Công trình chục tỷ đồng long đong theo Vinashin, Vinalines

15:00, Thứ ba 09/07/2013

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) Tuy nhiên, Vinalines cũng gặp khó nên cảng “chết đứng" theo. Để “tồn tại", đơn vị quản lý cảng Năm Căn phải tận dụng mặt bằng để kinh doanh vật liệu xây dựng, lấy kinh phí hoạt động.

(Đời sống) Được đầu tư hàng chục tỷ đồng nhưng cảng Năm Căn - Cà Mau lại bỏ hoang trở thành bến xe tạm. Trong khi đó, việc xuất cảng của tỉnh lại dồn lên TP.HCM.


Theo báo Tuổi trẻ, cầu cảng đã được xây dựng khá hoàn chỉnh, đã được trang bị cần cẩu chân đế quy mô đến 32 tấn (trị giá trên 15 tỉ đồng) dùng để bốc dỡ hàng hóa và container. Nhưng theo một cán bộ quản lý cảng, từ khi được đầu tư năm 2007 đến nay, cẩu chân đế đứng “sừng sững” phơi mưa nắng tại cảng chứ chưa một lần sử dụng. Nguyên nhân vì không có hàng hóa loại container để bốc dỡ.

Trả lời về sự lãng phí này, ông Trần Hoàng Khện - giám đốc Công ty TNHH MTV Cảng Năm Căn - cũng buồn lòng khi nhắc tới “số phận” của cảng Năm Căn khá “truân chuyên”. Vào năm 2007, cảng này được UBND tỉnh Cà Mau giao lại cho Vinashin quản lý. Sau khi Vinashin “bể nợ”, cảng được giao lại cho Vinalines. Tuy nhiên, Vinalines cũng gặp khó nên cảng “chết đứng” theo. Để “tồn tại”, đơn vị quản lý cảng Năm Căn phải tận dụng mặt bằng để kinh doanh vật liệu xây dựng, lấy kinh phí hoạt động.

Trong đề án xây dựng cảng, giai đoạn 1 sẽ đầu tư trên 355 tỉ đồng nhưng đến nay việc lập hồ sơ thiết kế... vẫn chưa xong. Từ khi được giao cho Vinashin quản lý, đến nay cảng Năm Căn hầu như không được đầu tư ngay cả những hạng mục chính như: cần trục trên bến, xe nâng trong kho, bãi tập kết hàng hóa... “Cảng được xây dựng ở vị trí khá thuận lợi nhưng do không được đầu tư đúng mức nên không phát huy hiệu quả” - ông Khện khẳng định.

Theo ông Khện, nếu luồng từ cửa Bồ Đề được nạo vét thì hàng hóa từ cảng Năm Căn xuất được ngay sang các nước khác. Vì hiện nay bộ máy của cảng đã hoàn chỉnh, đường kết nối từ Cà Mau đến cảng cũng đã xong. Trước đó tháng 3/2012, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã thống nhất với đề xuất của Bộ Giao thông vận tải thực hiện dự án nạo vét luồng cửa biển Bồ Đề phục vụ khai thác cảng Năm Căn theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT). Tuy nhiên đến nay dự án trên vẫn chưa thực hiện.

Cảng Năm Căn bỏ hoang
Cảng Năm Căn bỏ hoang


Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau bức xúc cho biết hằng năm địa phương xuất khẩu hàng trăm triệu USD hàng thủy sản, đạm... và tới đây sẽ là gỗ nhưng đều phải đưa lên các cảng tại TP.HCM. Trong khi đó, cảng Năm Căn đủ khả năng xuất khẩu nhưng lại chưa được đầu tư đúng mức. Vị này cũng cho biết UBND tỉnh Cà Mau đã có công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét giao cảng Năm Căn lại cho địa phương tiếp quản, đầu tư khai thác. “Đã có doanh nghiệp đủ tiềm lực tài chính xin hợp tác đầu tư và khai thác cảng Năm Căn. Nếu được giao lại thì doanh nghiệp này sẽ đẩy nhanh tiến độ đầu tư cảng chứ không bỏ lãng phí như hiện nay” - vị này nói.

Nhiều công trình tiền tỷ được đầu tư xây dựng rồi ngậm ngùi bỏ hoang hoặc không khai thác hết. Cuối năm 2009, con đường được xem là đẹp nhất Tây Nguyên, nối từ cửa khẩu Bờ Y đến Quốc lộ 14 ở phía Bắc thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi – Kon Tum được đưa vào sử dụng với tổng kinh phí đầu tư hơn 900 tỉ đồng. Công trình này gồm đường NT18 dài 12,6 km, tổng vốn đầu tư 460,9 tỉ đồng và đường N5 dài 6,291 km, tổng kinh phí xây dựng 478,9 tỉ đồng.

Theo ngành GTVT tỉnh Kon Tum, đây là con đường cần thiết để phá thế độc đạo và làm giảm áp lực lưu thông trên Quốc lộ 40 từ thị trấn Plei Kần lên cửa khẩu Bờ Y, góp phần phát triển Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y. Tuy nhiên, từ khi đưa vào sử dụng đến nay, “siêu lộ” có 6-8 làn xe, rộng 40-50 m này hầu như không có phương tiện qua lại. Người dân địa phương đã tận dụng con đường thênh thang này làm bãi phơi nông sản, lội bộ lên nương rẫy, tập lái ô tô, xe máy...

Tại Quảng Ngãi, cuối năm 2011, công trình cảng neo trú tàu thuyền và cửa biển Mỹ Á ở xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ với mức đầu tư hơn 90 tỉ đồng đã được nghiệm thu đưa vào hoạt động. Thế nhưng, đến giữa tháng 2/2012, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã lập đoàn thanh tra để làm rõ trách nhiệm những tập thể, cá nhân liên quan vì dự án này không hiệu quả.

Hằng năm, cứ sau Tết là cửa biển Mỹ Á lại bị bồi lấp, ngư dân địa phương phải quần quật nạo vét thủ công để tàu thuyền có thể ra vào. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đánh bắt của ngư dân, năm 2009, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã đầu tư trên 90 tỉ đồng để xây dựng công trình cảng neo trú tàu thuyền và cửa biển Mỹ Á. Theo thiết kế, khi đưa vào sử dụng, công trình sẽ bảo đảm cho 400 tàu cá ra vào cửa biển và neo trú an toàn.

Tuy nhiên, khi công trình hoàn thành, cửa biển Mỹ Á vẫn bị bồi lấp nên tàu thuyền chưa thể ra vào. Thay vì vào cảng để bán hải sản và tiếp nhiên liệu, hàng trăm tàu cá của ngư dân phải neo đậu chen chúc ngay cửa biển.

Không chỉ riêng trong lĩnh vực giao thông mà sự lãng phí trong đầu tư còn thể hiện trên rất nhiều lĩnh vực như y tế, trường học. Nhiều nơi không có trường để học sinh học thì có nơi trường xây khang trang lại không có học sinh đến hay bệnh viện cả nghìn tỷ mà vẫn bỏ hoang cỏ mọc.

  • PV (Tổng hợp)
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Tin nên đọc