Cùng lên ngôi ngày mùng 1 Tết nhưng số phận của 4 vị vua này quá khác biệt

( PHUNUTODAY ) - Đây là 4 vị vua Việt đều lên ngôi vào ngày mùng 1 Tết. Tuy nhiên, trong số họ có người cống hiến nhiều cho đất nước, có người chỉ là vua bù nhìn, có người lại bị đi đày.

Mạc Thái Tông (1500-1540)

Đây là vị hoàng đế thứ hai của nhà Mạc, là con trưởng của Thái Tổ Mạc Đăng Dung.

Mạc Thái Tông lên ngôi vào mùng 1 tháng giêng năm Canh Dần 1530 và đổi niên hiệu là Đại Chính. Từ khi lên ngôi, ông có nhiều đóng góp to lớn trong việc trị nước. Vì chú trọng khoa cử nên đều đặn 3 năm ông mở một khoa thi để tuyển chọn người tài.

Lúc mới lên ngôi, trong nước nhiều trộm cướp, ông đã lệnh cấm dân các xứ không được mang gươm giáo, dao nhọn và binh khí đi ngoài đường. Ai trái lệnh sẽ bị trị tội.

Nhờ đó mà trong vài năm, trộm cướp biệt tăm, súc vật nuôi tối đến không phải dồn vào chuồng.

Lê Thế Tông (1566-1599)

Ông là con thứ năm của vua Lê Anh Tông, được Trịnh Tùng đưa lên ngôi đúng ngày đầu năm mới 1573. Đây là thời kỳ mà Trịnh Tùng chiếm được kinh thành từ tay nhà Mạc. Vì vậy, dù Lê Thế Tông lên ngôi vua nhưng quyền lực thực sự rơi vào tay Trịnh Tùng. Vì vua Lê Thế Tông không có thực quyền nên người ta gọi thời kỳ này là thời vua Lê chúa Trịnh.

Ông ở ngôi được 26 năm, thọ 33 tuổi.

Thánh Tổ Nhân Hoàng Đế (1791-1841)

Ông vẫn được biết đến là hoàng đế Minh Mạng, là vua thứ 2 của triều Nguyễn, là con trai thứ 4 của vua Gia Long. Ông lên ngôi vào sáng mùng 1 năm Canh Thìn 1820.

Suốt thời gian trị vì, ông đề xuất hàng loạt cải cách từ nội trị đến ngoại giao, góp công xây dựng đất nước hùng cường. Ông cũng chính là người giúp lãnh thổ Việt Nam được mở rộng hơn so với các triều đại trước, kéo dài từ Lạng Sơn tới tận Cà Mau.

Ngoài ra, vua Minh Mạng cũng rất quan tâm tới việc học tập và củng cố thi cử. Vào năm 1822, ông cho mở lại các kỳ thi Hội, Đình ở kinh đô để tuyển chọn nhân tài.

Hoài Trạch Công Hoàng Đế (vua Thành Thái)

Ông là vị vua thứ 10 của triều Nguyễn, là con thứ 7 của vua Dục Đức. Vua Thành Thái được chọn lên ngai vàng vào ngày mùng 1 tháng giêng năm Kỷ Sửu 1889. Lúc này ông mới 10 tuổi. Tuy nhiên, ông sớm bộc lộ tố chất yêu nước, có quan điểm chống Pháp, không ưa quan lại xu nịnh.

Cũng chính vì vậy mà ông bị quan lại của Pháp để ý, theo dõi. Chúng tìm mọi cách loại bỏ vua khỏi ngai vàng.

Ngày 29/7/1907, vì vua Thành Thái không phê chuẩn việc bổ nhiệm một số quan lại đã được Khâm sứ Pháp và Hội đồng Thượng thư thỏa thuận nên chúng tuyên bố truất quyền và quản thúc Thành Thái trong đại nội.

Đến ngày 3/9/1907, triều thần theo lệnh của Pháp vào điện Càn Thành dâng vua dự thảo chiếu thoái vị với lý do sức khỏe không bảo đảm. Vua xem xong chỉ cười rồi ghi ngay hai chữ “phê chuẩn”.

Ngày 12/9/1907, ông bị đưa đi quản thúc ở Cap Saint Jacques (ngày nay là Vũng Tàu). Sau đó, năm 1916 ông lại bị đày ra đảo cùng với con trai. Và phải đến tháng 3/1953 ông mới được cho về Huế thăm lăng tẩm cha mẹ. 1 năm sau thì ông qua đời và được an táng tại xã An Cựu, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên, thọ 75 tuổi.

Theo:  saigonthethao.thethaovanhoa.vn copy link