WHO khuyến cáo đeo găng tay cao su không ngừa được Covid-19

( PHUNUTODAY ) - Do virus gây bệnh có thể bám vào găng tay cao su và nếu như bạn vô tình chạm tay lên mặt thì virus chuyển từ găng tay sang mặt khiến bạn nhiễm bệnh.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 19/3 bổ sung một số khuyến cáo mới phòng chống Covid-19 trong bối cảnh dịch lan nhanh toàn cầu.

1. Đeo găng tay đến nơi công cộng có ngừa Covid-19 không?

Không. Do virus gây bệnh có thể bám vào găng tay cao su. Nếu sau đó, bạn vô tình chạm tay lên mặt, virus chuyển từ găng tay sang mặt khiến bạn nhiễm bệnh. Thường xuyên rửa tay mới là biện pháp tốt nhất, bảo vệ bạn khỏi nguy cơ lây nhiễm hơn là dùng găng tay.

CEB3C22A-4F2A-44A1-BFFA-3E26FFFDDA63

2. Có nên tránh bắt tay để không nhiễm bệnh?

Có. Bạn nên tránh bắt tay để ngăn ngừa bệnh dịch. Các virus gây bệnh đường hô hấp có thể truyền qua bắt tay, sau đó bạn chạm vào mắt, mũi, mặt của mình. Thay cho cái bắt tay, bạn có thể vẫy tay, gật đầu, mỉm cười hoặc cúi người chào.

3. Covid-19 có lây truyền qua đường muỗi đốt?

Đến nay chưa có bằng chứng cho thấy Covid-19 có thể lây truyền qua đường muỗi đốt. Virus lây lan qua các giọt bắn trong không khí được tạo ra khi người bệnh ho hoặc hắt hơi, xâm nhập vào cơ thể qua miệng, mắt hoặc mũi. Nó có thể tồn tại trên các bề mặt hàng giờ đến một vài ngày và xâm nhập trực tiếp vào phổi khi hít phải.

Để bảo vệ chính mình, bạn hãy thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc bằng dung dịch rửa tay có cồn. Hạn chế tiếp xúc gần với những người ho, hắt hơi. Nên nâng cao cảnh giác, hạn chế ra đường, nếu không có việc quá quan trọng thì nên ở nhà càng nhiều càng tốt để tránh dịch bệnh.

4. Làm thế nào để đảm bảo quần áo, chăn màn không làm lây lan virus?

Không mang hoặc ôm chăn màn, quần áo bẩn vào sát cơ thể. Giặt quần áo, chăn màn với nước nóng khoảng 60-90 độ C và bột giặt. Có thể dùng kèm thuốc tẩy quần áo theo hướng dẫn. Sấy khô quần áo, chăn màn ở nhiệt độ cao hoặc phơi khô trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời.

5. Covid-19 có thể truyền qua hàng hóa không?

Không. Covid-19 không thể truyền qua hàng hóa sản xuất tại bất kỳ quốc gia nào được báo cáo có người bệnh.

Covid-19 có thể tồn tại trên các bề mặt trong vài giờ hoặc tối đa vài ngày (tùy thuộc vào loại bề mặt). Tuy nhiên, virus này rất ít có khả năng tồn tại trên một bề mặt trong suốt quá trình di chuyển, qua nhiều điều kiện và nhiệt độ khác nhau. Nếu bạn nghi ngờ một bề mặt có thể bị nhiễm virus, hãy dùng chất khử trùng để làm sạch. Sau đó, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc bằng dung dịch rửa tay có cồn.

Trước đó ngày 10/3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bổ sung một số khuyến cáo mới phòng chống Covid-19 trong bối cảnh dịch lan nhanh toàn cầu.

Tắm nước nóng có ngừa được bệnh?

Không. Tắm nước nóng sẽ không giúp bạn ngăn ngừa Covid-19. Nhiệt độ cơ thể của người bình thường luôn duy trì trong khoảng 36,5°C đến 37°C, bất kể nhiệt độ bên ngoài. Trên thực tế, tắm với nước cực nóng còn có thể gây hại, thậm chí khiến bạn bị bỏng.

Uống nhiều nước có bảo vệ bạn khỏi bị nhiễm nCoV?

Giữ cơ thể đủ nước và việc uống nước là rất quan trọng với sức khỏe tổng thể, nhưng lại không ngừa được nCoV. Nếu bị sốt, ho, khó thở, nhất là có tiền sử dịch tễ đi từ vùng dịch về hoặc từng tiếp xúc với người nhiễm nCoV, nên nhanh chóng đến cơ sở y tế để kiểm tra, cách ly kịp thời.

Ngoài ra, uống rượu, bia hay đồ uống có cồn cũng không phòng ngừa được nCoV. Vì vậy, mỗi người nên hạn chế việc uống rượu bia để bảo vệ sức khỏe. Những người không biết uống thì không nên tập uống.

Bôi dầu mè giúp ngăn nCoV xâm nhập vào cơ thể?

Dầu mè không giết được nCoV. Hiện nay, chỉ có một số chất khử trùng hóa học có thể diệt được nCoV trên các bề mặt như cồn 75 độ, axit peracetic, chloroform. Tuy nhiên, kể cả bôi hoặc hít những hóa chất này cũng không có hoặc có rất ít tác dụng, mà lại gây nguy hiểm sức khỏe.

TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn