Đinh Bộ Lĩnh (Đinh Tiên Hoàng) là hoàng đế đầu tiên của nước ta trong kỷ nguyên độc lập. Ông là vị vua thứ 3 trong sử Việt xưng đế sau Mai Hắc Đế và Lý Nam Đế.
Nhà Hậu Lê (1428-1789) là triều đại có nhiều người làm vua nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Tổng cộng, triều đại này có tất cả 28 vua trị vì. Họ Lê có nhiều người làm vua nhất lịch sử nước ta với 31 người (cả Tiền Lê và Hậu Lê).
Nhà Đinh và nhà Hồ là 2 triều đại có ít vua nhất trong kỷ nguyên độc lập (2 vua). Trong đó, nhà Hồ có thời gian tồn tại ngắn nhất (7 năm).
Có tất cả 82 người từng làm vua nước Việt trong kỷ nguyên độc lập, gồm: nhà Ngô (3 vua), nhà Đinh (2), Tiền Lê (3), Lý (9), Trần (13), Hồ (2), Hậu Lê (28), nhà Mạc (6), Tây Sơn (3), Nguyễn (13).
Lại nói về dòng họ Lê, dòng họ có nhiều người làm vua nhất Việt Nam, sách Việt Nam Sử Lược có ghi, khởi phát của Tiền Lê và Hậu Lê đều từ Thanh Hóa ngày nay. Lê Hoàn là vị vua mở đầu cho nhà Tiền Lê, Lê Thái Tổ (Lê Lợi) là vị vua mở đầu cho nhà Hậu Lê.
Trong số 31 vị vua mang họ Lê, Lê Hiển Tông là vị vua có thời gian trị vì lâu nhất. Ông ngồi trên ngai vàng suốt 46 năm (1740 – 1786). Tuy nhiên giai đoạn này vai trò của vua Lê không được thể hiện rõ ràng vì bị quyền lực của chúa Trịnh lấn át.
Ngược dòng lịch sử, theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, vị vua Lê có thời gian trị vì ngắn nhất là Lê Long Việt (Lê Trung Tông, con của vua Lê Đại Hành). Ông chỉ được trị vì vỏn vẹn 3 ngày rồi bị em trai là Lê Long Đĩnh lật đổ.
Có một giai thoại bất ngờ về vua Lê Trang Tông. Ngày bé ông có biệt danh là Chúa Chổm, tính cách thì phóng khoáng, thích lưu lạc trong dân gian, nợ nần lại chồng chất, đến mức không trả nổi. Cũng từ đó mà có câu nói quen thuộc: “Nợ như Chúa Chổm”. Nguyễn Kim sau này đưa Lê Trang Tông lên làm vua đầu tiên của thời Lê trung hưng.