ĐB Trần Thị Quốc Khánh:Không đánh đồng phong bì với tiền lương

( PHUNUTODAY ) - Nếu cứ đòi chuyện phong bì để đánh đồng với chuyện lương thì rõ ràng coi nghề nghiệp đáng nhẽ là có nhân đức thành việc kiếm cơm.

(Đời sống) -  "Phải để cho người ta bày tỏ lòng biết ơn vì bác sĩ tận tụy cứu chữa cho người ta thì không nên cấm, thậm chí, phải khuyến khích. Điều này tương tự như trong cuộc sống bình thường, thay lời cảm ơn mà người ta bày tỏ bằng việc gửi quà, bằng hình thức bằng tiền đấy thôi. Cấm điều này cực đoan và cũng không đúng"... - ĐB Trần Thị Quốc Khánh khẳng định.
[links()]
PV: - Mới đây, Bộ Y tế khẳng định sẽ thay đổi phong cách ứng xử của nhân viên y tế đối với bệnh nhân theo hướng lịch sự, thân thiện, tận tình, mở lớp tập huấn để đạt được nhưng mục tiêu này. Điều này làm người ta nhớ đến những nỗ lực để cải thiện hình ảnh người cảnh sát giao thông thời gian gần đây. Bà đánh giá như thế nào về nỗ lực này của những người được cho là công bộc của dân?
 
ĐB Trần Thị Quốc Khánh: - Với tư cách là một người dân, nghe Bộ trưởng nói như vậy tôi rất hoan nghênh. Bộ trưởng cũng thể hiện một sự nỗ lực, cố gắng của mình và nếu làm được cũng là điều đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân. Bởi đại đa số nhân dân đều mong như vậy. Bao nhiêu năm nay Bộ trưởng vẫn kêu gọi sự tự giác của các nhân viên y bác sĩ ngành mình. Người dân cũng rất đang mong chờ chuyện này.
ĐB Trần Thị Quốc Khánh
ĐB Trần Thị Quốc Khánh
 
Bộ trưởng vẫn kêu gọi nói không với phong bì, nhưng nếu bộ quy định rõ ràng, được luật hóa, nghiêm cấm chuyện nhận phong bì dù lớn hay nhỏ. Còn tin tưởng hay không thì có lẽ nếu chuyện này được quy định thành nguyên tắc, luật cũng đã quy định rồi nhưng trong thông tư của bộ trưởng cần phải quy định chặt chẽ hơn nữa để luật hóa chuyện này chứ không chỉ kêu gọi. Nếu phát hiện sẽ bị xử lý.
 
Cũng là ngành y, tôi thấy cũng có bệnh viện tuyệt đối không có chuyện nhận phong bì, ai nhận sẽ bị kỷ luật luôn. Vậy thì tại sao toàn ngành không nhân rộng mô hình đó ra.
 
PV: - Cùng với đó Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã đồng ý cho bác sĩ được nhận phong bì của người dân sau khi điều trị. Điều này mâu thuẫn với những phát biểu của Bộ trưởng: các cơ sở y tế công phải ký cam kết “nói không với phong bì” từ giám đốc BV đến trưởng phó khoa và nhân viên. Người nhà bệnh nhân cũng phải ký cam kết không đưa phong bì cho bác sĩ. Thậm chí, người đứng đầu ngành y tế còn tuyên chiến: Bệnh nhân và người nhà dứt khoát không đưa phong bì. Nếu thấy bác sĩ, điều dưỡng nào nhận phong bì cứ chụp ảnh gửi cho tôi. Phải chăng bất lực trước chuyện nhận phong bì của y, bác sĩ nên Bộ trưởng đành phải mở đường cho chuyện nhận bồi dưỡng một cách công khai, minh bạch, tránh việc người dân bệnh nhân dúi phong bì vào túi bác sĩ, bác sĩ quá tải mà khó chịu với bệnh nhân? 
 
ĐB Trần Thị Quốc Khánh: - Phải hiểu Bộ trưởng kêu gọi bác sĩ nói không với phong bì tức là Bộ trưởng muốn nói ở giai đoạn trước và trong quá trình khám chữa bệnh.
 
Thực tế là sau khi người ta chữa xong rồi, chẳng có một sự cam kết nào trước, không có một sự là tôi khám cho anh thì anh phải cho tôi, người ta tự nguyện, tự giác thì đó là điều đáng khuyến khích. Bởi lẽ, có những người người ta biết ơn, muốn bày tỏ thì phải để cho người ta bày tỏ lòng biết ơn. Điều này tương tự như trong cuộc sống bình thường, thay lời cảm ơn mà người ta bày tỏ bằng việc gửi quà, bằng hình thức bằng tiền đấy thôi. Cấm điều này cực đoan và nó cũng không đúng.
 
Còn tôi hiểu trước đây Bộ trưởng nói thấy ai nhận phong bì thì quay phim, chụp ảnh gửi đến Bộ trưởng là muốn nói đến giai đoạn trước và trong khám, chữa bệnh bởi cái đó mới chính là cái bức xúc của toàn xã hội. Cảm ơn sau quá trình chữa bệnh là do cái lòng tự nguyện, tự giác, lòng biết ơn của người ta đối với người đã cứu chữa cho mình. Theo tôi chuyện đó chính là lòng nhân ái, là tính thiện của mỗi con người.
 
PV: - Thưa bà, nhiều ý kiến lại nhận định, cho phép y, bác sĩ nhận phong bì của bệnh nhân dù trong trường hợp nào cũng là tạo thói quen xấu, phản cảm và mặc định y bác sĩ là người gia ơn cho bệnh nhân?
 
ĐB Trần Thị Quốc Khánh: - Yên tâm là không có chuyện đấy. Ví dụ người ta không có tiền mà bác sĩ đã khám chữa rồi thì bác sĩ có làm gì nhau được, cho nên đừng có lo chuyện đó. Cứ để cho bác sĩ khám chữa bệnh tốt đi, xong ai có điều kiện thì quà cáp và chuyện đấy mình cũng không nên cấm bác sĩ.
 
Cũng đừng nói rằng đó là tạo ra thói quen xấu cho bệnh nhân bởi có những bệnh nhân người ta biết ơn, người ta có tấm lòng như thế thì mới có chuyện họ lo lắng việc đền ơn. Có những người không có điều kiện, hoàn cảnh khó khăn nhiều khi đó chỉ là một lời cảm ơn, lòng biết ơn của người ta mãi mãi thôi hoặc cả gia đình người ta gom góp một cái gì đấy để bày tỏ nên chuyện đấy cũng phải ghi nhận thôi chứ đừng sợ hãi làm như thế người ta cho là tạo ra một tiền lệ.
 
Hãy cứ để bác sĩ tập trung lo cứu chữa bệnh nhân đi rồi ai có điều kiện người ta biếu, không có điều kiện thì bác sĩ dẫu sao cũng đã hoàn thành nhiệm vụ rồi, bác sĩ cũng thanh thản thôi.
 
PV: - Nhiều ý kiến cho rằng việc bác sĩ nhận phong bì đó là do lương của y bác sĩ quá thấp so với mặt bằng giá cũng như công sức lao động mà mỗi nhân viên y tế bỏ ra. Việc nhận phong bì cũng chính là một nguồn thu nhập mà người dân cố gắng bù đắp lại cho bác sĩ. Bà nghĩ sao về điều này?
 
ĐB Trần Thị Quốc Khánh: - Tôi không nghĩ như thế. Thực ra chẳng riêng gì đối với ngành y, rất nhiều ngành khác người ta lương rất thấp như công an xã, như ngành giáo dục… nhưng không thể nói như vậy để mà tôi nhận đền bù, đó là hai việc khác nhau. Không nên đánh đồng chuyện này vào để mà bao biện. 
 
Người bệnh không có trách nhiệm với tiền lương của anh theo kiểu nhà nước trả cả. Các nhân viên y tế cứ làm việc tốt cho xã hội đi, những người tài giỏi, có lòng nhân ái cứ làm đi điều đó cũng đã tạo ra công đức rồi. Người ta nói có đức thì thả sức mà ăn. 
 
Tôi biết có rất nhiều bác sĩ người ta ngại chuyện đấy. Người ta sống bằng trí tuệ, tài năng của người ta, người ta làm thì rất nhiều bác sĩ được coi là ân nhân nên gửi quà, rồi kể cả tiền thì chuyện đó hoàn toàn xứng đáng với công đức của người ta. 
 
Nếu cứ đòi chuyện phong bì để đánh đồng với chuyện lương thì rõ ràng coi nghề nghiệp đáng nhẽ là có nhân đức thành việc kiếm cơm. Vì thế, cái nhân đức, những cái thuộc về chiều sâu của một con người, của mỗi một gia đình sẽ bị giảm đi. Và đó không phải là điều hay. 
 
Nói về lý thuyết người dân họ đã đóng đủ các thứ tiền rồi. Nhưng sự thật có những ngành nghề hiện nay lương quá thấp nên nhà nước phải cải cách chế độ tiền lương. Ngay cả như nhiều người nói rằng ngành công an, cảnh sát, tòa án, kiểm sát, thanh tra lương thấp và đấy là những nơi có thể diễn rat tham nhũng, không lẽ cứ bảo lương tôi thấp tôi phải lấy cái đó để tôi bù vào lương. Vậy thì sự nghiệp phòng chống tham nhũng làm sao mà làm được.
 
Mỗi người đã chấp nhận ngành nghề của mình thì phải chấp nhận điều kiện của ngành nghề ấy theo một cái chung của xã hội. Trong những khó khăn chung của xã hội, mỗi người phải có một cách sống làm sao không bị tổn thương về mặt phúc đức của mỗi con người.
 
PV: - Không những không cấm nhận quà, để nâng cao y đức cho trong ngành y, Bộ y tế còn dạy cán bộ nhân viên y tế phải biết nói lời cảm ơn, thái độ tận tình với người bệnh. Nhiều ý kiến cho rằng, lời cảm ơn, thái độ phục vụ tận tình thì cũng tốt nhưng với điều kiện khám chữa bệnh như hiện nay: viện phí đã tăng một vài lần mà chuyện bệnh viện bẩn thỉu, giường ghép thì hẳn nhiên "đồng tiền đi trước vẫn là đồng tiền khôn", và sự “mở đường” của Bộ trưởng chỉ giúp minh bạch hóa nạn phong bì đang diễn ra, bà nhìn nhận điều này như thế nào?
 
ĐB Trần Thị Quốc Khánh: - Thực ra trong xã hội hiện nay nhà nước đang đầu tư cho ngành y tế, và ngành y tế đang nỗ lực thay đổi hình ảnh thì điều đó mình cũng phải ghi nhận. Còn việc cảm ơn, vì sao bác sĩ lại phải cảm ơn?
 
Cảm ơn là khi người ta mang lại cho mình những điều tốt đẹp, bác sĩ là người đi lo khám chữa bệnh cho bệnh nhân, người ta đến cầu cứu bác sĩ thì bác sĩ cứ làm đi, không lẽ làm xong lại đi cảm ơn bệnh nhân? Cái này là phải tính.
 
Cảm ơn là khi bệnh nhân mang một cái gì đến thì bác sĩ mới nhận, sau đó mới gọi là cảm ơn. Còn bác sĩ sau khi khám chữa bệnh cho bệnh nhân xong mệt hết hơi, quay ra bệnh viện không nói gì, xong bác sĩ lại quay ra cảm ơn bệnh nhân cái hình ảnh này nghe không hợp lý.
 
Còn vấn đề là bác sĩ và ngành y đang nỗ lực phải ghi nhận, phải tin tưởng và nên tạo điều kiện, ví dụ, theo tôi, người nhà bệnh nhân cũng không nên sợ hãi. Cũng phải đồng lòng với bác sĩ, cùng với cả bộ trưởng chứ và cứ làm đi, có gì thì đề đạt lên, cứ làm đúng trách nhiệm của người nhà bệnh nhân rồi trong một điều kiện nào đấy báo cáo, phản ánh lên, đề nghị.
 
Nhân chuyện này ngành y tế cần có những đường dây nóng để khi bệnh nhân chờ mãi không đến lượt người nhà khám, rồi bác sĩ nọ kia thì người ta biết gọi ai. Người ta cũng phải biết đường dây nóng để phản ánh đến lãnh đạo bộ để lãnh đạo bộ phải chỉ đạo ngay.
 
- Xin cảm ơn bà!
 
  • Khải Nguyên (Thực hiện)

 

TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn