Quốc hội đã thông qua Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ số 36/2024/QH15. Luật có hiêu lực từ ngày 1/1/2025. Theo đó thì người lái xe phải mang theo chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (trong đó có bảo hiểm xe máy). Bộ Công an đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Dự kiến dự thảo nghị định có hiệu lực từ 1/1/2025.
Có 2 loại bảo hiểm xe
Bảo hiểm có loại bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự và bảo hiểm tự nguyện.
- Bảo hiểm bắt buộc đây là dạng bảo biểm bắt buộc mà chủ xe cơ giới phải mua để bảo vệ lợi ích công cộng, môi trường và an toàn xã hội. Khi xảy ra tai nạn, về nguyên tắc, bảo hiểm xe máy bắt buộc không bồi thường cho chủ xe mà thực hiện bồi thường thiệt hại cho người bị tai nạn do lỗi của chủ xe cơ giới.
- Bảo hiểm tự nguyện: Là loại bảo hiểm không bắt buộc dành cho chủ xe để chủ xe sẽ được bồi thường thiệt hại về tài sản hoặc thiệt hại về người (bao gồm cả chủ xe và người đi cùng) khi gặp tai nạn, sự cố cháy nổ hoặc trộm cướp.
Loại bảo hiểm mà bắt buộc người dân phải mang theo khi đi ra đường trong quy định của luật là bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự. Trong trường hợp không mang theo bảo hiểm này có thể bị xử phạt, còn bảo hiểm tự nguyện có mang hay không không vi phạm luật. Nếu có bảo hiểm tự nguyện mà không có bảo hiểm trách nhiệm bắt buộc vẫn bị xử phạt.
Xử phạt thế nào?
Theo Khoản 5, Điều 6 của dự thảo Nghị định, quy định rõ cơ sở dữ liệu về bảo hiểm của chủ xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, trong đó nội dung liên quan đến bảo hiểm xe máy đó là: Thời hạn bảo hiểm, số giấy chứng nhận bảo hiểm, phí bảo hiểm, thời hạn thanh toán phí bảo hiểm, ngày cấp đơn, nơi cấp đơn; người cấp đơn (nếu có).
Theo quy định khi lái xe ra đường phải mang theo các loại giấy tờ trong đó có chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, trong trường hợp thiếu thì sẽ bị phạt theo quy định. Quy định hiện nay thì Điểm d thuộc Khoản 2 Điều 58 của Luật Giao thông đường bộ 2008 và Nghị định số 03/2021 của Chính phủ, người đi xe máy sẽ phải mang theo bảo hiểm xe máy bắt buộc, không mang theo bảo hiểm bắt buộc còn hiệu lực thì sẽ bị phạt từ 100.000 đến 200.000 đồng (Điểm a, Khoản 2 Điều 21 của Nghị định 100/2019 của Chính phủ, Khoản 11 Điều 2 của Nghị định 123/2021 của Chính phủ).
Chú ý thời hạn của bảo hiểm xe máy
Thời hạn của bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới sẽ tối thiểu là 1 năm và tối đa là 3 năm.
Các trường hợp dưới đây có thể mua bảo hiểm dưới 1 năm:
- Xe cơ giới nước ngoài tạm nhập, tái xuất và có thời hạn tham gia giao thông trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với thời gian dưới 1 năm.
- Xe cơ giới có niên hạn sử dụng nhỏ hơn 1 năm theo các quy định của pháp luật.
- Xe cơ giới thuộc đối tượng đăng ký tạm thời theo các quy định của Bộ trưởng Bộ Công an.
- Trường hợp chủ xe cơ giới mà có nhiều xe tham gia bảo hiểm vào các thời điểm khác nhau trong một năm nhưng đến năm tiếp theo lại có nhu cầu đưa về cùng một thời điểm bảo hiểm để dễ quản lý, thời hạn bảo hiểm của các xe này sẽ có thể nhỏ hơn 1 năm và bằng thời gian hiệu lực còn lại của các hợp đồng bảo hiểm giao kết đầu tiên của năm đó.
Nếu bảo hiểm còn hiệu lực mà chủ xe lại chuyển quyền sở hữu xe cơ giới, chủ xe cơ giới cũ cũng có quyền chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm theo quy định.
Khi người dân xuất trình bằng lái xe, bảo hiểm xe hoặc một số giấy tờ khác trên ứng dụng VNeID thay thế giấy tờ xe bản cứng, bảo hiểm trách nhiệm dân sự thì cảnh sát giao thông thực hiện kiểm soát thông qua việc kiểm tra, đối chiếu thông tin của các giấy tờ đó trong ứng dụng VNeID.