Cho đến bây giờ, dù đã hơn 10 năm trôi qua, những kí ức lúc thơ bé khi tôi 7 tuổi vẫn liên tục trở lại. Hình ảnh của mẹ, những lời thì thầm của mẹ và cả sự sợ hãi của tôi…Tất cả những điều đó, tôi bắt mình phải nhớ. Để đến bây giờ, khi bơ vơ trên cõi đời, tôi tự hỏi bản thân liệu mình có sai không, khi đã bỏ mẹ ruột của mình vì một người không máu mủ ruột thịt…
[links()]
Khi tôi còn nhỏ, tôi thân thiết với ông bà ngoại hơn cả. Có một sự thật là tôi không thích mẹ. Dù khi ấy tôi mới chỉ là một đứa trẻ, nhưng tôi luôn có cảm giác mẹ không yêu thương tôi, nhất là khi tôi lên 5 tuổi, mẹ dùng cán chổi đánh tôi chỉ vì một buổi trưa tôi quấy khóc không chịu ngủ.
Chính ông bà ngoại cũng không muốn mẹ chăm sóc tôi vì 2 người sợ mẹ sẽ dùng đòn roi để giáo dục tôi như vậy. Vài roi của mẹ bằng cán chổi đã khiến tôi ngất đi vì sợ hãi và đau đớn. Sau khi từ trạm xá trở về, tôi nhìn mẹ bằng một ánh mắt khác, xa cách và lạnh lẽo.
Mẹ dường như đã biết mình sai và cảm thấy thấy có lỗi nên mua rất nhiều kẹo, sữa bánh cho tôi, nhưng tôi tuyệt đối không động đến. Nhiều lần nhẹ nhàng với tôi không được, bà cũng từ bỏ luôn ý định xin lỗi và thân thiết trở lại với tôi.
Bố tôi sống ở một thành phố khác do công việc nên rất ít khi về nhà. Thành ra, người chăm sóc và yêu thương tôi nhiều nhất lại là ông bà ngoại. Nhà tôi kinh tế không khá, ông ngoại chỉ có một cửa hàng sửa chữa đồ điện tử nhỏ, số tiền kiếm được hàng ngày không ổn định nên bữa cơm trong nhà thường đạm bạc.
Ông ngoại mất. Tôi trở thành đứa trẻ bơ vơ trên cõi đời này. Khi ấy, tôi mới nhớ ra mình còn có một người mẹ và tôi còn có cả bố nữa. (Ảnh minh họa) |
Nhưng hễ có khách, ông luôn trích ra một nửa số tiền kiếm được để mua dưa hấu cho tôi vì nó là loại quả tôi thích ăn nhất. Nhiều khi, thù lao ông kiếm được chỉ đủ để mua một miếng dưa nhỏ, nhưng đối với tôi đó đã là một niềm vui thích rồi.
Sau này, ông ngoại dù đã ngoài 60 tuổi vẫn còn cuốc đất, xin mùn, rồi gieo hạt dưa. Ông cười tươi nói với tôi rằng: “ông trồng cho Đậu Đậu của ông cả một vườn dưa, sau này ngày nào Đậu Đậu cũng có dưa để ăn, không phải chờ tiền công của ông để mua dưa nữa”.
Vườn dưa được ông ngoại chăm sóc cẩn thận, ngày nào ông cũng dậy sớm nhổ cỏ, xới đất, chăm bón nên rất tốt. Nhìn mầm dưa mập mạp, ông luôn miệng nói: “Chỉ mấy tháng nữa, Đậu Đậu có thể ăn dưa thỏa thích”.
Thế nhưng, cả vườn dưa tốt như vậy lại chỉ có một cây ra hoa và kết được đúng 2 trái. Khi dưa bắt đầu lớn, lộ vỏ ra dưới lớp lá xanh, ông ngoại tôi cứ chốc lát lại ra kiểm tra 1 lần.
Buổi tối ông ngủ cũng không yên vì còn lo canh dưa, ông sợ trẻ con hàng xóm ăn trộm mất. Rốt cuộc tôi cũng được ăn 2 quả dưa ấy, tôi ăn một mình dưới ánh nhìn âu yếm và hạnh phúc của ông ngoại.
Bà ngoại cũng rất thương tôi theo cách riêng của mình. Quần áo của tôi đều do một tay bà may vá, cắt ghép từ những quần áo cũ trong nhà. Dù không nói ra, nhưng tôi biết ông bà ngoại có ý tách mẹ khỏi tôi.
Ngày tôi bị mẹ dùng cán chổi đánh đến ngất xỉu, mẹ tôi sợ 1, thì ông bà ngoại sợ 10. Sau ngày đó, ông bà nói với mẹ, không để mẹ nuôi dạy tôi theo cách như vậy nữa. Mà thực tế, dường như mẹ cũng không hề có nhu cầu chăm sóc và quan tâm tôi.
Tôi không biết mẹ làm gì, đi đâu cả, cho dù mẹ ở nhà của ông bà ngoại nhưng không ăn cùng ông bà và tôi mà thường nấu cơm ăn riêng một mình. Bố tôi nếu có về thì cũng sẽ ăn cùng mẹ.
Hồi ấy, tôi thấy gia đình mình thật buồn cười, bởi bạn bè tôi kể, cả nhà chúng đều ăn chung với nhau, không có chuyện ăn riêng 2 mâm giữa những người trong nhà. Mẹ đi thăm bố cũng đi một mình mà không hề rủ tôi đi theo.
