Cô gái Ba Na chấp nhận làm mẹ từ năm 14 tuổi để cưu mang đứa trẻ bị chôn sống

17:55, Thứ hai 16/07/2018

( PHUNUTODAY ) - Để cưu mang đứa trẻ bị bỏ rơi vì hủ tục, cô gái người Ba Na chấp nhận điều tiếng để trở thành một người mẹ từ năm 14 tuổi.

Y Byen (28 tuổi, dân tộc Ba Na) sinh ra trong một gia đình nghèo ở ngôi làng Plei Piơm, thị trấn Đắk Đoa (Đắk Đoa, Gia Lai). Từ nhỏ, cô đã theo mẹ vào các bản vùng xâu vùng xa bán hàng kiếm tiền phụ giúp gia đình trang trải cuộc sống, nhờ thế cô đã có cơ duyên gắn kết với đứa con trai đầu lòng.

Vừa kết thúc chuyến công tác gần một tuần cùng Đoàn ca múa nhạc tổng hợp Đam San, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, Y Byen vội vã trở về nhà gặp 2 con trai, Y Song, 14 tuổi và Y Sơn, gần 3 tuổi, đưa cho con bịch sữa, rồi lại chuẩn bị đồ đi hát ở một đám cưới gần đó. Cô gái 28 tuổi không cho phép bản thân nghỉ ngơi nếu còn có thể kiếm tiền. Nhiều năm nay cô là trụ cột gia đình, sau lưng còn cha mẹ già yếu và hai con đang tuổi ăn tuổi lớn.

Y Byen, 28 tuổi, dân tộc Ba Na, làm mẹ từ năm 14 tuổi

Y Byen, 28 tuổi, dân tộc Ba Na, làm mẹ từ năm 14 tuổi

Y Byen sinh ra trong một gia đình nghèo ở làng Plei Piơm, thị trấn Đăk Đoa huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai. Cả nhà sống trong ngôi nhà chưa đầy 10m2, không có ruộng, vườn trồng cây, chỉ đi làm thuê cho người ta. Năm 2004, trong lúc cùng bố mẹ vào chợ buôn bán cách nhà trăm cây số, Y Byen đã chứng kiến cảnh buôn làng chuẩn bị chôn sống đứa trẻ sơ sinh theo hủ tục “mẹ chết con phải chết theo” vì họ sợ sẽ mang lại điềm xấu cho cả nhà. Cô không kìm nổi cảm xúc thương xót đứa trẻ liền chạy tới bế rồi xin bố mẹ đem về nuôi.

“Người mẹ trở dạ nhưng không có điều kiện vào viện nên không qua khỏi, chỉ có đứa trẻ được cứu sống. Tuy nhiên chưa đầy 7 tiếng đồng hồ, bé bị dân làng đem đi chôn theo hủ tục. Tôi đứng đó thấy đứa trẻ còn đỏ hỏn chẳng có tội sắp bị chôn sống đã chạy tới ẵm, xin về nuôi. Bố mẹ biết tôi muốn cưu mang đứa trẻ ấy nên đã bỏ hết đồ đạc, đưa hai mẹ con tôi trở về Plei Piơm”, Y Byen nhớ lại.

14 tuổi, chưa đủ tuổi để làm các giấy tờ pháp lý nhận nuôi con, Y Byen phải nhờ mẹ đứng ra hoàn tất các thủ tục với lời hứa: "Mẹ cứ làm hộ cho con, hết bao nhiêu tiền con sẽ đi làm thuê để trả mẹ". Nói là làm, sáng đi học, chiều Y Byen  xin đi làm thuê khắp nơi, chăn trâu thuê, móc mủ cao su, mò tôm, ốc. Cuộc sống của cô gái Tây Nguyên đã thay đổi hoàn toàn từ đó, đi đâu làm gì cô cũng địu con theo.

Y Byen và hai con trai

Y Byen và hai con trai

Y Byen kể may mắn là đợt đó hàng xóm có hai người cũng mới sinh con nên ngày ngày cô lại bế Y Song sang nhờ họ xin bú nhờ. Những đồng tiền tiết kiệm được, cô dành để mua cho con hộp sữa đặc pha cho con ăn thêm. "Mỗi ngày đi mưu sinh như thế cũng kiếm được 10-20 nghìn đồng, hôm nào khá thì được 30.000 đồng. Cứ như thế, 7 tháng con đã có thể ăn cơm", Y Byen nói.

Nhìn con lớn lên nhờ những lon sữa bò và nước cơm trắng, thi thoảng cô gái Tây Nguyên rơm rớm nước mắt vì thương…Cô lại nhờ hàng xóm trông hộ con, tranh thủ đi mò cua bắt ốc về nấu cháo để bữa ăn có thêm chút dinh dưỡng. Cứ vậy, tuổi thanh xuân của Y Byen chỉ quanh quẩn mối lo cơm, sữa cho đứa con trai nhỏ.

Không chỉ lo kiếm tiền nuôi con, cô gái trẻ khi đó còn luôn sống trong lo sợ khi bố đẻ Y Song nhiều lần tìm đến nhà cô tìm cách cướp đi mạng sống của cậu bé. Lần thì ông đang bế bỗng nhiên thả bé rơi xuống đất, lần định bế con nhảy xuống giếng tự tử...

Nhưng sau khi nhờ chính quyền can thiệp và giải thích về các hủ tục, bố Y Song bỏ ý định này. Y Byen kể sau này chính hai gia đình lại kết nghĩa anh em với nhau, ông cũng thi thoảng xuống thăm con. Cô hứa sau này nếu Y Song lớn, con muốn về với gia đình thật, cô sẵn sàng để con đi.

Cô gái trẻ làm đủ mọi việc để có thể nuôi nấng 2 đứa con mà cô hết lòng yêu thương

Cô gái trẻ làm đủ mọi việc để có thể nuôi nấng 2 đứa con mà cô hết lòng yêu thương

Nhờ tình yêu thương của Y Byen, tiếng nói đầu tiên khi Y Song cất chính là “Mẹ…Mẹ ơi!”. “Tôi đã run lên vì hạnh phúc, thực sự rất cảm động. Từ ngày đó, tôi biết mình phải có trách nhiệm nuôi nấng, bảo vệ và xem con như con ruột.

Tôi truyền cho con niềm tin vào cuộc sống, dạy con cách làm người tốt, đặc biệt giúp con vượt qua những mặc cảm về quá khứ bị ruồng bỏ”, cô trải lòng.

Không phụ sự chăm sóc của mẹ, cậu bé Y Song lớn lên khỏe mạnh và ngoan ngoãn. Bé hiền lành, trong sáng, biết giúp đỡ mẹ, ông bà, đáng yêu như chính cái tên mang ý nghĩa "món quà của chúa trời" mẹ Y Byen đặt cho. Vì con, cô sẵn sàng làm bất cứ việc gì, địu con đi khắp nơi mặc những lời trêu chọc của bạn bè. Dù "các bạn ăn bánh, mình ngậm đá để tỏ vẻ như cũng đang được ăn", dù nhiều bữa bụng đói vì không đủ cơm, cô vẫn luôn vui vẻ, mạnh mẽ vượt qua tất cả.

Y Byen học đến lớp 12, thi không đỗ nên quyết định đi học trung cấp về quản lý văn hóa. Hiện tại, cô công tác tại Đoàn ca múa nhạc tổng hợp Đam San, tỉnh Gia Lai, tham gia vào các hoạt động văn hóa, tuyên truyền văn nghệ cho bà con. Ngoài giờ, cô đi hát đám cưới, tiệc tùng để kiếm thêm thu nhập lo cho gia đình. 

Sau 10 năm cưu mang Y Song về nuôi dưỡng, cô gái dân tộc Ba Na tiếp tục “nhặt” thêm một bé trai sơ sinh mình đầy máu me quấn trong chiếc áo mỏng ngoài nghĩa địa.

"Trong một lần đi công tác về năm 2015, tôi biết tin có một em bé bị bỏ ngoài nghĩa địa nên đến ngay đó mang về nuôi. Cái tay nhỏ bé nắm lấy tay tôi. Khi ấy có một tình cảm thiêng liêng của người mẹ bừng lên trong lòng. Tôi mới nói 'con ơi, ráng về đến nhà rồi con khóc nhé'", Y Byen kể.

Hai đứa trẻ ngoan ngoãn sống trong tình thương của người mẹ mới 28 tuổi

Hai đứa trẻ ngoan ngoãn sống trong tình thương của người mẹ mới 28 tuổi

Cô gái 28 tuổi tâm sự khi đó cô cứu đứa trẻ ấy chẳng vì lý do gì, thậm chí, còn chẳng đủ thời gian nghĩ mình sẽ làm gì để nuôi nấng. Cơ thể tím tái vương máu của đứa trẻ khiến cô cuống cuồng, chỉ biết ôm vào lòng ủ ấm, vỗ về. 

Y Byen đã nhờ một bà sơ ở một nhà thờ gần đó làm chứng, để sau này hoàn tất thủ tục nuôi con. Hơn một năm trời với nhiều thủ tục cô mới được chứng nhận quyền nuôi con, chính thức trở thành mẹ nuôi của cậu bé. Bé được đặt tên là Y Sơn, "đứa con của núi rừng".

Hay tin con gái bế một đứa bé mới sinh trở về, bố mẹ cô bỏ hết nương rẫy, ra tận đầu làng đón. Quyết định nuôi em bé của Y Byen được cả gia đình ủng hộ. Cha của cô, ông Y Byom chia sẻ: "Dù có phải bán gà, bán heo, làm thuê mướn cũng phải nuôi hai đứa trẻ".

Đã đi làm, có nguồn thu nhập ổn định nhưng việc phải một mình nuôi bố mẹ già và hai con nhỏ khiến Y Byen phải chắt bóp từng đồng. Đã có lúc cô một tay ôm con, một tay chăm mẹ mổ mắt trong viện, nhưng cô gái trẻ vẫn không than thở một lời. Y Byen nói cô được ông trời thương lắm, nên mỗi khi có việc gì khó khăn, cô lại nhận được nhiều sự giúp đỡ. Ví như lúc hết tiền mua sữa cho con thì có người mời đi hát, lúc không biết kiếm đâu 15 triệu đồng chữa mắt cho mẹ thì mẹ lại được nằm trong danh sách bệnh nhân được mổ miễn phí. 

May mắn là Y Song và Y Sơn lớn lên đều khỏe mạnh, ít gặp bệnh tật. Nói như người mẹ trẻ rằng hai đứa nhỏ như được "trời nuôi". Ngày qua ngày, cô đã chăm đứa đầu nay học lên lớp 8, đứa sau đã được gần 3 tuổi. 

"Công việc bận rộn nhưng mỗi khi được về với con những mệt mỏi trong tôi đều tan biến hết. Mỗi lần nghe con thủ thỉ 'con yêu mẹ mập lắm'; 'mẹ xinh quá'... tôi thấy những nỗ lực của mình được đền đáp xứng đáng", Y Byen tâm sự.

Y Byen muốn chia sẻ câu chuyện của mình như một bài học để người ta có thể xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, hướng đến cuộc sống văn minh hơn, nhân văn hơn

Y Byen muốn chia sẻ câu chuyện của mình như một bài học để người ta có thể xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, hướng đến cuộc sống văn minh hơn, nhân văn hơn

28, độ tuổi nhiều người đã lập gia đình và có con nhưng Y Byen thời điểm này vẫn chưa nghĩ tới chuyện đó. Có nhiều người đàn ông muốn làm quen nhưng cô luôn sợ sẽ mang lại khổ cực cho người ta, rồi trăn trở không biết người ta có yêu thương con của mình như con ruột không. 

"Với tôi chuyện lập gia đình riêng giờ đây không quan trọng bằng việc tương lai hai đứa nhỏ sẽ sống và thành đạt như thế nào. Giờ đây tôi còn nợ cha mẹ nhiều điều, ông bà đã già nhưng tôi vẫn chưa báo hiếu được gì cho họ nhiều. Đó là điều tôi trăn trở nhất lúc này", cô nói.

Căn nhà lợp mái tôn, nước rơi xối xả vào nhà mỗi khi mưa gió ngày xưa đã được Y Byen sửa sang lại đôi chút nhờ khoản tiền 30 triệu đồng trợ cấp từ cơ quan. Bố mẹ cô, hai đứa con giờ không còn phải nằm co ro, chạy đi lấy chậu hứng khắp nơi. Y Byen tâm sự bản thân cô không muốn chia sẻ câu chuyện của mình vì sợ các con tự ti, nhưng cô hy vọng qua chuyện này, những hủ tục xấu của người dân tộc cũng sẽ được xóa bỏ để cuộc sống tiến bộ, văn minh hơn.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc