Cụ bà tỉnh dậy sau 6 ngày nằm trong quan tài

12:39, Thứ ba 13/03/2012

( PHUNUTODAY ) - Câu chuyện về bà cụ Lý Tú Phân đã mất được 6 ngày bỗng dưng từ quan tài nhổm dậy là chủ đề bàn tán sôi nổi của người dân tại một ngôi làng nhỏ ở Bắc Lưu, Trung Quốc.

Câu chuyện về bà cụ Lý Tú Phân đã mất được 6 ngày bỗng dưng từ quan tài nhổm dậy là chủ đề bàn tán sôi nổi của người dân tại một ngôi làng nhỏ ở Bắc Lưu, Trung Quốc. Cụ Lý năm nay 95 tuổi, cụ được cho là đã qua đời sau 2 tuần điều trị chứng chấn thương sọ não.

 Ngày 19/2, mọi người đưa thi thể của cụ vào quan tài đậy nắp cẩn thận nhưng chưa đóng đinh cố định. Tuy nhiên, sáng 23/2, người nhà không khỏi giật mình khi phát hiện xác cụ Lý đã không cánh mà bay.
 
Cụ bà “chết đi sống lại” khiến cả làng kinh hãi

Vào ngày 23/2 vừa qua, người dân ở làng Lục Lầu, xã Lục Ma, thành phố Bắc Lưu, Trung Quốc đã bị một phen kinh hãi khi tận mắt chứng kiến một cụ bà sống cùng làng với họ “bỗng dưng từ quan tài nhổm dậy sau khi đã mất được 6 ngày”.

Cho đến giờ, nhiều người làng bảo họ vẫn chưa hết bất ngờ khi ngoài đời thực lại được chứng kiến một cảnh tượng mà dường như chỉ có trong phim kinh dị.

Bà cụ mà họ nói đến tên là Lý Tú Phân, năm nay 95 tuổi, cụ nằm trong danh sách những người cao tuổi được chăm sóc ăn, ở, y tế... miễn phí của làng.

Cụ Lý
Cụ Lý

Cụ Lý sống một mình, cuộc sống hằng ngày của cụ chủ yếu dựa vào sự giúp đỡ quan tâm của những người hàng xóm tốt bụng.

Gia đình ông Trần Khánh Vượng sống kế bên là những người thường xuyên quan tâm tới bà cụ. Được biết, cụ Lý tuy tuổi đã cao nhưng sức khỏe vẫn khá tốt bởi cụ rất chăm chỉ tập thể dục và ăn uống điều độ.

Cụ thích dậy sớm để đi bộ, cụ thường dậy từ lúc 5 giờ sáng đi bộ dọc theo con đường làng dẫn ra đường lớn, sau đó trở về nhà. Vào sáng sớm ngày 1/2, trong lúc đi bộ, không may cụ bị trượt chân ngã khi leo lên một con dốc.

 Bác sỹ chẩn đoán cụ Lý bị chấn thương não nhẹ, không cần nằm viện, chỉ cần về nhà nghỉ ngơi ít hôm là bình phục. Trước khi ra về, bác sỹ không quên đưa cho gia đình ông Trần đơn thuốc và hướng dẫn cho cụ uống.

Từ ngày bị ngã, cụ Lý không đi lại được nữa mà nằm một chỗ trên giường. Gia đình ông Trần đã thay nhau tới thăm nom cụ, những người hàng xóm cũng thỉnh thoảng ghé qua nói chuyện với cụ. Như thường lệ, khoảng 7h30 sáng ngày 17/2, ông Trần đem thức ăn tới cho cụ Lý, nhưng gọi mãi không thấy cụ dậy.

Lo lắng có chuyện không hay xảy ra, vì mọi ngày cứ khi thấy bước chân ông Trần từ ngoài cửa, cụ Lý đã hắng giọng, ông Trần chạy vào nhà thì thấy cụ Lý nằm im trên giường, lay và gọi thế nào cũng không chịu dậy.

Đưa tay lên mũi kiểm tra hơi thở, ông Trần phát hiện cụ Lý đã ngừng hô hấp nhưng người vẫn còn ấm.

Dựa vào kinh nghiệm bản thân, ông Trần Khánh Vượng cho rằng cụ Lý đã qua đời, còn chuyện cơ thể của cụ còn ấm là do đắp chăn bông quá nhiều. Sau đó, ông Trần và con trai đã đứng ra lo hậu sự cho cụ Lý. Theo tập quán ma chay ở địa phương, hai cha con quyết định chọn ngày 24 tháng 2 làm lễ mai táng cho cụ.

Ngày 19/2, mọi người đưa “thi thể” của cụ Lý vào quan tài và đậy nắp cẩn thận nhưng chưa đóng đinh cố định.

 Tuy nhiên, đến sáng ngày 23/2, cha con ông Trần đã không khỏi giật mình khi vào phòng để quan tài cụ Lý và phát hiện nắp quan tài đã bị mở ra. Nhưng điều làm cho hai cha con ông kinh hãi là xác cụ Lý đặt trong đó đã không cánh mà bay.

Trong cơn hoảng loạn, ông Trần bảo con trai gọi thêm mấy người hàng xóm tới để bàn bạc, mọi người đều cho rằng xác cụ Lý đã bị đánh cắp.

Thế nhưng, tất cả mọi người đều băn khoăn với những câu hỏi: “Ai dám lấy trộm xác của một cụ bà 95 tuổi?” và: “Đánh cắp để làm gì?”.

Một vài người nói rằng có thể bọn trộm cắp đánh cắp xác chết của người cao tuổi để về thờ cúng cho thuận việc “làm ăn” của chúng. Nhưng ý kiến này nhanh chóng được loại bỏ, bởi ở cái làng Lục Lầu vốn rất yên bình này thì từ trước tới nay chưa bao giờ xảy ra chuyện đánh cắp xác chết. Cuối cùng, sau một hồi bàn ra tán vào, mọi người quyết định chia nhau đi tìm xác chết trước.

Nhưng khi gia đình ông Trần cùng mấy người hàng xóm đang lục đục kéo nhau ra cổng chia nhau tản theo các hướng đi tìm xác cụ Lý, thì bỗng từ phía trong nhà vọng ra tiếng hét thất thanh: “Bà ấy ở trong bếp, bà ấy…”, cùng lúc đó là tiếng khóc thét của mấy đứa trẻ con.

Nghe thấy vậy, ai nấy đều vội vàng chạy vào và không khỏi ngỡ ngàng khi thấy cụ Lý đang ngồi ung dung… nhóm bếp.

Ông Trần đứng chết trân ở cửa một lúc, ông quan sát thấy người đang ngồi trong bếp đúng là cụ Lý chứ chẳng phải ai khác, cụ mặc bộ quần áo mà cách đây mấy ngày chính tay vợ ông đã thay cho cụ, mái tóc bạc như cước trước kia được vấn lên gọn gàng giờ buông xõa sang hai bên.

Người làng kéo đến ngày một đông khi nghe cụ Lý đã chết bỗng dưng tỉnh dậy, họ xì xào, bàn tán không ngớt. Cuối cùng, sau một hồi quan sát, ông Trần và mọi người quyết định “thử” xem người đang ngồi trong bếp kia có phải là “người trần” hay không.

Có người nhìn thấy trên tay bà cụ đeo một chiếc đồng hồ bèn hỏi: “Bà xem bây giờ là mấy giờ?”, “11h15” - cụ Lý đáp, rồi cụ còn chỉ tay về phía ông Trần mà bảo: “Ông Trần đấy à, tôi đây mà”. Thấy bà cụ trả lời đúng, ông Trần và mọi người mới thở phào nhẹ nhõm.

Rồi trước sự kinh ngạc của rất nhiều người, cụ Lý từ trong bếp bước ra ngoài sân, cụ đã đi lại được bình thường.

Ra đến ngoài sân, cụ Lý nheo nheo mắt hỏi mọi người xung quanh đang vây lấy mình: “Tại sao lại đem tôi vào quan tài như vậy? Tôi thức dậy và thấy chật chội quá, lúc ấy mới phát hiện mình đang nằm trong quan tài tối om.

Bụng tôi sôi sùng sục, tôi thấy đói và nghĩ rằng phải xuống bếp để nấu gì đó ăn, nhưng phải cố hết sức tôi mới bật được nắp quan tài ra”.

Về phía ông Trần, là người trực tiếp ở bên cạnh cụ Lý từ khi cụ “ngừng thở” đến lúc cụ “hồi sinh” thì vẫn không khỏi kinh ngạc. Ông tâm sự: “Từ khi sinh ra tới giờ tôi chưa từng thấy chuyện nào như vậy, lúc đó cả hai cha con tôi đều hoảng hốt, không biết nên làm thế nào”.

 Cho đến bây giờ, khi được hỏi về chuyện “hồi sinh” của cụ Lý, ông Trần đều trả lời hóm hỉnh rằng: “Cụ Lý là người ăn ở hiền lành, hoàn cảnh đáng thương, lúc tuổi già không có con cái nương tựa, nên ông trời mới cho cụ “hồi sinh” đấy”.

Sự thật về hiện tượng “giả chết”
    

Trên thế giới cũng ghi nhận khá nhiều trường hợp “chết đi sống lại” như của cụ Lý. Vào tháng 5/2007, trong lúc nhà tang lễ huyện Lương Bình, Trùng Khánh,Trung Quốc đang chuẩn bị hỏa táng thi thể cuối cùng thì đột nhiên thấy túi đựng xác màu vàng động đậy.

Các nhân viên bèn mở túi ra xem và phát hiện xác chết của cô gái có tên Tiểu Hương... vẫn còn hô hấp. Sau đó, họ đã báo lên cấp trên và đưa cô gái đi cấp cứu.

Bác sỹ Tạ, người trực tiếp tham gia cấp cứu cho Tiểu Hương cũng cảm thấy hết sức kỳ lạ trước trường hợp “chết đi sống lại” của Tiểu Hương.

Hay trường hợp của Harvey, 20 tuổi, cư trú ở bang Kansas, Mỹ, qua đời vì bệnh ung thư. Khi chuẩn bị tiến hành chôn cất, người bạn gái của anh đề nghị được lưu xác anh lại thêm vài ngày trước khi nghìn thu vĩnh biệt, thì bất ngờ Harvey sống lại.

Điều đặc biệt nhất là khối u trong gan anh kể từ khi anh “cải tử hoàn sinh” lại không chịu... phát triển nữa. Và kết quả là Harvey sống thêm được 54 năm.

Giải thích về trường hợp “chết đi sống lại” của cụ Lý, bác sỹ Ngọc Lâm tại bệnh viện địa phương cho rằng bà cụ bị rơi vào trạng thái hôn mê do chấn thương não, trong y học gọi là “giả chết”.

Đây thật ra là trạng thái hôn mê sâu, cơ thể tê liệt nhưng các bộ phận chức năng của cơ thể vẫn hoạt động dù ở cơ số rất rất thấp, tim sẽ đập cực kỳ chậm, nên nếu không dùng các thiết bị máy móc thì rất khó chẩn đoán.

Và đó là nguyên nhân khiến ông Trần đưa tay lên mũi cụ Lý kiểm tra thì không thấy hơi thở nữa, tuy nhiên cơ thể cụ vẫn còn ấm, chứng tỏ vẫn còn dấu hiệu của sự sống. May mắn thay, nhờ tục lệ chọn ngày chôn cất của địa phương mà bà cụ có cơ hội được “hồi sinh”.
 

  • Hồng Anh
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc