Thắt lòng người mẹ có con gái 11tháng bị sốt và đột ngột ra đi: Mỗi lần nhìn ảnh con, tim mẹ nghẹn lại!

( PHUNUTODAY ) - 26/5 là ngày sinh nhật của con, con tròn 1 tuổi và đã ra đi được 1,5 tháng cũng là khi nỗi đau trong lòng người mẹ lớn đến mức cảm giác không chịu đựng nổi được nữa.

Tâm sự thắt lòng của chị Trúc Lam khiến người mẹ nào đọc được cũng cảm thấy xót xa, nghẹn ngào:

"36 ngày con ra đi là 36 ngày mẹ sống vất vưởng mà không thoát ra được cảm giác đau đớn. Chiều nay mưa nhiều lắm, mẹ càng buồn và nhớ con. Mẹ không biết làm sao, bởi cảm thấy bất lực. Mẹ chỉ biết thắp nhang liên tục và đi pha sữa cho con, mẹ sợ con gái mẹ đói và lạnh. Tự nhiên một cảm giác lạnh đến buốt tim.

Trong các con của mẹ, con là đứa thiệt thòi nhất. Khi có thai con là chị con mới được 8 tháng. Mẹ sinh mổ nên bác sĩ nói mẹ không nên giữ thai lại vì vết mổ mới quá, nhưng mẹ nhất quyết giữ lấy con, bảo vệ con đến cùng mặc cho những người thân xung quanh khuyên can. Và rồi vì cuộc sống mưu sinh, mẹ cùng con đi làm cho tới ngày con chào đời. Sáng đi làm, tối đi sinh.

Mẹ còn nhớ như in, lúc mẹ đau bụng thì chỉ có mình mẹ ở nhà, chị con bị bệnh và cha không vào kịp. Mẹ đã sinh con ra mà không có một người thân bên cạnh. Và do mẹ sinh mổ nên con được đưa vào phòng dưỡng nhi. Lúc mẹ tỉnh dậy, các bác sĩ mới đem con trao cho mẹ. Nhìn gương mặt con bị muỗi cắn mấy nốt mẹ bật khóc. Dù sinh mổ còn đau đớn, nhưng mẹ cố gượng dậy để lo cho con trong mấy ngày ở bệnh viện vì chị con bị bệnh.

Rồi những tháng ngày đó cũng trôi qua, con lớn lên từng ngày theo niềm vui bao la của mẹ. 10 tháng con đã biết đứng và vỗ tay mỗi khi mở nhạc. Mỗi chiều mẹ đi làm về, con bò ra mừng mẹ và bò lên người mẹ nằm.

Vậy mà con ở với mẹ vỏn vẹn 11 tháng rồi con bỏ mẹ đi...

Con bị sốt, mẹ bồng con đi bệnh viện. Còn khoảng 10 phút nữa là tới bệnh viện Nhi đồng, con bỗng nấc lên, tay con chụp cổ áo mẹ và con thở ra một tiếng rồi buông tay... Lúc đó mẹ vẫn ôm con trên tay mẹ. Mẹ thổi từng hơi vào miệng con, thổi cho tới phòng cấp cứu của bệnh viện. Bác sĩ đưa con vào phòng cấp cứu.

be-bi-soc-nhiem-trung-mau-1-15583338892691897784594

Một tiếng trôi qua dài như thế kỉ. Cuối cùng bác sĩ đã thông báo rằng con gái của mẹ đã ra đi vì sốc nhiễm trùng và nhiễm trùng máu, suy nội tạng. Và mẹ đã không còn biết gì nữa. Vậy đó, vậy là mẹ đã mất con trên chính vòng tay của mẹ. Nỗi lòng này ai thấu hiểu khi nhìn thấy khúc ruột của mình chết trên tay mình.

Mẹ bất lực níu kéo con đến giây phút sau cùng. Và rồi mẹ đã không ăn không ngủ suốt một tuần, cứ thế ôm lấy hình con.

Con gái ơi! Nếu có kiếp sau hãy về làm con của mẹ con nhé! Mẹ không bao giờ nói lời vĩnh biệt với con, vì con sẽ mãi ở trong tim mẹ.

"Hôm nay trời đổ cơn mưa

Hạt rơi xuống đất, hạt đưa vào lòng.

Trời buồn trời bỗng mênh mông.

Tôi buồn thân phận long đong kiếp người".

Chị Trúc Lam cho biết, con gái Diệu Linh của chị từ khi sinh ra rất ít ốm vặt, lại ngoan ngoãn, cười suốt ngày. Bé 10 tháng đã biết chững, mở nhạc ra là vỗ tay. Cho đến ngày định mệnh ấy, buổi sáng bé sốt và bị đi ngoài dạng lỏng như tiêu chảy. Buổi chiều khoảng 3h chị đưa con đi bệnh viện khi thấy con mệt hơn. Nào ngờ chưa kịp đến bệnh viện, con đã mất ngay trên tay mẹ.

Lúc đến được bệnh viện, bác sĩ nói là con đã bị ngưng tim nhưng vẫn đưa vào phòng cấp cứu, làm các xét nghiệm. Kết luận bé mất vì sốc nhiễm trùng và nhiễm trùng máu. Nguyên nhân bác sĩ giải thích cho chị Trúc Lam, gồm 1 trong 3 khả năng: (1) Trẻ sinh thiếu tháng, nhẹ cân; (2) Có thể trong lúc sinh đẻ, thủ thuật y khoa không sạch sẽ, vô trùng; (3) Do bị vết thương, vết trầy nhỏ, người lớn không để ý và bị nhiễm khuẩn.

Tuy nhiên dù cho bác sĩ giải thích như vậy, chị Trúc Lam vẫn không biết chính xác con gái bị làm sao mà mất. Sự ra đi đột ngột của con, những hình ảnh tươi cười vui vẻ của con được lưu trong điện thoại, nay mỗi lần nhìn thấy là chị lại thấy tim như nghẹn lại. 26/5 là ngày sinh nhật của con, con tròn 1 tuổi và đã ra đi được 1,5 tháng cũng là khi nỗi đau trong lòng người mẹ lớn đến mức cảm giác không chịu đựng nổi được nữa.

5 sai lầm cha mẹ hay mắc phải khiến trẻ sơ sinh tử vong nhanh nhất

1. Ôm, hôn trẻ sơ sinh tùy tiện

Cơ thể trẻ sơ sinh rất non yếu, sức đề kháng kém nên để bé được nhiều người ôm hôn, âu yếm sẽ làm tăng nguy cơ vi khuẩn, vi trùng có hại xâm nhập vào người bé.

Đặc biệt, người đang bị bệnh có thể khiến trẻ bị nhiễm virus Herpes Simplex, hoặc virus HSV-1 thông qua một nụ hôn.Siêu vi khuẩn này có thể điều trị dễ dàng cho người lớn, nhưng lại dễ dàng gây tử vong ở trẻ sơ sinh vì hệ miễn dịch của các bé còn rất non yếu.

2. Để trẻ nằm sấp

Trẻ sơ sinh nằm sấp có nguy cơ bị ngạt và đột tử (hội chứng SIDS) rất cao. Đã có rất nhiều trẻ sơ sinh tử vong vì cha mẹ không để ý chuyển tư thế ngủ an toàn cho bé. Tư thế nằm ngủ an toàn cho trẻ là tư thế ngửa hoặc nằm nghiêng.

Bên cạnh đó, với tư thế nằm ngửa và nghiêng, mẹ có thể dễ dàng quan sát những biểu hiện trên gương mặt bé để xem bé có biểu hiện gì khó chịu không, chân tay có bị vướng ở đâu để chỉnh sửa không,...

3. Cho trẻ sơ sinh uống nước

Các chuyên gia khuyến cáo, trong 6 tháng đầu đời, bé không cần uống nước. Vì lượng nước bé cần đã cung cấp đủ qua sữa mẹ, sữa công thức. Một số trường hợp bé uống nước dẫn đến tình trạng loãng sodium, và bị mất cân bằng chất điện giải, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và sự phát triển của bé.

4. Pha sữa công thức sai cách

Khi pha sữa cho bé, các mẹ có xu hướng pha loãng sữa đi so với hướng dẫn vì nghĩ sữa loãng sẽ tốt cho tiêu hóa của bé. Tuy nhiên, sữa công thức phải pha đúng chuẩn, nếu pha quá loãng sẽ không cung cấp đủ dinh dưỡng cho bé. Nếu mẹ pha quá đặc, sẽ khiến bé mất nước, hại đến thận bé.Bên cạnh đó cũng không được dùng nước khoáng để pha sữa, cực kì nguy hại cho bé.

5. Cho trẻ ăn dặm quá sớm

Hiện nay nhiều người quan niệm cho ăn bổ sung sớm trẻ sẽ cứng cáp hơn và không bị đói. Vì vậy, nhiều bé đã được cho ăn bổ sung từ tháng thứ 4, 5 thậm chí từ tháng tuổi thứ 3. Điều đó ảnh hưởng đến việc tận dụng nguồn sữa mẹ, trẻ dễ bị rối loạn tiêu hóa dẫn đến suy dinh dưỡng. Ngoài ra, bé ăn dặm sớm cũng tăng nguy cơ mắc bệnh vì thiếu các yếu tố miễn dịch có trong sữa mẹ. Theo khuyến nghị của WHO, thời điểm thích hợp cho trẻ ăn dặm là tròn 6 tháng tuổi.

TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn