Tức giận vì bị mẹ chồng buông lời trách móc, như giọt nước tràn ly tích tụ bấy lâu nay, người con dâu vốn được tiếng thảo hiền, nhẫn nhịn ấy đã ra tay giết mẹ chồng một cách dã man, gây chấn động một vùng quê yên bình ở huyện Mai Sơn (tỉnh Sơn La).
[links()]
Một phút bột phát
Vụ án đớn đau ấy xảy ra từ năm 2006, đã qua 6 năm nhưng trong ký ức của Trung tá Phạm Thế Mạnh - Đội phó đội Điều tra Ma túy - Công an huyện Mai Sơn (tỉnh Sơn La), lúc đó đang là lính phòng hình sự, công an huyện, vẫn được xếp vào vụ án khó quên nhất trong cuộc đời mình.
Anh tần ngần: “Khó quên vì nhiều lẽ lắm, vì hành động của hung thủ quá dã man, tàn bạo, vì thời gian điều tra kéo dài vất vả… Nhưng khó quên nhất vẫn là nỗi cám cảnh cho thân phận của một con người tốt, nhưng trong một phút mất kiểm soát đã trở thành tội phạm”.
Lật lại hồ sơ, vào khoảng 15h ngày 9/6/2006, Công an huyện Mai Sơn nhận được tin báo từ quần chúng nhân dân, tại thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn xảy ra một vụ trọng án, nạn nhân là bà Nguyễn Thị Thoan (sinh năm 1930) với nhiều vết thương trên người đã chết tại chỗ.
Nhận được tin trình báo, ngay lập tức Trung tá Phạm Thế Mạnh cùng với cán bộ đội hình sự có mặt tại hiện trường tiến hành các công tác ban đầu, đồng thời khẩn báo lên Công an tỉnh Sơn La. Tại hiện trường, đập vào mắt Trung tá Mạnh lúc đó là một cảnh tượng hãi hùng chưa từng thấy kể từ khi khoác lên mình bộ áo của người chiến sỹ công an.
Đối với Bích bây giờ, song sắt nhà giam và tuổi thanh xuân trôi đi lặng lẽ không phải là sự trừng phạt lớn nhất, mà chính là sự đau khổ của những người thân. |
Ở đó, nạn nhân nằm giữa vũng máu, não bị dập do vật cứng đập vào, ngoài ra trên người còn bị nhiều vết đâm sắc, có thể do vật sắc nhọn đâm vào. Kết quả khám nghiệm tử thi sau đó cho thấy, nạn nhân tổng cộng bị 33 vết đâm, trong đó có 2 vết vào đầu được cho là nguyên nhân gây tử vong.
Kết quả này cũng giúp cho cơ quan chức năng đưa ra nhận định, sau khi tước đoạt mạng sống của nạn nhân bằng những vết tác động mạnh ở vùng đầu, hung thủ còn sử dụng vật tù đập liên tiết hàng chục phát lên cơ thể nạn nhân.
Điều này dẫn đến một nhận định khác, hung thủ gây ra vụ án nhiều khả năng không phải do hành động ngẫu nhiên, mà phải có mối thâm thù sâu nặng với nạn nhân, nên khi có cơ hội tước đoạt mạng sống mới trút bỏ hết tức giận lên cái xác đã bất động như thế.
Vụ án mạng xảy ra đã gây chấn động cả thị trấn Hát Lót, lan ra nhiều vùng ở huyện Mai Sơn, gây hoang mang trong dư luận. Hơn thế nữa, đây cũng là vụ án mạng nghiêm trọng, hung thủ ra tay tàn bạo nhất từ trước đến nay.
Yêu cầu sớm tìm ra hung thủ được đặt ra cho Công an tỉnh Sơn La, trong đó có nhiệm vụ phối hợp của Đội hình sự, Công an huyện Mai Châu. Nhận rõ được mức độ nghiêm trọng của vụ việc, tuy nhiên việc điều tra khám phá cũng không phải là điều đơn giản.
Hiện trường để lại đã được hung thủ che đậy khá kỹ càng, ngôi nhà nơi xảy ra vụ án mạng mặc dù nằm gần đường, nhưng do đây là địa bàn vắng vẻ, phía sau là một nương ngô đã thu hoạch nên không có nhân chứng nào ghi nhận những biểu hiện bất thường trước đó.
Kết quả khoanh vùng đối tượng nhanh cũng cho thấy không có người nào có mâu thuẫn đặc biệt đến mức có thể ra tay tàn bạo như thế đối với bà Thoan.
Trong khi vụ án vẫn như đang đi vào ngõ cụt, thời gian được giao nhiệm vụ vẫn ngày một ngắn dần thì ban chuyên án bắt đầu có những nhận định mới có tính chất quyết định đến vụ án, đó chính là mối quan hệ của Nguyễn Thị Bích (SN 1983) là con dâu bà Thoan.
Theo nghi nhận của cơ quan điều tra, Bích và bà Thoan không có mối quan hệ tốt, bản thân nạn nhân thường xuyên mạt sát con dâu mình, tuy nhiên hàng xóm cũng ghi nhận chưa từng thấy xô xát lớn giữa con dâu với mẹ chồng.
Mặc dù vậy, giả thiết cô con dâu là đối tượng gây án cũng được đặt ra và tập trung nhiều mũi nhọn điều tra làm rõ.
Hung thủ lộ diện
Sau 90 ngày kể từ khi vụ án xảy ra, bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ khác nhau, cơ quan điều tra đã bắt đầu có cơ sở củng cố nghi vấn: người gây nên cái chết thảm thương đối với bà Thoan chính là con dâu của bà, đối tượng Nguyễn Thị Bích.
Cùng với nhiều bằng chứng ban đầu khác, đối tượng Bích được yêu cầu lên làm việc với cơ quan điều tra. Tại đây, những tình tiết nghi vấn dần được hé lộ, mặc dù đối tượng chưa cúi đầu nhận tội, nhưng qua diễn biến tâm lý, các trinh sát lão luyện cũng đã đủ cơ sở củng cố niềm tin về phán đoán của mình.
Thậm chí, khi Bích được cho trở về nhà, Trung tá Phạm Thế Mạnh còn dặn dò kỹ chồng Bích phải cất giấu hết tất cả những vật dụng sắc nhọn có thể được Bích sử dụng để tự tử, ngoài ra cũng nên giám sát chặt vợ mình để không xảy ra tình huống xấu.
Đến ngày 1/10, Phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an Sơn La đã thực hiện lệnh bắt tạm giam và khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Bích về tội Giết người. Lúc đó, Bích mới 23 tuổi. Trước những chứng cứ khá thuyết phục, Bích đã phải nhanh chóng nhận tội bằng một bản tường trình.
Khi nhắc đến bản tường trình này, Trung tá Mạnh lại cảm thấy tiếc nuối, anh nói những dòng chữ hiển hiện lên đó chứng tỏ Bích bản chất là một người tốt, dù chỉ học đến lớp 9 nhưng bản tường trình được viết rất nắn nót, giãi bày hết những uất ức mà bản thân Bích phải chịu đựng.
Tất cả càng làm cho anh thấy tiếc thương cho một người con gái trẻ sớm bị chôn vùi tuổi thanh xuân trong song sắt nhà giam.
Qua khai báo của Bích trước cơ quan điều tra và cũng qua những cuộc trò chuyện ngắn, Trung tá Phạm Thế Mạnh khái quát cho tôi đôi nét về cuộc đời Bích. Theo đó, sau khi học hết lớp 9, Bích xin vào làm công nhân may, đến năm 19 tuổi, khi bạn bè cùng lứa đã dập dìu về nhà chồng thì Bích vẫn chưa có người cặp kê.
Ở tuổi đó, nơi thôn cùng xóm vắng này đối với con gái đã bắt đầu “báo động”. Thế nên, chỉ 3 tháng sau khi gặp gỡ và quen biết với một chàng trai cùng tiểu khu, Bích đã nhắm mắt đưa chân theo người đàn ông ấy.
Bi kịch gia đình xảy đến khi mẹ chồng cũng là một người cay nghiệt, thấy con trai mình quyết định lấy Bích về làm vợ chóng vánh, bà cứ có ý nghĩ Bích đã bỏ bùa con trai bà nên mới ra cơ sự thế.
Đáp lại, ngoài việc bắt con dâu phải làm việc quần quật ở ngoài đồng, bà còn thường xuyên tìm cớ quở trách con. Hơn thế nữa, có lúc còn lôi cả bố mẹ Bích ra mà chì chiết tội không biết dạy con. Biết phận mình, Bích cứ lặng câm vâng dạ để cho mọi sự qua đi yên bình.
Nỗi uất ức ấy cứ lớn dần trong cô con dâu trẻ và cái ngày nó bung phát ra ngoài cũng đến, đó là ngày 9/6, khi Bích vừa xuồng bếp thì bị mẹ chồng tiếp tục vô cớ gây sự. Trong lời khai báo của mình, Bích vẫn nhớ rõ lời mẹ chồng nói khi đó, mặc dù sau mỗi lời chì chiết của mẹ, Bích chỉ cúi đấu và lí nhí nói: “Con sai rồi”.
Nhưng bà Thoan vẫn buông lời cay nghiệt: “Mày ăn gan hùm phải không? Đây là chỗ để mày lên tiếng phải không? Tao có thể tống cổ mày ra khỏi nhà bất cứ lúc nào! Đồ không có người dạy…”.
Tiếp đó, bà lại tiếp tục lôi bố mẹ Bích ra trách móc vì xúi bẩy con cái mình sang nhà bà với mưu đồ bòn rút của cải. Không chịu được những lời nói ấy, Bích không còn làm chủ được bản thân, thấy con dao trên bếp, Bích lấy xuống và đâm vào người mẹ chồng.
Sau đó, khi bà Thoan ngã xuống sàn nhà, chưa nguôi nỗi bức xúc dồn nén suốt 3 năm, Bích đưa tay lấy chiếc chày gỗ đập nhiều nhát vào người bà Thoan.
Dù có biện minh như thế nào đi chăng nữa, tội cướp đoạt đi mạng sống của một người khác cũng là một điều không thể tha thứ, Bích đã phải chịu mức hình phạt chung thân và thụ án tại trại giam Xuân Nguyên – Hải Phòng.
Tuy nhiên, có lẽ đối với Bích bây giờ, song sắt nhà giam và tuổi thanh xuân trôi đi lặng lẽ không phải là sự trừng phạt lớn nhất, mà chính là sự đau khổ của những người xung quanh.
Bố mẹ Bích khổ vì bao điều tiếng, vì cách biệt với đứa con đứt ruột sinh ra của mình, còn Bích từ khi vào trại cũng không được gặp đứa con mà mình đã vất vả sinh thành. 2 năm sau khi Bích nhập trại, cô cũng nhận được đơn ly dị từ chồng.
Giờ đây, khi Bích đã thụ án được 6 năm, Trung tá Phạm Thế Mạnh vẫn giữ nguyên cái vẻ bùi ngùi như lần giáp mặt Bích:
“Sau khi vụ án được sáng tỏ, tôi và Bích có trò chuyện với nhau, Bích còn nhận tôi là đồng hương… qua đó tôi càng thêm cám cảnh cho một phận người đã sớm phải giã từ cuộc sống tự do vì một phút sai lầm nóng giận”.
- Hải Thiện