Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA),7 tháng đầu năm, doanh nghiệp Việt Nam đăng ký xuất khẩu 6,8 triệu tấn gạo. Lượng xuất thực tế lũy kế đến 15/8 đạt 4,22 triệu tấn. Tuy nhiên, khối lượng bị hủy lên đến 938.000 tấn, riêng tháng 7 là 180.000 tấn. VFA cho biết đây số hợp đồng bị hủy cao kể từ trước đến nay trong ngành gạo, nguyên nhân chủ yếu do phía đối tác nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc).
Đại diện một doanh nghiệp thuộc VFA cho biết phần lớn các trường hợp hủy là do các thương nhân Trung Quốc trước đây ký hợp đồng mua với giá cao nay phá vỡ cam kết vì giá gảim. Số khác là các thương nhân Philippines, ký hợp đồng nhưng không có quota nhập khẩu nên tàu không được phép cập cảng. Do đó, hầu hết các hợp đồng ký với doanh nghiệp nước này đều đã bị hủy.
Một số ít hợp đồng là do các doanh nghiệp Việt chủ động hủy do mức giá ký thấp. Khi chủ động hủy hợp đồng, các doanh nghiệp trong nước đều bồi thường cho khách hàng nhưng không được đền bù khi hợp đồng đổ bể do đối tác.
Thông báo này được đưa ra khi vụ lúa hè thu vào mùa. Vụ lúa này do thu hoạch vào các tháng cao điểm của mùa mưa (tháng 7, 8) nên nông dân bắt buộc phải bán ướt tại ruộng vì để thêm ngày nào là lỗ ngày đó do chất lượng thóc bị xuống cấp. Câu chuyện 3 cân lúa bằng một cân ốc bươu vàng khiến cho tình cảnh trồng lúa của người nông dân càng thêm bi đát. Nhiều nơi, nông dân đã chán lúa, bỏ đồng.
Vì muốn hỗ trợ người nông dân nên chính phủ đã bung ra cả trăm tỷ đồng để thu mua tạm trữ lúa gạo. Tuy nhiên, giá mua từ người trồng lúa trong 2 tháng trở lại đây chỉ nhích chậm (100-400 đồng/kg) khiến nhiều người đặt câu hỏi về hiệu quả và đích đến của lượng tiền hàng trăm tỷ lâu nay vẫn được chi với danh nghĩa “cứu dân”.
Nhìn vào thực tế có thể thấy rằng, bản thân người nông dân không có khả năng tự tạm trữ lúa sau khi thu hoạch. Thống kê của Cục Chế biến nông lâm thủy sản - Nghề muối (Bộ NN&PTNT) cho thấy, tại 13 tỉnh vùng ĐBSCL hiện nay chỉ có khoảng hơn 10.000 chiếc máy sấy lúa. Lượng lúa trung bình được sấy sau khi thu hoạch chỉ đạt khoảng 42%.
Nhiều tỉnh có diện tích lúa lớn như Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cà Mau… chỉ có khoảng 5%-30% lượng lúa được sấy sau mỗi vụ thu hoạch. Trong khi nông dân không có khả năng trữ lúa thì việc triển khai mua để tạm trữ lại được VFA triển khai chậm chạp.
Ngay sau thông tin bị hủy hợp đồng hàng triệu tấn gạo khiến người nông dân càng thêm lo lắng. Bởi giá lúa hiện nay đang quá thấp, ế lúa gạo không xuất khẩu được thì giá thành trong nước cũng sẽ bị thương lái ép giá, rẻ càng thêm rẻ.
TS Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế cho rằng việc kêu ế hàng vì giá thấp và bị đối tác hủy hợp đồng mà không được bồi thường cho thấy tình trạng yếu kém của doanh nghiệp việc trong việc soạn thảo hợp đồng. Từ trước tới nay, bài học từ các đối tác Trung Quốc đã có rất nhiều nhưng doanh nghiệp xuất khẩu gạo vẫn còn chủ quan nên khi mình bị hủy hợp đồng thì phải bồi thường mà đối tác hủy hợp đồng ta lại chịu thua họ.
Hơn nữa, trong khi lúa gạo ở Việt Nam vào mùa, nông dân không thể bảo quản mà doanh nghiệp vẫn kêu không xuất khẩu được lúa gạo như một mũi tên trúng hai đích. Một bên muốn thông báo tới người dân giá gạo rẻ thế nhưng vẫn bị chê đắt và đòi giảm giá nữa. Gây sức ép tới chính sách tạm trữ lúa gạo. TS Nguyễn Minh Phong cho rằng nếu tình hình đúng như các doanh nghiệp báo cáo thì khả năng chính phủ sẽ phải chi thêm tiền cho các doanh nghiệp mua gạo cứu người nông dân. Vừa được tiền, doanh nghiệp lại có thêm cớ ép giá.
Theo ông Phong, nên bỏ độc quyền trong tạm trữ lúa gạo và thải loại các doanh nghiệp yếu kém trong chính sách tạm mua lương thực. Bởi chỉ nhìn vào các bản hợp đồng bị đối tác hủy không có bồi thường đã thấy được năng lực của doanh nghiệp. Qua các đợt triển khai mua tạm trữ lúa gạo trong 3 năm trở lại đây, có thể thấy việc giao toàn quyền cho VFA phối hợp với các tỉnh để phân bổ chỉ tiêu mua tạm trữ cho các doanh nghiệp là việc làm tiềm ẩn nguy cơ hình thành nhóm lợi ích. Trong khi cái chúng ta cần cứu là người nông dân thì không làm được.