Dự báo khí tượng Việt Nam chính xác bậc nhất khu vực

07:05, Thứ ba 04/06/2013

( PHUNUTODAY ) - Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và môi trường tự tin đánh giá, chất lượng dự báo các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm của Việt Nam tương đương với Philippines, tốt hơn so với các nước còn lại.

(Đời sống) -  Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và môi trường tự tin đánh giá, chất lượng dự báo các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm của Việt Nam tương đương với Philippines, tốt hơn so với các nước còn lại.


Tờ Dân trí ngày 3/6, dẫn báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và môi trường Nguyễn Minh Quang về kết quả thực hiện việc trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội lần trước (kỳ họp thứ 4, tháng 11/2012).

Báo cáo nhấn mạng nội dung về công tác dự báo khí tượng thủy văn. Kỳ tại kỳ họp trước Bộ trưởng Quang đã nhận được nhiều câu hỏi chất vấn về chất lượng dự báo bão, sau hàng loạt dự báo bão thiếu chính xác, gây thiệt hại lớn cho các địa phương do không kịp ứng phó.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, với định hướng chiến lược phát triển ngành khí tượng thủy văn đến năm 2020, tới nay, ngành khí tượng thủy văn Việt Nam đạt trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến của khu vực châu Á, có đủ năng lực điều tra cơ bản, dự báo khí tượng thủy văn phục vụ yêu cầu phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội…

du-bao-bao-lu-Phunutoday.vn
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang tự đánh giá chất lượng dự báo thiên tai của Việt Nam thuộc loại tốt nhất khu vực, nhưng mỗi khi bão lũ là câu chuyện dự báo sai lại được nói tới. Ảnh cột tháp truyền hình Nam Định đổ do bão Sơn Tinh tháng 10/2012.

Người đứng đầu Bộ TN&MT có đánh giá lạc quan khi khẳng định những nội dung thực hiện đã phát huy hiệu quả nhất định, nâng cao thời hạn dự báo bão từ 24 lên 48 giờ và nhận định trước về hướng di chuyển của bão lên đến 72 giờ.

Và để minh chứng, Bộ trưởng Quang đưa ra so sánh: “So với các nước trong khu vực Đông Nam Á, công nghệ dự báo của Việt Nam đứng sau Singapore, Indonesia, Malaysia, cao hơn Thái Lan, Philippines.

Chất lượng dự báo các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm của Việt Nam tương đương với Philippines - nước chịu ảnh hưởng của bão nhiều nhất trong khu vực ASEAN, tốt hơn so với các nước còn lại. Song còn kém các nước tiên tiến như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hồng Kông…”

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang “hứa” thời gian tới, việc đẩy mạnh triển khai thực hiện đề án và chiến lược phát triển ngành khí tượng thủy văn sẽ tiếp tục nâng cao công tác dự báo thời tiết, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phòng chống thiên tai, giữ gìn thành quả phát triển kinh tế xã hội.

Bộ trưởng tự tin với ngành khí tượng Việt Nam xếp hàng đầu khu vực, thậm chí còn tự tin để so sánh với cả Châu Á, chỉ kém vài nước tiên tiến, nhưng chỉ cần nhìn vào thực tế dự báo thời tiết nguy hiểm, bão lũ mỗi người chắc chắn sẽ có đánh giá của riêng mình.

Như hiện tượng mưa đá hồi tháng 4 vừa qua tàn phá các tỉnh miền núi phía Bắc, cái sự được cho là “không lường trước được”. Trong các dự báo của mình, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương chỉ dám cảnh báo có mưa đá, còn mưa ở đâu, to hay nhỏ thì đành… chịu.

Sau đó, ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc của Trung tâm này phải lên tiếng thừa nhận với báo giới rằng: “Cho tới nay nước ta chưa có đủ khả năng để dự báo chính xác có mưa đá hay không”.

Trước đó là dự báo đường đi, cường độ gió, lượng mưa của cơn bão Sơn Tinh (bão số 8) hồi tháng 10/2012, khi đó dự báo đưa ra là bão giảm cường độ thì ngay lập tức nó tăng hẳn 1, 2 cấp. Về hướng đi, nơi đổ bộ vào đất liền thì thay đổi từng ngày, ban đầu bão được dự báo đổ bộ vào Quảng Bình, sau đó là Hà Tĩnh – Thanh Hóa, rồi Thái Bình, Nam Định, Quảng Ninh, Hải Phòng, một ngày trước khi bão đổ bộ Trung tâm dự báo khí tượng vẫn chưa thể xác định chính xác vị trí bão sẽ hoành hành. Dự báo thiếu chính xác làm thiệt hại lớn về người và tài sản.

Điển hình như dự báo bão Chanchu hồi tháng 5/2006, trong khi thế giới dự báo bão đi hướng Bắc, thì các đài khí tượng của ta vẫn một mực khẳng định bão đi hướng “Tây - Tây Bắc” và hướng dẫn tàu bè nên đi lên hướng Bắc để tránh, nào ngờ lại tránh ngay tâm bão.

Hay như trận “đại hồng thủy” nhấn chìm Thủ đô Hà Nội năm 2008, khi dự báo hôm sau trời tạnh mưa, hửng nắng được lặp lại nhiều lần, trong nhiều ngày, nhưng hôm sau khi người dân thức dậy trời vẫn đổ mưa, thậm chí còn nặng hạt hơn… và gây ngập toàn thành phố.

Cái sự phức tạp, dự báo thiếu chính xác đó được ông Bùi Văn Đức, Tổng giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương nói là: “Chúng tôi đã làm hết sức mình. Trong các bản tin, chúng tôi phải cân nhắc rất kỹ vì nói cho dân thì chỉ được chọn một cái, đưa ra nhiều tình huống thì bà con biết đường nào mà chọn”,

Và ông Đức kết lại: “Dự báo chỉ là dự báo thôi”. Và vì vậy, tới nay chưa ai phải chịu trách nhiệm về dự báo sai làm thiệt hại về người và của.

Người viết lại nhớ, hồi tháng 3 vừa rồi, bên Mỹ, công tố viên quận Butler ở bang Ohio đã khởi tố một con chuột chũi nổi tiếng khi nó ra khỏi tổ đã không nhìn cái bóng của nó, dẫn tới dự báo rằng mùa Xuân sẽ tới sớm (bình thường nếu nó nhìn vào cái bóng của nó, mùa Đông sẽ kéo dài thêm nhiều tuần, còn không nhìn bóng thì mùa đông hết sớm). Nhưng thực tế sau đó lại có bão tuyết lớn.

Và vì vậy con chuột này phải đối mặt với án tử hình vì tội danh “phát tín hiệu sai về mùa Xuân tới sớm”, được xem là hành vi gian lận.

  • Phạm Thanh
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Tin nên đọc