Anh Nguyễn Đăng Hưng (SN 1988, ở xóm Bến, xã Đắc Sơn, Phổ Yên, Thái Nguyên) và chị Nguyễn Thị Lan Anh (SN 1995 ở Bắc Giang) nên duyên vợ chồng từ năm 2013. Những tưởng hạnh phúc sẽ đến với cặp vợ chồng trẻ thế nhưng 5 năm ròng chạy chữa khắp nơi, thuốc thang ai mách là tới, anh chị mới được đón 2 sinh linh bé bỏng của cuộc đời mình.
Anh Hưng cho biết, những ngày tháng "dành cả thanh xuân" đi tìm kiếm con, anh chị tưởng như phải gục ngã. Kết hôn được 2 tháng thì chị Lan Anh bị đau ruột thừa phải phẫu thuật tại BV C tỉnh Thái Nguyên. Cũng tại đây, anh hay tin vợ bị dính buồng trứng tự nhiên.
“Sau khi bác sỹ phẫu thuật, 2 vợ chồng về thả 5 tháng nhưng không thấy gì nên xuống BV Phụ sản Trung ương khám. Lúc ấy mới biết vợ bị u nang buồng trứng phải dùng thuốc. Sau khoảng 3 tháng, vợ chồng lại quay lại kiểm tra thì các kết quả bình thường nên yên tâm về thả tiếp.
Ai ngờ nửa năm sau vẫn chưa thấy có con. Mọi người ở quê sốt ruột giới thiệu đi khắp nơi chạy chữa, đến cả những ông lang, bà mế ở Bắc Ninh, Bắc Giang nhưng đều vô dụng”, anh Hưng nói.
Triền miên "chữa mẹo" hơn 1 năm bất thành, vợ chồng anh Hưng lại “khăn gói quả mướp” xuống BV Phụ sản Hà Nội kiểm tra. Nhưng kết quả nhận về không mấy khả quan. Chị Lan Anh bị tắc một bên vòi trứng và được chỉ định làm thụ tinh nhân tạo (IUI).
“IUI 2 lần không được nên các bác sỹ khuyên làm IVF. Lúc đó 2 vợ chồng có biết gì về IVF đâu nên thấy nó hơi đáng sợ. Với lại tiền làm IVF cũng quá khả năng mà tỷ lệ đậu lại chỉ khoảng 30%. Nên dù buồn vô cùng nhưng 2 vợ chồng lại động viên nhau quay về cắt thuốc uống theo kiểu còn nước còn tát”, anh Hưng nhớ lại.
Thế nhưng nhờ một lần tình cờ gặp một chị cũng bị hiếm muộn, vợ chồng anh Hưng mới dám làm IVF, thứ mà họ đã từng nghĩ sẽ không bao giờ làm.
“Chả hiểu run rủi thế nào mà tôi biết một chị cũng bị hiếm muộn nhưng đã có con. Chị ấy chỉ cho tôi xuống BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội. Lúc đó vợ chồng tôi chưa có điều kiện mà IVF thì tốn từ 80 đến 100 triệu nên vẫn định khất lần. Nhưng chị ấy khuyên nên làm sớm, có gì khó khăn chị ấy sẽ hỗ trợ. Thế là vợ chồng vay ngân hàng để chữa có con”, anh Hưng nói.
Kết quả, sau khi được BS Lê Thị Thu Hiền (BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội) chuyển 4 phôi, chị Lan Anh đã may mắn đậu song thai khiến 2 vợ chồng rơi nước mắt vì hạnh phúc. Nhưng hình như "ông Trời" muốn thử lòng người, quá trình mang thai của chị Lan Anh lại khó khăn hơn rất nhiều so với các sản phụ bình thường khác.
“Mang thai đến tuần thứ 6 bị dọa sảy nên vợ chồng lại quay lại BV Nam học nằm điều trị mất 2 tháng. Vợ nằm bất động còn chồng thì cơm nước hàng ngày.
Từ đó cho đến lúc sinh, 2 vợ chồng cứ đi đi về về giữa Thái Nguyên và Hà Nội như cơm bữa đến nỗi các bác sỹ ở viện gần như đều quen mặt hết. Cho đến tuần thứ 27 sau khi tiêm thuốc trưởng thành phổi được 1 tuần thì vợ tôi sinh non một cặp trai gái được 1,1kg và 1,2kg”, anh Hưng nhớ lại.
Dù rằng ngay từ lúc chị Lan Anh chuyển dạ, các bác sĩ đã làm công tác tư tưởng cho anh Hưng rất kỹ nhưng khi tận tai nghe những tiên lượng xấu về con của mình, anh Hưng vẫn cảm thấy khó lòng mà tiếp nhận tin sét đánh ấy.
“Sau khi sinh, 2 bé chưa tự thở được mà phải thở bằng máy và nằm tại Khoa Sinh non BV Phụ sản Hà Nội. Được một thời gian, một bé có hiện tượng xuất huyết não, một bé thì động mạch vành tim chưa đóng hết.
Có những đêm, đang ngủ các bác sỹ cũng gọi lên làm công tác tư tưởng rằng trường hợp này phần trăm sống là có nhưng thấp và có thể xảy ra những biến chứng bất cứ lúc nào. Nghe vậy, người tôi lạnh toát, hoang mang, lo sợ. Nhưng luôn dặn mình phải vững tin rằng con sẽ khỏi”.
Sau 45 ngày, bé trai được 1.8kg và bác sĩ cho xuất viện. 2 tuần kế tiếp, sức khỏe bé gái cũng ổn định nên được về nhà. Vợ chồng anh Hưng mừng rơi nước mắt dù lòng đã xác định, hành trình tới đây của các con sẽ vô cùng gian khổ.
Nhưng Trời lại "trêu ngươi", 1 tuần sau, 2 bé bất ngờ có hiện tượng tím tái, giảm ăn… khiến cả gia đình hoảng hốt. Ngay lập tức, vợ chồng anh Hưng đưa con lên BV Đa khoa tỉnh kiểm tra. Tại đây, các bác sỹ tiến hành sơ cứu rồi lại chuyển lên BV Nhi Trung ương để điều trị.
“Các bác sỹ bảo con bị nhiễm trùng máu và viêm phổi nặng rồi chuyển lên Khoa Hồi sức Hô hấp. Do 2 con yếu quá nên bác sỹ yêu cầu gia đình phải có 2 người túc trực bên các bé 24/24”, anh Hưng nói.
Con đau ốm triền miên, chị Lan Anh dù mới sinh nhưng gần như chẳng được kiêng cữ gì. Những ngày con đi cấp cứu, chị suy sụp về cả thể xác lẫn tinh thần đến mức phải nhập viện theo con. Người đàn ông là trụ cột của gia đình lại gồng lên chăm vợ ốm, chăm con đau rồi lại lặng lẽ đi xin từng giọt sữa mẹ để con ăn.
“Gần 3 tháng nay tôi bị mất ngủ. Có những hôm nhìn vợ con thiếp đi trong bệnh viện mà không hiểu nước mắt ở đâu cứ trào ra. Nhiều lúc tôi nản lòng muốn bỏ cuộc lắm. Nhưng lại nghĩ, nếu mình bỏ cuộc thì vợ con sẽ ra sao? Nên lại dặn lòng ráng thêm chút nữa”, anh Hưng nghẹn ngào.
Suốt khoảng thời gian ra vào viện như "cơm bữa", anh Hưng cũng chỉ có thể tranh thủ có người nhà dưới quê xuống chăm mới kiếm vài chục bạc từ việc chạy xe ôm, ship hàng thuê. Trước đây, anh làm nông nghiệp còn vợ làm công nhân. Tài sản, vốn liếng cũng không có bao nhiêu nhưng anh chị quyết dốc hết để chạy chữa sinh con. Từ khi ấy, chị Lan Anh cũng yếu dần phải nghỉ làm.
“Vợ chồng cứ làm ra bao tiền là lại “nướng” vào chữa con hết bấy nhiêu. Trong khi điều kiện bên nội cũng không dư dả vì làm nông. Còn bên ngoại thì bố vợ bị tai nạn lao động nên hoàn cảnh cũng khó khăn lắm, 2 vợ chồng phải tự lực cánh sinh thôi.
Riêng chi phí điều trị vô sinh hiếm muộn và thuốc thang cho đến lúc sinh 2 bé đã lên tới 350 triệu, chưa kể từ lúc các cháu ốm đến nay viện phí, thuốc thang rồi các khoản khác cũng lên tới gần 70 triệu nữa. Tiền đó là vay ngân hàng rồi bạn bè và bán thóc lúa đi.
Nói thật, giờ chúng tôi cùng đường rồi. Ở nhà còn mỗi cặp bò. Tôi cũng vừa gọi về quê nhờ bán hộ để chạy chữa cho con thôi”, anh Hưng nghẹn ngào nói.