Biết nhân tình vẫn thi thoảng đến thăm người cũ bởi vẫn còn sợi dây níu kéo là đứa con chung giữa họ, Luật nhiều lần nổi máu ghen. Chị ta quyết định “trói” nhân tình bằng cách làm đứa trẻ này biến mất, tuy nhiên ý định độc ác của người đàn bà này đã không được toại nguyện.[links()]
Những giọt nước mắt đớn hèn
Chỉ đến khi phải nói ra sự thật, nhìn đứa bé 2 tuổi sà vào lòng mẹ, Đặng Thị Luật, sinh năm 1982, trú tại khu phố 3, thị trấn Lu, huyện Bảo Thắng (Lào Cai) mới thấy ân hận. Suýt chút nữa thì tính mạng đứa trẻ đã bị đe dọa vì sự ghen tuông ích kỷ tới tầm thường của Luật.
Cũng chỉ vì muốn giữ nhân tình, không muốn san sẻ người đàn ông mình yêu với ai khác, Luật trở thành kẻ bắt cóc trẻ con trong khi chính bản thân chị ta cũng ao ước có được giây phút làm mẹ, làm vợ.
Sinh ra ở Trấn Yên, Yên Bái, Luật thuộc diện con gái có chút nhan sắc với làn da trắng mịn màng. Mơ có một cuộc sống sung sướng, nhàn hạ nên sau khi học dở dang PTTH, Luật bỏ quê, bỏ xứ lên cửa khẩu biên giới Lào Cai, tìm cơ hội đổi đời.
Đối tượng Phạm Thị Luật |
Thời gian đầu, với lợi thế tuổi trẻ và chút nhan sắc, Luật sống bằng nghề tiếp thị mỹ phẩm nhưng cuộc sống xô bồ nơi biên giới không dễ dàng đối với một cô gái mới lớn, chưa có kinh nghiệm lại chẳng bằng cấp như Luật nên chỉ được một thời gian sau, Luật bỏ sang bên kia biên giới tìm cơ hội kiếm sống.
Chút tiếng Trung đủ giao dịch những câu thông thường cũng chỉ giúp Luật kiếm được một chân bán hàng thuê, tiền kiếm được không đáp ứng nổi khát khao có nhiều tiền nên Luật lại quay về Lào Cai.
Như một lẽ thường ắt phải xảy ra với những kẻ không muốn đổ mồ hôi mà lại có tiền để chi tiêu, Luật đầu quân vào dàn tiếp viên ở các hàng quán và cô nhanh chóng trở thành kẻ dạn dĩ sau những cuộc tình chóng váng với đủ các hạng đàn ông gặp trên tình trường.
Khi gặp anh Nguyễn Cao Sơn, vẻ điềm đạm của người đàn ông này đã khiến linh tính của một người đàn bà không nhớ nổi đã đi qua bao mối tình như Luật hiểu rằng đã đến lúc cần phải tìm một bờ vai vững chắc để dựa dẫm.
Quyết tâm gạt bỏ thân phận của một gái giang hồ, sống phiêu bạt nay đây mai đó, Luật tâm niệm sẽ gắn cuộc đời mình với người đàn ông này. Từ bỏ cuộc sống lang thang, Luật dọn về phố Lu, huyện Bảo Thắng sống với anh Sơn.
Chị ta tỏ ra là người an phận khi xin vào làm tại hợp tác xã thổ cẩm với nhiệm vụ chính là nhận hàng thêu ren về cho chị em làm sau đó mang hàng ra thành phố Lào Cai, ký gửi hàng cho HTX thổ cẩm Lào Cai.
Ngày mới quen, Luật chỉ nghe anh Sơn nói có một đời vợ và người vợ này sau khi ly hôn đã bảo vào Nam sinh sống, để cậu con trai là Nguyễn Cao Hoàng Long cho anh nuôi dạy.
Để chứng tỏ mình là người phụ nữ biết lo toan cho gia đình, thời gian đầu mới chung sống với nhau, Luật bảo anh Sơn đón con trai về ở cùng khiến anh Sơn rất cảm động vì cứ nghĩ đã tìm được một người mẹ tốt cho con trai.
Thế nhưng có lẽ do tuổi trẻ, lại quen cuộc sống thực dụng và ích kỷ nên chỉ được một thời gian tỏ ra tốt bụng, chu đáo, Luật không còn chăm sóc cháu Long như trước nữa mà thường tỏ ra tức tối mỗi khi thấy cháu được bố chiều chuộng.
Không muốn làm tổn thương đứa con đã thiếu thốn tình mẫu tử từ bé và cũng không muốn vì con trẻ mà làm tình cảm đôi lứa sứt mẻ, anh Sơn đem con đi gửi, một tháng đôi lần mới đến thăm và gửi tiền cho con.
Đáng nhẽ phải mừng vì “nhẹ nợ” thì Luật lại cảm thấy ghen tỵ và cũng chính những giây phút hờn ghen ấy mà Luật mới hay rằng ngoài cháu Long ra, anh Sơn còn có một đứa con riêng nữa với một phụ nữ hơn tuổi, hiện đang sống ở thành phố Lào Cai.
Người phụ nữ này còn được anh Sơn tin tưởng, nhờ nuôi hộ đứa con riêng nên thi thoảng họ vẫn gặp nhau. Tức tối vì cho rằng bị nhân tình lừa dối, Luật lo sợ đến một ngày nào đó, anh Sơn sẽ không còn chung sống với Luật nữa nên chị ta bí mật thuê người tìm địa chỉ của người phụ nữ nọ.
Chị Oanh vui mừng nhận lại đứa con trước sự vui chung của lực lượng công an. |
Có địa chỉ tình địch, Luật bí mật mò đến ngôi nhà người phụ nữ đang nắm giữ một phần trái tim nhân tình của mình, mới hay đó là một cô gái người Hà Nội lên đây lập nghiệp được mấy năm nay.
Người phụ nữ mà Luật cay cú và thầm ghen tức ấy là chị Đỗ Thị Oanh, sinh năm 1972, quê ở thôn Hạ, xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Nhìn cảnh chị Oanh nhẹ nhàng, vui vẻ với hai đứa trẻ, không phân biệt con chung, con riêng, Luật cảm thấy lo sợ cho cuộc sống riêng tư của mình.
Đã nhiều tháng nay, Luật cũng muốn có một đứa con với nhân tình để níu kéo, ràng buộc anh Sơn mà chưa được. Sự ghen tỵ đã khiến Luật nghĩ rằng chị Oanh bỏ bùa mê thuốc lú khiến anh Sơn dù đã có nhân tình mới rồi vẫn không thể cạn tình với người cũ.
Để níu giữ hạnh phúc của riêng mình, Luật nghĩ rằng phải làm một điều gì đó để hai người dù có muốn gặp nhau cũng không còn mặt mũi nào để nhìn mặt nhau nữa.
Đứa trẻ 2 tuổi suýt mất mạng vì cơn ghen mù quáng
Sau rất nhiều trăn trở, Luật bí mật lấy được số điện thoại của chị Oanh và trong lúc không kìm nén được sự ghen ngược, Luật đã gọi điện thoại chửi tình địch. Là kẻ giang hồ, sống lăn lộn nhiều năm ngoài xã hội nên Luật có thừa những từ ngữ dung tục để chửi bới chị Oanh.
Không chỉ vô cớ nhục mạ người khác, Luật còn lớn tiếng đe dọa người phụ nữ này nếu chị vẫn còn gặp gỡ nhân tình của chị ta.
Cứ tưởng chị Oanh vì sợ hãi sẽ bỏ về quê sinh sống, không ngờ người phụ nữ này đã không bỏ cuộc, vẫn cứ đi làm bình thường và đều đặn một tháng đôi lần, vẫn cho anh Sơn tới nhà trò chuyện, thăm nuôi hai đứa trẻ.
Hành động của chị Oanh chẳng khác nào giọt nước làm tràn cái cốc vốn đã đầy sự chịu đựng của một cô gái trẻ, nông nổi như Luật.
Trong lúc chưa biết làm gì để “phản pháo” lại người đàn bà hơn mình tới chục tuổi nhưng chiếm ưu thế để giành lại nhân tình, Luật nảy sinh ý định bắt cóc đứa con chung của chị Oanh với anh Sơn, đem vứt đi.
Đứa bé mà Luật tính chuyện bắt cóc đem bỏ chỗ hoang vắng ấy là cháu Đỗ Đức Mạnh, chưa tròn 2 tuổi.
Tối 10/3, sau khi tìm hiểu quy luật sinh hoạt của ba mẹ con chị Oanh, Luật biết tối đó người phụ nữ này sẽ cho bọn trẻ vào công viên Nhạc Sơn chơi nên đón xe từ phố Lu về thành phố Lào Cai từ sớm.
Luật lấy khẩu trang bịt mặt, đợi khi chị Oanh dắt hai đứa trẻ từ chỗ đua ngựa ra cổng công viên, để chúng đứng đó rồi đi lấy xe máy thì lao tới, giằng bé Mạnh, chạy ra ngoài. Luật nói với người thanh niên chạy xe ôm rằng đứa trẻ là con mình, bị chồng bắt đi sống với nhân tình nên đòi về đem đi giấu.
Người lái xe ôm tưởng thật, đã nhiệt tình chở Luật lên Lai Châu rồi không hề thắc mắc gì khi thấy Luật bế đứa trẻ vào một nhà xưởng ven đường, nói là gửi người thân rồi thuê chở về quê ở Yên Bái ngay đêm hôm đó.
Lại nói về chị Oanh. Vốn là người phụ nữ kín đáo, dịu dàng nhưng vì tình duyên lận đận nên chị bỏ quê lên Lào Cai, lập nghiệp. Thời gian làm ở HTX thổ cẩm Lào Cai, tình cờ chị quen anh Sơn khi đó là lái xe, cũng sống ở khu trọ gần đó.
Thương người đàn ông sớm lỡ dở tình duyên, phải gà trống nuôi con, chị Oanh thường giúp anh trông nom đứa trẻ những khi đi công tác nên từ đó nảy sinh tình cảm.
Không màng tới chuyện chị Oanh hơn mình 2 tuổi, anh Sơn đã gá nghĩa với người phụ nữ này nhưng cuộc sống chung không đơn giản nên giữa hai người thường xảy ra mâu thuẫn và mặc dù đã có chung với nhau một đứa con song chị Oanh vẫn quyết định nhà ai người đó ở.
Chị nhận nuôi bé Mạnh để anh Sơn tự do đi tìm hạnh phúc mới, đổi lại mỗi tháng anh Sơn lại tới chu cấp tiền nuôi con và gửi luôn đứa con lớn của mình nhờ chị Oanh chăm giúp.
Không còn tình cảm với nhau nhưng giữa họ vẫn còn sự trách nhiệm và đó cũng là lý do khiến cô nhân tình mới của anh Sơn ghen lồng lộn.
Nghe con riêng của chồng khóc, bảo có người vừa bắt bé Mạnh đi, chị Oanh không khuỵu ngay xuống song rất may lúc đó vẫn còn sớm nên được những người có mặt ở đó động viên, đưa vào cơ quan công an trình báo.
Gần 2 ngày trời sống trong phấp phỏng, chị Oanh tưởng như đã tuyệt vọng khi tin tức về đứa con trai bé bỏng mỗi lúc một mờ nhạt.
Khi cơ quan công an đưa chị tới chỗ tạm giữ Luật, chị không tin cô gái trẻ đó là thủ phạm bắt cóc con mình bởi chị chưa một lần gặp Luật và cũng không hề biết gì về chị ta vì những lần anh Sơn tới chơi, chị chưa một lần hỏi về người mới.
Có vài lần chị nhận được tin nhắn, điện thoại chửi bới của một cô gái lạ nhưng chị không quan tâm lắm vì nghĩ chuyện tình cảm của mình đã đường ai nấy đi rồi, chị không xen vào chuyện giữa hai người nên chắc chỉ là sự ghen tuông vu vơ.
Mãi tới khi Luật thừa nhận vì ghen tuông nên đã bắt cóc con chị đem vứt vào một nhà hoang, chị Oanh đã không nói được một câu nào vì quá bất ngờ.
Theo lời Luật khai thì nơi chị ta vứt bé Mạnh là một nhà kho ở thị xã Lai Châu. Các trinh sát đã phối hợp với công an Lai Châu và ngay sau đó đã tìm thấy cháu bé.
Rất may cho bé Mạnh là dù bị vứt ở nơi hoang vắng giữa đêm khuya song tối đó chẳng hiểu sao ông chủ gara ôtô này, trước khi đi ngủ lại cầm đèn pin đi một vòng kiểm tra nhà xưởng, phát hiện cháu bé đứng ở nơi để những chiếc phuy hỏng đã bế vào nhà cho ăn, ngủ đến sáng hôm sau thì đưa ra phường trình báo.
Được các chiến sỹ công an trao trả đứa con bé bỏng, đôi mắt người mẹ trào lên những giọt nước mắt sung sướng, hạnh phúc.
Nhìn cảnh ấy, kẻ bắt cóc khẽ thở dài, quay đi. Chỉ vì lối sống nhỏ nhen, ích kỷ, suýt nữa Luật đã làm hại đến tính mạng một đứa trẻ.
Dù có dùng nhiều lý lẽ, dùng nhiều từ ngữ mỹ miều và nhân danh tình yêu để biện minh cho việc làm của của mình thì hành vi độc ác của Luật sẽ bị pháp luật trừng trị.
- Đắc Linh