Chuyện tình của vợ liệt sĩ mở phòng khám miễn phí

06:02, Thứ bảy 29/09/2012

( PHUNUTODAY ) - Cụ mở phòng khám này bởi thấy cuộc sống còn nhiều người nghèo quá. Cụ luôn nhắc nhở mình phải sống cho tròn nghĩa vụ của một người vợ liệt sĩ. Nhưng điều quan trọng hơn đó là, ở cuộc đời này, cần lắm tình yêu thương.

Sống trong căn nhà yên tĩnh ở một con ngõ nhỏ, đường Nguyễn Viết Xuân (Thanh Xuân - Hà Nội), cụ Trương Thị Hội Tố năm nay đã bước qua cái tuổi bát thập. Cụ là vợ của hai liệt sĩ, hai lần cụ gánh chịu nỗi đau mất mát. Thế nhưng nỗi đau ấy vẫn không thể khiến cụ ngừng nhớ về quãng thời gian xưa cũ, về những con người cụ yêu thương và về chính cụ của một thời đã xa…

Hai lần góa bụa

Tôi ngồi lặng nhìn cụ Tố lục tìm trong chiếc ngăn kéo nhỏ, nơi bao nhiêu năm qua, cụ đã lưu giữ những kỉ niệm đẹp về tình yêu, về gia đình, những kí ức, những chiến công của hai người chồng liệt sĩ.

Tập thư với biết bao yêu thương từ chiến trường và hậu phương được bọc gói cẩn thận qua thời gian, bây giờ giấy đã ố vàng, mực đã mờ và nhòe hết nhưng là thứ tài sản vô giá mà cụ đã trân trọng gìn giữ suốt mấy chục năm qua.

Đó là minh chứng cho sức mạnh của tình yêu, của niềm tin và lòng tự hào. Đó là nguồn sức mạnh thần kì đã giúp cho cụ vượt qua những mất mát, đớn đau khi cả hai người chồng của cụ đã anh dũng ngã xuống trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Lật giở từng trang kí ức của những năm tháng tuổi trẻ, cụ Tố kể, cụ quê gốc ở Nghệ An, sinh ra tại miền ngã ba Bạch Hạc và lớn lên tại Hà Nội. Mối tình đầu tiên của cô gái trường Nữ hộ sinh với chàng trai đất Hà thành đẹp trai và hào hoa giống như những thước phim đầy lãng mạn.

Cô gái Trương Thị Hội Tố khi ấy vừa tròn 18 tuổi, chàng trai Hà Nội Nguyễn Như Xuân mới 24, là sĩ quan trường Võ bị Trần Quốc Tuấn. Tình yêu giữa hai người nảy nở từ sau lần gặp gỡ đầu tiên. Năm 1952, họ làm đám cưới.

Vợ chồng cụ Trương Thị Hội Tố khi còn trẻ
Vợ chồng cụ Trương Thị Hội Tố khi còn trẻ

“Ông Xuân là người lãng mạn và hào hoa, cưới nhau rồi nhưng vẫn thường hay viết thơ tặng vợ. “Hà Nội xa xa, Nam Định mờ mờ ánh điện. Gương mặt của mẹ, những dòng chữ của Việt Bắc kháng chiến. Tất cả hiện, trôi dần, mờ mờ biến mất. Và con chim khách ríu rít mách: Tố của anh”.

Đấy là một đoạn trong bài thơ ông ấy viết tháng 12/1952”, cụ Tố bồi hồi nhớ và đọc lại từng câu thơ như mới ngày hôm qua.

Cưới nhau được 13 tháng 13 ngày thì ông Xuân hi sinh. Chiến tranh xa cách, hai người chưa kịp có với nhau lấy một mặt con. Cụ Tố kể: “Cưới nhau hơn một năm nhưng chỉ được ở bên cạnh nhau vỏn vẹn 10 ngày.

Trước lúc hi sinh, ông ấy có viết một bức thư về, có đoạn: Theo tin Thông tấn xã, trận này bọn anh thắng to lắm. Sau trận này về anh sẽ kể cho em nghe. Vậy mà rồi ông ấy chẳng bao giờ trở về nữa”.

Liệt sĩ Nguyễn Như Xuân hi sinh trong chiến dịch Tây Nam Ninh Bình năm 1953. Nỗi đau thương ập tới đột ngột và nặng nề nhưng cuộc sống vẫn phải tiếp tục, cụ Tố phải gượng dậy, tiếp tục sống và chiến đấu cho độc lập.

Đó là những tháng ngày mà cuộc sống, mục đích lớn lao của dân tộc đã cuốn theo đi tất cả những suy nghĩ của mỗi con người cá nhân. Lí tưởng sống, không gian, thời gian, không khí của những những ngày tháng hào hùng ấy đã giúp cụ Tố đi qua nỗi đau mất mát ấy.

Năm 1957, khi vết thương lòng đã dần lành lại, nỗi đau cũng dần nguôi ngoai, cụ Tố đã gặp được một người đồng chí của ông Xuân, người bạn chiến đấu cùng một sư đoàn, ông Vũ Quang Bình. Ông Bình khi đó góa vợ và có một con.

Cảm thông cho hoàn cảnh của nhau, họ đã quyết định đến với nhau, dù ông Bình đi chiến đấu khắp các chiến trường. Trong những bức thư viết về cho vợ, ông Bình tự hào lắm: “Anh rất tự hào về em. Em đã thay anh quán xuyến mọi việc gia đình. Trong sự thành công của anh có một phần của em”.

Và biết bao yêu thương như dồn nén từ nơi chiến trường xa: “Xa xa súng vẫn nổ. Đêm nay anh nhớ em và các con nhiều lắm. Ở đây, muốn giúp em làm nhiều việc, thương em nhiều lắm!”…

19 năm vợ chồng, có với nhau 3 người con nhưng biết bao yêu thương, biết bao nỗi niềm chỉ gửi nơi những cánh thư xa hai đầu hậu phương, tiền tuyến. Năm 1973, một lần nữa tin sét đánh lại về: ông Bình hi sinh tại mặt trận Đông Trường Sơn.

“Hai lần trải qua mất mát nhưng không còn con đường nào khác là phải sống để nuôi con”. Nghĩ vậy, cụ Tố lại một lần nữa phải gồng mình lên trên nỗi đau mất mát, cụ ở vậy nuôi cho 3 người con khôn lớn, trưởng thành.

Sống bằng tình yêu thương

Cụ Trương Thị Hội Tố
Cụ Trương Thị Hội Tố

Mái tóc đã bạc nhưng đôi mắt cụ Tố vẫn còn tinh anh, những nét duyên dáng thời thiếu nữ chỉ bị phai nhạt phần nào bởi tuổi tác và những nếp nhăn của thời gian. Cụ Tố cười: Cụ có tới hai câu chuyện tình yêu đẹp nhưng không bền vững, cũng bởi thời chiến tranh quá ác liệt.

Nhưng cụ luôn tự hào về điều đó. Cụ đã sống, đã tin tưởng, đã vượt qua những thách thức của cuộc sống, cả những mất mát, đau đớn đến tột cùng. Cụ bảo rằng: Chính tình yêu, chính niềm tin và lòng tự hào đã giúp cụ vượt qua mọi khó khăn như thế. Và cụ luôn cố gắng sống, làm tròn nghĩa vụ của người vợ liệt sĩ.

Vượt qua nỗi đau mất mát, cụ Tố vừa làm bác sĩ chuyên khoa sản, vừa làm Hiệu phó Trường Cao đẳng Y tế Nam Định trong suốt nhiều năm liền. Năm 1992, cụ Tố nghỉ hưu, về Hà Nội ở. Đã có nhiều phòng khám mời cụ về làm, hứa sẽ trả lương rất hậu hĩnh, nhưng cụ đều từ chối.

Thay vào đó, cụ tham gia Hội Chữ thập Đỏ của quận Hai Bà Trưng đi khám bệnh lưu động miễn phí cho người nghèo, người cao tuổi ở các phường. Không kể nắng mưa, cụ đạp xe đến từng nhà để khám bệnh và tư vấn sức khỏe.

Sau một lần bị tai nạn không thể tiếp tục đạp xe, cụ Tố đã nảy ra ý tưởng thành lập một phòng khám cố định. Nghĩ là làm, cụ Tố đến nhà từng người, những bác sĩ đã về hưu mà cụ quen biết trước kia vận động.

“Mình có chuyên môn, vẫn còn sức khỏe mà không sử dụng thì phí mất" - đó là những điều mà cụ Tố đã nói để vận động những bác sĩ về hưu tham gia cùng mở phòng khám miễn phí.

Cuối cùng, cụ đã thành công với việc có 4 bác sĩ đã về hưu đồng ý tham gia. Với sự giúp sức của Hội chữ thập đỏ các quận, trong vòng hơn 20 năm, phòng khám miễn phí của 5 cụ già này đã được tồn tại dù phải đổi địa điểm 4 - 5 lần.

Hiện tại, phòng khám miễn phí của cụ Tố và những bác sĩ về hưu nằm tại trụ sở Hội Chữ thập Đỏ phường Giáp Bát (số 18, ngõ 4, phố Kim Đồng, quận Hoàng Mai). Cứ thứ hai và thứ năm hàng tuần, phòng khám lại mở cửa đón các cụ cao tuổi, những người có hoàn cảnh khó khăn đến khám bệnh. Trung bình mỗi ngày, phòng khám đón gần 40 cụ già, bệnh nhân nghèo đến khám.

Cụ Tố bảo, cụ mở phòng khám này bởi cụ thấy cuộc sống còn nhiều người nghèo quá. Cụ luôn nhắc nhở mình phải sống cho tròn nghĩa vụ của một người vợ liệt sĩ. Nhưng điều quan trọng hơn đó là, ở cuộc đời này, cần lắm tình yêu thương và niềm tin yêu để có thể vượt qua mọi khó khăn.

  • Việt Duy

[links()]
 

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc