Cuộc hội ngộ kỳ diệu sau 25 năm thất lạc

06:07, Thứ tư 27/06/2012

( PHUNUTODAY ) - Saroo nói: “Tôi nghĩ dù rằng hai mẹ con chúng tôi không thể sống cận kề nhau nhưng trái tim tôi đã có mẹ của mình, tình mẫu tử là một cái gì đó rất sâu sắc”.

Đây là một cuộc trùng phùng kỳ lạ mà hai mẹ con đã thất lạc nhau suốt 25 năm trời, người mẹ ở quê nhà Ấn Độ còn con trai được một cặp vợ chồng người Australia nhận làm con nuôi. Suốt những năm tháng xa nhau, hai mẹ con ở 2 phương trời luôn nghĩ là người kia còn sống và không thôi nuôi hy vọng về một cuộc đoàn tụ, dẫu không chắc lắm. Nhờ ảnh vệ tinh Internet, cuối cùng người con trai khốn khổ đã tìm về được cội nguồn của mình…
[links()]
Cuộc trùng phùng của hai mẹ con ở hai đầu trái đất  

Saroo Brierley xuống khỏi nhà ga xe lửa và ra khỏi xe hơi để hoà vào một khung cảnh ồn ã của những gì từng ám ảnh trong những giấc mơ của anh.

Tiếng xe đạp kẽo kẹt, động cơ xe 3 bánh ầm ĩ và tiếng xe đẩy hàng rong lóc cóc nhộn nhịp trên các đường phố đông đúc tại cái thành phố Ấn Độ này, một điểm đến mới vì anh đã sống được một phần tư đời người tại bang đảo thanh bình Tasmania ở Australia.

Nơi đó, có một thời xa xưa, từng là nhà của Saroo. Đó là ngày 12/2/2012, tức cách đây gần đúng 25 năm, kể từ cái ngày ác mộng khi người anh trai của Saroo đột nhiên mất tích, người điều hành xe lửa cũng đẩy cậu bé xuống đường vì trước đó hai anh em chưa trả tiền vé đi tàu.

Không tiền, không biết đường về nhà, côi cút và bơ vơ, Saroo Brierley trở thành một đứa trẻ mồ côi ở Calcutta, ngỡ rằng cuộc đời của Saroo đến đó là hết. Nhưng không, bà Tiên luôn đến với những đứa bé nghèo, thánh thiện.

Một cặp vợ chồng người Australia hiếm muộn trong khi đi du lịch ở Calcutta đã gặp Saroo và đồng ý nhận cậu bé làm con nuôi của họ, Saroo có thêm một gia đình thứ hai trong cuộc đời mình. Lớn lên, được cha mẹ nuôi kể về quá khứ, Saroo luôn khát khao tìm về mái nhà xưa của mình.

   Ngày 15/02/2012, bà Fatima Munshi và con trai Saroo Brierley (30 tuổi), đã trùng phùng sau 25 năm thất lạc.
Ngày 15/02/2012, bà Fatimage Munshi và con trai Saroo Brierley (30 tuổi), đã trùng phùng sau 25 năm thất lạc.

Nhưng biết nhà ở đâu trong hàng trăm triệu ngôi nhà ở Ấn Độ? Mất đến nhiều năm ròng truy tìm trên Internet cuối cùng Saroo mới khám phá được cái thành phố đích thị là quê hương của mình.

Sau tất cả mọi chuyện, liệu gia đình của Saroo có chính xác nằm ở thành phố đó? Nếu họ có ở đó, họ sẽ nói gì cũng như Saroo sẽ nói gì khi gặp lại cha mẹ đẻ của mình?

Những người thân yêu ở Australia – gia đình cha mẹ nuôi của anh – đã cảnh báo rằng anh không quá mong đợi để rồi phải thất vọng trong hành trình tìm gia đình xa vời vợi. Trong những mảnh ký ức của mình, Saroo nhớ về ngôi nhà chật chội của anh, rằng anh ra đi bỏ lại cảnh đói, nghèo sau lưng.

Trong suốt nhiều năm sống trên quê hương mới, Saroo luôn đau đáu về số phận gia đình mình và đã cố gắng để đón lấy những điều tồi tệ nhất. Ở tuổi trưởng thành, những ký ức ngày xưa quá nhỏ bé trong tâm tưởng của Saroo.

Nhưng có những cảnh tượng mà Saroo có thể mang máng nhớ đến: nhà nằm trên con đường gần đường ray xe lửa và một cái đài phun nước mà Saroo khám phá ra nó trên ảnh vệ tinh Internet. Saroo có thể cảm nhận ra nó, bộ nhớ của anh đang dẫn đường cho anh về nhà.

Ở bên kia Ấn Độ, bà mẹ khốn khổ Fatimage luôn chật vật đấu tranh để có được những giấc ngủ ngắn sau một buổi sáng lau dọn sạch bong nhà cửa và rửa đĩa ăn cho hàng xóm để kiếm tiền lo cho gia đình mình.

Lúc nào, bà cũng nhớ đến đứa con thất lạc Saroo. Đã bao đêm, người mẹ luôn dằn vặt vì không giám sát con cái đến nơi đến chốn, bà hoảng hốt khi nghe rằng có ông hàng xóm nọ bị mất trí nhớ và không thể tìm được nhà mình.

Liệu người đàn ông đó có phải là Saroo hay không? Fatimage hoài nghi về điều đó. Nhưng, tạ ơn Trời Phật, ông ấy không phải là thằng Saroo con mình. Người mẹ mất con thường ngồi trên ngưỡng cửa nhà, dõi mắt nhìn đời dọc theo con ngõ hẹp.

Saroo Brierley nhìn chằm chằm vào ngôi nhà phía trước mặt và “sốc”. Một, bởi vì anh nghĩ rằng nó là ngôi nhà của thời niên thiếu. Hai là, ngôi nhà dường như quá nhỏ bé: cửa trước chỉ cao đến ngực anh.

Một phụ nữ xuất hiện trong căn nhà đối diện, bà ấy hỏi một ngôn ngữ tiếng Anh pha Hindi đại thể rằng bà có thể giúp gì được cho Saroo? Saroo lôi ra một tấm ảnh sao chép thời thơ ấu của mình do phía cha mẹ nuôi ở Australia chụp và giao nó cho anh.

Ánh mắt người phụ nữ hấp háy vẻ như đang chờ đợi để được giúp đỡ. Saroo nói cho bà biết về tên các anh chị em trong nhà và cả tên mẹ của anh. Nhưng nỗi sợ hãi trong Saroo ngày càng tăng khi người đàn bà nhìn chằm chằm về anh trong im lặng.

Liệu gia đình mình đã chết hết? Phải chăng tôi đã vĩnh viễn mất đi người thân của mình? Những người hàng xóm lũ lượt kéo tới vị khách lạ vì tò mò. Saroo liên tục van xin họ một sự giúp đỡ. Có ai trong số họ có thể biết gia đình tôi  đang ở đâu đó không?

Một người đàn ông giật lấy bức ảnh trong tay Saroo: “Hãy đợi ở đây! Đợi nhé!” Vài phút sau ông ta trở lại: “Đi với tôi. Tôi sẽ dẫn anh đi gặp mẹ”. Saroo tê người khi nhìn thấy có 3 người phụ nữ đang đứng đợi mình. Anh nhìn họ thất thần. Chỉ một người phụ nữ đứng giữa có vẻ hao hao giống mẹ.

“Đây là mẹ anh”, người đàn ông quả quyết chỉ vào người phụ nữ đứng ở giữa. Bà khá trẻ khoảng trên dưới 30, đó là lần cuối cùng Saroo nhìn bà. Anh để ý đến người phụ nữ đứng tuổi.

Đằng sau khuôn mặt tàn tạ bởi thời gian, có một thứ gì đó không nhầm lẫn được. Không thể tin nỗi. Đúng là mẹ tôi rồi! Saroo trào nước mắt khi linh tính bảo rằng bà là mẹ kính yêu của anh.

Bà Fatimage vẫn đang ngồi trước ngưỡng cửa nhà, bà không thể tin nỗi mình đang chứng kiến một sự thực quá đỗi bất ngờ. “Thằng Saroo về rồi”, tiếng hò reo vang lên ầm ĩ từ những người hàng xóm, tiếng la ấy chấn động người mẹ khốn khổ.

Fatimage lò dò đi xuống hẻm và thấy một đám đông đang đứng như trong tư thế diễu hành. Giữa đám đông, một người đàn ông đang gọi tên các thành viên trong gia đình bà.

Saroo chạy bổ về phía mẹ. Bà Fatimage cũng bước thấp bước cao lao về phía con. Họ túm lấy nhau, siết rất chặt và không nói nên lời. Vết sẹo từ lần bị ngựa đá còn in hằn trên trán Saroo, Saroo có cái cằm giống các con của bà.

Người mẹ bế con lên như thể nó đang là một đứa bé, dù rằng “thằng bé” ấy nay đã 30 tuổi. Fatimage dẫn Saroo đến ngôi nhà mới của gia đình, suốt một giờ, bà khóc lóc vì sung sướng và luôn vò đầu con trai. Người mẹ chỉ tay lên trời:

“Saroo đã về. Cuối cùng Đấng Toàn Năng đã trả lời cho lời khấn nguyện của tôi”. Saroo rưng rức vai, nước mắt chảy dài trên khuôn mặt anh. Bà Fatimage âu yếm nhìn con trai, bà nói rằng chưa bao giờ ngừng ý định tìm con trai.

Saroo ngồi ở một góc nhà và khóc rằng mỗi khi gặp khó khăn, anh luôn nghĩ đến cha mẹ đẻ ở Ấn Độ. Saroo thét lên khi nghe mẹ kể đến cái chết khủng khiếp của anh trai Guddu trên đường ray xe lửa.

Đang đêm, Saroo gọi điện cho bạn gái Lisa Williams ở Australia, Lisa cũng động viên bạn trai tìm cha mẹ ruột của mình, lúc chuông điện thoại đổ thì Lisa đang say ngủ. Saroo thốt lên sung sướng:

“Anh tìm thấy gia đình rồi?” Lisa Williams bật ra khỏi giường, hét lên: “Thật chứ?”. Sau khi biết chắc mười mươi, người bạn gái nhẩy cẩng trong phòng. Bên kia Ấn Độ, Saroo hân hoan vô bờ bến.

Trở thành người nổi tiếng  

Cuối cùng thì Saroo đã tìm thấy mẹ đẻ và gia đình nhưng hai người sẽ làm gì để hoà nhập trong một hoàn cảnh mới? Trục trặc đầu tiên mà Saroo cảm nhận được là hai mẹ con không thể giao tiếp cùng nhau.

Bà Fatimage mù chữ và không biết một từ tiếng Anh nào, còn Saroo chỉ nhớ được một ít các từ tiếng Hindi. Để giao tiếp cùng nhau, hai mẹ con đã mất hàng giờ để tìm người hàng xóm phiên dịch. Nhưng nhờ mãi cũng phiền, những ngày sau đó, hai mẹ con giao tiếp bằng những điệu bộ, cử chỉ.

Không hiểu về những gì diễn ra xung quanh, Saroo thường ngồi im lặng và quan sát gia đình mình. Bà Fatimage lo lắng Saroo sẽ không ăn được những món ăn do bà nấu nhưng anh đã ra hiệu rằng không thành vấn đề.

Để kỷ niệm ngày được trùng phùng, hai mẹ con đã thuê một nhiếp ảnh gia, trong bức ảnh ấn tượng đó, bà Fatimage mặc Sari, hôn lên má con trai, còn Saroo mặc một chiếc áo sơ mi màu hồng và quần jean, nụ cười ngoác tận mang tai khi nhìn vào máy ảnh.

Trong vòng 10 ngày đoàn tụ với mẹ ruột, các phương tiện truyền thông địa phương liên tục tìm đến phỏng vấn Saroo. Ngày chia tay để về nước Australia, Saroo nói về quay về nhà nhưng khi anh làm xong thủ tục xong, quay trở ra, bà vẫn đợi con, người mẹ không muốn con phải xa mình.

Saroo hứa sẽ quay trở lại sớm. Nhưng ở quê hương thứ hai Tasmania, Saroo trở thành người nổi tiếng khi truyền thông địa phương liên tục tìm đến đưa tin về câu chuyện đoàn tụ của anh.

Các nhà sản xuất phim cũng bắt đầu gọi điện thoại. Các nhà xuất bản sách cũng vào cuộc đề nghị Saroo viết sách về cuộc hội ngộ của mình. Saroo từ chối mọi lời đề nghị nhưng bị thất bại. Truyền thông đưa ảnh Saroo và bạn gái lên mặt báo.

Thương mẹ ở quê nhà vất vả, Saroo bắt đầu gửi cho mẹ Fatimage mỗi tháng 100 USD để mẹ bỏ hẳn công việc dọn dẹp và rửa bát đĩa cho người ta, trong khi công việc cực nhọc này bà chỉ nhận được 30 USD mỗi tháng.

Nhưng bà Fatimage vẫn làm công việc mà bà yêu thích, bà cứ để tiền của con trai cho trong ngân hàng và nói rằng khi nào Saroo đưa tiền tận tay mẹ bà mới nhận. Có vẻ như bà chỉ muốn con trai chăm sóc tinh thần cho bà như bao người con Ấn Độ khác.

Trong tâm tư của bà Fatimage, bà muốn Saroo cưới vợ Ấn Độ và sống ở quê mẹ chứ không phải là ở Australia. Bất chấp số tiền của con trai cho, người mẹ cần kiệm vẫn mua củ hành gần thối và bánh mì cũ để ăn.

Về sau thông qua người phiên dịch, Saroo biết tính mẹ tiết kiệm và càng thương mẹ hơn, anh quyết định trở về Ấn Độ và sẽ mua cho mẹ một ngôi nhà đẹp, nhưng bà không đồng ý vì nghĩ rằng sẽ làm tiêu tốn tiền của con.

Mặc dù giữa hai mẹ con có hai luồng suy nghĩ trái chiều nhưng Saroo không quan tâm nhiều tới điều đó, anh muốn giữ lại những phút giây ngây ngất của buổi trùng phùng. Với anh, nó là một phép màu làm nên một kết thúc có hậu, anh nói:

“Nó đã trút đi gánh nặng bao lâu đè lên trái tim tôi. Thay vì thao thức suốt đêm và suy nghĩ rằng gia đình mình như thế nào? Họ có còn sống không? Thì nay tôi đã an tâm trả lời tất cả các câu hỏi của mình”.

Saroo hy vọng về quê mẹ 1 hoặc 2 lần một năm nhưng vẫn sống ở Tasmania vì bây giờ anh là công dân Australia. Saroo nói: “Tôi nghĩ dù rằng hai mẹ con chúng tôi không thể sống cận kề nhau nhưng trái tim tôi đã có mẹ của mình, tình mẫu tử là một cái gì đó rất sâu sắc”.

Bà Fatimage cũng không mong con trai phải khổ sở khi lựa chọn nơi mình sinh sống, có thể bà sẽ đến Australia. Người mẹ hạnh phúc bộc bạch: “Trong thời điểm này, hai mẹ con tôi đã thật sự đoàn tụ, tôi thích khi nghe con trai cất tiếng gọi “Amma” – Mẹ ơi! Thế là đủ lắm rồi”.

  • Nguyễn Thanh Hải (Theo AP)
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc