Cha đẻ của Độc Cô hoàng hậu là Độc Cô Tín người Vân Trung - một vị khai quốc công thần của nhà Bắc Chu, cũng là một trong tám cột trụ của đất nước, làm quan tới chức Đại Đô đốc, Đại Tư mã. Ông sinh được 7 người con gái, người nhỏ nhất là Độc Cô Thị 14 tuổi, chưa gả chồng. Độc Cô Tín thấy Dương Kiên dáng vóc kỳ dị, biết đây là một người tài hiếm có liền đem ấu nữ gả cho.
Sau khi Dương Kiên lấy Độc Cô Thị, tình cảm hai người rất mặn nồng. Dương Kiên bằng nhiều việc làm nhân đức, đã thu phục được lòng dân nghe theo, hiến nhiều kế hay, giữ vững sự an toàn cho đất nước, khiến triều thần ai ai cũng kính phục. Sau nửa năm, Dương Kiên từ Tướng quốc được phong vương. Tháng 2 năm Đại Đinh nguyên niên, Tĩnh Đế hạ chiếu nhường ngôi, Dương Kiên dựng Tùy thay Chu, đóng đô tại Trường An, hiệu Tuỳ Văn Đế. Độc Cô Thị được lập làm hoàng hậu.
Ảnh minh họa |
Sau khi Tuỳ Văn Đế lập nên nước Tùy, Độc Cô hoàng hậu lại dốc sức vào việc phát triển đất nước, giao thương với các quốc gia láng giềng, việc buôn bán trong nước với bên ngoài rất sầm uất.
Trong lần giao dịch với những người từ nước ngoài đến Trung Quốc buôn bán có mang theo một hạt minh châu giá trị tới tám trăm vạn quan, U châu Tổng quản là Âm Thọ muốn mua về tặng cho Độc Cô hoàng hậu, nhưng hoàng hậu cự tuyệt mà nói rằng: "Đó không phải là thứ ta cần. Ngày nay có nhiều giặc giã Nhung địch, tướng sĩ ta gian lao vất vả, nên dùng số tiền đó thưởng cho người có công". Trăm quan không ai không dâng biểu ca tụng, Văn Đế Dương Kiên càng thêm sủng ái bội phần, lòng càng thêm phần kính nể.
Mỗi lần Tuỳ Văn Đế lâm triều, Độc Cô Thị luôn luôn "cùng ngồi xe đến, bắt hoạn quan trình chiếu, triều chính có gì thất thố, nàng liền can ngăn, cốt làm lợi ích cho đất nước. Thoái triều, nàng lại cùng về yến tẩm, chăm sóc vui vẻ". Độc Cô Thị đã quan tâm tới sự được mất triều chính, lại đẩy mạnh việc làm có ích cho triều đình.
Độc Cô hoàng hậu không những thông minh mẫn tiệp, mà còn là người có lòng nhân ái. Mỗi lần nghe nói Đại Lý tự xử quyết tử tù, không lần nào không thương cảm rơi lệ. Là người có tầm nhìn xa trông rộng, hiểu việc quá khứ thấy trước tương lai nên Độc Cô hoàng hậu luôn nghĩ cách gìn giữ giang sơn nhà Tùy. Biết Hoàng đế là một người có tài năng của một bậc quân vương nhưng ham mê sắc dục nên Độc Cô hoàng hậu luôn tìm cách kiềm chế, bởi bà không muốn nhà Tùy lại đi vào vết xe đổ của nhà Chu.
Trong giới hạn quyền lực của mình, bà chủ trương chế độ “nhất phu, nhất thê” nên đã gây ra nhiều sóng gió, bão táp trong chốn hậu cung. Không phải cuộc sóng gió nào cũng đều kết thúc bằng sự thắng lợi, bởi cái đích mà bà muốn hướng tới có quá nhiều vật cản ở phía trước. Ấy chính là định kiến của xã hội, nó như một hòn đá tảng đã ăn sâu, bén rễ hàng nghìn năm vào tiềm thức của mỗi con người trong trong xã hội thời bấy giờ.
Ngay cả với Hoàng đế, người hiểu những lo lắng, suy nghĩ của Độc Cô hoàng hậu nhất cũng không thể bỏ được thói quen cố hữu của những ông hoàng phong kiến. Không đủ quyền lực để đưa ra định chế trong xã hội trọng nam khinh nữ, nhưng bà vẫn cố gắng làm thay đổi cách nghĩ của Hoàng đế và các quan đại thần trong triều. Cũng vì điều đó, Độc hoàng hậu bị cho là người phụ nữ ghen tuông hung hãn nổi tiếng.
Thời đó các quan đại thần thường thì thầm với nhau rằng: Độc Cô hoàng hậu là người có trái tim tư hữu, không cho phép người đàn bà khác được chung đụng ân ái, nên một số lớn đàn bà ở hậu cung chỉ có thể oán trời trách người trong bức tường cung đình dày thăm thẳm, khó nhìn thấy hoàng thượng dù một lần, mà dù có nhìn thấy thì cũng khó được sủng hạnh. Độc Cô hoàng hậu cứ riêng mình hưởng thụ ân ái mây mưa của hoàng thượng.
Hoàng hậu kiên định “nhất phu nhất thê” suốt đời
Độc Cô Thị kiên trì giữ gìn ý kiến một vợ một chồng suốt đời, đối với chuyện lấy vợ lẽ của đàn ông, nhất là Hoàng đế và các quan đại thần là điều bà vô cùng phản đối. Bởi theo bà việc lập thiếp, sinh con cũng là mầm họa cho gia đình và xã tắc. Theo lập luận của bà, sau khi lập thiếp, sinh con trong gia đình sẽ không tránh được những mối bất hòa, những đòi hỏi về vật chất.., với các quan đại thần có đến năm thê bảy thiếp thì việc tề gia cũng đã ngốn mất của họ rất nhiều thời gian và tiền bạc.
Thử hỏi, họ có còn chuyên tâm vào việc giúp vua trị thiên hạ, giữ cho bản thân được thanh liêm? Còn Hoàng đế, với bản tính ưa khoái lạc, sau khi có đầy người đẹp trong tam cung lục viện có còn quyết tâm lo việc chính sự, bình thiên hạ?
Hiểu thấu nguồn cơn mất nước của những triều đại trước, nên sau khi trở thành mẫu nghi thiên hạ, một mặt bà yêu cầu Tùy Văn Đế bảo đảm không được quá ham mê sắc dục, mặt kia gắng sức thuyết phục các quan lại và dân chúng thấy cái hại của việc nạp thiếp, để cho hoàng thượng không cảm thấy bị ấm ức khó chịu. Bà còn thuyết phục Hoàng đế đưa các hình phạt nếu các đại thần trong triều khi vợ chưa chết mà lấy vợ khác và có con thì bị trách phạt giáng chức hoặc phế đuổi đại thần đó.
Trong số các vương có thiếp mang thai, hoàng hậu cũng khuyên Văn Đế phải tăng cường quở trách. Ngay cả con ruột của mình là thái tử Dương Dũng có người thiếp yêu là Vân Chiêu Huấn đang mang thai, Độc Cô hoàng hậu cũng tỏ ra không bằng lòng.
Cũng vì quá sốt sắng lo cho cơ nghiệp nhà Tùy mà bà đã phải chịu bao điều tiếng thị phi khi còn sống, ngậm oan nơi chín suối suốt 1500 năm qua. Để phản đối chủ trương của bà mà từ hàng ngũ quan lại trong triều lan ra đến hàng thứ dân câu chuyện thêu dệt về “tính ghen tuông cay nghiệt” của hoàng hậu: “Hôm ấy Độc Cô hoàng hậu chẳng may nhiễm bệnh nhẹ, ở lì trong cung nghỉ ngơi.
Vua Tùy nhân buổi không bị ai quấy phiền, cùng với mấy nội thị đi hầu, lẻn thăm các cung, các viện, đến lầu Chi Thước, loanh quanh một hồi, lại trèo lên điện Lâm Phương đứng khá lâu. Thấy nào là tài nhân, thế phụ, tiệp dư, phi tần, thành hàng thành lũ kéo nhau qua lại, tuy gấm phủ đầy người, lụa khoác kín thân, ngọc ánh vàng soi, nhưng sắc đẹp thì quả chẳng thể vua ban. Hoa đào vốn ghét sắc đỏ, hoa lý ghen sắc trắng, nên vua Tùy ngắm nhìn mãi mà vẫn chẳng thấy một người nào vừa ý.
Theo gót nội thị, vua Tùy đến cung Nhân Thọ, âu cũng là do duyên trời bày đặt khéo. Một cung nữ, tuổi còn ít, đang cuốn rèm châu, trông thấy vua sợ hãi buông rèm xuống, khuôn mặt thấp thoáng sau mành liễu rủ, đứng tần ngần, ngắm nhìn xuống, nép sau bình phong gấm. Vua Tùy nhìn kỹ, chỉ thấy người đẹp mặt hoa da phấn, nét nguyệt mày ngài, trăm xinh ngàn đẹp.
Vua Tùy bèn hỏi:
- Người tiến cung khi nào. Sao không thấy bao giờ ra hầu hạ.
Cung nữ nghe vua Tùy hỏi vội quỳ thưa:
- Tiện thiếp là cháu của Uất Trì Quýnh, tự nguyện xin vào cung, ơn hoàng hậu xếp cho ở đây, không dám tự tiện ra vào, nên chưa bao giờ có
dịp được hầu bệ hạ.Vua Tùy cười:
- Người hãy đứng lên. Hôm nay hoàng hậu không có ở đây, tự tiện ra vào
cung cũng chẳng sợ gì.
Đang chuyện trò thì nội thị mời về cung để ngự bữa chiều. Vua Tùy đáp:
- Ăn ở đây cũng được!
Không lâu, yến bày ra, vua Tùy gọi Uất Trì Thị cùng đứng hầu ăn uống. Uất Trì Thị tửu lượng vốn kém, vì vua Tùy mười phần xứng ý nên phải cố uống mấy chén. Đêm hôm ấy, vua Tùy ngủ lại cung Nhân Thọ.
Sáng hôm sau, vua Tùy dậy sớm coi triều, vô cùng hoan hỉ:
Đêm nay trẫm mới được biết cái vui thú của việc làm thiên tử. Nhưng chỉ sợ hoàng hậu mà biết được thì xử trí ra sao đây?
Đến vua cũng không dám đối đầu với máu ghen của hoàng hậu
Lại nói Độc Cô tuy ốm, nhưng có bao giờ lại quên những việc ấy, không lúc nào không sai bọn tay chân tâm phúc theo dõi, nên đã có kẻ tâu hết mọi chuyện. Độc Cô nghe xong, máu ghen trào tận cổ, lập tức trở dậy, chẳng thấy ốm đau nữa, đem theo khoảng mười cung nhân, vẻ mặt đều dữ tợn kéo đến cung Nhân Thọ. Lúc này Uất Trì Thị cũng vừa mới rửa mặt chải đầu xong, đang vén tay áo xem những vết phong hoàng (mỹ phẩm bôi ngoài da) đã sạch chưa, bỗng thấy Độc Cô cùng bọn cung nhân rầm rập như ong ập vào, Uất Trì Thị mặt xám như bùn, tay chân hoảng loạn như con hươu mới sinh, vội quỳ xuống đất.
Độc Cô về tới cung, cũng chẳng thèm giấu giếm gì, cho gọi ngay mấy mụ già chuyên làm những việc bắt bớ tra khảo trong hậu cung đến, bọn này chẳng khác nào một đám mây đen xà xuống, chẳng kể gì lưng ong, vóc liễu, mắt phượng dằn Uất Trì Thị xuống, lôi ngược lôi xuôi, áo gấm, giải lụa tả tơi. Độc Cô vừa chỉ tay xỉa xói, vừa đay nghiến:
- Con tiện tỳ yêu quái kia! Mày có những gì tốt đẹp, mỹ miều, mà dám dùng bùa ma thuốc quỷ để mê hoặc nhà vua, làm loạn cả phép tắc trong cung của ta!
Uất Trì Thị run rẩy thưa:
- Kẻ hầu hạ này vốn bậc thấp hèn, đâu dám không biết đến pháp độ của hoàng hậu, mà dám mong tới sự đoái hoài của chúa thượng. Chỉ vì số đáng chết, chiều tối hôm qua bỗng chúa thượng giáng lâm, lưu lại ngự buổi chiều, sau khi say, mới ở lại trong cung. Tiện tỳ này đã nhiều lần từ tạ, nhưng chúa thượng nhất định không nghe, tiện tỳ không biết làm thế nào, chỉ đành vâng theo. Chuyện này hoàn toàn là ở chủ ý của chúa thượng, tiện tỳ không dám can dự gì xin hoàng hậu thương mà tha cho tội chết.
Độc Cô đay nghiến:
- Mày là giống yêu ma. Đêm qua sướng như thế, mày đã ra vẻ ái ố mỹ miều, để lừa gạt rủ rê được cả nhà vua, không biết đến liêm sỉ. Nay lại còn khéo đặt bày lời nọ lẽ kia, để hòng phủi cho sạch phải không?
Rồi hét bọn tay chân: