Cụ ông 95 tuổi nuôi vợ ốm, con khùng, cháu mắc bệnh

( PHUNUTODAY ) - Tất cả đều sống dựa vào trợ cấp: thương binh, hộ nghèo, người cao tuổi của cụ. Già rồi, đi không còn vững, vậy mà ngày nào cụ cũng phải đủ ba bữa cơm nhạt cho vợ dại, con tâm thần và cháu nhỏ mắc bệnh nan yhellip;

Thân hình chỉ còn là bộ da nhăn nheo bọc xương, cụ ông Ngô Hữu Mạo (95 tuổi, Thôn Hoàng Dương – Xã Sơn Công – Huyện Ứng Hòa – Hà Nội) vẫn là trụ cột của một gia đình có tới 5 miệng ăn. Tất cả đều sống dựa vào ba loại trợ cấp: thương binh, hộ nghèo, người cao tuổi của cụ. Già lắm rồi, đi không còn vững nữa, vậy mà ngày nào cụ cũng phải đủ ba bữa cơm nhạt cho vợ dại, con tâm thần và cháu nhỏ mắc bệnh nan y…
[links()]
Số phận nghiệt ngã

Sống gần hết một thế kỷ nhưng dường như chưa ngày nào cụ Ngô Hữu Mạo (95 ở tuổi, Thôn Hoàng Dương – Xã Sơn Công – Huyện Ứng Hòa – Hà Nội) được hạnh phúc. Cả đời cụ bần túng, khốn khó về mọi mặt.

Tới giờ dù đã “sức cùng lực kiệt” cụ vẫn phải gắng gượng chăm vợ ốm, con khùng và hai đứa cháu sớm mất cha. Thương cụ lắm nhưng chẳng người con nào giúp cụ được việc gì, bởi người duy nhất sống chung làng là anh con trai cả cũng nằm trong danh sách “hộ nghèo” của xã, ai nấy làm việc quần quật mà vẫn không đủ ăn.

Có lẽ đó cũng là lý do khiến cụ nhiều năm nay “quên” mất nụ cười. Cười sao nổi khi ngày ngày phải chứng kiến con, cháu đau ốm quặt quẹo, không tiền thuốc thang chữa bệnh trong căn nhà trống, không có lấy một vật có giá trị.

Đôi mắt mờ đục rưng rưng muốn khóc, cụ chia sẻ: “Tôi là thương binh bị thương ở chiến trường tỉnh Luông Pha-băng, thời chống giặc Pháp năm 1953, mất 21% sức khỏe, nên có lương thương binh được hơn 700 ngàn, cả gia đình tôi 5 miệng ăn đều trông cả vào đó…”.

Nói tới đó cụ đem ra cho tôi xem những quyển “sổ lương” hiện đang nuôi sống cả gia đình gồm: sổ thương binh, sổ hộ nghèo, sổ người cao tuổi. Tổng thu nhập chưa được tới 1,5 triệu đồng.

Với số tiền này, cụ có khả năng “nuôi” cả gia đình 5 miệng ăn. Nhưng gần đây, tất cả tài sản cụ có đều đã đội nón ra đi theo bệnh tật của vợ, con và đứa cháu nội.

Hình ảnh cụ Mạo chăm vợ khiến những người chứng kiến rớt nước mắt
Hình ảnh cụ Mạo chăm vợ bệnh tật khiến những người chứng kiến rớt nước mắt

Cố kìm những giọt nước mắt, cụ buồn bã kể, ba năm trước anh con trai út của cụ tên Ngô Hữu Bắc (SN 1975) do nhà nghèo, không có tiền chữa bệnh, đã chết vì bệnh tim, khi ấy hai con của anh Bắc mới lên 5 và 7 tuổi.

Ngẫm gia cảnh khốn khó, vợ anh Bắc buồn lắm, cũng muốn kiếm thêm đồng tiền nuôi con nên đành gửi lại hai con gái nhờ ông bà nội chăm sóc, tìm đường ra khu công nghiệp xin việc làm. Trước khi đi chị Bắc có gửi bố chồng được hai yến gạo và 200 ngàn đồng.

Chưa kịp làm ra tiền chị Bắc lại phát hiện mình mắc bệnh hiểm nghèo, con gái của chị là Ngô Thị Lan Anh cũng bị phù thận mãn tính. Cả hai mẹ con đều phải dùng thuốc hằng ngày, số tiền thuốc lớn tới mức đã vượt quá khả năng chi trả của gia đình, dù cháu Lan Anh đang được hưởng chính sách hộ nghèo… Đó cũng là lý do khiến chị Bắc không còn tiền đỡ bố chồng nuôi cháu.

Vậy nhưng cụ Mạo thương con dâu tuổi còn trẻ đã sớm góa bụa. “Không nuôi được con, để cho cha già bạc đầu chăm sóc chị ấy cũng khổ tâm lắm. Nhưng ở nhà, một mình chị ấy có lẽ không kham nổi nên đành chấp nhận thôi.

Cũng may, ở quê chi phí sinh hoạt rẻ, tình làng nghĩa xóm lại đầm ấm nên gia đình tôi chưa bao giờ phải nhịn ăn bữa nào. Thiếu thốn nhất vẫn có bát cháo hoa bỏ tí muối húp qua bữa…”, lời cụ Mạo.

Nói tới đây đôi mắt đục ngầu của cụ lại ầng ậc nước, nhớ lại những kỷ niệm xưa cũ. Sau thời gian chung sống với người vợ đầu tiên, vì cuộc sống quá cơ cực, bần hàn, không đủ cái ăn, lại phải làm việc quần quật khi đang mang bầu đã khiến cụ bà kiệt sức và mất do “sản hậu” ngay khi vừa sinh con chưa đầy một tháng.

Một tay ôm con trai đỏ hỏn khát sữa, ngằn ngặt khóc, một tay dắt con gái nhỏ chưa đầy hai tuổi đang chập chững bước đi mà lòng cụ chát đắng. Mất vợ, cụ Mạo như người mất hồn, chẳng thiết ăn uống gì cho tới khi nghe tiếng con trai khóc ngằn ngặt, khóc tới thâm tím người vì khát sữa, cụ mới giật mình, hốt hoảng ôm con đi tìm bà đẻ xin bú trực suốt 5 tháng trời…

Để có tiền nuôi con, ngoài việc ruộng đồng, cụ còn đặt kế hoạch “mỗi ngày phải hoàn thành một sản phẩm nong hoặc nia mới đi ngủ”. Đó là nghề phụ truyền thống ở quê hương cụ. Muốn làm được, cụ phải dậy thắp đèn dầu làm việc cật lực từ lúc tờ mờ sáng, cho tới quá nửa đêm mới xong.

Vừa làm cụ vừa đặt hai đứa con nhỏ bên cạnh vỗ về cho con yên giấc. Không tự mang đi bán được vì bận con mọn, cụ đành bán cho thương lái ngay tại nhà.

Mỗi chiếc nong, nia cụ được thương lái trả cho ba đồng, trừ tiền ăn cho hai con nhỏ, tiền vốn còn lại được năm hào, cụ đem bỏ vào hai lớp lọ sành, sứ rồi cẩn thận đào hố chôn dưới gầm giường để dành dụm lúc con cái đau ốm hoặc có việc bất thường cần dùng đến tiền. Cụ bảo, chỉ có cách cất như vậy mới yên tâm vì không lo nhỡ cháy nhà là mất sạch.

Thương con nhỏ sài đẹn, côi cút do thiếu bàn tay mẹ chăm sóc, cụ Mạo buồn lắm. Nhiều lúc cụ chỉ mong đánh đổi tất cả để các con được cảm nhận tình mẫu tử. Nhưng chẳng người phụ nữ nào đủ can đảm san sẻ bớt gánh nặng trên vai cụ khi nhìn thấy ngôi nhà trống hoác, lợp mái rơm, mái dạ.

Vậy là cụ phải sống cảnh gà trống nuôi con suốt tám năm trời, tới ngày hỏi được người phụ nữ quá lứa Lưu Thị Tâm về làm vợ, ngôi nhà nhỏ của ba bố con mới bớt hưu quạnh. Và cụ Tâm đã lần lượt sinh cho cụ Mạo ba người con, hai trai một gái.

Song do ảnh hưởng sức khỏe từ mẹ, ngay từ khi mới sinh, chị Ngô Thị Lý (SN 1970, là con đầu lòng của cụ Tâm và cụ Mạo) đã không may mắc bệnh tâm thần phân liệt. Tuy nhiên, do nhà nghèo, ăn còn chưa no nên bệnh tật của chị Lý chỉ là điều thứ yếu.

Cho tới năm 2000, khi chị Lý có nhiều biểu hiện nặng, gia đình cụ mới cho chị Lý nhập viện Tâm thần Ba Thá chữa trị. Được vài ngày, thấy chị Lý cứ thuốc vào là người cứng, lưỡi cứng, mắt trợn ngược… nên cụ Mạo lại thương con mà cho về.

Cũng kể từ đó chị Lý đã biết “sợ bệnh viện” nên không dám đập phá nhà cửa cũng như gây chuyện nhiều như trước. Những đợt phát bệnh của chị cũng ngắn hơn. Tuy nhiên, bệnh chưa hết, đôi chân chị lại bị biến dạng.

Từng lớp da chân khô tróc, nứt nẻ, luôn trong tình trạng bong vẩy, ngứa ngáy, khó chịu. Không biết chị Lý mắc bệnh gì nhưng do không có tiền chạy chữa, nên khi có người mách cách “chữa mẹo” bằng bài thuốc “giềng mẻ” gia đình cụ đã nghe theo.

Đó là cách trộn ba cân giềng lẫn mẻ vào ủ vài ngày, sau đó mới đem ra dùng, bôi hết lên bề mặt chân vùng có da bong tróc. Cụ nuôi hy vọng “con mẻ sẽ ăn hết khuẩn hại, làm liền da”, lời cụ Mạo.

Tuy nhiên bài thuốc dân gian ấy chẳng những không giúp gì được chị Lý mà còn làm viết thương thêm nặng. “Bị cái này ngứa lắm, ngứa cả ngày lẫn đêm. Nhưng không dám gãi đâu, vì gãi sẽ bật máu ra đau lắm, sợ lắm…”, lời chị Lý.

Cùng hoàn cảnh với em chồng, dâu trưởng của cụ là vợ anh Ngô Hữu Mên (SN 1958), người con duy nhất sống cùng làng với cha, cũng bị bướu cổ nhiều năm nay, giờ mỗi ngày một to, ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe.

Đã có lần chị Mên ra viện 103 khám bệnh và có kết luận phải mổ. Nhưng tổng chi phí cho ca phẫu thuật ấy lên tới 10 triệu đồng, không có tiền, chị đành xin về sống chung với bệnh tật. Giờ chiếc cổ gầy nhẳng của chị phải “khênh” tới hai cái bướu to.

Tôi hỏi: “Thi thoảng chị có giúp được ông cụ việc gì không?” thì chị Mên ngượng ngùng trả lời: “Nói ra thì xấu hổ. Nhưng tôi thực sự không có thời gian giúp được bố mẹ việc gì. Nhà tôi cũng nghèo lắm, vợ chồng làm cật lực cả ngày lẫn đêm cũng không đủ ăn, lại mới “mất” diện “hộ nghèo” do có hai con đi làm công nhân ngoài khu công nghiệp.

Nhưng lương ở đó cũng thấp, cố gắng “co kéo” mấy cũng không đủ chi tiêu cho bản thân, vẫn còn phải về xin gạo mẹ. Nhiều lúc nhìn cảnh bố mẹ già mà xót xa, nhưng cũng chỉ là xót để đấy, lực bất tòng tâm…”

Leo lét cảnh già

Không chỉ có vậy, gần 20 năm nay, kể từ ngày cụ Tâm trèo đụm rơm bị ngã, đã nằm liệt giường. Mọi việc chăm nom cửa nhà, săn sóc con cháu đều giao cả vào tay cụ ông. Việc của cụ bà là nằm đó mắng chửi chồng con đủ thứ chuyện.

Còn “nghĩa vụ” của cụ ông là “phục vụ” vợ mọi việc sinh hoạt, ăn uống tại giường... Có những hôm sức già quá mệt, cụ ông vẫn phải bám tường lần mò đi nấu cháo cho cả nhà ăn. Cuối đời, cụ không mong ước gì hơn ngoài việc có tiền chữa bệnh cho con, cho cháu…

Ông Lê Xuân Dân, chủ tịch UBND xã Sơn Công cho biết: Cụ Mạo là thương binh thời kháng chiến chống Pháp. Gia đình cụ là gia đình chính sách, được xã quan tâm tới nhiều. Nhưng do con cái quá nghèo lại đủ thứ ốm đau bệnh tật nên để giải quyết được phải nhờ tới sự giúp đỡ, quan tâm từ cả xã hội.

Cụ bà hơn mười năm nay không ra khỏi nhà, cả ngày chỉ nằm trên giường hành hạ chồng con bằng lời nói. Mọi việc sinh hoạt, ăn uống hằng ngày đều trông chờ cụ ông giúp đỡ. Đã vậy, đôi lúc cụ ông vừa dọn dẹp xong cụ bà dậy kéo giường xoay ngang, xoay dọc chắn hết lối đi cụ ông cũng đành chịu…

Chị vợ anh Bắc vốn là một phụ nữ đảm nhưng khi phát hiện mình mắc bệnh hiểm nghèo đã trình sổ khám bệnh lên Hội Phụ nữ xã, vừa khóc vừa xin khất nợ khoản tiền vay quỹ “hộ nghèo”. Vì thế xã đã từng làm hồ sơ xin xóa nợ giúp vợ anh Bắc.

Từ đó cũng không thấy chị Bắc ở nhà nữa, nghe nói là đi làm ở khu công nghiệp. Hai cháu bé cũng ở hoàn cảnh rất đáng thương, một cháu mắc bệnh nan y, cần nhiều tiền chữa trị. Những người con khác đều thuộc diện “hộ nghèo”, nên không giúp đỡ được hai cụ việc gì. Thậm chí, cụ còn có một người con tên Ngô Hữu Việt đã đi vào Miền Nam làm ăn nhiều năm nay không thấy về…

Khó khăn là vậy nhưng chưa bao giờ cụ lấy lý do nghèo khó để nợ nần khoản đóng góp nào ở địa phương. Thậm chí, còn là người đi đầu trong tất cả các phong trào. Ngay cả phong trào quyên góp tiền ủng hộ các hộ nghèo cụ cũng đòi đóng cho bằng được.

Cụ bảo: “Tôi cũng nghèo đây, nhưng nghèo mấy cũng phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân…”, nhận số tiền nhỏ cụ đóng góp mà chúng tôi chảy nước mắt…

Hoàn cảnh của cụ cần lắm những tấm lòng hảo tâm. Chúng tôi hy vọng nhờ những tấm lòng vàng của bạn đọc sẽ giúp cụ được thỏa nguyện lúc cuối đời, được chứng kiến cảnh con cháu sum vầy khỏe mạnh.

Mọi sự quan tâm giúp đỡ xin được gửi về địa chỉ: Cụ Ngô Hữu Mạo (SN 1917) Thôn Hoàng Dương – Xã Sơn Công - Ứng Hòa – Hà Nội.
  • Kim Hoa
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn