Từ cuối tháng 7/2022 nhiều hiện tượng thiên văn kỳ thú sẽ xuất hiện với tần suất nhiều hơn. Trong tháng 8 này, người yêu thiên văn sẽ được chiêm ngưỡng 2 hiện tượng cực đẹp đó là mưa sao băng Perseids – một trong hai trận mưa sao băng rực rỡ nhất trong năm và siêu trăng. Cả hai hiện tượng này sẽ cùng diễn ra vào ngày Rằm tháng 7 âm lịch – 12/8.
Mưa sao băng Perseids – một trong hai trận mưa sao băng đẹp nhất trong năm
Mưa sao băng Anh Tiên (Perseids) là trận mưa sao băng nổi tiếng được nhiều người yêu thiên văn săn đón trên khắp thế giới. Nó có nguồn gốc từ sao chổi Swift-Tuttle, được phát hiện năm 1862, mưa sao băng Perseids xuất hiện trên bầu trời trong khoảng ngày 17/7 đến 24/8 hàng năm, đạt cực đại vào đêm 12, rạng sáng ngày 13/8.
Cùng với mưa sao băng Geminids xuất hiện vào tháng 12, mưa sao băng Perseids là một trong hai trận mưa sao băng lớn nhất năm với tần suất cực đại có thể lên tới 60-80 vệt/giờ. Trận mưa sao băng này cũng nổi tiếng với những vệt băng sáng và dài.
Năm nay, mưa sao băng Anh Tiên diễn ra từ 16/7 đến 23/8, với tần suất sao băng tăng dần mỗi đêm đến cực đại vào đêm ngày 12 và rạng sáng ngày 13 tháng 8 rồi giảm dần.
Tuy nhiên, năm nay thời điểm diễn ra cực đại mưa sao băng Perseids trùng với thời điểm Siêu trăng nên việc quan sát có thể không được thuận lợi. Nếu muốn thấy được những vệt sao băng sáng dài thì người quan sát cần kiên nhẫn. Thời gian quan sát lý tưởng nhất là sau nửa đêm, chọn nơi ít ánh sáng đèn và bụi.
Vì các sao băng có thể xuất hiện bất cứ đâu trên bầu trời, do đó bầu trời nơi bạn quan sát càng rộng, bạn càng có thể nhìn thấy nhiều sao băng hơn. Hãy tìm một khu vực với tầm nhìn thoáng đãng, có thể nhìn ra đường chân trời và không bị ảnh hưởng bởi cây cối cũng như tòa nhà.
Đối với mưa sao băng, thường sẽ là vào nửa đêm và một vài giờ trước bình minh (12 giờ đêm – 5:30 sáng).
Siêu trăng cuối cùng trong năm
Ngoài mưa sao băng, trong đêm 12/8 cũng sẽ diễn ra một hiện tượng thiên văn thú vị khác chính là Siêu trăng.
Siêu trăng xảy ra khi mặt trăng sẽ nằm ở vị trí đối diện mặt trời khi nhìn từ trái đất và phần hướng về phía trái đất của mặt trăng sẽ được chiếu sáng toàn bộ. Lúc này, mặt trăng sẽ gần trái đất nhất và có thể trông sáng hơn, to hơn bình thường.
Pha này diễn ra lúc 8:36 (giờ Việt Nam). Vì đây là thời điểm dễ bắt cá tầm ở Ngũ Đại Hồ (Great Lakes) và những hồ lớn khác nên các bộ lạc bản địa châu Mỹ xưa kia gọi lần trăng tròn này là Trăng Cá Tầm (Full Sturgeon Moon).
Ngoài ra người ta cũng gọi nó bằng cái tên Trăng Ngô xanh (Green Corn Moon) và Trăng Hạt (Grain Moon). Đây cũng là lần siêu trăng cuối cùng trong 3 sự kiện siêu trăng năm 2022.
Tại Việt Nam, người yêu thiên văn có thể quan sát 2 hiện tượng trên bằng mắt thường ở bất cứ địa điểm nào nếu điều kiện thời tiết thuận lợi.
Nếu trời không mưa, ít mây thì hoàn toàn có thể quan sát cả 2 hiện tượng thiên nhiên trên bằng mắt thường.