Có cả chục phi tần bồi táng Khang Hy vẫn nhất mực đòi chôn cùng 1 nam nhân, đó là ai?

20:00, Thứ năm 14/04/2022

( PHUNUTODAY ) - Thay vì chỉ “bồi táng” cùng hoàng hậu và phi tần, Khang Hy Đại Đế lại đặc biệt yêu cầu một nam tử. Vậy nam tử này là ai mà lại được Khang Hy đặc biệt sủng ái như vậy?

Điều ít biết về Hoàng đế Khang Hy

Hoàng đế Khang Hy là một trong những vị vua nổi tiếng nhất lịch sử Trung Quốc, lên ngôi năm 8 tuổi, chính thức cai trị ở tuổi 14. Khang Hy là vị hoàng đế huyền thoại đặt nền móng vững chắc cho sự cai trị của nhà Thanh.

Xuyên suốt lịch sử, các vị hoàng đế hầu hết đều cho người xây dựng lăng mộ - nơi yên nghỉ của mình từ sớm và không tiếc công sức đầu tư hoành tráng để thể hiện địa vị bản thân. Khang Hy cũng không phải là ngoại lệ, nhất là khi ông từng có một thời thịnh trị. Lăng của ông được xây dựng từ năm 1676 và hoàn thành vào năm 1681. Hơn 40 năm sau, Hoàng đế Khang Hy băng hà và được đưa vào lăng (Thanh Cảnh Lăng).

Empty

Trước khi qua đời, Khang Hy Đế lo sợ các đại thần một khi nắm được quyền lực sẽ có ý muốn cướp ngôi. Vì vậy, hoàng đế Khang Hy phải sớm chọn "cánh tay phải" cho thái tử tương lai, người này nhất định phải có đủ uy tín, đồng thời cũng phải đủ trung thành. Chọn tới chọn lui, Khang Hy nhìn trúng Niên Canh Nghiêu và Long Khoa Đa.

Niên Canh Nghiêu xuất thân từ gia đình có truyền thống làm quan. Năm 1700, ông đỗ Đồng tiến sĩ, được vào Hàn Lâm viện làm Hàn Lâm Kiểm thảo, từng được bổ làm Chủ khảo thi Hương của hai tỉnh Tứ Xuyên và Quảng Đông, rồi lại chuyển làm Nội các Học sĩ.

Năm Khang Hy thứ 48 (1709), Niên Canh Nghiêu một đường thăng tiến, được bổ làm Tuần phủ Tứ Xuyên. Trong suốt 16 năm làm quan cai trị ở Tứ Xuyên, ông đã có nhiều công lao trong thực thi quyền lực của Thanh triều tại vùng đất có nhiều bộ tộc thiểu số sinh sống với truyền thống tự trị.

Lúc này, cân nhắc thiệt hơn, trong lòng Hoàng đế nhà Thanh đã có đáp án. Khang Hy cảm thấy tứ a ca Ung Thân Vương (Tên thật là Ung Chính) là "ứng cử viên số 1" cho ngôi vị hoàng đế mà Niên Canh Nghiêu lại là thông gia với Ung Thân Vương (Do em gái ông là Trắc Phúc tấn của Ung Thân Vương). Cho nên cả 2 có sự liên kết với nhau và Niên Canh Nghiêu chính là "cánh tay phải" đắc lực phò tá hoàng đế mới.

Còn về phía Long Khoa Đa, thân phận của Khoa Đa so với Niên Canh Nghiêu còn tôn quý hơn nhiều. Ông sinh ra trong gia tộc Đông Giai, tổ phụ Đông Đồ lại là công thần khai quốc của nhà Thanh, phụ thân Đông Quốc Duy là trọng thần đương triều. Hơn nữa, hai chị gái của ông đều là phi tần của Khang Hy Đế. Như vậy, xét về gia tộc thì Long Khoa Đa là em vợ của hoàng đế Khang Hy.

Chọn một nam nhân làm người bồi táng

Có thân phận như vậy, con đường làm quan của Long Khoa Đa tự nhiên một đường thuận lợi, sau đó thăng cấp lên thống lĩnh Bộ quân, phụ trách bảo vệ kinh thành. Khang Hy đối với Long Khoa Đa "một phần ưu ái, mười phần tín nhiệm".

Tuy nhiên, trong triều đại nhà Thanh lúc đó, một nửa triều thần đều có quan hệ huyết thống với Long Khoa Đa. Đây là ưu thế và cũng là bất lợi của ông. Khang Hy trong lòng hiểu rõ, nếu sau này Long Khoa đa đối với hoàng đế mới có dị nghị, triều đình rất có khả năng bị rối loạn.

Chính vì thế, Khang Hy đã nghĩ ra một cách rất đặc biệt để đảm bảo lòng trung thành và đập tan ý định lật đổ vương triều của Long Khoa Đa.

Đầu tiên, Khang Hy bí mật tiếp đón Long Khoa Đa. Sau một hồi bắt chuyện, hoàng đế ra ý chỉ Long Khoa Đa làm bề tôi bồi táng trong lăng mộ của mình.

Mọi chuyện không nằm ngoài dự đoán của Khang Hy. Khi Long Khoa Đa nhận được thánh chỉ, mặt liền kinh sắc. Ông ta đương nhiên không muốn chết nên đã cầu xin hoàng đế thương xót, đồng thời chạy qua cầu cứu Ung Thân Vương.

Ung Thân Vương thấy gia tộc của Long Khoa Đa vẫn còn có lợi cho bản thân nên đã tự mình đi bái kiến Khang Hy, cẩn thận cầu trình cho Long Khoa Đa. Khang Hy liền nhân cơ hội này, một mặt thì tha cho Khoa Đa 1 mạng, mặt khác lại đề bạt ông giữ 1 chức vụ quan trọng trong triều. Long Khoa Đa vì chuyện này mà một lòng biết ơn và luôn dốc sức phò tá Ung Chính.

Sở dĩ Khang Hy làm như vậy để cảnh cáo Long Khoa Đa không nên vì được ưu ái mà phụ bạc, kiêu ngạo. Đồng thời, hoàng đế cũng muốn nhấn mạnh với những kẻ mang tạp niệm cướp đoạt vương vị rằng dù có quyền cao chức trọng đến đâu thì quyền sinh sát vẫn nằm trong tay vua.

Quả thực, Long Khoa Đa đã giúp đỡ Ung Thân Vương rất nhiều trong những năm đầu. Thế nhưng, sau đó, ông lại quên mất bài học hoàng đế Khang Hy đã dạy mà ngày càng ngang ngược. Người ta nói rằng Khang Hy muốn bồi táng cùng Long Khoa Đa, bởi Hoàng Đế sợ rằng Long Khoa Đa sẽ trở thành Ngao Bái tiếp theo, nhưng lại bị Ung Thân Vương ngăn cản. Cho đến khi giết Long Khoa Đa, Ung Thân Vương mới nhận ra những gì mà phụ vương mình đã làm hồi đó.

Kết cục của Long Khoa Đa

Sau lễ đăng cơ của Ung Chính, Long Khoa Đa càng nắm nhiều quyền hành trong tay càng ngang ngược hơn. Một ngày nọ, khi vừa gặp tiểu thiếp Lý Tư Nhi của nhạc phụ (cha vợ), Long Khoa Đa ngay lập tức đã phải lòng từ ánh mắt đầu tiên. Ông yêu thích Lý Tư Nhi đến nỗi bỏ qua mọi đạo lý. Để đoạt được mỹ nhân, Long Khoa Đa đã làm mọi cách để nhạc phụ phải "tặng" Lý Tư Nhi cho mình.

Điều này đã khiến chính thê Hách Xá Lý thị của Long Khoa Đa nổi giận khi tiểu thiếp của cha nay trở thành tiểu thiếp của chồng. Trong cuộc chiến giữa thê tử và sủng thiếp, Long Khoa Đa đã đứng về phía sủng thiếp. Dẫn đến việc mẫu thân Long Khoa Đa không vừa ý, đau lòng đến chết. Nhưng, từ đó Long Khoa Đa lại càng thể hiện tình cảm với Lý Tư Nhi nhiều hơn, bất cứ sự kiện nào cần có mặt của chính thê, ông đều đưa sủng thiếp đến dự.

Empty

Ít lâu sau, Lý Tư Nhi sinh con trai, khiến Long Khoa Đa càng sủng ái hơn. Tuy nhiên, Lý Tư Nhi cũng không phải là một người có tâm ý tốt, càng được nuông chiều càng kiêu ngạo hơn, liên tục thách thức Hách Xá Lý thị.

Ả ta không những đã trực tiếp giết chết nguyên phối (chính thê, vợ cả) của chồng mà còn sử dụng cách thức vô cùng tàn khốc. Theo sử sách ghi lại, để xử lý chính thê của Long Khoa Đa, Lý Tư Nhi đã áp dụng hình phạt "Nhân Trệ" ("Nhân trệ" là một cực hình biến con người thành lợn, người chịu cực hình sẽ bị chặt hết tay chân, khoét hai mắt, hủy hoại hai tai rồi cho uống thuốc câm, sau đó ném vào chuồng lợn hoặc nhà giam dơ bẩn. Những người này dù đau đớn nhưng không thể gào thét chỉ có thể tru lên từng đợt đáng sợ).

Ngoài ra, Lý Tư Nhi còn can thiệp vào những việc công của Long Khoa Đa và nhận nhiều khoản hối lộ lên đến hơn 440 vạn lượng. Thậm chí ả ta còn công khai có quan hệ dây mơ rễ má với Cửu Hoàng tử, người đã từng là kẻ thù của Hoàng đế Ung Chính trước đây.

Từng hành vi của Lý Tư Nhi khiến ai cũng phẫn nộ. Ngay cả Niên Canh Nghiêu, một người được biết đến với chuyện ỷ sủng mà ngạo mạn, cũng không thể chịu nổi, ông công khai dâng tấu sớ chỉ trích lên Hoàng đế Ung Chính.

Long Khoa Đa dần dần mất đi ân sủng của Hoàng đế. Vài năm sau đó, Hoàng đế Ung Chính mới bắt đầu "tấn công" Long Khoa Đa. Trưởng tử của Long Khoa Đa và nguyên phối đã mất là Nhạc Hưng A chủ động xin được tham gia vụ án này, báo thù cho mẫu thân. Nhạc Hưng A kỹ lưỡng điều tra các hành vi phạm pháp của Long Khoa Đa và Lý Tư Nhi.

Kết quả, Long Khoa Đa bị kết án 41 đại tội, giam giữ đến cuối đời, tài sản sung công, sau cùng đã chết trong tù.

chia sẻ bài viết
Theo:  saigonthethao.thethaovanhoa.vn copy link
Tác giả: Mộc