Loại dầu ăn trộn với lốp xe của chủ cơ sở sản xuất dầu ăn ở Quảng Nam qua quá trình phân tích, các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng loại dầu ăn này có thể gây bệnh ung thư. Và Cục An toàn thực phẩm (Bộ y tế) cũng vừa gửi văn bản đề nghị Sở y tế và Chi cục An toàn thực phẩm Quảng Nam kiểm tra, xử lý nghiêm chủ cơ sở sản xuất này nếu phát hiện ra sai phạm.
VnExpress dẫn lời các chuyên gia y tế, hiện nay ở Việt Nam chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu các dụng cụ chứa đựng thực phẩm, thức ăn bằng chất liệu cao su ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Tuy nhiên quá trình chế biến dầu ăn trộn lốp cao su tại cơ sở của ông Trương Căn ở thôn Châu Lâu, xã Điện Thọ thì rõ ràng rất nguy hại.
Các chuyên gia dinh dưỡng cũng đã phân tích và cho biết, cao su là chất không thể tiêu hóa được. Nếu chất này có mặt trong thực phẩm sẽ ảnh hưởng đến đường tiêu hóa của người sử dụng, có thể dẫn đến những bệnh rối loạn tiêu hóa. Dầu ăn có trộn lẫn cao su từ những lốp xe đã cũ chứa rất nhiều tạp chất nên khi đi vào cơ thể có thể dẫn đến bệnh ung thư.
Hàng nghìn lít dầu phộng của người dân xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn sau khi ép đậu phộng ở cơ sở ông Trương Căn mang về nhà đều có cặn, nổi váng màu đen, nấu ăn thì bốc mùi khét lẹt. |
Trong văn bản đề nghị Sở y tế và Chi cục An toàn thực phẩm Quảng Nam kiểm tra, xử lý nghiêm chủ cơ sở sản xuất ở Quảng Nam nếu phát hiện ra sai phạm của Cục An toàn thực phẩm (Bộ y tế) có yêu cầu kết quả kiểm tra, xử lý báo cáo về Cục trước ngày 20/7 để Cục tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ y tế.
Ông Nguyễn Văn Hai, giám đốc Sở y tế Quảng Nam cho biết, hiện toàn bộ lượng dầu ăn có cặn, nổi váng đen được cho là có lẫn tạp chất cao su đã được niêm phong, cấm tiêu thụ trên thị trường.
Theo ông Hai, sau khi lấy mẫu kiểm định, phân tích, căn cứ vào tỷ lệ tạp chất cao su có lẫn trong dầu ăn có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người thế nào thì Sở sẽ có hướng đề xuất xử lý nghiêm đối với chủ cơ sở sản xuất dầu ăn này.
Làm việc với công an xã Điện Thọ, ông Căn thừa nhận cơ sở này thường xuyên ép dầu cho người dân trên địa bàn. Mỗi khi ép, máy bị nghẹt, con trai ông dùng ruột cao su xe đạp, xe máy cắt nhỏ bỏ vào cối xay đậu cho máy chạy thông suốt.
Ước tính số dầu ăn có lẫn tạp chất cao su của các hộ dân bị thiệt hại lên đến hơn 2.000 lít. Ngoài ra, nhiều hộ dân từng ép dầu phộng ở cơ sở ông Căn có thiệt hại nhưng chưa trình báo cơ quan chức năng.
Ông Căn cũng thừa nhận việc trộn lẫn cao su vào đậu phộng ép dầu ăn là ảnh hưởng đến kinh tế, sức khỏe của người dùng nên cam kết bồi thường thiệt hại.
- Tươi Pháp (Tổng hợp)