là Thượng úy, Thuyền phó chính trị viên tàu HQ-605 thuộc lữ đoàn 125. “Ngày 14/3/1988, mẹ con tôi đang quây quần trong nhà, cả ngày nghe đài Tiếng nói Việt Nam đọc bản tin báo, các tàu vận tải cùng bộ đội của ta đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ đảo Cô Lin, Gạc ma và Len Đao thì các tàu chiến của Trung Quốc lao ngang ngược và bất chấp luật pháp Quốc tế. Họ đã dùng pháo lớn bắn vào các tàu HQ-605 ở đảo Len Đao, HQ-604 ở đảo Gạc Ma và HQ-505 ở đảo Cô Lin; cho quân đổ bộ lên đảo Gạc Ma cướp cờ Việt Nam và nổ súng vào bộ đội, gây cho chúng ta nhiều tổn thất.
 
Cả nhà tôi hốt hoảng và đau xót nghe được tin báo những tổn thất của chiến sĩ ta, lại thấy cả tàu HQ-605 xuất hiện trong bản tin báo, ai cũng đinh ninh anh Quang lâm vào thế “lành ít dữ nhiều”.  Vốn là người cả nghĩ, bao nhiêu lo lắng, bất an về an nguy của chồng dội về, nhìn cô con gái mới 5 tuổi đầu ngơ ngác không hiểu vì sao mẹ khóc, tôi như đứt từng khúc ruột.
 
Ngày qua ngày ngóng tin báo đài, hy vọng kiếm tìm được một chút thông tin ít ỏi về anh và đồng đội. Bận con dại, hơn nữa lại bụng mang dạ chửa, bố mẹ chồng già yếu lấy ai săn sóc, tôi không thể vào Khánh Hòa tìm tới đơn vị anh, ông bác tôi đã lặn lội vào trong đó tìm dấu vết anh, nhưng vẫn bặt vô âm tín. Bác trở về nói với mẹ con tôi rằng anh Quang có lẽ đã hy sinh cùng đồng đội, anh đã hóa thân thành sóng nước để bảo vệ biển đảo quê hương. Những ngày sau đó, tôi chỉ biết khóc, nhìn con gái nheo nhóc còn nhỏ dại, đưa tay lên bụng thương cảm cho đứa trẻ chưa được biết mặt cha”.
 
Hai tháng sau đó, chị nhận được một bức thư nhỏ nội dung ngắn gọn vài dòng: “Anh còn sống, mẹ con em đừng lo lắng”, nhưng chữ viết và chữ kí ở cuối bức thư không phải bút tích của chồng. Chị nghĩ thầm trong bụng, có lẽ đồng đội tốt bụng nào đó thương cảm cảnh ngộ vợ góa con côi của anh Quang nên viết vài dòng thư nhằm động viên mẹ con chị vượt qua cú sốc tinh thần này.
 
7 năm làm vợ anh, cũng là ngần ấy năm vợ chồng xa cách, chỉ có thể tâm sự, chuyện trò qua những cánh thư. Nét chữ thân thuộc, vội vã của chồng, chị đã thuộc lòng trong tiềm thức. Nay một lá thư với nét chữ lạ hoắc từ đâu gửi đến, chị không dám tin phép màu nhiệm hiện lên. Thế nhưng, phép màu nhiệm đã xuất hiện khiến người phụ nữ nông quê ấy nuôi hi vọng về sự trở về của chồng.
 
Mười ngày sau khi nhận được lá thư nhỏ không phải bút tích của chồng, chị nhận thêm được một lá thư nữa. Lá thứ là một mẩu giấy nhỏ bằng lòng bàn tay bằng giấy cuốn thuốc lá, nét chữ viết bằng bút chì xiêu vẹo, vội vàng với nội dung ngắn gọn: “Anh vẫn khỏe, mẹ con em yên tâm. Anh sẽ sớm trở về với mẹ con em”.
 
Nhận ra đúng bút tích và chữ kí cuối thư là của chồng, chị ôm các con bật khóc vì hạnh phúc. Suốt mấy đêm liền, chị không ngủ được, tưởng tượng ngày anh trở về đoàn tụ cùng gia đình, chị sẽ kể cho anh nghe những nhớ mong, thao thức và cả nỗi sợ hãi vì ngỡ anh đã đi xa. Sau này, anh Quang kể lại cho vợ nghe, anh cũng không thể ngờ mình còn sống sót trở về, bởi trận chiến ấy quá khốc liệt, nhiều chiến sĩ, đồng đội của anh ngã xuống, máu và tuổi trẻ của họ hòa vào cùng sóng nước thân yêu.
 
Có những chàng trai tuổi đời 20 phơi phới, còn dang dở lời thề hẹn với người yêu, với vợ con và cha mẹ già nơi đất liền. Khi tàu HQ-605 của anh bị tấn công, chiếc tàu vỡ tan, anh may mắn bám được vào một mảnh gỗ nổi và bám trụ vào nó suốt 2 ngày. Vốn là một người đàn ông mạnh khỏe, sức vóc dẻo dai, anh đã bơi vào bờ trong vòng tay đồng đội, khi ấy toàn thân phù nề, nhăn nhúm vì suốt 2 ngày dầm thân nơi nước biển mặn chát.
 
Về tới đảo, anh cũng không thể trở về nhà ngay vì cấp trên ra lệnh anh cùng những anh em còn lại ở lại đảo, chờ đợi tàu cứu hộ trục vớt những con tàu bị bắn phá. Chị còn nhớ như in gương mặt chồng khi đó, đôi mắt anh xa xăm lênh đênh sóng biển, nén tiếng thở dài thương tiếc cho những tuổi 20 đã ngã xuống vì biển đảo, vì chủ quyền dân tộc.
 
Ngày anh trở về thăm lại mẹ con chị sau 2 tháng mất tích, lúc anh xuất hiện sừng sững giữa sân, chị ngỡ ngàng, sờ sững không dám tin là sự thật. Vóc dáng ấy là của anh. Đôi mắt ấy là của anh. Nhưng anh gầy, hốc hác và đặc biệt khuôn mặt trùm kín bởi râu ria xồm xoàm, đến độ cô con gái 5 tuổi còn khóc thét, sợ hãi không nhận ra bố.
 
Có những ai kinh qua sinh tử mới hiểu được giá trị thiêng liêng của giây phút gặp gỡ người thân trong ngày trở lại. Vợ chồng chị đứng giữa sân, chị nắm chặt bàn tay anh, niềm hạnh phúc xen lẫn nỗi ngậm ngùi không sao tả xiết. Sau đợt thăm nhà gấp gáp ấy, anh trở lại đơn vị, cùng lúc ở nhà, chị trở dạ và sinh đôi vào cuối năm 1988.
 
Năm 1990, anh được cử học lớp trung cấp chính trị ở Hà Đông, là khoảng thời gian anh được trở về thăm vợ con thường xuyên hơn cả. Thời buổi ngày ấy, khó khăn chồng chất khó khăn. Làm lụng nhiều đến mức người chị gầy nhẳng, sữa không đủ cho con, hai cô con gái phải uống nước cơm hòa lẫn chút đường thay sữa, còn bản thân chị ăn cơm với tỏi hấp ngày qua ngày đến mức mặt se mày xém vì thiếu chất. Song có một điều, chị chưa bao giờ kể với chồng về những khó khăn đó.
 
Chị kể cho anh nghe về những đứa con ngoan ngoãn, chăm chỉ, biết giúp đỡ và nghe lời ông bà, mẹ, còn anh là những câu chuyện không bao giờ cũ và hết thú vị về những người chiến sĩ của Trường Sa, về tình đồng đội, về tình yêu biển đảo của họ.
 
)
  • Thảo Miên

 

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc