Trong chiều 18/4, Hiệu trưởng trường THPT Long Thới, huyện Nhà Bè, TP.HCM, ông Bùi Minh Bình thông tin, cô Trần Thị Minh Châu đã chuyển xuống làm nhân viên văn phòng bắt đầu từ đầu tuần này.
Trong cuộc họp hội đồng kỷ luật diễn ra vào ngày 12/4 trước đó, quyết định kỷ luật cô Châu được Trường THPT Long Thới đưa ra là ở mức cảnh cáo, điều chuyển sang công việc khác khác do trường phân công, không còn phụ trách việc đứng lớp.
Cũng theo ông Bình,những cá nhân có liên quan đến sự việc, trong đó có giáo viên chủ nhiệm lớp em Phạm Song Toàn, sẽ bị kỷ luật. Trong tuần này mọi việc sẽ được giải quyết dứt điểm.
Cô Trần Thị Minh Châu là giáo viên mà học sinh Phạm Song Toàn (lớp 11A1, trường THPT Long Thới) phản ánh việc cô nhiều tháng lên lớp nhưng không giảng bài, không nói chuyện, chỉ chép bài lên bảng rồi để học sinh tự học, tự làm bài tại chương trình gặp gỡ giữa lãnh đạo ngành giáo dục TP.HCM với học sinh tiêu biểu vào ngày 23/3.
Trước đó, vào năm 2012, khi đang công tác tại Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (Q.4, TPHCM), cô Trần Thị Minh Châu đã bị Sở GD-ĐT TPHCM ký quyết định kỷ luật cảnh cáo vì vi phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đạo đức, tư cách nhà giáo, xâm hại môi trường sư phạm.
Sau khi sự việc được em Toàn trình bày tại buổi gặp gỡ, nhà trường đã yêu cầu cô Châu viết tường trình. Trong bản tương trình báo cáo với hiệu trưởng, cô Châu cho rằng trong lớp 11A1 "có một học sinh nói bạn bè ghi âm bài giảng của cô, có gì thì tung ra đánh cô giáo". Nhà trường sau đó tổ chức cho lớp 11A1 và cô Châu nói chuyện hòa giải.
Trong buổi tổng kết Hội nghị Thành ủy TPHCM lần thứ 16 diễn ra vào chiều 17/4, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh, Trường THPT Long Thới đã xử lý chậm trong sự việc cô giáo không giảng bài, không nói chuyện khi lên lớp suốt 3 tháng diễn ra tại trường. Dù phụ huynh có phản ánh nhưng nhà trường không nắm bắt được sự việc để xử lý. Điều này cho thấy sự thiếu sát sao trong quản lý của nhà trường với học sinh và phụ huynh.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cũng đề nghị, ngay trong hè này, ngành giáo dục TPHCM cần thiết kế, tổ chức một đợt sinh hoạt cho giáo viên để nâng cao vị thế nghề nghiệp trong xã hội, nói không với vi phạm đạo đức nghề giáo.