Tốt nghiệp đại học,nhưng nhiều cử nhân vẫn không thể xin được việc. Trong số đó, không ít sinh viên chấp nhận hát rong, làm xe ôm, bán hàng quần áo, phụ việc quán cắt tóc... hay dũng cảm hơn là cử nhân treo biển tìm việc đạp xe chạy khắp thành phố để tiếp thị mình.
[links()]
Thất nghiệp, cử nhân đứng đường hát rong
Gần đây, trên đường phố Hà Nội xuất hiện những nhóm thanh niên khoảng 2-3 người hát rong, bán kẹo cao su. Ít ai biết rằng trong số đó có những người đã từng tốt nghiệp đại học.
Từng là sinh viên của trường Đại học Hàng Hải (Hải Phòng), Toàn 24 tuổi, quê Thanh Hóa cho biết cậu ra trường từ năm ngoái nhưng không xin được việc. Toàn lên Hà nội, thời gian đầu đi hát ở phòng trà, quán bar. Nhưng thời gian gần đây Toàn cùng một số người bạn lập nhóm hát rong để kiếm thêm thu nhập cũng như cho đỡ buồn.
Một nhóm hát rong "cử nhân" đang hành nghề trên phố Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm, Hà Nội. |
Theo Toàn, từ nhỏ cậu đã có năng khiếu ca hát. Cậu có thể hát tất cả các thể loại từ nhạc trẻ, trữ tình, tiền chiến. Sở dĩ, Toàn chọn nghề hát rong vì vừa có thể thỏa sức ca hát, lại có thời gian đi tìm việc, thu nhập cũng đủ cho một thanh niên ngoại tỉnh như cậu sống ở thủ đô.
Tương tự với hoàn cảnh của Toàn là một bạn cùng nhóm khác tên Phương, (27 tuổi, Ninh Bình) cũng là một cử nhân Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ra trường từ năm 2008, từng xông pha viết bài ở nhiều nơi nhưng đến nay, cậu lại thất nghiệp.
"Tôi từng làm báo, rồi làm quảng cáo, PR và truyền hình nhưng vẫn không tìm được một công việc ổn định. Gần một năm trước, tôi quen Toàn, có lẽ vì cùng sở thích ca hát mà anh em tôi nhanh chóng kết thân. Chúng tôi góp được 5-6 triệu mua loa, mic rồi cùng nhau đi hát", Phương kể.
Nhờ quen biết rộng, từng trải hơn nên Phương luôn là người mang các mối làm ăn về cho nhóm. Cậu nói: "Chúng tôi không đơn thuần chỉ đi hát rong mà còn chạy sô các đám cưới, sinh nhật, các cuộc liên hoan. Thỉnh thoảng những người bạn cũ cũng giúp tôi hát trong các chương trình truyền hình".
Cả Toàn, Phương và một cậu em trong nhóm thuê một phòng trọ ở Nhân Mỹ. Hằng ngày cứ 4h chiều, bộ ba đi dọc quảng trường Mỹ Đình, hát theo cảm hứng, có khi là theo yêu cầu của khách, vừa hát, vừa bán thêm phong kẹo cao su. Đây là thời điểm mọi người tan sở, có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn và dĩ nhiên dễ “xúc cảm nghệ thuật nên cũng dễ móc hầu bao hơn”.
Theo Toàn trung bình mỗi ngày cả nhóm thu được 500.000 đồng, nhưng cũng có hôm chỉ hơn một trăm, có hôm lại được gần cả triệu".
Tuy nhiên, song song với việc đi hát, Toàn và Phương cũng gửi hồ sơ nhiều nơi, hi vọng sớm kiếm được một công việc ổn định khác trong tương lai.
Ở Hà Nội hiện có khoảng 20 nhóm hát rong đang hoạt động |
Trường hợp khác của Nguyễn Văn Trung (25 tuổi, Hải Phòng) - thành viên một nhóm hát có địa bàn hoạt động ở khu vực phố cổ, lại xác định sẽ kiếm tiền hoàn toàn bằng nghề hát rong.
Anh Trung chia sẻ: "Tôi tốt nghiệp Đại học Công Đoàn, ra trường cũng đủ hai năm. Ngày đó, tôi xin việc vài nơi nhưng không được, sau đi hát rong kiếm sống luôn. Giờ bảo lại đi xin việc chắc tôi không làm được, thà cứ đi hát còn tự tin hơn".
Tuy nhiên, chia sẻ về những khó khăn, anh cũng cho biết nghề này cũng có nhiều cạm bẫy, rủi ro. Nhiều người đi hát cùng cậu dùng tiền kiếm được vào lô đề, bài bạc, ăn chơi không tiết kiệm. Cũng có khi đi hát qua các quán nhậu bị những thanh niên khác lấy lý do ồn ào, hát không hay để gây sự.
Nhẹ thì bị đập loa, đài, nặng hơn thì bị đánh, bị cướp tiền... Cũng có khi vô tình xâm phạm vào "địa bàn" của nhóm khác thì lại bị tịch thu hết số tiền vừa kiếm được.
Anh Nguyễn Văn Trung cũng dự định sẽ nghỉ công việc hát rong này cho đến khi nào kiếm đủ vốn để mở một cửa hàng nhỏ ở quê. Hiện người nhà không hề biết anh làm nghề này mà vẫn tưởng anh đang làm nhân sự trong một công ty nhỏ.
Cử nhân kinh tế đạp xe treo biển tìm việc
Trong bối cảnh tình hình kinh tế hiện nay đang vô cùng khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, để tìm được một công việc như mong muốn càng khó hơn bao giờ hết, nhất là đối với sinh viên mới ra trường.
Cách đây chưa lâu, vào tháng 2/2012, hình ảnh chàng sinh viên Huỳnh Ngọc Thành, 22 tuổi, tân cử nhân đại học Tài chính Marketing TP.HCM đã đạp xe suốt một ngày trời trên các đường phố Sài Gòn để “tự tiếp thị” mình, đã là chủ đề nóng trên các diễn đàn.
Huỳnh Ngọc Thành đạp xe khắp thành phố để tự tiếp thị mình |
Nửa năm sau khi ra trường, Thành vẫn chưa tìm được việc mặc dù đã nộp hồ sơ cho nhiều công ty. Thành chia sẻ: “Nói thật, tôi cũng hết cách mới chọn đến hình thức “tiếp thị bản thân” theo kiểu này. Ban đầu, tôi cũng hơi e ngại, mặc cảm lắm.
Chiến thắng được sự mặc cảm đó để bắt tay làm quả thật rất khó khăn”. Nhưng với khó khăn trước mắt là kiếm tiền thuê nhà và chi tiêu hàng ngày, chàng trai này đã đi đến một quyết định dũng cảm.
Mong muốn có một công việc, Thành tự tay viết bảng quảng cáo tự tiếp thị mình “Tôi cần một công việc. Tôi có bằng đại học ngành tài chính ngân hàng, có các chứng chỉ UBCKNN (uỷ ban Chứng khoán Nhà nước); biết lập trình MATLAB, C++, VBA for EXCEL. Liên hệ: ...” vào tấm bìa carton gắn vào mặt trước ghi đông và mặt yên sau xe đạp chạy lòng vòng khắp thành phố Sài Gòn.
Sau khi hình ảnh chàng trai đạp xe tìm việc được đăng tải trên nhiều tờ báo, đã có những ý kiến trái chiều về hành động này, nhưng có lẽ chàng trai này không hề hối hận về quyết định táo bạo của mình bởi ngay sau đó anh đã tìm được việc. Tuy nhiên, đó chỉ là một trong những trường hợp may mắn tìm được việc.
Theo thống kê của Trung tâm giới thiệu việc làm (TTGTVL) Hà Nội cho thấy, lượng người thất nghiệp ở Hà Nội đã tăng lên mạnh mẽ trong năm 2011 và có nhiều dấu hiệu tăng nhanh trong tháng đầu của năm 2012. Năm 2010, số người đăng ký thất nghiệp là 4.192, sang năm 2011, con số này đã là 16.100 người và tháng 1 năm 2012, đã có 1.467 người đăng ký BHTN. |
- Minh Đức (Tổng hợp VnE,SGTT)