Nâng cấp đường
Theo Sài gòn Tiếp Thị, ở xứ cù lao thuộc ấp Long Bình (xã Long Khánh B, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp), “Cứ tới mùa mưa lũ, đường sá hư hỏng, lầy lộị, tui thấy tội nghiệp cho mấy đứa học trò trên đường tới trường mà quần áo lấm lem, người lớn đi đường mà sơ sẩy cũng ngã xe, té nhào,” ông Bảy kể.
Gần 20 năm trước, ông Nguyễn Văn Bảy tuổi gần 70, nên ông không còn đảm đương nổi việc đồng áng. Thế nhưng, hàng ngày, ông kéo xe đẩy tới những công trình xây dựng đang sửa chữa để xin mớ xà bần mang về đập nhỏ, đem đi vá những “ổ gà” của mặt đường, những vũng nước đọng để không gây trở ngại cho xe hai bánh đi lại.
Tài sản lớn nhất mà ông Bảy giữ lại cho mình chỉ là căn nhà mái lợp lá và rất nhiều những bằng khen, giấy khen. |
Trên tuyến đường nhựa nối liền hai xã Long Khánh A – Long Khánh B dài khoảng 8km được nhựa hoá từ nhiều năm trước, nhưng trong quá trình khai thác sử dụng, đã xuất hiện nhiều “ổ gà”, nên ông Bảy bỏ tiền túi ra mua đá, nhựa… và ông cặm cụi vá lại mặt đường.
Nhận ra tấm lòng hào hiệp của ông Bảy, một số người cũng đồng cảm và chia sẻ với ông bằng cách góp tiền, góp công với ông để làm đường giao thông nông thôn. Gần đây, ông Bảy muốn thảm nhựa tuyến đường tắt dài khoảng một cây số nối liền hai xã với tổng chi phí gần 200 triệu đồng. Công trình này bắt đầu được khởi công trong khi trong tay của ông Bảy chỉ có 3 triệu đồng, nhưng ông vẫn tin rằng, nếu mình làm việc nghĩa, thì sẽ có nhiều người ủng hộ. Quả vậy, không bao lâu sau, con đường nhựa rộng 1,4m được hoàn thành từ sự đóng góp tiền của, công sức của rất nhiều người. Ông Lê Văn Sẽ, trưởng ấp Long Bình (xã Long Khánh B) cho biết: “Ngoài những tuyến đường giặm vá, ông Bảy đã vận động nâng cấp bốn tuyến đường tắt với tổng chiều dài khoảng 8km”.
Nhân rộng tấm gương để người dân yên tâm đóng phí không tai nạn
Không ít người khi biết được tấm gương và hành động của nông dân Nguyễn Văn Bảy đã cảm thấy vô cùng ngưỡng mộ sự hết lòng vì sự nghiệp chung của ông dù kinh tế gia đình còn gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, có những ý kiến cho rằng nếu tấm gương và những việc làm như ông Bảy được nhân rộng trong cả nước, người Việt Nam sẽ yên tâm khi đóng phí đường bộ cho các cơ quan chức năng. Bởi đằng nào cũng có người làm đường, sửa đường cho rồi. Bên cạnh đó, những hành động làm đường, sửa đường sẽ có tác dụng không nhỏ trong việc giúp người dân tránh đươc các vụ tai nạn xảy ra do nguyên nhân đường xấu, gây thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân.
Điều này lại càng có ý nghĩa khi trên thực tế không ít người đã thắc mắc tại sao trong khi bản thân đã phải gánh hàng chục, hàng trăm loại thuế mà vẫn phải đóng phí đường bộ?
Ngày 29/7, tin từ Văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ cho biết, tính đến đầu tháng 7/2013, quỹ đã thu được hơn 2.700 tỷ đồng từ phí sử dụng đường bộ của ô tô. Dự kiến, cả năm quỹ sẽ thu được 4.400 tỷ đồng, vượt khoảng 400 tỷ đồng so với kế hoạch. Sắp tới khi việc thu phí đường bộ được áp dụng với cả xe máy con số này sẽ được nhân lên gấp nhiều lần nữa.
Vấn đề là dường như càng đóng phí thì đường lại càng xấu, tai nạn vì đường xấu ngày càng gia tăng cả về số vụ và tính chất nghiêm trọng của các vụ nhưng người dân lại không hề được bồi thường.
Và những tấm gương như nông dân Nguyễn Văn Bảy quả nhiên sẽ góp phần tạo ra hi vọng cho người dân để những hành động của ông có thể lan tỏa trong cộng đồng và toàn xã hội. Từ đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng yên tâm đã có người vá đường, không bị người dân phàn nàn đã đóng bao nhiêu loại phí mà đường xấu vẫn hoàn xấu.