EVN thua lỗ vì người dân trao trách nhiệm quá nặng nề

06:08, Thứ hai 21/10/2013

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Là tập đoàn nhà nước, lại là những trụ cột của nền kinh tế, có thể nói cả 3 ông lớn đã cố gắng rất nhiều để vừa kinh doanh có lãi lại vừa đảm bảo cân bằng với sự phát triển của xã hội, có thể nói trách nhiệm là vô cùng nặng nề, đôi khi vượt quá cả khả năng của họ, cho nên đôi khi dù đã cố gắng rất nhiều nhưng thất bại là khó tránh.

Người ta vẫn hay nói, trong kinh doanh, lãi lỗ vốn là chuyện bình thường. Ấy nhưng, EVN tính những khoản tiền thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng vào giá điện khiến lưng túi người dân đã vơi càng vơi thì dân ta dù có bao dung tới đâu cũng thật khó chấp nhận.

Theo kết luận thanh tra, tính đến hết năm 2011, công ty mẹ EVN đã đầu tư vốn ra ngoài lên đến trên 121.000 tỉ đồng, trong khi vốn điều lệ của công ty mẹ chỉ có gần 77.000 tỉ đồng. Việc EVN đầu tư ra ngoài doanh nghiệp vượt vốn điều lệ hơn 45.000 tỉ đã vi phạm quy định của Bộ Tài chính. Đáng chú ý, mặc dù đầu tư ra ngoài cả trăm ngàn tỉ đồng nhưng EVN không thu được đồng lãi nào mà lỗ đến 2.195 tỉ đồng.

Giả sử có cố mở rộng tấm lòng, rằng EVN làm thế cũng vì dân vì nước. Vì họ đầu tư ngoài ngành cũng mong kiếm được đồng lãi, đóng góp vào ngân sách quốc gia, đồng nghĩa chi cho phúc lợi của người dân thì cũng không thể "nuốt cục giận trong lòng". Bởi lẽ, mới năm ngoái, EVN công bố lãi nói rõ rành rành nguyên nhân là do tăng giá điện. Lãnh đạo của tập đoàn còn dự đoán năm tới sẽ lãi tiếp vì... giá điện sẽ tăng. Đến mức ấy thì người dân nào chịu thấu.

Mà đâu chỉ EVN. Hai ông lớn khác là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cũng liên tục kêu thua lỗ (nghĩ mà thấy lạ, kinh doanh thua lỗ không biết xấu hổ mà cứ xuân thu nhị kỳ khoe khoang mong được đồng cảm của dư luận). Với Petrolimex, theo kết quả kiểm toán năm 2012 về niên độ ngân sách 2011 do Kiểm toán Nhà nước công bố, "dẫn đầu về lỗ vẫn là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) với 1.671 tỷ đồng". Vinacomin cũng đang phải đối mặt với nguy cơ thua lỗ nên liên tục đánh tiếng đòi giảm mức thuế xuất khẩu than, rồi thì lo cho số lượng công nhân sẽ bị thất nghiệp nếu tập đoàn tái cơ cấu.

Điệp khúc lỗ của các ông lớn khiến người dân sốt ruột sốt gan. Vì rằng, lỗ thì sẽ được bù, mà tiền đâu mà bù nếu không phải là tiền thuế, tiền đi vay, mà chung quy thì người dân sẽ gánh chịu. Người ta không thể không đặt câu hỏi, tại sao những đơn vị được xem là trụ cột của của nền kinh tế Việt lại liên tục rơi vào khó khăn như vậy?

EVN, PVN, Vinacomin thua không phải vì không thể kinh doanh có lãi mà bởi trách nhiệm nhà nước giao phó quá nặng nề.

Trên thực tế dư luận chỉ biết chỉ trích khi nhìn thấy kết quả kinh doanh, thấy những con số thống kê thua lỗ chình ình trên mặt báo mà không biết được rằng lãnh đạo các doanh nghiệp đã cố gắng, nỗ lực như thế nào.

Với những sai phạm như tính tiền xây biệt thự, bể bơi, tennis vào giá điện mà nhiều người cho rằng không thể chấp nhận được của EVN khi tính vào giá điện, trên thực tế lãnh đạo tập đoàn cũng đã giải trình và khẳng định đó chỉ là biện pháp để các nhân viên tài năng của họ yên tâm công tác.

"Trong các hạng mục một dự án, thông thường để tiết kiệm chi phí ăn ở, di chuyển cho chuyên gia nước ngoài, cán bộ có trình độ cao... thì có xây dựng hạ tầng, nhà ở ngay cạnh công trình. Một dự án điện thông thường thời gian thi công có thể từ 3-5 năm. Nên khi xây nhà ở cho chuyên gia nước ngoài, chúng tôi đã xây dựng kiên cố và khi công trình xong, chuyên gia rút đi, thì những cán bộ trình độ cao sẽ được bố trí ở lại các nhà ở sát công trình. Vận hành nhà máy điện trị giá hàng tỉ USD, cần những người tài, có trình độ. Các nhà máy điện lại thường ở vùng sâu, xa nên hạ tầng tốt theo tôi là cần thiết để họ yên tâm công tác." - chủ tịch EVN Hoàng Quốc Vượng giải thích.

Hay kết luận thua lỗ hàng nghìn tỷ do đầu tư ngoài ngành cũng đã được EVN giải thích lại là số tiền thua lỗ ấy chủ yếu là đầu tư ngoài công ty mẹ EVN, còn đầu tư ngoài ngành chỉ có khoảng trên 2.000 tỉ và đang được xử lý, thoái vốn theo chỉ đạo.

Về những sai phạm của mình, chủ tịch EVN không chỉ nhiệt tình giải trình mà còn không ngại ngần hứa hẹn kiểm điểm: "EVN là tập đoàn lớn, trong quá trình hoạt động, thực tế khó tránh khỏi sai sót. Nên nếu Thanh tra Chính phủ chỉ ra chỗ chưa đúng, vi phạm, chắc chắn EVN sẽ kiểm điểm, xử lý nghiêm túc theo kết luận thanh tra."

Với những gì Chủ tịch EVN trình bày có thể thấy những sai phạm của doanh nghiệp khiến dư luận phản ứng đều là hiểu lầm hoặc bất khả kháng, nói cách khác doanh nghiệp cũng có cái khó của họ nên cũng chẳng thể khác được.

Hay như trường hợp Petrolimex, thua lỗ năm 2011 mới được kiểm toán công bố mới đây đã được lãnh đạo tập đoàn giải thích là vì bất khả kháng, do thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá theo chỉ đạo của Chính phủ để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.

Tương tự như vậy, Vinacomin cũng đã rất cố gắng để hạn chế thua lỗ các dự án khoáng sản của mình, đặc biệt là bauxite. Lãnh đạo tập đoàn cho biết có lúc đã tính đến trường hợp dừng Nhân Cơ song “không dám dừng” vì hệ quả để lại rất lớn khi đã “ngồi trên một đống tiền đầu tư”. Tập đoàn này cam kết "chịu trách nhiệm trước Đảng và Nhà nước" về tính hiệu quả của cả 2 dự án bauxite.

Bàn luận tranh cãi mãi, người ta cũng giật mình nhận ra vấn đề then chốt, 3 ông lớn thua không phải vì không thể kinh doanh có lãi mà bởi trách nhiệm người dân giao phó quá nặng nề. Nói đơn giản là, người dân chúng ta đã kỳ vọng quá vào họ, giao cho họ trách nhiệm lớn quá khả năng nên mới thành ra thua lỗ triền miên đến thế. Tiên trách kỷ, hậu trách nhân, thiết nghĩ, việc đầu tiên là người dân chúng ta phải suy xét nhận trách nhiệm trong việc này.

Sau nữa, để hạn chế những thất bại khó tránh của cả 3 ông lớn, chúng ta nên suy xét về việc giảm bớt trách nhiệm trên các tập đoàn đang phải gánh vác. Mới đây, Petrolimex có ngập ngừng ý định bỏ kinh doanh xăng dầu, nhân thế mà tiến tới xóa bỏ độc quyền (cũng đồng nghĩa là một mình gánh trách nhiệm) của các tập đoàn trên. Đến lúc đó, các tập đoàn đỡ bài ca than thở lỗ lãi, còn người dân cũng không nhìn các tập đoàn với con mắt chán ngán, mệt mỏi.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: