Bà mẹ 25 tuổi hạ sinh bé gái hôm 21/3 vừa qua tại bệnh viện Jangon, bang Telangana, Ấn Độ. Mọi người rất đỗi ngạc nhiên khi phát hiện bé có tới 3 chân, 1 chân thừa mọc tại vị trí xương chậu.
2 ngày sau, bé gái được chuyển đến bệnh viện Niloufer tại TP.Hyderabad để cắt bỏ chân thừa. Sau ca phẫu thuật kéo dài hơn 3 tiếng, các bác sĩ vui mừng thông báo ca mổ thành công, bé gái hoàn toàn khoẻ mạnh.
Tiến sĩ K Srinivas, Trưởng khoa Nhi, bệnh viên Niloufer, là người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật loại bỏ chân thừa cho cháu bé.
“Chiếc chân thừa phát triển từ khu vực khung xương chậu và hoàn toàn có thể cắt bỏ. Thật may là cháu bé được sinh ra với tình trạng sức khỏe tốt, và 2 chân còn lại phát triển bình thường.” Tiến sĩ K Srinivas cho biết.
Mẹ của bé cho biết, từ khoảng tháng thứ 6 thai kỳ, cô đã phát hiện con gái có dị dạng khi siêu âm định kỳ nhưng gia đình quyết tâm giữ.
"Chúng tôi rất biết ơn các bác sĩ phẫu thuật. Khi biết con gái sẽ lớn lên như bao đứa trẻ bình thường khác khiến chúng tôi vô cùng hạnh phúc”, cha cháu bé chia sẻ.
Theo chẩn đoán của các bác sĩ, trường hợp của cháu bé rất hiếm gặp, trong 100.000 ca sinh mới xuất hiện một ca như vậy. Nguyên nhân của dị tật là do rối loạn hiếm gặp cặp song sinh, xảy ra trong quá trình phát triển phôi thai. Ban đầu phôi thai phát triển như một cặp song sinh dính liền. Tuy nhiên sau đó một mầm sống ngừng phát triển và chiếc chân thừa sẽ dính vào bào thai còn sống.
Trước đó, hồi tháng 2/2016, một bé gái người Ấn Độ sinh ra thừa một chân thứ 3 cũng đã được phẫu thuật để loại bỏ chi thừa.
Theo Newsrt, dị tật hiếm gặp khiến bé gái Varsha Sena tại Delhi chào đời với hai chân bình thường và một chi thứ ba phát triển từ xương sống. Các bác sĩ Bệnh viện Pant Ballabh Govind đã cắt bỏ thành công chân thừa này.
Tiến sĩ Daljit Singh, trưởng kíp mổ cho biết tình trạng của Varsha được gọi là polymelia. Đây là dị tật bẩm sinh hiếm gặp khiến trẻ sinh ra với chi thừa, thường là cánh tay hoặc chân. Polymelia xảy ra ở tử cung khi các tế bào bất thường hình thành trong quá trình phát triển phôi thai.
"Chúng tôi chưa thấy trường hợp nào tương tự trong 50 năm qua", bác sĩ Daljit Singh chia sẻ. Có rất ít trường hợp polymelia được biết đến trên thế giới.
Varsha sinh ra tại Bệnh viện Rao Hindu Bara ở Delhi vào năm 2014. Khi nhìn thấy con mình lần đầu, người mẹ 24 tuổi Komal Sena đã vô cùng sợ hãi. Cô bé sau đó được gửi đến Bệnh viện Govind Ballabh Pant để theo dõi và phẫu thuật cắt chi lúc lên 2.