Có một làng nghề tinh hoa giữa Sài Gòn

05:51, Thứ năm 20/09/2012

( PHUNUTODAY ) - Nghề đúc lư đồng tuy không còn hưng thịnh, phát triển như xưa nhưng vẫn có những nghệ nhân bám nghề đơn giản vì nét đẹp truyền thống và giữa Sài Gòn đến nay vẫn còn lưu giữ một làng nghề đầy tinh hoa.

Ngày nay, nhắc đến nghề đúc đồng nói chung, đúc lư đồng nói riêng tuy không hưng thịnh, phát triển như xưa nhưng đâu đó vẫn có nghệ nhân bám nghề đơn giản vì nét đẹp truyền thống và giữa Sài Gòn đến nay vẫn còn lưu giữ một làng nghề đầy tinh hoa như thế.

Một thời vang bóng

Sài Gòn cũng một thời phồn vinh với nghề đúc lư đồng, hưng thịnh tồn tại, phát triển độ thập kỷ 70 đổ về trước. Theo lời ông Trần Văn Thắng, tức Hai Thắng, (nghệ nhân “làng” đúc lư đồng An Hội, phường 12, quận Gò Vấp) thì Sài Gòn không phải là cái nôi của nghề đúc đồng.

Theo nghệ nhân Thắng, nghề đúc lư đồng sinh sau đẻ muộn, tuổi đời chỉ trên 200 năm nhưng sản phẩm làm ra có mặt khắp Nam kỳ lục tỉnh, thậm chí xuất sang cả nước bạn như: Campuchia, Lào, Miến Điện…

Điểm đúc lư đồng đầu tiên có thể kể đến là Chợ Lớn; với các loại sản phẩm nổi tiếng là chảo đồng, ô đồng, lư hương, chân đèn, bình hoa, tượng phật, đồ tam khí, siêu đao….Nghề phát triển, nhân rộng sang các khu vực khác trong đó có làng An Hội, phường 12, quận Gò Vấp ngày nay.

Ông Thắng cho biết thêm, nghệ nhân khai sáng là ông Trần Văn Kỉnh. Ông Kỉnh từ An Hội vào Chợ Lớn học nghề với mục đích kiếm kế sinh nhai, thế nhưng sau khi học được nghề, ông yêu nghề từ lúc nào không hay để rồi huy động anh em, bà con làm theo.

Khắp An Hội, trẻ con cho đến người lớn đều bám nghề cả. Đi đến đâu cũng thấy đúc lư đồng. Ngày thường nhộn nhịp đã kể, chứ ngày tết đến, người làm, người giao hàng rồi khách đặt hàng ra vào khiến cho không khí trong vùng lúc nào cũng sôi động.

 Nghệ nhân Hai Thắng đang đúc lư đồng
Nghệ nhân Hai Thắng đang chạm khắc hoa văn trên lư đồng

Chưa kể, người khắp nơi miền Trung, miền Tây Nam bộ về xin học nghề cũng nhiều. Có thể nói bấy giờ nghề đúc lư đồng thủ công là một phần sinh nhai kinh tế của bà con trong vùng này. Đỉnh cao của làng An Hội lúc đây lên đến cả 40 hộ mở cơ sở sản xuất. Bao nhiêu lư được đúc ra đều đắt như tôm tươi, làm không kịp tay.

Thế nhưng, thời gian đổi dời, nghề đúc lư một thời vang danh ngày nào đã ngày càng mai một. Đến độ ngày nay nhắc đến lư đồng An Hội, số hộ gia đình tham gia làm chỉ còn đếm trên đầu ngón tay như Ba cồ, Hai Thắng, Quốc Kiểng, Anh Thoại, Năm Toàn.

Anh Trần Văn Minh, một thợ đúc tại cơ sở nhà ông Hai Thắng cám cảnh: “Thú thực, ngày nay nói về làm lư đồng quả thật ít ai muốn làm. Giá trung bình một bộ khoảng 2 triệu đồng nhưng nhiều công, nhiều kinh phí, thuế lại tăng…

Đơn cử, một bộ ít nhất mất 3 ngày công. Nguyên liệu trung bình từ 10 kg đến 30 kg đồng. Vài năm trước tiền mua đồng chỉ vài chục ngàn đồng cho 1 kg, nay lên đến hơn 100 ngàn đồng, tiền mua đất sét làm khuôn cũng vậy.

Trừ mọi chi phí có thể nói lấy công làm lời. Trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay, để có cuộc sống ổn định bắt buộc họ ra đi. Nhiều người vẫn có thể gắn bó với nghề nhưng lại chuyển sang làm máy móc, ăn lương xí nghiệp thay vì làm thủ công”.

Đối với một bộ lư đồng đầy đủ gồm có một vuông, hai bên vuông là hai chân đèn và lư hương. Mỗi bộ như vậy còn có nhiều kiểu dáng, mẫu mã như vuông nhất, vuông nhì, chân đèn truyền thống, chân đèn cổ, lư nhang tay rồng, lư nhang tay phụng

Theo đó, đặc trưng của lư thủ công là chạm trổ, đòi hỏi người thợ phải tỉ mẩn, kiên nhẫn, khéo léo. Đây cũng là một phần nguyên nhân khiến nhiều người từ bỏ nghề. Vì cùng một khoảng thời gian đó, họ làm công việc khác dễ dàng hơn, thu nhập cao hơn.

Để có thể gắn bó với nghề, gia đình ông Thắng và một số gia đình khác không xem đó là lợi nhuận kinh doanh. Người dân trong vùng ai cũng cho rằng, tất cả cũng chủ vì nghề truyền thống tổ tiên, họ không thể bỏ đi.

Ông Thắng chia sẻ: “Tôi là người Sài Gòn gốc. Đến tôi là đời thứ 4 làm nghề này. Gần cả cuộc đời gắn bó với nghề, nghề ăn vào máu mình lúc nào không hay.

Cứ nhìn vào những vật dụng trong gia đình đã dùng nhiều năm nay, những nét văn hóa đặc trưng Sài Gòn, đâu đó có cả kỷ niệm của ông cha được lưu truyền gìn giữ từ đời này, sang đời khác, tái hiện từng giờ, từng ngày trước mắt khiến tôi không thể xa nghề”.

Hiện tại cơ sở đúc lư đồng thủ công nhà ông Thắng có 9 người; riêng người nhà đã chiếm đến 7. Người ngoài vào làm như anh Minh cũng vốn có tình yêu với nghề, muốn học nghề và gắn bó với nghề. Công việc chủ đạo của cơ sở là đúc theo đơn đặt hàng từ đại lý khắp nơi đưa về.

Bên cạnh đó, gia đình ông còn nhận đánh bóng các sản phẩm đồng đúc lâu ngày đã bị xỉn màu. Theo chúng tôi tìm hiểu thì hiện nay tại TP.HCM chỉ còn đúng hai nơi chuyên kinh doanh sản phẩm lư đồng của quận Gò Vấp đó là khu vực Ngã tư Bảy Hiền (quận Tân Bình) và đường Nguyễn Chí Thanh (quận 5).

Giá trị của tinh hoa con mãi với thời gian

Để có được một lư đồng, đòi hỏi phải qua nhiều công đoạn khó, vận dụng kỹ thuật cao như: làm khuôn, nấu sôi đồng, đổ đồng vào khuôn, lấy lư ra khỏi khuôn rồi chạm trổ, đánh bóng.

Thông thường, đất chọn làm khuôn chỉ kén ở hai vùng Thuận An (Bình Dương) và Đồng Nai vì đất sét hai vùng này mịn, dẻo, giúp bề mặt lư không bị rỗ. Đất đem xay nhuyễn, trộn tro, trấu cũng được xay nhuyễn.

Khuôn gồm 3 lớp, 2 lớp đất bao bọc và một lớp sáp ở giữa. Sáp được trộn từ sáp ong và sáp đèn cầy. Để cẩn thận hơn, trước khi đưa khuôn vào lò phải rây thêm 2 lớp đất sét mịn để bề mặt sản phẩm nhẵn, bóng.

Nhiều nghệ nhân cho rằng, khâu khó và vất vả nhất là nấu đồng đổ vào khuôn. Bởi đòi hỏi thợ nấu đồng phải trực tiếp tiếp xúc với nhiệt độ cao và biết ước chừng độ chín vừa tới của đồng để lấy khuôn ra khỏi lò, sau đó chờ khuôn nguội đập hết các lớp đất và lớp sáp, còn lại lớp đồng sáng bóng.

Tuy nhiên, theo ông Hai Thắng, khâu khó nhất vẫn là chạm trổ. Người thợ có tay nghề không chỉ am hiểu về nghề, nắm tất cả các biện pháp kỹ thuật đúc khuôn, đúc đồng, pha chế nguyên liệu… mà còn có đôi tay khéo léo, mềm mại uyển chuyển để thể hiện các hoa văn.

Các nét chạm trổ càng khó, phức tạp bao nhiêu càng thể hiện sự tinh xảo bấy nhiêu, làm nên bộ mặt sản phẩm độc đáo. Ông đưa ra ví dụ, cùng một lư đồng tay rồng có chiều cao 60cm. Nếu lư đồng công nghiệp vừa ra lò thì hầu hết hoa văn đã có sẵn, tập trung vào hoa văn nổi là chủ yếu và thể hiện chỉ ở đầu lư, thân lư một cách đơn điệu.

Ngược lại, lư thủ công ra lò vẫn chỉ là lư thô. Dưới bàn tay khéo léo, mềm mại, uyển chuyển của thợ, lúc này lần lượt các hoa văn chìm nổi mới được hiện ra, thể hiện từ đầu cho đến chân lư, kỹ lưỡng từng chi tiết.

Ở mỗi vị trí của họa tiết đều có sự kết hợp hài hòa long, lân, quy, phụng, tùng, trúc, cúc, mai… một cách hài hòa, đẹp mắt.

Một người am hiểu về nét đẹp văn hóa sản phẩm truyền thống dân tộc thường tâm niệm giá trị một bộ lư đồng không phải là to, dày, là bóng, nhiều hoa văn mà là bộ lư được chính tay con người rèn rũa, chau chuốt.

Bởi đâu đó trong sản phẩm có một phần tâm huyết con người, hay đúng hơn có một phần hồn con người thổi vào. Đây chính là giá trị bất tử của nghề đúc thủ công.

Hơn nữa, đối với mặt hàng công nghiệp hiện nay, nhiều sản phẩm ra lò không đáp ứng ý muốn nhiều người tiêu dùng vì hầu hết lư công nghiệp bắt vít nhiều mảnh, nhiều bộ phận.

Trong khi đấy, lư thủ công là một khối thống nhất, có chăng các bộ phận khác được hàn gắn bằng nhiệt, sau đó  đòi hỏi người thợ tiếp tục đánh bóng lại. Các chi tiết không phô ra là một khối lắp ráp.

Chẳng thế, hiện nay trên thị trường lắm kiểu lư, đa dạng mẫu mã, vóc dáng song để có được bộ lư thủ công, nhiều người từ khắp mọi miền đất nước tìm đến đặt hàng những cơ sở đúc thủ công ở An Hội này. Nhiều người khó tính, cẩn thận còn chụp hình mẫu, gửi đến tận nơi, dặn dò kỹ lưỡng.

Mỗi tháng, gia đình nhà ông Thắng nhập cho các đại lý đến 200 bộ bình thường thì có đến vài chục bộ người khắp mọi nơi gửi về làm theo yêu cầu. Một bộ bình thường có giá vài triệu đồng, chứ bộ đặc biệt, hoa văn phức tạp lên đến cả chục hơn chục triệu đồng, tùy vào kích cỡ, độ nặng nhẹ của lư đồng.

Theo đó cuối năm, số đơn đặt hàng gia đình ông lên đến gấp đôi, có khi gấp ba và hơn. Khách hàng quen chỉ cần nói kiểu dáng, mẫu mã là ông hiếu ý ngay.

Năm nay đã bước vào tuổi 65 nhưng ông Hai Thắng vẫn ngày ngày cùng con cháu xuống lò đúc lư đồng. Các động tác chạm trổ không phải vì thời gian mà chậm chạp, vụng về, ngược lại ông vẫn nhanh nhẹn, khéo léo.

Hơn hết ở bàn tay gắn bó lâu năm với nghề đã quen thuộc các họa tiết. Mỗi đường nét ông khắc chạm đã định hình sẵn trong đầu, không cần bản vẽ mà vẫn chính xác từng ly. Ông thổ lộ:

“Hiện tại, hai con trai tôi đang theo nghề của cha ông, tôi rất vui. Sau này không biết chúng có còn bám nghề hay không, thế nhưng đối với một nghề truyền thống, đặc biệt là đúc lư đồng mà mai một thì thật lãng phí.

Nếu như được quan tâm, tạo điều kiện cho nghề phát triển, nghề đúc lư đồng không chỉ là nơi bảo tồn nét đẹp làng nghề truyền thống mà còn là nơi thu hút sự tham quan, khách du lịch”.

  • Thùy Linh

[links()]

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc