"Di lí" hòn đá về "trại giam" mới

10:45, Thứ sáu 01/06/2012

( PHUNUTODAY ) - Ngày 29/5, "quan" huyện Chư Sê (Gia Lai) đã quyết định “di lí” hòn đá sau khi hết thời hạn “tạm giam” tại sân trụ sở UBND huyện về “trại giam” mới, đồng thời kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân sai phạm.

Sau hơn hai tháng gây xôn xao với vụ cưỡng chế hòn đá của dân, ngày 29/5, "quan" huyện Chư Sê (Gia Lai) đã quyết định “di lí” hòn đá sau khi hết thời hạn “tạm giam” tại sân trụ sở UBND huyện về “trại giam” mới, đồng thời kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân sai phạm.

Đoàn quân hùng hậu cưỡng chế 2 hòn đá

Như Phunutoday đã đưa tin: Ngày 29/4, Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Chư Sê do ông Lê Đình Huấn, Phó chủ tịch thường trực UBND huyện Chư Sê làm Trưởng đoàn đã dẫn một đoàn quân hoành tráng và hùng hậu (khoảng 15 người), cộng với lực lượng chính quyền xã H’Bông khoảng chục người, đùng đùng kéo đến nhà ông Lê Hùng Dũng ở thôn La Sa (sát quốc lộ 25), xã H’Bông, huyện Chư Sê (Gia Lai) để cưỡng chế thu hồi 2 hòn đá của ông Dũng nhưng bất thành.

Điều đáng nói là, trong đoàn kiểm tra liên ngành của huyện, chỉ có mỗi ông Nguyễn Trọng Khánh là đúng thành phần quy định trong Quyết định số 09/QĐ-UBND ngày 01/10/2012, còn lại là thành phần kiểm tra…”chui”!

Sau đó, UBND huyện đã lập biên bản tạm giữ và giao cho chính quyền xã H’Bông quản lý. Thế nhưng, không hiểu chính quyền xã H’Bông quản lý kiểu gì mà sau đó, hai hòn đá đã không cánh mà bay.

Riêng hòn đá của bà Trần Thị Sắc (cùng ở xã H'Bông, bị cưỡng chế trước đó - PV) bị đưa lên xe chở về trụ sở UBND huyện Chư Sê, sau đó bị quan huyện này “giam” trong một cái lồng sắt kiên cố tại đây trong thời gian dài.

Việc “giam” hòn đá của quan huyện Chư Sê bị người dân chê cười và phản đối quyết liệt. Đến ngày 29/5, lãnh đạo huyện này đã quyết định “di lí” hòn đá sau khi hết thời hạn “tạm giam” tại sân trụ sở UBND huyện về “trại giam” mới, đó là Ban quản lí công trình đô thị và vệ sinh môi trường huyện.

Đoàn kiểm tra làm sai quy định

Xung quanh việc "quan" huyện Chư Sê cưỡng chế, thu hồi 3 hòn đá của ông Dũng và bà Sắc làm “ảnh hưởng không tốt đến dư luận của xã hội, làm sự việc ngày càng phức tạp” (chữ dùng của ông Phạm Duy Du, Giám đốc Sở TNMT Gia Lai-PV), lãnh đạo tỉnh Gia Lai đã ra ít nhất gửi 3 công văn chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra làm rõ.

Theo kết quả kiểm tra của các cơ quan chức năng, căn cứ nghị định số 77/2007/ND-CP ngày 10/5/2007 và nghị định 150/2004/ND-CP ngày 29/4/2004, ông Lê Hùng Dũng đã vi phạm việc tàng trữ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp. Bà Trần Thị Sắc đã vi phạm việc vận chuyển khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp.

Đối với Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Chư Sê, việc khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với nơi ở của ông Lê Hùng Dũng là sai với quy định tại khoản 20 điều 1 pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2008. Cụ thể, khi tiến hành khám nơi cất giữ 2 cục đá tại nhà ông Dũng, Chủ tịch UBND huyện Chư Sê vẫn chưa ký quyết định bằng văn bản.

Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Chư Sê lập biên bản tạm giữ cục đá của bà Sắc là sai với quy định tại khoản 19 điều 1 pháp lệnh sửa đổi, bổ sung pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2008. vì Đoàn kiểm tra không đúng thành phần, nhiệm vụ được giao tạm giữ tang vật.

Xử lí tập thể, cá nhân sai phạm

Ngày 31/5, trả lời PV Phunutoday về “sáng kiến” làm lồng sắt kiên cố “giam” hòn đá, ông Nguyễn Hồng Linh, Chủ tịch UBND huyện Chư Sê, cho biết: “Khuôn viên của UBND huyện đang xây dựng nên chúng tôi cho làm lồng sắt là để bảo vệ tang vật. Chúng tôi lo rằng có ai đó sẽ lén đập phá hay đập lấy một cục nhỏ để đem về chơi vì đá khá mềm”.

Về số tiền để làm lồng sắt, ông Linh nói phòng Tài nguyên & Môi trường của huyện làm và không báo cáo với ông nên ông không biết số tiền cụ thể là bao nhiêu. Sau khi “di lí” cục đá bị “tạm giam” ở khuôn viên trụ sở UBND huyện Chư Sê về Ban quản lí công trình đô thị và vệ sinh môi trường huyện, lồng sắt “nhốt” đá đã được giao lại cho đơn vị mới quản lí, sử dụng.

Sáng ngày 29/5, Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện cũng đã họp kiểm điểm trách nhiệm những tập thể, cá nhân liên quan trong việc để mất 2 hòn đá tại nhà ông Lê Hùng Dũng. Sau cuộc họp, Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Chư Sê, ông Nguyễn Đình Viên cho biết: “Chúng tôi tự nhận và chịu sự phê bình của UBND huyện, tỉnh về vụ việc này, đồng thời rút kinh nghiệm sâu sắc. UBND xã H’Bông cũng bị phê bình khi để mất đá, do đó không có cơ sở xử lý 2 hòn đá của ông Dũng”.

“Đối với bà Trần Thị Sắc, huyện quyết định phạt 2 triệu đồng về hành vi vận chuyển khoáng sản không có nguồn gốc. Cục đá của bà Sắc được xác định là đá bán quý thuộc dòng đá casidol. Hiện nay, theo giá thảm khảo, dòng đá này có giá trị 190.000 đồng/kg”, ông Linh cho biết thêm.
 

Sau khi nhận được 2 mẫu đá do Sở Tài nguyên-Môi trường tỉnh Gia Lai lấy ra từ tảng đá đang tạm thu giữ tại khuôn viên UBND huyện Chư Sê gởi đến, Trung tâm Phân tích thí nghiệm-Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Nam đã tiến hành phân tích, mô tả dưới kính hiển vi và kết luận: Quan sát mẫu cục và xem lát mỏng của đá dưới kính, xác định mẫu là loại đá silic chalcedon (Đá bán quý).

Thành phần khoáng vật của đá chủ yếu chỉ gồm khoáng vật silic là chalcedon và rất ít opal, khoáng vật quặng xen lẫn với nhau tạo thành khối rắn chắc. Chalcedon dạng ẩn tinh, vi hạt, đa số hạt dạng tỏa tia, màu giao thoa xám. Khoáng vật quặng dạng đám bụi quặng màu đen, không thấu quang, rải không đều” (theo “Kết quả phân tích mẫu thạch học”, do ông Nguyễn Văn Định-Giám đốc Trung tâm Phân tích thí nghiệm ký).
  • Nguyễn Tâm

[links()]

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc