Đề xuất ban tặng “cái chết êm ái” cho bệnh nhân

06:56, Thứ sáu 18/10/2013

( PHUNUTODAY ) - Dự thảo Luật Dân số đang được Bộ Y tế xây dựng, trong đó rất đáng chú ý là đề xuất cho phép thực hiện “chết êm ái”. Đây là một hình thức trợ tử (hỗ trợ bệnh nhân được chết) mà theo các chuyên gia là “rất cần thiết” nhưng chắc chắn sẽ gây “bão” trong dư luận.

Ảnh minh họa

Theo một số chuyên gia y tế, "cái chết êm ái" là vấn đề mà nhiều nước trên thế giới đã và đang tranh cãi rất gay gắt.

Tuy nhiên, đã có một số nước như Hà Lan, Bỉ, Mỹ, Argentina, Hàn Quốc công nhận "quyền được chết" của công dân với nhiều tên gọi như "cái chết êm ái", an tử, trợ tử… hoặc ban hành đạo luật riêng như Luật Chết, Luật Điều trị vô ích.

Việc thực hiện "cái chết êm ái" này phải đảm bảo những điều kiện chặt chẽ và có kết luận của hội đồng y khoa.

Một bác sĩ (giấu tên) thuộc Bệnh viện K Trung ương cho biết, nhiều trường hợp bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối phải trải qua những ngày tháng cuối đời vô cùng đau đớn.

Họ chỉ bám chân xin bác sĩ cho được chết, mà các bác sĩ không dám hay không có cách nào giúp họ.

Đó là chưa kể những người nghèo phải xin về quê đợi chết, không có tiền mua thuốc giảm đau nên con đường đến cái chết của họ thực sự đau đớn, ám ảnh. “Lúc đó, nếu như có cái chết êm ái thì có lẽ sẽ an ủi họ phần nào”- bác sĩ này cho biết.

Ông Trương Hồng Quang - Viện Nghiên cứu pháp lý (Bộ Tư pháp) cho rằng: Việc đưa "cái chết êm ái" thành quy định trong luật chắc chắn sẽ vấp phải nhiều ý kiến phản đối cho rằng đi ngược lại truyền thống, phá vỡ tính ổn định xã hội, cổ súy cho cái chết, coi thường sự sống…

“Luật này cũng có ý nghĩa. Truyền thống là do con người tạo ra thì cũng có thể thay đổi, tiệm cận với những nhu cầu mới của xã hội hơn. Bên cạnh đó, quyền được chết là tùy nghi, do bệnh nhân chọn lựa và họ cần được hỗ trợ nếu quyết định chết khi mắc bệnh nan y... ” – ông Quang nhận định. 

Tuy nhiên, nhiều người lo ngại cho phép “cái chết êm ái” (hay an tử, trợ tử) là “khuyến khích tự tử”.

“Lo ngại đó là không có cơ sở vì quyền chết là quyền có điều kiện, phải có kết luận y khoa, sự tư vấn của bác sĩ tâm lý, có hội đồng phê duyệt. Không có chuyện ai muốn chết thì chết”- ông Quang nói.

Ông Quang cho rằng, không nên đưa vấn đề an tử vào Luật Dân số: “Pháp luật dân số quy định về các vấn đề liên quan tới dân số. Trong khi đó, về mặt lý thuyết thì “cái chết êm ái”, hay chính xác hơn là quyền được chết là một quyền nhân thân.

Nếu được công nhận, trước hết phải được ghi nhận thành một quyền nhân thân trong Bộ luật Dân sự. Sau đó có thể hướng dẫn cụ thể quyền này ở Luật An tử hoặc một nghị định của Chính phủ. Việc đưa vấn đề an tử vào Luật Dân số là không phù hợp”. 

Theo ông Quang, quyền được chết đã được đưa vào dự thảo Bộ luật Dân sự Việt Nam 2005 nhưng đã không được thông qua và hiện lại được đề cập trong quá trình sửa đổi Bộ luật Dân sự.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: