Tiết canh, nội tạng động vật
Là món ăn khoái khẩu của nhiều người Việt, tiết canh và nội tạng động vật tiềm ẩn nhiều nguy hại sức khỏe và được nhắc đi nhắc lại không biết bao nhiêu lần. Theo BS Nguyễn Trung Cấp (Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai), tiết canh mang rất nhiều mầm bệnh từ máu của động vật, sẽ làm tăng nguy cơ mắc giun sán, bệnh về tiêu hóa hay viêm não cho người sử dụng.
Không chỉ tiết canh mà ngay cả phủ tạng, thịt lợn không được nấu chín cũng vẫn tồn tại ấu trùng sán lợn. Trong đó sán dây lợn là loại sán ký sinh nguy hiểm nhất.
Ốc, cua, lươn, thủy hải sản sống nói chung
Thông tin từ Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TPHCM cho thấy, tập quán ăn tôm cua chưa nấu chín cũng như ăn gỏi cua, gỏi tôm, ăn cua nướng (thực chất thịt cua nướng chưa chín), ăn gạch cua sống, ăn mắm cua, uống nước cua sống... đều có nguy cơ bị nhiễm sán lá phổi.
Theo BS Nguyễn Trung Cấp (Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TƯ), không riêng gì cua sống mà các loại ốc, hàu tươi sống thường có ấu trùng sán lá phổi hay các loại sán lá gan lớn nhỏ, giun ở các loại ốc nước ngọt và trên cạn. Khi ăn những loại hải sản chưa được chín kỹ này, các loại ấu trùng đều có thể xâm nhập vào cơ thể gây hại sức khỏe.
Thịt lợn
Theo TS Từ Ngữ, thịt lợn là thực phẩm phổ biến gây nên bệnh sán não. Ký sinh trùng được tìm thấy trong thịt lợn có tên gọi là Taenia solium, lây nhiễm sang cơ thể người theo hai đường:
- Khi bạn ăn thịt lợn chưa được nấu chín kỹ thì nguy cơ bị sán dây rất cao. Sán dây trưởng thành phát triển rất nhanh trong ruột lợn, có thể ảnh hưởng đến não bộ của con người.
- Qua ấu trùng như tiếp xúc với phân lợn, hoặc tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh. Điều này có thể lây nhiễm sang một số mô trong cơ thể con người.
Nếu ấu trùng xâm nhập vào hệ thần kinh, điều này có thể khiến bạn mắc bệnh ấu trùng sán dây lợn ở não (neurocysticercosis), gây nhiễm trùng não nghiêm trọng. Nếu sán xâm nhập vào não thì người bệnh còn có thể bị động kinh. Theo Tổ chức Y tế thế giới, gần 1/3 các trường hợp bị bệnh động kinh là do bị nhiễm sán dây lợn.
Các loại rau ăn sống
Các loại rau ăn sống như rau ngổ, rau mùi ta, mùi tàu… mặc dù rất ngon khi ăn sống nhưng lại dễ gây họa cho sức khỏe nếu chưa qua nấu chín. Theo Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP.HCM, các loại ký sinh trùng phổ biến trong rau sống là giun kim, giun móc, giun tóc, trứng giun đũa chó, sán lá gan, ký sinh trùng amip gây bệnh lỵ. Không những thế, các loại rau sống còn có nguy cơ chứa một lượng lớn các loại trứng, ấu trùng giun sán như giun móc, giun đũa, giun đũa chó mèo, sán lá gan.
Cách đề phòng nhiễm giun sán:
- Nên ăn rau sống đảm bảo nguồn gốc, bảo quản rau đúng cách, tránh dập nát, rửa bằng nước sạch có pha muối hoặc thuốc tím, có thể sử dụng thiết bị sát trùng như thiết bị lọc ký sinh trùng sẽ giúp loại bỏ ký sinh trùng và các sinh vật.
- Phải rửa tay thường xuyên bằng nước sạch và xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, trước và sau khi chăm sóc người bệnh…
- Các loại hoa quả, rau củ phải được rửa sạch bằng nước muối hoặc dung dịch rửa rau củ quả trước khi ăn.
- Tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc “ăn chín, uống sôi”, không ăn các loại thức ăn chưa nấu chín như: Gỏi cá, tiết canh, bò tái...; không nên ăn sống các loại rau thủy sinh như: Rau cần, cải xoong…
- Tẩy giun định kỳ cho cả gia đình 6 tháng/lần. Cần cắt móng tay thường xuyên, mang giày dép khi ra ngoài đất, không ngồi lê trên đất.
- Xử lý các chất thải, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ…