Mồ côi cha, mẹ yếu ớt, phải đi xa trông cháu cho anh, cô học trò Trần Duy Lan đang sống đơn độc trong căn chòi tạm bợ của người cậu ở giữa nghĩa địa dưới chân núi Sam. Hàng ngày, Duy Lan được người dì cho ăn 2 bữa cơm. Để trang trải chi phí học tập, thỉnh thoảng, Lan nhận phụ giúp việc nhà cho cô giáo hoặc làm cỏ nghĩa địa. Thế nhưng hoàn cảnh khó khăn không là rào cản khiến cô bé học giỏi ấy nản lòng...
[links()]
“Ngôi nhà” trong khu nghĩa địa
Phường Núi Sam, thị xã Châu Đốc là một địa điểm du lịch quen thuộc của người dân Đồng bằng Sông Cửu Long. Tuy nhiên, phía sau vẻ ồn ào náo nhiệt của khu phố núi giữa đồng bằng là thân phận đơn độc của em Trần Duy Lan, học sinh lớp 12D3, là một tấm gương vượt khó học giỏi của trường THPT Thủ Khoa Nghĩa, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang.
Đường đến nhà em băng qua một khu nghĩa địa với mồ mả dày đặc, có chỗ không có khoảng trống để đặt chân, phải bước nhờ lên những thềm mộ mà đi.
Đó là một ngôi nhà nhỏ với các phên vách nham nhở, nửa lá nửa tôn, nằm xen giữa những ngôi mộ chen chúc. Nơi ấy chính là chốn nương thân của em Trần Duy Lan.
Nhà của em chỉ tựa một chòi kho. Bên trong đồ đạc ngổn ngang, không có gì đáng giá, trừ cái giường vừa là nơi để em ngả lưng và cũng là nơi để em học bài. Cạnh bên là một bàn thờ lạnh lẽo khói hương.
Căn nhà tạm bợ của em Trần Duy Lan, nằm bên những ngôi mộ của nghĩa địa núi Sam. |
Thế nhưng đây cũng chỉ là nhà của một người cậu cho Duy Lan ở nhờ, bởi căn nhà của gia đình em cũng ở trong khu nghĩa địa này đã bị sập mất từ 2 năm qua trong một cơn lốc xoáy.
Trước kia, em cũng từng có một mái ấm gia đình, ở đó dù cuộc sống cũng gian truân nghèo khó nhưng Duy Lan vẫn có đầy đủ cha mẹ, anh em như bao người khác.
Vốn khó khăn nên ngày ngày cha mẹ đi làm thuê làm mướn kiếm sống, còn anh của Duy Lan khi học đến lớp 7 đã phải nghỉ để đi đến tận Bình Dương làm công nhân kiếm tiền phụ cha mẹ nuôi em ăn học.
Cha em vốn là bộ đội trong một đoàn quân tình nguyện Việt Nam sang nước bạn Campuchia, trong một trận chiến đấu ác liệt, ông sống sót trở về với tấm thân mà ngay cả người thân trong gia đình cũng không thể nào nhận ra, bởi trên cơ thể ông có quá nhiều dấu vết của chiến tranh để lại...
Trở về, phải lao động cực nhọc để mưu sinh trong điều kiện sống hết sức kham khổ khiến cho nên sức khỏe của ông sớm hao mòn, đây là điều kiện thuận lợi để cho bệnh tật dễ dàng tấn công. Cho đến cách đây 5 năm, năm Duy Lan vừa kết thúc năm học lớp 7, sau một cơn bạo bệnh sức cùng lực kiệt, ông đã đột ngột qua đời.
Chồng mất, bao nhiêu gánh nặng đều đè lên đôi vai của người vợ, người mẹ. Cuộc sống vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.
Đã vậy, trong một lần đi đập đá thuê, mẹ Duy Lan đã bị đá đè khiến cho sức khỏe ngày càng sa sút và trầm trọng hơn làm cho bà không còn đủ khả năng gánh vác chuyện gia đình thay cho người chồng đã khuất.
Không thể làm thuê cho người ngoài được nữa, bà đành phải bỏ quê, bỏ cô con gái đang trong độ tuổi ăn học để lên Bình Dương chăm sóc cháu giúp cho người con trai.
Để cho anh ấy có thời gian đi làm công nhân kiếm sống, Trần Duy Lan đành phải một mình ở trong ngôi nhà quạnh hiu giữa tứ bề mồ mả cạnh chân núi đá này.
Nhành lan cứng cỏi
Trong màn đêm ở một khu vực đầy âm khí, cô bé Trần Duy Lan đơn độc đang học bài. |
Trong cái không gian ngập tràn âm khí của khu nghĩa địa, ngôi nhà này không chỉ nghèo nàn về của cải, mà còn thiếu vắng cả hơi ấm của sự sống. Không bếp núc, không chén bát, không gạo thóc, không nước nôi, không bàn ghế… và cũng chẳng có bóng dáng của một người thân nào.
Hàng ngày, tuy Duy Lan được đến nhà dì ruột tên Lâm Thị Bích Vân gần đó ăn uống, tắm giặt, nhưng xong rồi em cũng lặng lẽ trở về với ngôi nhà heo hút của mình, như một cõi riêng tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài.
Ở đó, sớm hôm Duy Lan chỉ còn biết bầu bạn với cái bóng của chính mình, không có ai để chuyện trò, tâm sự hay chia sẻ buồn vui. Không một tiếng rầy la, không một lời dạy bảo, tất cả chỉ có một mình em với em.
Cuộc sống côi cút luôn tách biệt với thế giới bên ngoài ấy đã làm cho Duy Lan trầm tính so với các bạn cùng trang lứa. “Đôi lúc nhìn thấy bạn bè có cha, có mẹ ở bên, em luôn mơ ước mình cũng có được một mái ấm gia đình như thế, do hoàn cảnh nghèo khó mà mẹ con, anh em mỗi người một ngả... em rất buồn, rất tủi và em trở nên ít cười đùa từ lúc nào em cũng không biết.
Nhất là những đêm khuya trời mưa tí tách, em phần nhớ mẹ, nhớ cha, nhớ anh, phần thì sợ… những giây phút ấy em luôn ao ước có được hơi ấm của người thân nhưng vì hoàn cảnh em biết sao bây giờ… Sau những lúc nhớ nhung, sợ hãi ấy, em chỉ biết thức dậy học bài để lấy lại lòng can đảm và em tự nhủ với lòng mình không được khóc”.
Đã vậy, sau mỗi buổi tan trường, em phải tranh thủ thời gian đi giúp việc nhà hoặc đi làm cỏ, chăm sóc mồ mả thuê cho thân nhân của những ngôi mộ… để kiếm tiền trang trải cho việc học hành. Dù vậy, Trần Duy Lan vẫn tập trung toàn tâm, toàn ý cho việc học hành, dưỡng nuôi ước vọng trở thành cô giáo trẻ.
Bởi, đối với em, học không chỉ để tự giải thoát, mà còn để thực hiện tâm nguyện lớn lao của người cha quá cố và để có một cái nghề vừa nuôi sống bản thân vừa có thu nhập ổn định mong chăm lo cho mẹ trong lúc tuổi già.
Với suy nghĩ ấy, dù cuộc sống có vô vàn khó khăn, thiếu thốn, nhưng hằng ngày, em vẫn đều đặn đến trường, bất kể đói no, mưa nắng, bất kể đường sá xa xôi mà có hôm phải đi về đôi ba lượt. Trời chẳng phụ lòng người, nhiều năm liền, Duy Lan đều đạt danh hiệu học sinh giỏi.
Biết hoàn cảnh của Duy Lan nghèo khó nên mỗi mùa tựu trường, áo dài mà em đi học được những chị học năm trước cho rồi em sửa lại mặc đi học. Mỗi khi lớp có thu tiền quỹ hay trường có thu khoản nào đó thì các bạn trong lớp hùn tiền đóng cho Duy Lan hoặc Ban Giám hiệu nhà trường tìm cách miễn giảm cho em.
Ở nhà vốn đã cút côi đơn độc, vì thế bên trong tâm hồn em, trường học là một mái ấm thân thương, ở đó em không chỉ được tiếp thu kiến thức làm giàu trí tuệ mà còn nhận được cả sự cảm thông, chia sẻ của thầy cô, bạn bè.
Vì vậy, mỗi khi đến trường là em như được trải lòng để đón nhận những niềm vui. Với bản tính hiền hòa, thân thiện, Duy Lan luôn sống hết mình với bè bạn, luôn quan tâm giúp đỡ mọi người. Đối với những bạn học kém, em hết lòng động viên, hỗ trợ để cùng tiến bộ.
Đối với những bạn giỏi, em tích cực trao đổi, học hỏi để bổ sung và hoàn thiện kiến thức của mình. Em học tốt nhất là các môn tự nhiên, đặc biệt là môn toán. Nhiều năm liền, Duy Lan là tấm gương sáng về tinh thần vượt khó, hiếu học của lớp và cả trường Thủ Khoa Nghĩa, được thầy cô và bạn bè quý mến.
Khu di tích núi Sam thị xã Châu Đốc về đêm thật náo nhiệt, xe cộ khách lữ hành ngược xuôi tấp nập với những hàng quán dày đặc hai bên đường.
Đêm đêm trên đường đi học thêm về, Trần Duy Lan vẫn âm thầm vượt qua khu vực này mà không hề để mắt, chỉ vội vã hướng về một nơi cách đó vài trăm mét nhưng cảnh vật vắng lặng đến đau lòng, đó là nơi ngã rẽ dẫn vào nhà em - một đoạn đường thật ngắn ngủi nhưng không dễ gì vượt qua đối với những ai không có đủ lòng can đảm.
Do là khu nghĩa địa nên mỗi lần đi học, em buộc phải gửi xe bên ngoài rồi len theo lối mòn băng qua nghĩa địa để đi bộ về nhà.
Mười mấy năm đi về qua lối ấy giờ đây, nó đã trở nên quá quen thuộc đối với Duy Lan đến nỗi không cần đèn đuốc, không cần đến một thứ ánh sáng nào mà bước chân nhỏ bé của em vẫn dễ dàng len lỏi qua từng bia mộ để về đến chốn nương thân.
Đêm đến, không gian nơi này càng trở nên tĩnh mịch, bóng dáng của cuộc sống giờ chỉ còn những nguồn sáng yếu ớt và tiếng xe cộ ngoài đường vọng lại. Âm thanh rõ nhất tại đây chỉ còn có tiếng nỉ non, ai oán của các loại côn trùng.
Trong màn đêm ở một khu vực đầy âm khí, mấy ai biết rằng nơi ấy có một căn chòi bé nhỏ với cô bé tên Trần Duy Lan đơn độc bắt đầu học bài buổi tối nhưng lòng cô bé luôn trĩu nặng những nỗi niềm thương nhớ mẹ, nhớ anh.
Để vơi bớt những nỗi niềm ấy, Duy Lan đã chọn cách học bài, lúc những câu chữ, những phép tính hiện ra trước mắt cũng chính là khi những ước mơ cháy bỏng về ngày mai tươi sáng của em hiện lên, lấn át màn đêm u tối, Trần Duy Lan vẫn chăm chú học hành vun đắp tương lai bằng tất cả niềm tin và nghị lực của một cô bé có tinh thần thép.
- Khánh Vi