Thực ra, cũng có lần, mẹ nhân lúc ông bà không để ý, khẽ gọi tôi để cho bộ quần áo mới hoặc cái kẹo nhưng tôi đều vờ như không nghe thấy rồi vội vã bước đi. Tình cảm giữa mẹ con tôi vì thế ngày càng nhạt nhòa đi.
Năm tôi vào lớp 1, ông ngoại bán đi chiếc đài ông vẫn dùng để nghe tin tức hàng ngày để có tiền nộp học cho tôi. Ông nói, từ giờ ông không cần nghe đài nữa vì buổi tối ông còn ngồi nghe tiếng tôi tập đọc. Bà ngoại khéo léo may cho tôi bộ quần áo mới để tôi có thể diện vào ngày đầu tiên đến trường.
Còn mẹ thì dửng dưng như người không liên quan. Điều đó không làm tôi buồn vì đã quá quen với sự lạnh nhạt ấy. Tôi vào học được 2 tháng thì bà ngoại mất. Bà đi bắt cá ngoài ruộng rồi trúng gió, ngất luôn ở đó.
Lúc người ta phát hiện ra và đưa bà về thì bà đã không còn biết gì nữa. Suốt 1 tuần sau đó, bà không tỉnh lại một lần nào rồi cứ thế ra đi khi chưa kịp nói lời cuối với ông cháu tôi.
Bà mất, ông trở thành người duy nhất gần gũi, thân thiết với tôi. Một buổi chiều khi tôi đang ngồi chơi ở đầu ngõ, mẹ tôi bỗng dưng đến ngồi cạnh và kể chuyện cho tôi nghe. Mẹ nói, mẹ không phải là con của ông ngoại.
Mẹ là con riêng của bà ngoại. Điều đó nghĩa là ông ngoại không có quan hệ ruột thịt với mẹ. Và tất nhiên, tôi cũng như thế. Thực ra khi ấy, tôi không hiểu nhiều về chuyện đó. Vì không hiểu nên tôi không quan tâm. Sau khi tiết lộ điều đó với tôi, mẹ dặn tôi không được nói gì với ông.
Vào một chiều khi tôi vừa tan học, đang đứng đợi ông đến đón ở cổng trường thì mẹ bất ngờ xuất hiện. Mẹ nói mẹ sẽ đi thăm bố bây giờ và muốn tôi đi cùng. Rồi không đợi tôi đồng ý, mẹ vội vã kéo tay tôi đi. Tôi cảm thấy như mẹ đang bỏ trốn và ép tôi đi theo cùng.
Tôi nói, phải về bảo với ông ngoại đã. Mẹ nói: “Đã nói rồi, nói rồi. Không phải ông ruột của con, con cũng không phải quan tâm quá”, rồi lại kéo tôi đi. Tôi lấy đủ cớ để có thể quay về nhưng mẹ nhất quyết không nghe.
Khi đến bến xe, lúc vào nhà vệ sinh, tôi chỉ đợi mẹ đóng cửa lại là quay người bỏ đi. Tôi mải miết chạy, chỉ sợ mẹ bắt được sẽ giữ chặt tôi ngồi trên ô tô và tôi sẽ mãi mãi không được gặp ông ngoại nữa. Con bé gần 7 tuổi là tôi lúc ấy vừa chạy vừa khóc.
Tôi nhớ ông ngoại lúc ông hào hứng bổ quả dưa đầu tiên trong vườn dưa ông trồng cho tôi, nhớ ông ngồi cặm cụi khâu lại từng chỗ quần áo rách cho tôi bên ánh đèn yếu ớt tỏa ra từ chiếc đèn dầu, nhớ ông đợi tôi ở cổng trường mỗi khi tôi tan học.
Ông thường để tôi ngồi trên xe rồi dắt xe về tới nhà chứ ông không đạp xe. Ông nói ông sợ đường ghồ ghề, Đậu Đậu của ông bị đau…Tôi chạy thẳng về trường. Trời đã tối mịt. Ông tôi vẫn đứng trước cổng trường. Dáng ông gầy, trùng xuống trong bóng đêm dày đặc.
Nghe thấy tiếng tôi, ông lập cập quay lại. Dù ông không phải là ông ngoại thật của tôi thì tôi cũng không quan tâm. Tôi sẽ không đi cùng mẹ cho dù mẹ có quay lại đón tôi. Thế nhưng mẹ để lại tôi cho ông thật.
Nói thật lòng, tôi không thấy thiếu vắng khi mẹ ra đi bởi nếu mẹ có ở đây, mẹ cũng chẳng chăm sóc tôi, mẹ cũng như người dưng đối với tôi.
Khi tôi vào cấp ba thì ông ngoại mất. Tôi trở thành đứa trẻ bơ vơ trên cõi đời này. Khi ấy, tôi mới nhớ ra mình còn có một người mẹ và tôi còn có cả bố nữa. Bố mẹ chưa một lần quay lại tìm tôi, khi tôi bỏ mẹ đi vào hôm đó.
Thế nhưng trước khi mất, ông ngoại đưa cho tôi một mảnh giấy, trên đó có ghi địa chỉ của bố mẹ. Ông ngoại nói tôi nên tìm bố mẹ, đừng sống một mình.
Thực lòng, tôi không biết mình có nên đi tìm bố mẹ không, bởi sự cách xa quá lâu về thời gian khiến tôi không có cảm giác ấm lòng khi nghĩ về họ, và chắc gì, khi tôi tìm đến, bố mẹ đã đồng ý nhận tôi?
Rốt cuộc thì tôi vẫn không biết, tự sống một mình hay sống cùng gia đình, cuộc sống nào sẽ tốt hơn đối với tôi?
- Trần Nga (Phú Thọ)