Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những ý kiến cho rằng nên hiểu và thông cảm cho nhà mạng bởi việc tăng giá không chỉ xuất phát từ nguyên nhân thu lợi tầm thường như mọi người vẫn nghĩ, mà đằng sau nó là cả một mục đích lớn lao, tốt đẹp, đó chính là để bảo vệ thị trường.
Có thể mọi người sẽ không tin hay cho rằng nhà mạng đang ngụy biện khi đưa ra mục đích đó, tuy nhiên không hề có chuyện đó đâu nhé. Việc này đã được không những các nhà mạng cho biết mà còn được lãnh đạo cục viễn thông khẳng định chắc nịch đấy.
Trong buổi toạ đàm xoay quanh chủ đề tăng cước 3G ngày 17/10, ông Nguyễn Đức Trung, phó cục trưởng cục Viễn thông đã viện dẫn nhiều điều luật để giải thích việc bộ cho phép các nhà mạng tăng cước. “Hiện nay các doanh nghiệp viễn thông đang bán gói cước 3G dưới giá thành. Căn cứ vào khoản 4 điều 38, nghị định 25/2011/NĐ-CP, nếu bán dưới giá thành là cạnh tranh không lành mạnh vì các doanh nghiệp nhỏ sẽ không có khả năng cạnh tranh”, ông Trung nói. Nếu các doanh nghiệp lớn cứ bán dưới giá thành thì các doanh nghiệp mới không thể tham gia thị trường được. Ở các nước, nếu các doanh nghiệp bán phá giá sẽ gây sụp đổ thị trường, lúc đó sẽ quy kết trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Các doanh nghiệp có thị phần khống chế không được phép chèn ép doanh nghiệp mới. “Chúng tôi bảo vệ thị trường”, ông Trung khẳng định.
Nhà mạng tăng cước 3G là để bảo vệ thị trường (Ảnh SGTT) |
Đấy, mọi người đã thấy rõ ràng chưa, đừng nghĩ việc tăng giá cước 3G là đơn giản, tất cả đề phải có lý do, theo luật lệ và đặc biệt là ý nghĩa vô cùng to lớn, khiến hành động ấy trở nên bất khả kháng. Và giờ mọi người đã biết nguyên nhân ý nghĩa ấy rồi thì đừng có mà kêu ca than vãn, thay vào đó hãy biết đường mà vui vẻ dùng 3G để cùng với các nhà mạng bảo vệ thị trường.
Còn nếu ai đó cảm thấy cái lý luận tăng giá vì việc nghĩa quen quen thì quả thật là những người nhanh nhậy. Đúng là quen thật bởi đơn giản lý luận này đã từng được vận dụng để giải thích cho việc tăng giá xăng để chống buôn lậu.
Còn nhớ, hồi cuối tháng 3 vừa qua, khi quyết định cho tăng giá xăng lên mức kỷ lục là 24.580 đồng/lít, liên bộ Tài chính – Công Thương có lấy lý do là vì xăng dầu VN thấp hơn các nước có chung biên giới, nên xảy ra tình trạng buôn lậu, tăng giá lên ngang bằng để chống buôn lậu.
Và thế là để hạn chế hành vi bất hợp pháp là buôn lậu, bảo vệ thị trường xăng dầu trong nước, Petrolimex đã không quản việc bị dư luận càm ràm, trách móc, mạnh tay tăng giá xăng ở mức kỷ lục.
Mà đâu chỉ có lần tăng giá xăng ấy, các lần tăng giá xăng khác, Petrolimex luôn ca một điệp khúc khiến người dân không thể không nghe theo đó là tăng giá để chống buôn lậu. Có người sẽ vặn ngược lại rằng, thế lực lượng chức năng ở đâu mà để buôn lậu lộng hành, nói đến chuyện buôn lậu cứ hiển nhiên như buôn hàng ngoài chợ? Đúng là dại mồm dại miệng, hỏi như thế thì sẽ nghe một tràng giang đại hải những lời giải thích có cánh và không có cánh, rằng thì do hoàn cảnh khách quan, do lực lượng mỏng, do này nọ kia khác, cuối cùng là do.... buôn lậu. Lãi sờ sờ trước mắt tội gì mà không làm, thế nên, để chấm dứt triệt để cái sự buôn lậu thì chỉ có một cách là xăng ở các nước lân cận giá 1 đồng thì ở bên ta giá 3 đồng. Hết đường cho buôn lậu làm giàu nhé!
Lại có người hỏi, thế vậy thì sẽ xảy ra tình trạng buôn lậu từ các nước bạn sang nước ta, ngành chức năng định tính toán ra sao? Ơ hay, hỏi gì mà lạ, như vậy thì tiền sẽ về buôn lậu trong nước chứ không bị chảy máu sang nước ngoài. Thôi thế thì có thể tạm nhắm hờ mắt, xử lý đến đâu hay đến đấy.
Thế nên dân mình yêu nước, biết điều thì đừng có mà kêu nữa nhé. Người ta lỗ cả trăm nghìn tỷ thì mới kêu, tốn thêm mấy đồng bạc lẻ mà than lắm thế. Doanh nghiệp viễn thông, xăng dầu còn khổ hơn nhiều, Bộ Tài chính, công thương còn đau đầu hơn nữa. Không tăng giá là không bảo vệ được thị trường, không chống được buôn lậu thì rõ là có lỗi với dân, với nước. Thế cho nên tăng giá là quá đúng, quá hợp lý rồi!