Đổi lại sự tha thứ của thần linh, những cô gái sau khi được hiến tế phải gánh chịu 1 cuộc sống thống khổ tột cùng dưới sự cai quản, đánh đập và lạm dụng tình dục của những giáo sỹ.
Phép vua thua lệ làng
Nhắc đến lục địa đen Châu Phi không thể không nhắc đến những phong tục tập quán kỳ lạ không giống bất kỳ châu lục nào trên thế giới. Một trong số đó là phong tục hiến tế trinh nữ làm nô lệ cho thần linh, hiện được nhiều nước như Ghana, Togo, Nigeria hay Benin duy trì và phát triển với nhiều nhiều biến tướng.
Nạn nhân của những tập tục hiến tế là những bé gái từ 8-15 tuổi |
Theo ước tính chỉ riêng tại Ghana, một đất nước nằm ở phía Tây châu Phi, hàng năm có khoảng 5 nghìn trinh nữ tham gia vào nghi thức hiến tế này. Trong khi đó, tổng số trinh nữ bị cống nạp cho thần linh ở những đất nước còn lại vào khoảng từ 29- 35 nghìn người. Hiện tại, nghi thức này đang được tiến hành trên khoảng 12 ngôi đền trên khắp châu Phi. Theo các nhà nghiên cứu thì đây là 1 phong tục có liên quan đến chiến tranh và ra đời vào khoảng thế kỷ thứ 16. Trước khi tham gia vào những trận chiến, các chiến binh thường đến cầu nguyện ở những ngôi đền và dâng lên vị thần chiến tranh những trinh nữ để xin đổi lấy chiến thắng và sự an toàn cho bản thân.
Ngày nay, những trinh nữ được dâng nạp để xin thần linh tha thứ cho những tội lỗi và giảm nhẹ hình phạt. Theo phong tục hiến tế nô lệ hiện đại, khi 1 thành viên trong gia đình phạm tội như trộm cắp, ngộ sát, cưỡng hiếp thì gia đình đó buộc phải dâng nạp con gái hoặc 1 cô gái trong dòng họ còn là trinh nữ, tốt nhất ở độ tuổi từ 8-15 cho các thần linh. Nếu gia đình không có trinh nữ để hiến tế, các thần linh sẽ nổi giận và giáng tai họa bằng cách gieo rắc bệnh tật, nghèo đói hoặc lấy đi tính mạng của những thành viên trong gia đình.
Bởi vậy, những gia đình có người phạm tội luôn sẵn sàng đánh đổi sự bình yên bằng cách dâng hiến con em mình. Thậm chí, nhiều gia đình dù không có người phạm tội những vẫn xin hiến tế con gái để cầu mong sự may mắn và giàu có. Những bé gái được gia đình lựa chọn sẽ được đưa lên ngôi đền để tiến hành nghi lễ dâng lên các thần linh. Sau khi nghi lễ kết thúc, bé gái chính thức trở thành nô lệ của các thần linh và cuộc sống của các em phải chịu sự quản lý và sai khiến của các giáo sỹ trông coi đền, những người mới là những ông chủ thực sự.
Người dân châu Phi hết sức kính trọng và tôn sùng các vị giáo sỹ bởi họ tin rằng giáo sỹ là người có mối liên hệ mật thiết với những vị thần và có vai trò quan trọng trong thế giới tâm linh, ảnh hưởng đến sự sống và cái chết của họ. Việc những giáo sỹ có toàn quyền sở hữu những trinh nữ chẳng khác 1 ông chủ sở hữu những nô lệ đích thực.
Một cô gái bị bắt khi đang bỏ trốn khỏi đền |
Mặc dù trong luật pháp của nhiều nước châu Phi ghi rõ việc nghiêm cấm mọi hoạt động liên quan đến việc tổ chức chế độ nô lệ, đồng thời đảm bảo mọi quyền tự do cá nhân, song nó dường như vô tác dụng. Bởi, những người dân Châu Phi sợ sự trừng phạt của thần linh hơn cả luật pháp. Vì vậy, bất chấp sự cấm đoán của pháp luật, phong tục dâng trinh nữ làm nô lệ vẫn được tổ chức và đang trở thành 1 vấn nạn nhức nhối ở nhiều nước châu Phi khi nạn nhân của nó chỉ là những trẻ em nữ đang độ tuổi đến trường.
Cuộc sống địa ngục của “nô lệ thần linh”
Bé gái Abla Kotor mới 9 tuổi nhưng đã có thâm niên 3 năm sống trong ngôi đền Awlo-Korti ở tỉnh Tefle, đông nam nước cộng hòa Ghana. Em được đưa lên đây để chuộc tội cho cha của mình, người đã hãm hiếp cháu ruột và cũng chính là mẹ của Abla. Cha của em đã quyết định cho con gái trở thành nô lệ để trả giá cho tội lỗi nhơ bẩn của mình.
Giống như hàng ngàn trinh nữ khác, Alba phải lao động mà không có sự nhân nhượng về tuổi tác. Cô bé 6 tuổi phải làm đủ mọi việc như 1 thiếu nữ 15 tuổi. Trong khi các bạn cùng trang lứa được vui đùa và cắp sách đến trường, thì từ 3 năm nay, Alba đã thành thạo việc đi lấy nước, nấu ăn, dọn dẹp, chăn gia súc và làm những công việc đồng áng.Và, chỉ vài năm nữa thôi, khi trưởng thành hơn, Alba sẽ phải đối mặt với vấn nạn bị những giáo sỹ lạm dục tình dục.
Những giáo sỹ cũng là người trực tiếp đứng ra cai quản việc lao động của những nữ nô lệ nhỏ tuổi. Các bé gái thường bị bắt làm việc 12 tiếng mỗi ngày, thậm chí là phơi mình trên những cánh đồng giữa cái nóng cháy da, cháy thịt của châu Phi. Tất cả những nông sản mà các em trồng trọt được hay những đồ thủ công mà các em làm ra đều được mang bán và đem tiền về cho những giáo sỹ.
Dù lao động vất vả là vậy nhưng những trinh nữ trong các ngôi đền không được hưởng bất cứ thành quả nào từ sức lao động của mình. Giáo sỹ không trả công cho các em cũng như không có bất cứ sự đãi ngộ nào. Các em không được học hành, không được cung cấp đồ ăn cũng như những dịch vụ y tế cơ bản. Gia đình các em sẽ phải gửi quần áo, đồ ăn và tiền tiêu vặt cho các em hàng tuần hoặc hàng tháng. Tuy nhiên, nhiều em cũng chỉ nhận được sự hỗ trợ của gia đình trong 1 thời gian ngắn vì gia đình của các em quá nghèo. Nhiều em bị suy dinh dưỡng trầm trọng, thậm chí có em còn phải bỏ mạng ở những ngôi đền vì chết đói do gia đình không có đồ ăn để gửi vào.
Những giáo sỹ chẳng mảy may đến việc các em sống hay chết. Điều duy nhất họ quan tâm là các em có làm việc được nữa hay không. Nếu không may các em bị bệnh tật, đau ốm, họ cũng chỉ khoanh tay đứng nhìn vì trinh nữ này chết đi thì vẫn còn rất nhiều những trinh nữ khác sẽ được dâng nạp. Bởi, xã hội luôn đầy rẫy những kẻ phạm tội.
Nhiều em không chịu được cuộc sống khốn khổ trong những ngôi đền, đã tìm cách trốn thoát nhưng đều khi bắt lại đều bị đánh đập dã man đến nỗi không bao giờ dám nghĩ đến chuyện đó lần nữa và đành phải ngậm ngùi sống kiếp nô lệ suốt đời.
Giáo sỹ bên những các nữ nô lệ và đứa con |
Những bé gái sống trong những ngôi đền thờ không chỉ bị những giáo sỹ vắt kiệt sức lao động mà còn bị đối xử như những nô lệ tình dục. Khi 1 bé gái có chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên, em sẽ được đưa đến để quan hệ tình dục với 1 giáo sỹ. Họ đầu độc người dân bằng tư tưởng rằng trinh nữ được dâng lên cho thần linh và thần linh chỉ mượn cơ thể của các giáo sỹ để quan hệ với những trinh nữ. Bởi vậy, bất cứ khi nào các giáo sỹ cho gọi, những nữ nô lệ đều phải có mặt để thỏa mãn nhu cầu của các thần linh.
Nếu những cô gái dám chống đối, họ sẽ được nhắc nhở bằng 1 trận đòn thừa sống, thiếu chết. Ngày nay, ở nhiều nước châu Phi, địa vị của 1 người đàn ông càng cao khi họ có càng nhiều con. Bởi vậy, các giáo sỹ luôn thu nạp thêm nhiều trinh nữ và có thật nhiều con với những nữ nô lệ này như 1 cách để củng cố và nâng cao địa vị của mình trong xã hội.
Nhiều nhà xã hội học và những quan chức chính phủ đã lên án mạnh mẽ tập tục dâng trinh nữ làm nô lệ và cho đó là hủ tục xâm phạm nghiêm trọng đến nhân quyền, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ. Nhiều nước đang có những biện pháp tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của người dân cũng như những biện pháp mạnh tay để ngăn chặn tập tục này. Tuy nhiên, việc xóa bỏ tập tục lâu đời không thể dễ dàng trong một sớm một chiều và cho đến khi tập tục này biến mất, nhiều bé gái vẫn phải cắn răng chịu đựng cuộc sống nô lệ đáng sợ.