Đắk Lắk vẫn mở đường cho thủy điện xẻ rừng

14:40, Thứ sáu 23/08/2013

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Ông Tuấn cho rằng dự án thủy điện này chiếm diện tích rừng nhỏ và ít tác động đến môi trường nhất trong các thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Theo thông tin trên báo Tuổi trẻ, một dự án thủy điện nhỏ đang hoàn tất các thủ tục cuối cùng để xây dựng ngay tại khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn quốc gia Chư Yang Sin, bất chấp đề nghị tạm ngưng xây mới các dự án thủy điện ở Tây nguyên của Ban chỉ đạo Tây Nguyên cũng như sự phản đối kịch liệt của lãnh đạo vườn.

Theo ông Tống Ngọc Chung - giám đốc VQG Chư Yang Sin, dự án được đề xuất khảo sát, xây dựng từ năm 2005 với công suất 7,5MW, diện tích chiếm đất rừng là 70ha, bị vườn phản đối rất gay gắt nên tạm dừng. Đến cuối năm 2012, VQG Chư Yang Sin lại nhận được thông báo dự án này được tiếp tục cho xây dựng.

Ông Chung cho biết các kiểu rừng đặc trưng và tính đa dạng sinh học về loài của VQG Chư Yang Sin đều phân bố trong lưu vực suối Ea K’tour. Nếu xây Nhà máy thủy điện Ea K’tour sẽ mất hẳn 6ha rừng thuộc khu vực bảo vệ nghiêm ngặt, sẽ thay đổi môi trường sống của các loài đặc hữu quý hiếm có tên trong sách đỏ VN và thế giới.
 

Một dự án thủy điện công suất 0,2MW đang được xây dựng trong VQG Chư Yang Si. Ảnh Tuổi trẻ

Ông Hoàng Đình Tuấn - giám đốc Công ty TNHH Hoàng Nguyên (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), chủ đầu tư dự án - cho biết dự án ban đầu bị lãnh đạo VQG Chư Yang Sin và địa phương phản đối nên công ty phải điều chỉnh quy mô xuống còn 5MW, diện tích chiếm đất là 6ha. Ông Tuấn cho rằng dự án thủy điện này chiếm diện tích rừng nhỏ và ít tác động đến môi trường nhất trong các thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Trong lâm phần quản lý của VQG Chư Yang Sin và lân cận, ngoài thủy điện Ea K’tuor, hiện có ba nhà máy thủy điện khác: Nhà máy thủy điện Krông Kmar, công suất 11MW đã đi vào hoạt động, chiếm hơn 100ha rừng của VQG Chư Yang Sin; dưới thủy điện Krông Kmar và ngay trong khuôn viên khu du lịch thác Krông Kmar là một nhà máy thủy điện khác với công suất 0,2MW (do Công ty TNHH Phúc Vinh làm chủ đầu tư) đang được xây dựng. Ở phía nam VQG Chư Yang Sin, giáp huyện Lắk (Đắk Lắk) là thủy điện Krông Nô 2 (Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam, TP.HCM) đang hoàn tất thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng 18ha rừng tại tiểu khu 1418 và 1419 VQG Chư Yang Sin để xây dựng nhà máy.

 Trong khi đó, thông tin từ Ban chỉ Đạo Tây Nguyên, việc trồng rừng bù lại diện tích rừng bị mất mới ở đây chỉ được 757 ha so với 22.770 ha rừng đã chuyển đổi mục đích xây dựng thủy điện. Bên cạnh đó, việc quản lý chất lượng của các dự án thủy điện vừa và nhỏ bị buông lỏng, để xảy ra nhiều sự cố nghiêm trọng...

Chính vì thế, ngày 22/7, tại hội nghị sơ kết 6 tháng, Ban chỉ đạo Tây Nguyên đã đề nghị Bộ Công thương chỉ đạo rà soát lại qui hoạch, loại bỏ thêm các dự án thủy điện và các vị trí tiềm năng không khả thi và có tác động xấu đến môi trường, đồng thời tạm dừng xây mới các nhà máy thủy điện ở Tây Nguyên trong hai năm 2013-2014 để tập trung khắc phục hậu quả về môi trường.

Toàn vùng Tây Nguyên hiện có 118 dự án thủy điện đã hoàn thành đưa vào khai thác với tổng công suất 57 98MW, 75 dự án thủy điện đang thi công. Thời gian qua Bộ Công thương và các tỉnh trong vùng đã loại bỏ 155 dự án thủy điện và 72 vị trí tiềm năng. Tuy nhiên theo Ban chỉ đạo Tây Nguyên, việc loại bỏ các dự án cần phải được tiếp tục để tránh những hậu quả xấu về môi trường.

Trong khi đó, công tác quản lý chất lượng các công trình thủy điện vừa và nhỏ ở Tây Nguyên trong thời gian qua được cho là còn buông lỏng, để xảy ra nhiều sự cố nghiêm trọng. Nhiều dự án chậm bố trí tái định canh, định cư cho người dân, hàng trăm hộ dân chưa được cấp đủ đất để sản xuất, việc khắc phục hậu quả môi trường bằng trồng rừng thay thế triển khai rất chậm chạp. Một số hạng mục giao thông và công trình phúc lợi chưa bố trí vốn xây dựng sau khi đã hoàn thành dự án thủy điện.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Tin nên đọc