Khoản 1 Điều 94 Bộ luật lao động 2019 quy định:
Điều 94. Nguyên tắc trả lương
1. Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.
Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 96 cũng quy định hình thức trả lương:
2. Lương được trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng…
Quy định này dẫn đến cách hiểu lương của chồng có thể được chuyển thẳng vào tài khoản của vợ. Tuy nhiên, theo quy định ở Điều 94, để lương của chồng chuyển thẳng vào tài khoản của vợ thì phải đáp ứng các điều kiện sau.
Điều kiện thứ 1: Người chồng không thể nhận lương trực tiếp và ủy quyền cho vợ nhận thay
Tức là người lao động không thể nhận lương trực tiếp như bị bệnh, nằm viện, đi công tác dài ngày quá ngày nhận lương... dẫn tới không thể đến công ty nhân lương mà cần có người nhận thay. Trong trường hợp này, người chồng có thể ủy quyền cho người vợ đến nhận lương thay.
Trên thực tế, trường hợp này thường chỉ xảy ra khi người lao động nhận lương trực tiếp bằng tiền mặt, không phải nhận lương thông qua chuyển khoản mà thôi.
Nếu công ty chuyển lương qua tài khoản và người chồng muốn lương được chuyển đến tài khoản của vợ thì người chồng phải thông báo để công ty biết và đăng ký số tài khoản của vợ để công ty trả lương.
Lưu ý, nếu người chồng không gặp vấn đề trở ngại về việc nhận lương mà ủy quyền cho vợ đến nhận lương thì không thỏa mãn điều kiện này.
Điều kiện thứ 2: Người sử dụng lao động đồng ý trả lương cho người vợ đã được ủy quyền
Luật quy định doanh nghiệp có thể trả lương cho người được ủy quyền chứ không bắt buộc phải trả trực tiếp cho người lao động. Người lao động nếu không nhận lương được, muốn ủy quyền cho người khác nhận thay và được người sử dụng lao động đồng ý thì có thể thực hiện dựa trên việc lập hợp đồng ủy quyền (theo quy định tại Mục 13 Chương XVI Bộ luật Dân sự 2015).