Chuyện đời của người vợ lính đảo Trường Sa (Kỳ 2)

08:22, Thứ sáu 27/01/2012

( PHUNUTODAY ) - Trong ánh nắng chiều bảng lảng xiên qua khe cửa, gian phòng thờ nghi ngút khói hương kỉ niệm ngày mất của chồng, người đàn bà lặng lẽ thì thầm những lời trò chuyện với người chồng đã đi về phía bên kia thế giới.

(Phunutoday) - Đoàn viên và cuộc chia ly lớn lao nhất cuộc đời - Kể về chuyện tình yêu của mình, chị mỉm cười lặng lẽ, bảo cũng giống như rất nhiều chàng trai, cô gái thôn quê ngày trước, từ yêu đến cưới không kéo dài. Trước học cùng trường cấp 3, sau đó anh học trường Sĩ quan Hải quân còn chị ở nhà đồng áng giúp đỡ gia đình.

Nguyễn Thị Chỉnh
Chị Nguyễn Thị Chỉnh
Ban đầu, chị ngỡ tưởng người anh yêu là chị họ mình nên lúc nào cũng hồn nhiên, vô tư coi anh như anh trai. Vả lại, hồi ấy, chị chẳng mấy thiện cảm với anh, chỉ vì anh là “trai đồng xuôi”. Người thôn chị kháo nhau, “trai đồng xuôi” lắm điều, tóc mách ghê gớm lắm, nên chị có phần dè chừng, e ngại. Nào ngờ, anh đi học trong Khánh Hòa, viết thư về cho chị, bày tỏ tâm tình, chị mới biết anh dành tình cảm cho mình.
 
Tiếp xúc, trò chuyện vài lần trong những dịp anh về thăm quê, những ấn tượng về "cái dớp” của “trai đồng xuôi” hoàn toàn bị phá vỡ. Điềm đạm, có phần ít nói và đặc biệt hiền lành, sâu sắc, chị tin anh chính là một nửa dành cho mình. Chẳng vậy, yêu nhau được hơn 3 tháng, chị theo anh về làm vợ, làm dâu. Hành trang về làm dâu chẳng có gì ngoài hai bộ quần áo bạc màu và chiếc nón cắp theo tay.
 
Cô dâu chưa từng mặc váy cưới, thậm chí không quần áo tươm tất trong ngày cưới, nhưng điều ấy chẳng khiến chị chạnh lòng, bởi chỉ cần được ở bên cạnh anh, làm vợ anh và là người phụ nữ được anh yêu thương, tin tưởng đã là hạnh phúc.
 
Trong những năm tháng anh đi công tác xa nhà, chị ở nhà nuôi con gái đầu lòng và chăm sóc cha mẹ chồng. Bên cạnh đó, chị Chỉnh còn không ngừng tham gia các phong trào, hoạt động đoàn thể ở địa phương. Người phụ nữ hăng hái, không ngại khó, ngại khổ được bà con yêu mến, nhưng cũng từ đây, điều tiếng về chị bắt đầu châm ngòi.
 
Người ta bảo chị là gái không chính chuyên, lợi dụng chồng vắng nhà để tơ tình bên ngoài. Đau khổ hơn, người nhà chị cũng không tin tưởng chị mà tin vào miệng lưỡi thế gian. Chị bảo, đó là những năm tháng nặng nề nhất cuộc đời, hễ đi đâu, làm gì cũng được vắt theo một cái nhìn ngờ vực, dè bỉu, nhưng chị không hề giải thích nửa câu, chỉ cặm cụi làm ăn cần mẫn như con ong, cái kiến. Sau này anh về, chưa kịp để chị tâm sự với chồng, tiếng oan đã tới tai anh.
 
Trái với cách cư xử thông thường, nóng vội của những người đàn ông bị chụp sừng lên đầu, anh ôn tồn lắng nghe những lời giãi bày của vợ. Và quan trọng hơn cả, anh tin vào người phụ nữ anh chọn làm vợ. Nhiều năm sau đó, những người từng hiểu lầm chị, từng gây tổn thương cho chị cũng phải chấp nhận sự thật, rằng tấm lòng trinh bạch ấy chẳng tì gợn một chút bụi trần ai. Cho đến sau này, chị vẫn thầm cảm tạ anh Quang, chồng chị, người đã tin tưởng và rửa tiếng xấu cho chị bằng một tình yêu, tình thương sau trước.
 
Chồng ra đảo, một mình chị ở nhà cáng đáng chuyện gia đình. Vốn là người phụ nữ có đầu óc tinh nhạy, cảm nhận được sức mua muối của bà con trong xã, chị mạnh dạn vừa làm ruộng, vừa đi buôn muối. Chị nhớ, lần đầu tiên bán muối, đứng tê dại chân từ sáng tới tối, chị bán được 1 kilogam muối, thu về vài trăm đồng lẻ. Chẳng ngại khó, chị kiên nhẫn theo đuổi dự cảm, ngoài ra, chị còn đi buôn sắn, buôn măng.
 
Quãng đường hơn 40 km từ Tứ Xã, Lâm Thao tới Minh Đài, Thanh Sơn hằn in dấu chân tần tảo của chị. Ngày nào cũng như ngày nào, chị đi bộ cả quãng đường, gánh trên vai cả chục cân sắn, cân măng mang về quê bán kiếm thêm chút lời. Đến độ, đôi dép lê của chị vá chằng vá đụp, cong mòn vẹt cả đế vẫn chưa chịu bỏ. Những khó khăn ấy, chị âm thầm giữ cho riêng mình, chẳng bao giờ than vãn với chồng. Nhưng mỗi lần về nhà thăm vợ, nhìn người vợ tảo tần, đàn con thơ nheo nhóc, thương vợ, thương con, anh Quang đã đi tới quyết định quan trọng nhất cuộc đời: anh rời quân ngũ, trở về nhà cùng vợ con.
 
Năm 1991, anh phục viên về làng, cởi tấm áo lính, anh khoác lên mình tấm áo bình dị của người nhà quê. Chẳng bao giờ anh nói ra, nhưng nhìn vào đôi mắt u uẩn của anh, chị Chỉnh hiểu chồng mình dù đang ở đây, nhưng tâm hồn đang neo đậu ở nơi sóng cả gió lớn Trường Sa. Dần chấp nhận cuộc sống mới, anh xin một chân bảo vệ của hợp tác xã nông nghiệp, còn chị bao năm vẫn bền bỉ chạy chợ, buôn bán kiếm con cá, mớ rau.
 
Năm 1991, hai vợ chồng sinh thêm người con trai, các con lắp xắp trứng gà, trứng vịt, ngôi nhà hai vợ chồng xây năm nào trở nên chật chội, anh chị bàn nhau nhau xây ngôi nhà mới cho có chỗ chui ra chui vào. Lần này, cả hai lại tiếp tục tự đặt những viên gạch xây dựng tổ ấm của mình. Khổ nỗi, mua phải xi măng dởm, mới được hơn một tháng cốt pha, xương nhà chao đảo và đổ sụp, trước mắt anh chị chỉ còn lại một đống đổ nát và tiêu điều.
Đảo Trường Sa
Đảo Trường Sa
Hai vợ chồng chị chạy ngược chạy xuôi vay mượn lãi suất cao dựng tạm ngôi nhà cấp 4. Vừa chạy chợ buôn bán, vừa cày cuốc trên mảnh ruộng 6 sào, cuộc sống vợ chồng chị dần dà vượt qua nghèo khó.
 
Chị vẫn nhớ những bữa cơm chiều, anh trầm ngâm ngồi kể cho các con nghe trận thủy chiến năm xưa, kể cho các con nghe về những người chiến sĩ cầm súng canh giữ vùng trời của Tổ quốc. Và người con trai út của anh chị, chẳng biết tự lúc nào đã yêu say những câu kể của bố. Khi ngồi đối diện tôi, cậu không ngừng hào hứng hồi tưởng lại những lời gan dạ của bố năm xưa.
 
Năm 1994, nhận thấy sức mua muối của người dân không ngừng tăng, anh chị chấp nhận đi vay mượn lãi suất cao, chở về bán cả ô tô muối. Gian hàng bé nhỏ được mở ra từ những quyết định táo bạo chiến lược đó. Khi cuộc sống bắt đầu dần đi vào ổn định, hai cô con gái sinh đôi nhận được tấm giấy báo đỗ đại học cũng là khi chồng chị phát bệnh. Căn bệnh ung thư của anh phát quá nhanh, bao nhiêu tiền bạc dồn cả chữa bệnh cho anh.
 
Ngày chị đưa anh xuống Hà Nội, nhập viện chạy chữa căn bệnh hiểm nghèo cũng là ngày hai cô con gái chân ướt chân ráo cầm tấm giấy báo nhập học xuống Thủ đô, cùng lúc ấy cậu con trai thứ ba đang học trường chuyên Hùng Vương - ngôi trường danh giá của tỉnh. Không lâu sau đó, anh qua đời, gánh nặng nhà chồng dồn cả lên đôi vai bé nhỏ của chị.
 
Chị Nguyễn Thị Chỉnh tâm sự: “Lúc ấy, tôi đã than trách ông trời rất nhiều. Trách ông trời quá bất công và nghiệt ngã đối với vợ chồng tôi. Cả đời anh ấy lênh đênh nơi hải đảo, khi phục viên lại sống những năm tháng khó khăn, nghèo khó, đợi đến khi gia đình có cơ hội mở mày mở mặt, thoát khỏi đói nghèo, thì anh ấy bỏ mẹ con mà đi. Tôi trách ông trời quá bất công, cướp anh ấy khỏi phần đời còn lại của tôi. Tôi chỉ muốn bước theo anh ấy, nhưng nhìn 3 con đang tuổi ăn tuổi học, bố mẹ chồng già cần người chăm sóc, tôi lại gắng gượng sống, thậm chí, sống thêm cả phần của anh ấy”.
 
Nuôi 2 con học đại học và cậu út học trung học không hề dễ dàng đối với một gia đình thuần nông, càng không đơn giản đối với người phụ nữ mất đi trụ cột gia đình, nhưng những gì chị Nguyễn Thị Chỉnh làm được khiến người ta tin vào sức mạnh nội tại mạnh mẽ, vĩ đại của người phụ nữ. Những công việc nặng nhọc ngày xưa, như khuân vác muối có chồng đỡ đần, nay một mình chị phải dang tay hứng trọn. Đôi chân chị to hơn những bàn chân người mẹ khác, gót chân cũng xù xì, thô ráp hơn chân những người phụ nữ khác, bởi đôi chân ấy đã đi khắp tỉnh Phú Thọ, cóp nhặt từng cân măng, cân sắn, dẻo dai gánh về quê, cày cụi buôn bán nhiều năm dài.
 
Đôi tay chị to hơn, quê kệch hơn so với những đôi tay mềm mại rất đàn bà khác, bởi bàn tay ấy từng cầm cày, cầm cuốc làm ruộng bất chấp nắng mưa và từng vác muối, vác gạo bán kiếm dăm đồng bạc lẻ. Vóc dáng chị bé nhỏ, gầy guộc bởi đôi vai ấy từng gánh nhiều vất vả của những năm tháng nghèo khó trước đây, và hơn cả, chị giữ cho mình những hồi ức gầy guộc về ngày xưa cũ, nơi có người chồng chị làm chỗ dựa tinh thần cho chị mỗi lúc khó khăn.
 
Con trai út của chị đang học Đại học Bách Khoa năm cuối, hai cô con gái giỏi giang mới ra trường cầm những chiếc bằng đại học loại ưu đã tìm được những công việc ổn định. Cô con gái cả - người con chịu nhiều thiệt thòi của chị cũng đã có tổ ấm riêng và quây quần bên hạnh phúc bé nhỏ của mình.
 
Chồng chị ra đi, để lại cho chị một khoảng trống vô hình không bao giờ có thể lấp đầy, nhưng chị được an ủi nhờ những đứa con hiếu thảo, ngoan ngoãn và thành đạt của mình. Đối với một người phụ nữ, đó chẳng phải là niềm hạnh phúc lớn sao?
 
)
 
 
  • Thảo Miên

 

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc