Người hầu cận cần cù của Phật tổ
Anan hay còn gọi là Ananda sinh năm 463 trước công nguyên trong một gia đình thuộc dòng dõi vương thất tại thành Vương Xá. Vì khi Anan sinh ra, trong nhà có nhiều niềm vui đến cùng lúc nên cha mẹ Anan quyết định đặt tên cho ông là Anan, nghĩa là vui vẻ, hoan hỷ. Cha của Anan, thân vương Suklodana và cha của Thái tử Tất Đạt Đa, người sau này trở thành vị Phật tổ lừng danh của nước Kapilavastu là hai anh em ruột.
Vì vậy, xét về quan hệ huyết thống, Anan là em họ con chú con bác với Phật tổ Thích ca Mâu ni. Tuy nhiên, dù tiếng là anh em nhưng Thái tử Tất Đạt Đa hơn người em Anan của mình có đến gần 20 tuổi. Song lẽ chính vì sự chênh lệnh tuổi tác này đã tạo nên cơ duyên đặc biệt giữa hai người.
Sau khi ngộ đạo và thành lập giáo đoàn 2 năm, lần đầu tiên kể từ khi bỏ lại ngôi vị Thái tử giàu sang nhung lụa để ra đi tìm con đường tu đạo, Thích ca Mâu ni trở lại thủ đô nước Kapilavastu. Trong chuyến trở về quê hương đó, Phật tổ làm lễ thụ giới cho Nanda và Rahula, một người là anh em cùng cha khác mẹ còn một người là con trai ruột của mình. Sau đó Thích ca Mâu ni rời Kapilavastu để sang miền Bắc Kosala tiếp tục truyền giáo.
Vào thời điểm đó, 18 tuổi, Anan đã trở thành một chàng thanh niên tuấn tú với khuôn mặt đẹp rạng rỡ. Khi nghe tin Phật tổ, vốn là người anh em họ với mình trở về Kapilavastu và đã thụ giới cho Nanda và Rahula, từ thành Vương Xá, Anan cùng 5 vương tử khác của dòng họ Thích ca quyết định sẽ theo Phật tu đạo. Cả 6 người quyết định đuổi theo đoàn của Thích ca sang nước Kosala để xin gia nhập giáo hội.
Sau khi đã được Phật chấp nhận cho xuất gia, Anan rất chuyên cần tu học, không ngại khó, ngại khổ. Chính vì đức tính chuyên cần này mà Phật Thích ca rất yêu mến người đệ tử đồng thời cũng là người em họ của mình. Vì vậy, khi mới 20 tuổi, Anan đã được Phật giao cho những nhiệm vụ cực kỳ quan trọng của giáo hội.
Trong hai mươi năm đầu tiên gia nhập giáo hội, dù vẫn chưa được lựa chọn là một “thị giả của Phật”, nhưng với sự yêu quý đặc biệt của Thích ca dành cho mình, Anan luôn là người được lựa chọn đi theo Phật trong các chuyến du hành thuyết pháp ở khắp mọi nơi. Chính những ngày tháng sống kề cận bên Phật Thích ca này đã giúp Anan trở thành người được chính Phật Thích ca chỉ định làm “thị giả” mới cho mình.
Thị giả của Phật là một “chức vụ” khá đặc biệt trong giáo hội. Người làm thị giả là người hầu cận của Phật Thích ca, đồng thời cũng là phụ tá của vị giáo chủ này. Nói theo ngôn ngữ hiện đại, “thị giả” giống như “quản gia” hoặc “thư ký riêng” của những người có chức tước ngày nay.
Lần đó, Phật Thích ca nói với các đệ tử của mình rằng: “Này các tỳ kheo, nay ta đã già và khi ta bảo: “Chúng ta hãy đi đường này” thì vài người trong tăng chúng lại đi đường khác, có người còn làm rơi bình bát và y của ta xuống đường.
Vây bây giờ hãy chọn một tỳ kheo luôn luôn theo hầu cận ta”. Các đệ tử đồng loạt đứng lên xin trở thành người hầu hạ cho Thích ca. Sariputta, bậc trưởng lão trong số các tăng chúng nói to: “Bạch Thế Tôn, con muốn hầu hạ Thế Tôn”. Tuy nhiên, lời cầu khẩn của Sariputta không được Thích ca chấp nhận.
Thích ca muốn lựa chọn A nan làm thị giả cho mình.
Khi tin tức được truyền đi, các đệ tử kéo đến bên Anan để chúc mừng. Tuy nhiên, A nan nói ông không thể nhận nhiệm vụ đó được. Anan cho rằng vì bản thân là em họ của Thích ca nên ông không muốn mọi người nghĩ rằng, Phật Thích ca vì vậy mà ưu ái ông hơn.
Sau khi các đệ tử khác thuyết phục mãi, Anan mới đồng ý trở thành thị giả cho Thích ca với điều kiện, Thích ca không được ưu ái ông hơn so với những người đệ tử khác. Cũng từ đó, Anan bắt đầu cuộc sống 25 năm làm người hầu cận gần gũi nhất của đức Phật.
Với bản tính cần mẫn và lòng mộ đạo, Anan đã hết lòng phục vụ cho Phật Thích ca dù công việc của một thị giả không hề dễ dàng và đơn giản. Hàng ngày, Anan phải làm rất nhiều việc như đem nước rửa mặt cho Thích ca, chuẩn bị ăn sáng, sửa soạn nước rửa chân cho Phật Thích ca, lo việc quét dọn phòng, giặt giũ y phục, lau rửa bình bát cho đức Phật, xoa bóp cho đức Phật những lúc Người mỏi mệt..
Với tư cách là người phụ tá của Phật, Anan cũng là người truyền đạt tất cả những lời dạy của Phật đến các đệ tử khác. Ông cũng là người thay mặt Phật đi gặp đại diện hoặc lãnh đạo các giáo phái khác khi có việc cần.
Và những chuyện rắc rối với phụ nữ
Nói một vị đệ tử xuất sắc được chính Phật tổ lựa chọn làm thị giả, nghĩa là làm người kế thừa mình sau khi Phật viên tịch, lại có những chuyện rắc rối với phụ nữ thì thực là khó tin. Tuy nhiên, đó lại là chuyện hoàn toàn có thực. Xuất gia từ nhỏ và sống trong tăng đoàn nên càng lớn, bản tính ôn nhu, hiền hòa của Anan càng tỏ rõ. Đối với ai Anan cũng hết sức quan tâm chăm sóc, muốn họ được sống thật tốt đẹp vui vẻ.
Lại thêm, dù đã xuất gia, nhưng càng lớn, Anan càng trở nên khôi ngô tuấn tú. Dung mạo của Anan khiến bất cứ ai gặp, dù là nam hay nữ đều sinh lòng cảm mến. Chính vì hai lý do này mà Anan liên tục gặp phải những chuyện đau đầu vì nữ giới.
Đầu tiên là việc cầu xin Phật tổ cho phép nữ giới được xuất gia. Theo giới luật của giáo hội khi đó, nữ giới không được phép xuất gia và gia nhập tăng đoàn. Tuy nhiên, những người phụ nữ đầu tiên đến xin được xuất gia lại không ai khác mà chính là người dì, cũng là mẹ kế của Phật tổ, thái hậu Gotami. Số là sau khi vua Tịnh Phạn, cha của Phật Thích ca qua đời, thái hậu Gotami đã suy nghĩ rất nhiều và cuối cùng quyết định đến xin Phật tổ cho phép mình được xuất gia.
Tuy nhiên, cả ba lần thái hậu đến thỉnh cầu, Thích ca đều từ chối, dứt khoát không chấp thuận. Sau đó, để tránh việc bị thái hậu Gotami liên tiếp đến cầu xin, Phật Thích ca đã rời bỏ thành phố Kapilavastu để sang thuyết pháp một thành phố khác là Vesali. Dù bị Thích ca ba lần từ chối, song thái hậu Gotami vẫn không bỏ cuộc.
Bà tập hợp hơn 500 phi tần mĩ nữ của Vu Tịnh Phạn, tất cả cạo tóc, cùng nhau đi bộ tới thành Vesali. Khi đến được tu viện, nơi Phật Thích ca đang thuyết pháp thì trời đã tối. Vì không quen đi bộ, nên cả 500 người đều mệt rã rời, hình dung tiều tụy nên họ không dám vào tu viện gặp Phật mà chỉ quanh quẩn ở bên ngoài. Đúng lúc đó thì Anan bắt gặp.
Nhìn cảnh 500 phụ nữ tiều tụy vì gió bụi của chặng đường khổ cực chỉ vì cầu đạo, Anan đã hứa với thái hậu Gotami rằng mình sẽ thuyết phục Phật Thích ca chấp nhận lời thỉnh cầu của họ. Sau rất nhiều những lời lẽ tranh luận cũng như cầu khẩn, cuối cùng, Anan cũng khiến Phật Thích ca phải gật đầu đồng ý để thành lập Tỳ kheo ni, chấp nhận việc nữ giới xuất gia và gia nhập giáo hội.
Cũng vì việc này nên Anan đặc biệt được các ni cô yêu mến. Lại thêm Anan có dung mạo rất tuấn tú thành ra nhiều ni cô không giữ được sự thanh tịnh đã đem lòng “yêu thầm” tôn giả Anan. Nhưng rồi Anan đã tìm cơ hội để giảng giải điều hay lẽ thiệt cho các cô và khuyên các cô tiếp tục chuyên tâm tu học.
Một lần, khi Anan đi khất thực về, trên đường đi thấy khát nước nên ghé vào một cái giếng bên đường xin nước uống. Lúc ấy có một cô gái thuộc đẳng cấp thấp đang đứng kéo nước, tôn giả liền nói: “Thưa cô! Xin cô vui lòng cho tôi gáo nước!”. Cô gái đẳng cấp thấp thấy tôn giả vội vàng nói: “Thưa tôn giả, không phải con tiếc gì một ít nước, nhưng sự thật là con vốn thuộc dòng hạ tiện, nên không có tư cách để cúng dường tôn giả”.
Tôn giả Anan nói rằng, ông là kẻ tu hành nên không phân biệt đẳng cấp hay sang hèn. Cô gái nghe vậy, vui lắm bèn dâng nước cho tôn giả uống. Khi tôn giả uống nước, cô gái nhìn thấy vị tôn giả này quả thực khôi ngô, tuấn tú, trong lòng bỗng dưng có tình yêu với tôn giả. Cô gái cùng mẹ đã tìm rất nhiều cách để quyến rũ tôn giả Anan nhưng không thành.
Cuối cùng, cô quyết định đến gặp Phật Thích ca xin được làm vợ Anan. Phật nghe lời thỉnh cầu của cô gái thì nói, ông đồng ý để cô gái làm vợ Anan với một điều kiện rằng cô phải xuất gia trong một năm và phải chăm chỉ tu hành. Cô gái nghe thấy điều kiện như vậy thì mừng lắm. Vì với cô, chuyện xuất gia một năm để rồi sau đó được làm vợ của Anan quả thực rất dễ dàng.
Tuy nhiên, chỉ mới xuất gia được nửa năm, cô gái đã giác ngộ. Nhận thấy rằng trước đây mình đã sai lầm nên hối hận. Cô gái đã đến gặp Phật Thích ca khóc và sám hối, nguyện xuất gia suốt đời. Đây cũng là cô gái đầu tiên thuộc đẳng cấp thấp được xuất gia và sống trong giáo hội.
Có lẽ cũng vì rất nhiều những vụ “scandal” liên quan tới phụ nữ mà hơn 40 năm hầu Phật Thích ca tông giả Anan vẫn không đắc đạo. Mãi cho tới sau khi Phật Thích ca đã viên tịch và trước khi diễn ra đại hội tập kết kinh điển lần thứ nhất, Anan mới chứng quả.
uy nhiên, với thân phận là một thị giả của Phật, cộng thêm trí nhớ siêu việt của mình, tôn giả Anan đã đóng góp một phần rất lớn trong việc tập hợp kinh điển của Phật giáo để lưu truyền cho hậu thế. Chính vì vậy, người ta thường nói rằng, nếu như Thích ca là người sáng tạo nên Phật giáo thì tôn giả Anan chính là người bảo vệ và giúp cho Phật giáo trường tồn.
Bằng Hư