Dưới 5 tuổi không được học trường quốc tế

13:59, Thứ năm 31/01/2013

( PHUNUTODAY ) - Chính phủ vừa ban hành nghị định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, trong đó có quy định gây nhiều tranh cãi.

Chính phủ vừa ban hành nghị định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, trong đó có quy định gây nhiều tranh cãi.

[links()]

Mấy ngày nay, chị Phương Hà, ngụ quận Hoàn Kiếm - Hà Nội; có con học tại trường quốc tế Kinder World của Singapore - lo lắng trước thông tin trường quốc tế chỉ được phép nhận tối đa 10% học sinh Việt Nam. Không chỉ chị Hà, rất nhiều người có con học tại trường quốc tế cũng rối bời vì thông tin này.
 
Không được nhận trẻ dưới 5 tuổi
 
Nghị định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục (có hiệu lực từ ngày 15-11-2012) quy định các cơ sở giáo dục mầm non thực hiện theo chương trình của nước ngoài không được tiếp nhận học sinh Việt Nam dưới 5 tuổi. 
 
Các trường tiểu học, THCS dạy theo chương trình nước ngoài tuy được tiếp nhận học sinh Việt Nam nhưng không quá 10% tổng số học sinh. Riêng trường THPT dạy theo chương trình nước ngoài, số học sinh Việt Nam không được quá 20% tổng số học sinh.
Học sinh các trường quốc tế có thể bị hạn chế số lượng không quá 10% tổng số ở Việt Nam.
Học sinh các trường quốc tế có thể bị hạn chế số lượng không quá 10% tổng số ở Việt Nam.
Đối với cơ sở giáo dục mầm non, nghị định yêu cầu giáo viên ít nhất phải có trình độ cao đẳng sư phạm mầm non hoặc tương đương. Đối với nhà trẻ, số lượng giáo viên/lớp là 5 trẻ/giáo viên, còn mẫu giáo là 10-12 trẻ/giáo viên. 
 
Đối với cơ sở giáo dục phổ thông, giáo viên ít nhất phải có trình độ đại học sư phạm hoặc tương đương. Số lượng giáo viên ít nhất phải bảo đảm tỉ lệ: 1,5 giáo viên/lớp đối với trường tiểu học; 1,95 giáo viên/lớp đối với trường THCS và 2,25 giáo viên/lớp đối với trường THPT. Số lượng học sinh không vượt quá 30 em/lớp đối với trường tiểu học, 35 em/lớp đối với trường THCS và THPT.
 
Vô lý!
 
Việc các trường quốc tế dạy theo chương trình nước ngoài không được nhận trẻ Việt Nam dưới 5 tuổi đã gây bức xúc cho nhiều người. “Tại sao lại cấm khi chúng tôi có nhu cầu cho con mình được hòa nhập trong môi trường quốc tế? Quy định như vậy là vô lý!” - một phụ huynh nói.
 
GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, nguyên phó trưởng Ban Khoa giáo Trung ương, cho rằng có thể Nhà nước lo ngại học sinh như tờ giấy trắng nên không muốn từ nhỏ đã học theo phong cách Tây. Tuy nhiên, vị GS này cũng đặt ra vấn đề “Tại sao lại là 10% chứ không phải nhiều hơn? Căn cứ vào đâu để những người soạn thảo đưa ra con số này?”.
 
GS Phạm Tất Dong cho rằng gia đình nào có điều kiện thì cứ cho họ gửi con em vào trường quốc tế tại Việt Nam, thay vì đi du học ở nước ngoài. Điều này cũng giúp Nhà nước thu được thuế lại không bị chảy máu ngoại tệ. “Những người soạn thảo nghị định chưa cân nhắc kỹ khi đưa quy định này vào văn bản” - GS Dong nhận định.
 
Một lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận tỉ lệ 10% học sinh Việt ở các trường quốc tế là ít, tỉ lệ “đẹp” là 20%-25%. Tuy nhiên, vị này cho rằng nếu nâng tỉ lệ học sinh Việt trong các trường Tây sẽ dẫn đến các em thiếu hiểu biết về văn hóa của đất nước. “Nếu tỉ lệ quá cao thì mục tiêu đào tạo con người Việt Nam sẽ bị lệch đi” - vị này nói.
 
Lý giải về quy định trường quốc tế không được nhận trẻ dưới 5 tuổi, vị này cho biết những người soạn thảo cũng đã bàn kỹ, nếu cho trẻ dưới 5 tuổi đến trường Tây khi chưa thạo tiếng Việt sẽ dẫn đến hậu quả là các em có thể nói tiếng nước ngoài thay vì tiếng mẹ đẻ...
 
Rất nhiều người còn đặt ra vấn đề lẽ nào các trường quốc tế không phải là 1 hình thức xã hội hóa giáo dục? Trong khi giáo dục trong nước còn nhiều bất cập như việc thầy trò chạy theo bệnh thành tích, bằng mọi cách đạt chỉ tiêu, gian lận trong thi cử... tại sao cơ quan chức năng lại hạn chế những phụ huynh có điều kiện cho con em họ vào các trường quốc tế? Phải chăng đầu tiên Nhà nước phải giữ bằng được thế độc quyền trong giáo dục, còn tốt xấu thế nào ... từ từ xem xét sau?
  • An Khanh (Theo NLĐ)
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc