Cục Bảo vệ Trẻ em bất lực nhìn con đánh mẹ

06:30, Thứ ba 02/10/2012

( PHUNUTODAY ) - Lần nào tôi cũng có cảm giác như thế. Không phải mình nghe mãi rồi nhàm chán. Từ Lê Văn Luyện đến ông có học làm Tiến sĩ đánh mẹ, đến chuyện vứt bố ra ngoài đường... tôi rất đau.

"Lần nào nghe tôi cũng cảm thấy mình bất lực bởi vì bao nhiêu năm trong nghề bảo vệ và chăm sóc trẻ em rồi nhưng các chính sách đưa ra và khả năng thực hiện rất thấp, không thể xoay chuyển được như thể mình bất lực trước sự trì trệ, nặng nề"...  - Ông Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Chăm sóc Trẻ em chia sẻ.

Đau vì sao lại đểu giả đến như vậy!
 
PV: - Liên tục những ngày vừa qua xảy ra những vụ quái gở gây bất bình dư luận như ông Tiến sĩ đánh mẹ rồi đẩy mẹ ra đường; những đứa con hợp lực cùng đẩy bố ốm ra nằm vỉa hè nhằm tranh chấp ngôi nhà; rồi vợ tố chồng cùng con trai đánh gãy cổ, chồng tố vợ mất dạy, nanh nọc... Điều đáng nói tất cả những hành vi vô đạo đức ấy lại xuất phát từ những con người có học, những trí thức, thậm chí là công chức với sự nghiệp trồng người. Ông nghĩ gì khi đọc những vụ tai tiếng đó?
 
Ông Nguyễn Trọng An: - Tôi rất bức xúc và cảm thấy đau. Tại sao Việt Nam ta, đặc biệt ở Hà Nội ngàn năm văn hiến, là những người Tràng An trước kia mà bây giờ trở thành những con người dở quê, dở tỉnh, sao nó lại đểu giả đến như vậy. Tôi cảm thấy đau. 
Ông Nguyễn Trọng An
Ông Nguyễn Trọng An
Tôi lo ngại nhất là những hình ảnh đó, câu chuyện đó trên báo chí hằn vào đầu những em bé đang non nớt và chúng nó sẽ lại trở thành những nhân vật như Lê Văn Luyện hay như những ông tiến sĩ đánh mẹ, những người con đuổi bố già ốm ra khỏi nhà. 
 
Lần nào nghe tôi cũng cảm thấy mình bất lực bởi vì trong bao nhiêu năm trong nghề bảo vệ và chăm sóc trẻ em rồi nhưng các chính sách đưa ra và khả năng thực hiện rất thấp, không thể xoay chuyển được như thể mình bất lực trước sự trì trệ, nặng nề.
 
Lần nào tôi cũng có cảm giác như thế. Không phải mình nghe mãi rồi nhàm chán. Từ Lê Văn Luyện đến ông có học làm Tiến sĩ đánh mẹ, đến chuyện vứt bố ra ngoài đường... tôi rất đau. 
 
Và làm thế nào để tránh cho những đứa bé sau này thì đó là cả một vấn đề, trách nhiệm rất nặng nề và rất khó.
 
Gia đình vỡ nát, tan vỡ hết!
 
PV: - Ông cắt nghĩa như thế nào về những hành động vô đạo đức như thế?
 
Ông Nguyễn Trọng An: - Đó là sự băng hoại về đạo đức xã hội khi đồng tiền ngự trị, làm sai lệch và làm mất đi giá trị của đạo đức. Chính vì vậy, nó ảnh hưởng đến từng gia đình và toàn xã hội. 
 
Thứ hai là vấn đề giáo dục gia đình từ lúc còn nhỏ và những gia phong, gia tộc. Những trường hợp trên thường xảy ra ở những gia đình què quặt tức là ly thân, ly dị. Đối với những đứa trẻ được nuôi dưỡng tử tế bởi cả cha lẫn mẹ thì thường ít xảy ra những chuyện như thế.
 
Giáo dục trong gia đình rất quan trọng vì người lớn là tấm gương phản chiếu của đứa bé và chúng soi vào gương đó để học theo. Vì thế có những trường hợp cháu bé bị đánh đập vào lúc còn nhỏ, bị ngược đãi, thậm chí bị lạm dụng tình dục... lớn lên nó sẽ lặp lại như thế và xảy ra những trường hợp tương tự. Cho nên, người ta rất lo lắng cho các em ở vào hoàn cảnh như vậy.
 
Bên cạnh giáo dục gia đình đó là gia phong, gia tộc. Từ trước đến nay, ta vẫn hay nói đến nhiều những cái gia phong. Trong dòng tộc ấy nếu có một em bé hư, nếu có một người xử sự không tốt, dòng họ sẽ họp lại phê phán còn nếu ngoan sẽ được khen ngợi, tôn vinh. 
 
Những trường hợp vất bố ra đường, đánh mẹ...vv chắc chắn đó là những gia đình bị què quặt hoặc trong dòng tộc ấy là ở nơi nào đi đến chứ không phải là người sống bản xứ ở đó. Vì sống tại bản xứ, gia phong, gia tộc, làng xóm rất quan trọng nên những trường hợp sống tại bản xứ, có làng xóm ít khi xảy ra những chuyện như vậy.
 
Vấn đề thứ ba là giáo dục đạo đức trong nhà trường rõ ràng đã bị coi nhẹ rất nhiều nhưng lại giáo điều và không có thực hành. Vì vậy, tình yêu thương giữa những em bé với nhau cho đến lúc chúng lớn lên, sự kính già yêu trẻ rồi 5 điều Bác Hồ dạy bây giờ hỏi các cháu chúng đâu có biết?
 
Nhưng bây giờ giáo dục tập trung vào hết toán, lý, hóa, văn, sử, địa, ngoại ngữ, tin học mà quên mất đạo đức. Nhiều năm nay họ muốn thay khẩu hiệu: Tiên học lễ, hậu học văn, nhưng lễ ai dạy?
 
Ngoài ra, các sự du nhập phim ảnh, báo chí lá cải đưa ra những vấn đề, chi tiết các vụ đánh đập, hiếp dâm, bạo lực, game đen... nó làm băng hoại đạo đức cá nhân con người và ảnh hưởng đến toàn xã hội. Đó cũng là một trong những nguyên nhân gây ra bạo lực, hiếp dâm, các vi phạm pháp luật, rối loạn xã hội. 
 
Nhưng để giải quyết vấn đề này giáo dục gia đình vẫn là gốc sau đó mới đến giáo dục trong gia phong, gia tộc và nhà trường. Và cuối cùng là người ta nhìn đến cái gương của những người lãnh đạo của địa phương đó, khu vực đó, cơ quan đó, của đất nước đó. 
 
PV: - Gia đình là cái nôi đầu tiên, là cội nguồn của tình cảm, là sự bình yên của mỗi con người. Nhưng như những gì mà ông nhìn thấy thì chúng ta phải hiểu các mối quan hệ trong gia đình đương đại như thế nào đây, thưa ông?
 
Ông Nguyễn Trọng An: - Vỡ nát, tan vỡ hết. Người ta đã có thống kê đến gần 70% trường hợp ly hôn của những cặp vợ chồng mới lấy nhau trong 1 năm đầu tiên và trong những năm tiếp theo. Tức là tan nát hết và những đứa con của gia đình đó phải chịu ảnh hưởng và khi chúng lớn lên chúng lại lặp lại những điều tương tự.
 
Treo biển văn hóa nhưng thực chất là không có văn hóa
 
PV: - Càng ngày những vụ bất nhân, bất hiếu như thế xảy ra càng nhiều với mức độ ngày càng tệ hại hơn trong khi chúng ta có hẳn một UB Giáo dục Thanh - Thiếu niên - Nhi đồng, rồi UB chăm sóc và bảo vệ trẻ em chuyên chăm lo cho mầm non của đất nước, là Phó Cục trưởng Cục Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em, xin ông lý giải tại sao lại như vậy?
 
Ông Nguyễn Trọng An: - Giáo dục gia đình có cả hệ thống gọi là UB dân số gia đình, trẻ em rồi Hội Phụ nữ... Nhưng thực ra bây giờ nếu nhìn nhận hiệu quả kém thì nên giải tán hệ thống UB đó.
 
Và cái chúng ta bây giờ gọi là gia đình văn hóa cũng chỉ là hình thức đến dán biển văn hóa thôi chứ thực chất là không có văn hóa. Thậm chí là vô văn hóa.
 
Còn các UB của QH đề ra những chính sách nhưng nó có phù hợp với Việt Nam hay không? Tại sao trẻ con ở Tây chúng học rất nghênh ngang, nhàng nhàng, chúng lúc nào cũng tươi vui, không bị đăm chiêu, ngờ nghệch như những con gà mà ra chúng toàn làm ông chủ?
 
Còn con Ta thì đeo những ba lô, cặp sách nặng nề, gãy cả xương, lụi cụi học ngày, học đêm cuối cùng ra toàn xin đi làm thuê. Đó là sai lầm giáo dục từ khi còn mầm non.
 
Thực ra lãnh đạo ngành giáo dục cũng có nhận biết rồi, nhưng để thay đổi được cực kỳ khó đối với Việt Nam. 
 
PV: - Vậy theo ông, bây giờ chúng ta phải làm như thế nào?
 
Ông Nguyễn Trọng An: - Những trường hợp kể trên chúng ta gặp nhan nhản ngoài đường, xung quanh nhà, nó là hệ quả của nền giáo dục trong nhiều năm mà bây giờ phải đổi mới từ cốt lõi đó là giáo dục trẻ em từ mầm non, mẫu giáo nhà trẻ cho đến cấp 1, cấp 2, giảm tải việc học mà giáo dục kỹ năng sống, đạo đức và giáo dục làm người.
 
Đó là những cái cần được thêm vào thay vì học nhồi, học nhét như hiện nay. 
 
Chúng ta phải thay đổi chiến lược giáo dục, tập trung vào đạo đức đúng như khẩu hiệu mà các nhà trường đang kẻ vẽ: Tiên học lễ, hậu học văn. Tại sao các ông đồ ngày xưa dạy trẻ con chúng răm rắp khoanh tay dạ thưa, chào hỏi, về nhà thưa bố, thưa mẹ... một cách nề nếp mà bây giờ lại như vậy. Rõ ràng, chúng ta chưa quan tâm đến vấn đề giáo dục đạo đức, giáo dục cách làm người, tình người.
 
Thứ hai chúng ta nên học tập các nước có những khóa học làm cha làm mẹ cho những người trước khi kết hôn tham gia: cách nuôi đứa trẻ, cách chăm sóc dinh dưỡng... Nhưng nước ta không có những vấn đề đó.
 
Thứ ba là sự noi gương của người lớn, người già, người có tuổi đối với trẻ em cùng với đó là sự vinh danh gia uy, dòng tộc như những điều tôi đã phân tích ở trên để đưa ra những cái mình cần phải làm.
 
- Xin cảm ơn ông!
  • Khải Nguyên

[links()]

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc