Cô giáo 15năm dạy không công để tâm hồn không chết yểu

09:06, Thứ ba 20/11/2012

( PHUNUTODAY ) - "Mình chỉ muốn các bậc cha mẹ hãy cho con cơ hội, thầy cô cho các con con chữ, lớp học cho các con niềm vui".

"Mình chỉ muốn các bậc cha mẹ hãy cho con cơ hội, thầy cô cho các con con chữ, lớp học cho các con niềm vui".
[links()]
"Đồng nghiệp nhìn tôi như vật thể lạ"

Cô giáo Lê Thị Hòa (40 tuổi, thôn Đông Cựu, xã Đông Sơn, Chương Mỹ, Hà Nội) mở đầu câu chuyện bằng giọng ấm áp.

15 năm âm thầm, kiên nhẫn đeo bám lớp học tình thương với 57 cháu bị khuyết tật (tuổi từ 6-33 tuổi), không có khả năng đến trường, trí tuệ chậm phát triển.

Nhưng suốt 15 năm, cô đã làm mà không cần một lời cảm ơn, không một đồng phụ cấp. Nhưng cái khó khăn lớn nhất đối với các cô giáo đứng lớp học tình thương ở chùa Hương Lan không phải là học trò mà là dư luận, là sức ép từ gia đình.

Cô Hòa (ngoài cùng, trái) đã có 15 gắn bó với những học trò bị tật nguyền
Cô Hòa (ngoài cùng, trái) đã có 15 gắn bó với những học trò bị tật nguyền


"Nhiều lần khi nhìn thấy tôi lên lớp, bỏ bê gia đình nhiều đồng nghiệp đã chê cười, cả xa lánh, sợ hãi", cô Hòa tâm sự.

Trong thời buổi khó khăn, 2 vợ chồng cô Hòa lên lớp chỉ với đồng lương hơn 2 triệu/ tháng, thì để lo cho gia đình cả 4 người là rất khó khăn. Phải chắt chiu, tằn tiện lắm mới đủ chi tiêu trong gia đình.

"Các đồng nghiệp, nhiều người nhận dạy thêm ít cũng kiếm cả 200-300 một ca (2 tiếng), trong khi tôi dành cả thứ 7, CN để dạy cho các con. Nhiều người nói tôi, chắc phải có nhiều bổng lộc lắm thì mới đi làm việc đó, chứ lương không đủ sống lại còn bày trò dạy không công".

Đứng trước áp lực của dư luận và gánh nặng cơm áo gạo tiền, bản thân cô cũng nhiều lần rơi nước mắt. "Đã từng có đồng nghiệp tưởng thần kinh của tôi có vấn đề, còn xa lánh, không nói chuyện với tôi mất một thời gian dài. Khoảng hơn 1 năm sau, mọi người mới nhìn tôi với ánh mắt bình thường, không còn sợ hãi nữa".

Không chỉ phản ứng từ đồng nghiệp, với chồng con cô cũng gặp phải những điều nghi kỵ, phản đối rất quyết liệt.

"Tâm lý chung người đàn ông nào cũng vậy thôi, vợ đã đi dạy cả tuần, có hai ngày nghỉ ở nhà chăm sóc gia đình giờ cũng lại đi nốt. Ai mà chịu được. Lại thêm đi sớm về muộn, nên không tránh khỏi những nghi ngờ này nọ".

Không đến nỗi chồng phải đạp xe theo dõi, hay khóa cửa cấm cung nhưng nhiều lần cô phải lên lớp trong bộ trang phục mặc ở nhà vì sợ chồng nghi ngờ bồ bịch, hay cả những lần phải nói dối đi chợ, đi gội đầu để được chạy đến lớp. Nghĩ lại những lúc khó khăn, cô không nghĩ giờ lớp học lại lên đến gần 60 cháu với gần chục giáo viên vẫn kiên nhẫn đeo bám.

Cũng là một giáo viên đang theo dạy cho các con, cô Hạnh chia sẻ: Thời gian đầu, khi biết cô đi dạy ở chùa, chồng cô đã phản ứng ra mặt. Nói vợ không được, anh phản đối bằng hành động. Nhiều lần, cô trở về nhà thấy điện tắt, cửa khóa chồng đưa con đi đâu không rõ. Cô Hạnh nói, đó là cách mà chồng cô ngầm phản đối không cho cô đi dạy, nhưng cô vẫn kiên trì, thuyết phục chồng.

"Đến bây giờ, thì chắc ông ấy cũng phải chịu rồi vì độ kiên trì của vợ", cô Hạnh tâm sự.

Cũng giống cô Hòa, cô Hạnh cũng là người chịu không ít điều tiếng từ đồng nghiệp. "Khi vận động một số cô giáo trong trường tới giúp đỡ các cháu, tôi đã bị nhiều đồng nghiệp nói thẳng: Đi dạy chữ chứ không phải lên vắt mũi, lau dãi không công.

Kể ra cũng cay đắng thật, nhưng thời buổi ai cũng chạy theo đồng tiền thì những lời nói đó cũng đúng thôi".

Không để tâm hồn "chết yểu"

Theo cô Hòa, trong ngôi nhà chừng 20m2 đủ cho 2 vợ chồng với 2 đứa con chui ra chui vào; thương các con, không có chỗ học, cô Hòa dành gian bếp rộng khoảng 7m2 vừa làm chỗ đun vừa là nơi giảng dạy.

Một góc lớp học tình thương ở chùa Hương Lan
Một góc lớp học tình thương ở chùa Hương Lan

Lớp học chỉ có 4 học sinh, ngồi trong 2 chiếc bàn. "Các con đã thiệt thòi lắm rồi, khổ lắm rồi, mình chỉ muốn bù đắp được phần nào giúp các con có thêm nghị lực tiếp tục sống. Cứ nhìn vào mắt các con thì thấy, cái chúng tôi cho các con là lòng tin, là tình thương yêu".

Sau này, khi biết được sư thầy trụ trì chùa Hương Lan có lòng từ bi dành phòng khách của chùa làm phòng học cho các cháu, cô đã chuyển toàn bộ học sinh vào chùa. Phòng học nhỏ, vừa đủ 20m2, kê được 10 bàn đôi chia làm 2 lớp, 2 chiếc bảng, 2 bàn giáo viên, một chiếc cũi dành cho học sinh quá yếu.

Cô kể, ngày đầu tiên khi tìm đến từng gia đình vận động xin cho các con được đến học, cô đã bị gia đình phản ứng rất gay gắt. Bản thân các phụ huynh đã nghĩ sinh ra những số phận như vậy gần như là bỏ đi, sống cũng không giúp ích gì được cho xã hội nên học hành cũng chẳng đi tới đâu lại mất thời gian đưa đón.

Cô đã phải thuyết phục rất nhiều, chính cô cũng là người hàng ngày đưa đón các con ở xa, không có khả năng đi lại, hết giờ lại trở về.

"Những ngày con gái, chính cô cũng là người mua từng gói băng vệ sinh, tự tay thay rửa, vệ sinh cho các con. Nếu một người không có tâm sẽ rất khó để làm được việc này", cô Hòa nói.

Dạy tới khi nào không còn học sinh

Suốt quãng thời gian theo dạy, có lẽ không thể nói hết tình cảm cô trò, những lời nói ngây ngô, ngờ nghệch đến dễ thương của các con.

Trong số học sinh theo học đã có 3 em được nhận vào các cơ sở, doanh nghiệp. Một em đang theo học tại trung tâm câm điếc (tại phường Biên Giang, quận Hà Đông, Hà Nội). Có hai em, hiện đang làm ở công ty may, lương 2,6 triệu/ tháng. "Từ một người bị coi là bỏ đi, giờ các em đã có thể tự nuôi sống được mình", cô Hòa cho biết.

Các em, có thể đọc thông thạo, nhắn tin hỏi thăm các thầy cô, chia sẻ với các cô như mẹ ruột, đối với một nhà giáo đó là niềm động viên lớn nhất đối với cô.

Ngày 18/11, sau 15 năm dành trọn tình yêu thương cho các con, lần đầu tiên cô Hòa có được đón nhận cảm xúc thực sự của một nhà giáo. Lần đầu tiên, có được phụ huynh tìm đến tận nơi nghẹn ngào nói lời cảm ơn.

Cô Hòa bảo, "gắn bó với các con, nhìn các con thì mới thấy cái nghiệp của mình quá lớn. Tôi sẽ không bao giờ rời bỏ lớp học, rời bỏ các con cho tới khi lớp học không còn một học sinh đến lớp".

Vị sư thầy (xin giấu tên) trụ trì chùa Hương Lan chia sẻ: công đức này thuộc về những người có tầm lòng hiền từ, nhân đức của các thầy cô. Nhà chùa chỉ có cơ sở, các cô có tấm lòng, có con chữ còn tài chính để duy trì lớp học chính từ những tấm lòng hảo tâm, những con nhang đệ tử trong chùa phát tâm giúp đỡ.
 

Bác Trần Cao Liệu (Thanh Lê, xã Thanh Bình, Chương Mỹ) phụ huynh của em Phượng chia sẻ: Chưa đến 20/11, nhưng tôi vẫn muốn đến gặp và gửi lời cảm ơn tới các thầy cô. Tôi đã từng gửi con tới nhiều trường nhưng đều bị các bạn trêu trọc rồi phải bỏ học.

Giờ con tôi đã biết viết tên mình, biết đọc tên bố mẹ, tôi cũng nghĩ con mình cũng có ngày được như vậy. Trong hoàn cảnh, ai cũng nghĩ đến tiền, bị đồng tiền chi phối thì việc làm của các cô thật đáng quý.

Tại ngôi chùa Hương Lan, bác Liệu đã gửi tới 5 cô giáo, mỗi người một món quà để tỏ lòng biết ơn.
 

 

  • Hàn Hương
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc