Đốt tiền mua "Thực phẩm chức năng" chữa bách bệnh

06:43, Thứ hai 29/08/2011

( PHUNUTODAY ) - Rất nhiều người không tiếc tiền mua các loại thực phẩm chức năng (TPCN) với suy nghĩ#160; mình đang mua“thần dược” về chữa bệnh.


Mua về để chữa bệnh thôi mà!

Bác Vũ Văn Lang (8/12 phố Hồng Mai, Hai Bà Trưng, HN) bị bệnh tiểu đường đã gần 5 năm nay. Gia đình đã đưa bác Lang đi chữa trị nhiều nơi, từ trị bằng thuốc đông y cho đến thuốc tây y, trị trong bệnh viện đến lặn lội khắp các tỉnh mỗi khi nghe tiếng thầy lang giỏi nào. Cứ vậy, suốt mấy năm ròng rã, tiền của đội nón ra đi không ít mà bệnh tiểu đường của bác Lang vẫn chưa thuyên giảm chút nào.

“Tôi có một người bạn thân học cùng thời trung học. Mới đây gặp lại nhau, biết bố tôi bị bệnh đã nhiều năm, cũng thầy thợ, thuốc thang mãi mà chưa khỏi chị ấy liền giới thiệu cho tôi một loại TPCN của nước ngoài. Tôi nghe nói rất nhiều người bị bệnh tiểu đường cả chục năm, sau khi uống loại này có vài tháng mà bệnh khỏi hẳn.”- Chị Vũ Hoàng Lan, con gái bác Lang cho biết.
Mô tả ảnh.
TPCN được thổi phồng như một loại "thần dược", còn người mua thì luôn coi đây là một dạng thuốc chữa bệnh. (Ảnh Internet)
 Theo lời chị Lan, bác Lang đã uống TPCN Noni Juice được 2 tháng, tuy nhiên chưa thấy dấu hiệu chuyển biến lắm. “Bạn tôi nói là cơ địa mỗi người khác nhau, có thể bố tôi mới uống và chưa quen nên phải chữa trị lâu dài.”

Khi hỏi chị Lan về nguồn gốc xuất xứ và những thành phần có trong loại TPCN này thì chị Lan đáp: “Tôi chỉ nghe nói đây là TPCN của Mỹ, rất tốt và đảm bảo thôi. Còn thành phần có trong TPCN này ư? Tôi có phải là chuyên gia đâu mà biết!”

Bên cạnh đó, khi chị Lan mua và cho bố chị uống loại TPCN Noni Juice cũng không hề tham khảo lời khuyên của bác sỹ. “Thầy, thuốc mãi rồi, nên cứ nghe nói chữa khỏi bệnh tiểu đường là gia đình tôi thử thôi.” – Chị Lan cho biết.

“Chị có biết TPCN chỉ có công dụng hỗ trợ việc chữa bệnh không?” – Tôi hỏi. “Hỗ trợ là sao? Tôi mua loại này về là để chữa bệnh cho bố tôi đấy chứ. Bỏ tiền triệu ra chỉ để mua thuốc hỗ trợ là thế nào?” “Thế khi chị mua sản phẩm, người bán hàng nói với chị đây là thực phẩm chữa bệnh sao?” “Tất nhiên rồi. Cô ấy nói là nhiều người uống vào khỏi bệnh lắm. Uống mà khỏi bệnh thì không phải là thuốc chữa bệnh chứ là cái gì?..”

Tuy nhiên, trường hợp của chị Lan chỉ là một trong số vô vàn những trường hợp không biết về thành phần và hiểu sai về TPCN. Thực tế còn rất nhiều trường hợp khác cũng không hề biết thành phần chứa trong đó là những gì, và coi đây chính là một loại thần dược, một loại thuốc chữa bệnh.

Anh Trần Quốc Phong (115/9 phố Vĩnh Hưng, Hoàng Mai, HN) có vợ là chị Nguyễn Thị Chung bị ung thư vòm họng đã gần năm nay. Ngoài việc đưa vợ đi chữa trị tại các bệnh viện, anh Phong cũng bỏ không ít tiền của để mua các loại thuốc đắt tiền với hy vọng vợ anh có thể điều trị dứt điểm được bệnh này.

Rồi một lần nghe người ta mách nước, anh Phong chạy đi tìm mua TPCN Agel Umi với giá 1.500.000 đồng để giúp vợ chữa bệnh ung thư vòm họng.
Mô tả ảnh. Mô tả ảnh.
TPCN Agel Umi được cho là có khả năng chữa bệnh ung thư vòm họng nên anh Phong không cần đăn đo, mua cho vợ ngay lập tức.
 “Cô bán hàng nói với tôi là sử dụng TPCN này, kết hợp với thuốc kháng sinh có thể khống chế tế bào ung thư, tiêu diệt vi khuẩn và sẽ khỏi bệnh. Nghe vậy tôi rất yên tâm nên mua về cho vợ tôi sử dụng ngay lập tức.”

Và cũng giống như chị Lan, anh Phong cũng không hề biết trong sản phẩm Agel Umi có chứa những thành phần gì, có tác dụng để chữa bệnh hay không và trong tâm thức anh, đây cũng thực sự là một sản phẩm chữa bệnh tương đương với thuốc.

“Nói thật là tôi cũng không để ý gì đến thành phần, vì mình cũng chẳng am hiểu lắm, lại toàn chữ tây thì làm sao biết được. Còn nguồn gốc ở đâu thì tôi chỉ nghe nói là sản phẩm của ngoại thôi, cụ thể nước nào tôi cũng không rõ. Chủ yếu là tôi mua về cho bà xã chữa bệnh. Thôi thì mình có bệnh thì phải thử đủ loại thuốc thôi, hy vọng tìm được thuốc hợp và tốt để chữa khỏi bệnh cho vợ tôi…”

Thực chất, TPCN là gì?

Trong Thông tư số 8 năm 2004 của Bộ Y tế có ghi rõ: “TPCN là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể người, có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ gây bệnh”.

“Tuyệt đối không được coi và sử dụng TPCN như là thuốc chữa bệnh” – GS. TS Nguyễn Công Khẩn – Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm nhấn mạnh.

Còn theo ý kiến của ông Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam (trên TTXVN) thì: “TPCN nằm ở giới hạn thực phẩm và thuốc. Nó khác thuốc ở chỗ nhà sản xuất công bố trên nhãn sản phẩm là thực phẩm, đảm bảo chất lượng về vệ sinh an toàn sức khỏe, trong khi đó thuốc được công bố là thuốc có tác dụng chữa bệnh, có công dụng, liều dùng và chống chỉ định. TPCN được biết đến với nhiều tác dụng và công dụng như chống lão hóa kéo dài tuổi thọ, tăng sức đề kháng, giảm nguy cơ bệnh tật, hỗ trợ làm đẹp, hỗ trợ điều trị rất nhiều chứng và bệnh. Tuy nhiên, nó không phải là thuốc chữa bệnh”
Mô tả ảnh.
TPCN trên thị trường VN rất đa dạng và phong phú. (Ảnh Internet)
 Thực phẩm chức năng trên thị trường Việt Nam hiện nay rất đa dạng và phong phú. Năm 2000 chỉ có 60 sản phẩm thực phẩm chức năng nhập vào Việt Nam của khoảng 15 cơ sở. Đến hết năm 2010 đã tăng lên hơn 3.700 sản phẩm thực phẩm chức năng lưu hành trên toàn quốc của 1.626 cơ sở đã được kiểm duyệt.

“Tuy nhiên, việc quảng cáo một số loại thực phẩm chức năng trên truyền hình, nhiều sản phẩm đăng quảng cáo không đúng sự thật, khiến người tiêu dùng lầm tưởng đây là một sản phẩm có thể chữa được bách bệnh, là thần dược. Ví dụ như có quảng cáo thực phẩm chức năng chữa bệnh tiểu đường, bệnh gút tận gốc, chữa được ung thư là chưa chính xác. Bởi thực phẩm chức năng chỉ là sản phẩm hỗ trợ, làm giảm nguy cơ bệnh tật chứ không chữa được bệnh tận gốc.

Bên cạnh đó, việc ngộ nhận về tác dụng của TPCN có thể dẫn đến nguy cơ tiền mất tật mang. Vì vậy, giải pháp tốt nhất là người sử dụng sản phẩm nên hỏi các chuyên gia tư vấn trực tiếp, hoặc hỏi cơ quan chức năng kiểm duyệt về các sản TPCN và loại sản phẩm định mua. Với những người bán hàng đa cấp nên hỏi họ để hiểu thông tin xem sản phẩm đó đã được kiểm định và thử nghiệm lâm sàng chưa.” – Ông Trần Đáng cho biết.
10 câu hỏi gợi ý giúp người tiêu dùng tự xem xét trước khi quyết định mua một loại TPCN
1. Thành phần mang lại hiệu quả chức năng là thành phần gì? Thành phần này có sẵn trong tự nhiên, trong thực phẩm hay do bổ sung vào?
2. Nhà sản xuất đã xá nhận về hiệu quả lợi ích của sản phẩm này như thế nào? Có nghiên cứu khoa học nào hỗ trợ cho sự xác nhận lợi ích này không? Hoặc, có nghiên cứu nào mâu thuẫn với sự xác nhận này?
3. Nhà sản xuất có phải là một công ty có tiếng tăm tốt, đáng tin cậy? Trước đây bạn có từng mua và sử dụng sản phẩm từ công ty này không?
4. Đọc trên nhãn, bạn có thể biết được hàm lượng các thành phần trong thực phẩm là bao nhiêu không?
5. Thành phần bổ sung vào thực phẩm có quá cao hay quá thấp không? Hãy tim hiểu mức khuyến cáo nhu cầu hàng ngày và mức tối đa cho phép về thành phần này, và áp dụng để biết rằng bạn nên dùng bao nhiêu lần là đủ.
6. Có những thành phần nào ảnh hưởng đến sự hấp thu thành phần chức năng này không? Thành phần này có gây tương tác thuốc - thực phẩm bất lợi cho sức khoẻ của bạn hay không?
7. Thành phần chức năng bổ sung vào thực phẩm dưới dạng sinh học nào? Nó có ở dưới dạng dễ hấp thu hay dễ chuyển hoá không?
8. Đặc điểm dinh dưỡng của TPCN có phù hợp với mục tiêu sức khoẻ mà bạn mong muốn không?
9. Hãy so sánh giá cả của TPCN với thực phẩm thông thường, giá có tương xứng với thành phần chức năng mang lại lợi ích cho bạn không?
10. Cách thức chế biến thực phẩm hay cách bảo quản có ảnh hưởng đến hiệu quả chức năng của thực phẩm không?


(Theo tài liệu của TS-BS Nguyễn Thị Minh Kiều, Hội trưởng Hội Dinh dưỡng TP.HCM)

  • Duyên Duyên
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc