Chuyện đời phạm nhân tình nguyện hiến xác sau khi chết (II)

07:33, Chủ nhật 24/06/2012

( PHUNUTODAY ) - Ước mơ lớn nhất của tôi là khi nào ra tù, tôi sẽ xuất bản một cuốn sách viết về những ngày tháng trong trại giam của tôi, về sự giúp đỡ của Ban Giám thị và hội đồng cán bộ dành cho chúng tôi.

Phạm nhân Trần Hồng Chương có một cuốn nhật ký, anh đặt tên nó là Nhật ký “Viết từ trái tim” – đó là nơi suốt hơn 10 năm qua, Chương viết những dòng chữ sám hối, day dứt về lỗi lầm của mình và thề quyết tâm hướng thiện; đó là những dòng chữ, Chương bày tỏ nguyện vọng được hiến xác cho khoa học sau khi chết, như một cách chuộc lỗi với đời.
[links()]
Tôi nguyện được hiến xác cho khoa học sau khi chết để chuộc lại lỗi lầm đã gây ra

Tôi còn nhớ lúc kết thúc phiên tòa, bị tuyên án 24 năm, tôi bị còng chặt tay đi giữa hai cán bộ dẫn giải mà mắt mải miết tìm kiếm hình ảnh của những người thân yêu. Ở góc khuất bên ngoài hành lang, mẹ tôi gục xuống trong vòng tay cha tôi.

Hai mái đầu pha sương quện vào nhau cùng mặn chát giọt khổ đau. Đôi mắt cha tôi nhìn tôi sâu thẳm như trách móc, pha lẫn yêu thương. Tôi nhìn thấy trong đôi mắt đó là ánh nhìn của một vị quan tòa nghiêm khắc, dù không hề đưa ra lời phán xét.

Ông đứng lặng ôm mẹ tôi, gương mặt già nua, khắc khổ. Tôi cũng cố tìm kiếm hình ảnh người vợ yêu quý sau quãng thời gian bị tạm giam 1 năm không gặp nhưng không thấy. Ngày hôm đó, em cũng có đến, tay bồng đứa con trai mới sinh, nhưng chỉ đứng một góc nhìn tôi, mắt đẫm lệ.

Trần Hồng Chương : Chẳng ai có thể nói trước được ngày mai, nhưng tôi tin tôi đã cứng cỏi sau những vấp ngã của đời mình và sẽ không bị gục ngã thêm bất cứ lần nào nữa.
Phạm nhân Trần Hồng Chương: Chẳng ai có thể nói trước được ngày mai, nhưng tôi tin tôi đã cứng cỏi sau những vấp ngã của đời mình và sẽ không bị gục ngã thêm bất cứ lần nào nữa.

Khi đó tôi ao ước được một lần đối diện với em, để nói với em: “Tôi yêu em và con hơn Tất cả” – nhưng con đường tôi chọn đi, con đường mà tôi cứ nghĩ sẽ đưa tôi đến thiên đường, cuối cùng lại đưa tôi xuống địa ngục. Tôi chỉ còn biết cầu mong em hạnh phúc.

Suốt hơn 10 năm qua, vợ chồng tôi coi như đã ly thân. Thỉnh thoảng em vẫn đưa con lên trại giam thăm tôi. Thương em còn quá trẻ, tôi quyết định tự giải thoát cho vợ vì không muốn để em phải chờ đợi tôi trong thiệt thòi suốt những năm tháng tuổi thanh xuân.

Thế nhưng đến giờ em vẫn ở vậy nuôi con, không lấy chồng. Có thể em không còn dành tình cảm cho tôi, nhưng tôi vẫn luôn yêu em và biết ơn em vì tình yêu và sự hy sinh mà em đã dành cho những đứa con của tôi và em.

Tôi được đưa về trại giam số 3 (Nghệ An) từ tháng 9 năm 2002. Tính cả khoảng thời gian tôi bị tạm giam, tôi đã ở tù được gần 12 năm. 12 năm đó là một quãng đường không dễ quên trong cuộc đời tôi.

Những năm tháng ở trong trại giam, tôi vô cùng ân hận về tội lỗi của mình. Bố mẹ tôi già hẳn đi sau cú sốc mà tôi đã gây ra cho gia đình. Giờ ngày ngày bố mẹ tôi thường đưa nhau lên chùa để cầu bình an cho gia đình và cầu cho tôi sẽ vượt qua vấp ngã lớn trong cuộc đời này.

Không chỉ ân hận với bố mẹ, tôi còn ân hận, day dứt với những nạn nhân của tôi. Vì tôi mà biết bao gia đình đã khánh kiệt, đã rơi vào cảnh khốn cùng. Tôi biết việc tôi ở tù có thể giúp tôi trả món nợ với pháp luật, nhưng không thể giúp tôi trả món nợ với những gia đình nạn nhân.

Số tiền tôi đã chiếm đoạt của họ hơn 1,4 tỷ đồng không cách nào khắc phục được. Điều đó khiến tôi vô cùng day dứt. Vì thế nguyện vọng của tôi là được hiến xác cho y học để bù đắp cho những lỗi lầm đã qua trong đời mình.

Có lần tôi được xem tivi thấy có phóng sự phản ánh thầy trò trường Đại học Y Thái Nguyên đang phải dạy chay, học chay, thiếu xác để thực hành nghiên cứu, nên tôi có nguyện vọng được hiến xác cho trường Đại học Y Thái Nguyên sau khi chết, để các em sinh viên trường Y có điều kiện thực hành và trở thành một bác sĩ tốt, giúp đời, giúp người sau này.

Như thế coi như tôi cũng chuộc được phần nào tội lỗi. Hoặc nếu có người nghèo nào đang bị bệnh tật, như bị bệnh thận, tôi sẵn sàng hiến thận cho họ, không đòi hỏi bất cứ quyền lợi nào.

Nhật ký “Viết từ trái tim” và cuộc đời tự kể sau song sắt

Tôi vào trại giam số 3 năm 2002, vào đúng lúc Ban Giám thị trại giam có ý định thành lập một đội văn nghệ phạm nhân để phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục những người lầm lỗi như chúng tôi.

Tôi may mắn được ăn học tử tế, lại có chút chữ nghĩa văn chương, thơ phú, âm nhạc nên được Ban Giám thị tin tưởng giao cho xây dựng phong trào. Kể từ đó đến nay, tôi đã sáng tác nhiều bài hát, nhiều vở kịch.

Mỗi vở kịch, mỗi bài hát đều là những nỗi niềm gan ruột của tôi, là sự sám hối, sự giác ngộ của tôi về những tội lỗi mà tôi gây ra. Như trong bài “Khúc hát người lầm lỗi”, tôi có viết:

“Là những người một thời lầm lỗi đi trong màn đêm lầm đường lạc lối/ sau những cơn mê tỉnh dậy sẽ thấy sáng lên trọn vẹn niềm tin đất mẹ còn ôm ta vào lòng/ hỡi những người lầm lỗi/ từ giã quá khứ hướng về tương lai/ vẫn còn trong ta hơi ấm quê hương/ và bao người thân nâng bước ta trên đường hoàn lương”.

Khi chúng tôi biểu diễn bài hát này trong những buổi diễn văn nghệ ở trại giam số 3 và trong những hội diễn văn nghệ do Tổng cục VIII – Bộ Công an phát động, có rất nhiều phạm nhân đã rơi nước mắt vì đồng cảm.

Điều tôi hạnh phúc nhất là nhờ nhạc phẩm do tôi sáng tác này, chúng tôi đã đạt giải cao trong cuộc thi “Tiếng hát tình đời” năm 2011. Ngoài bài hát kể trên ra, tôi còn sáng tác bài hát “giữ trọn niềm tin”, “chuyện của tôi”, “tình nghĩa”.

Tôi viết thơ, viết văn xuôi, viết kịch. Chất liệu của tôi chính là cuộc sống trong trại giam, là những số phận sau song sắt, là hình ảnh những cán bộ quản giáo tận tuy, nhân ái chăm sóc phạm nhân nhiễm HIV đang chới với trong những ngày cuối cùng của cuộc đời.

Chất liệu của tôi là hình ảnh những người vợ đến thăm chồng, những người mẹ đến thăm con, là nước mắt của đứa con lầm lỗi khi không thể  về chịu tang mẹ.

Trại giam là một xã hội thu hẹp. Nhưng những câu chuyện trong trại giam với những bi kịch, những số phận đã cho tôi chất liệu sống, những vốn sống quý giá, để tôi luôn biết dừng lại trước những ranh giới không nên vượt qua trong cuộc đời, để tôi học được cách không sân si, không tham lam, không toan tính.

Để tôi biết lòng tham mù quáng sẽ phải trả giá đắt…. những bài học đó tôi đều được học từ những năm tháng trong trại giam.

Tôi thường viết nhật ký vào đêm khuya. Cuốn nhật ký của tôi, tôi gọi nó là cuốn nhật ký “Viết từ trái tim”. Đó là những lời lẽ gan ruột, là những ý nghĩ gan ruột xuất hiện trong đầu tôi mỗi ngày.

Sau này khi ra khỏi trại giam, cuốn nhật ký đó sẽ là người bạn đồng hành của tôi, nhắc nhở tôi về những ngày tháng sai lầm, để tôi luôn biết cách vượt qua cám dỗ.

Ước mơ lớn nhất của tôi là khi nào ra tù, tôi sẽ xuất bản một cuốn sách viết về những ngày tháng trong trại giam của tôi và những bạn tù của tôi, về sự giúp đỡ của Ban Giám thị và hội đồng cán bộ dành cho chúng tôi.

Đó sẽ là lời tri ân mà tôi dành cho các cán bộ của Trại giam số 3, những người mà tôi coi như người thầy của mình, những người đã giúp tôi đứng dậy sau vấp ngã và đang trên đường hoàn lương.

Ngay lúc này đây, ước mơ hồi sinh vẫn đâm chồi, nảy lộc trong tôi. Mai đây khi mãn hạn tù trở về, tôi nhất định sẽ theo đuổi một công việc ổn định, có ích cho cộng đồng, cho dân nghèo. Tôi muốn được bắt đầu lại cuộc đời mình với công việc kinh doanh và đầu tư vào ngành truyền thông.

Chẳng ai có thể nói trước được ngày mai, nhưng tôi tin tôi đã cứng cỏi sau những vấp ngã của đời mình và sẽ không bị gục ngã thêm bất cứ lần nào nữa.

  • Trần Hồng Chương (trại giam số 3 – Nghệ An)
     
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc