Gặp cô dâu Việt trong quán cafe ’dâu ngoại’ tại Hàn Quốc

( PHUNUTODAY ) - "...Những kỷ niệm cách đây đã 2 năm lại ùa về trong tôi, khi lần đầu tiên biết tới và tìm đến quán cà phê Đa văn hoá đầu tiên ở Hàn Quốc và tìm thấy được vô vàn yêu thương và thân thuộc nơi xa quê hươnghellip;”

“Vì tính chất của công việc, tôi thường phải theo dõi tin tức về vấn đề cô dâu Việt ở các nước Châu Á. Tôi đã đi nhiều nước, gặp nhiều người phụ nữ làm dâu xa xứ. Mỗi người có một hoàn cảnh riêng, một câu chuyện riêng trong cuộc sống. Mới gần đây thôi, một người bạn tại Hàn Quốc đã gửi một tin nhắn: Sắp có một quán cà phê Đa văn hoá sẽ được mở ra tại ngoại thành Seoul.
[links()]
Những kỷ niệm về một chuyến đi thú vị cách đây đã 2 năm lại ùa về trong tôi, khi lần đầu tiên biết tới và tìm đến quán cà phê Đa văn hoá đầu tiên ở Hàn Quốc và tìm thấy được vô vàn yêu thương và thân thuộc nơi xa quê hương…”

Quán cà phê “ôm trọn” thế giới

Khái niệm Đa văn hoá là một khái niệm chỉ mới trở thành quen thuộc khoảng 1 thập kỷ gần đây tại Hàn Quốc khi ngày càng có nhiều gia đình mới mà có vợ hoặc chồng không mang quốc tịch Hàn Quốc. Những sự giao thoa, du nhập văn hoá xảy ra trong mỗi gia đình ấy cho tới giờ là đề tài chưa bao giờ hết sôi nổi ở khắp mọi nơi.

Bởi sự khác biệt về văn hoá khiến cho cuộc sống thêm nhiều mới lạ, thú vị nhưng bên cạnh đó, nó cũng mang lại rất nhiều khó khăn trong việc xây dựng gia đình êm ấm. Có rất nhiều tổ chức với nhiều hoạt động diễn ra tại Hàn Quốc nhằm hỗ trợ và giúp đỡ cho các gia đình đa văn hoá như vậy.

Trong số đó có một quán cà phê rất đặc biệt, nơi có 9 cô dâu nước ngoài cùng làm việc và tới đây, bạn có thể thưởng thức được nét văn hoá của từng nước bản xứ nơi cô dâu tới. Đó là đầu năm 2010, khi tôi có dịp sang Hàn Quốc công tác, địa điểm đầu tiên tôi liệt kê vào danh sách những nơi cần đến, đó là quán cà phê Đa văn hoá Hu tại Busan.

Cầm địa chỉ trên tay, tôi đi tìm tới quán cà phê hứa hẹn đầy sự đặc biệt và hấp dẫn này tại quận Đông Busan. Quán cà phê Hu hoạt động trong một toà nhà 2 tầng, không nằm ở vị trí quá nổi bật mà ở trong một con ngõ.

Trinh (thứ 2 từ trái sang) cùng các đồng nghiệp tại quán cà phê
Trinh (thứ 2 từ trái sang) cùng các đồng nghiệp tại quán cà phê

Có thể đối với những người khách từ phương xa lần đầu tìm đến sẽ gặp đôi chút khó khăn. Quán cà phê Hu cũng không có những thiết bị nội thất sang trọng và lộng lẫy như xu hướng của các quán cà phê tại Hàn Quốc ngày nay mà cách bài trí khá đơn giản.

Tuy nhiên sau khi bước vào và gọi một cốc cà phê ấm nóng, tôi mới phát hiện ra rằng ẩn chứa trong hình thức bên ngoài đơn giản ấy, mỗi góc nhỏ trong Hu lại có những bí mật vô cùng thú vị để khám phá.

Dù không nói ra nhưng trước khi tới đây, tôi đã có một sự chờ đợi về những nét văn hoá Việt và tò mò về người phụ nữ Việt đang làm ở quán cà phê đặc biệt này. Năm đó, số lượng các cô gái Việt Nam làm dâu xứ Hàn chiếm một phần không nhỏ trong các cô dâu ngoại quốc tại nơi đây và góp mặt vào rất nhiều các hoạt động đa văn hoá.

Ngồi trước tách cà phê thơm ngát, tôi nhìn quanh. Có một góc treo những bộ quần áo dân tộc của các nước khác nhau, và tất nhiên nổi bật lên là chiếc nón lá thân quen. Giở quyển thực đơn rất gọn gàng và nhiều hình ảnh, tôi có thể tìm thấy rất nhiều thông tin giới thiệu về các món ăn và các nước khác nhau.

Bất chợt, tôi mỉm cười trước hình ảnh một cô gái Việt Nam trong đó. Những người phụ nữ làm việc ở nơi đây đều là người Châu Á nên thực ra, nếu chỉ nhìn khuôn mặt thì khó có thể biết ai là người nước nào. Nhưng tôi biết cô ấy là người Việt Nam bởi trong ảnh cô mặc áo dài và cầm chiếc nón trắng với dòng chữ rất dễ thương: Ở Việt Nam không thể thiếu nón lá.

Có lẽ hôm ấy là ngày thường và vào giờ đi làm nên không có nhiều khách trong quán. Nhưng những người khách đến thưởng thức cà phê hôm ấy dường như đều tìm được những góc riêng cho mình.

Có những người dường như đã quen thuộc với chốn này ngồi thư thái đọc sách, đôi lúc lại nhấp một ngụm cà phê nhỏ. Có những người giống như tôi, lần đầu tiên tới đây, đi dọc các góc nhỏ trong quán. Có người đang mặc thử bộ quần áo dân tộc để chụp ảnh kỷ niệm.

Bạn bè quốc tế trong trang phục các dân tộc tại quán
Bạn bè quốc tế trong trang phục các dân tộc tại quán

Có người lại đang ngắm nghía những đồ vật nhỏ xíu được mang về từ các nước khác nhau. Biết tôi lặn lội từ phương xa tới đây thăm quán, chị quản lý, sau này tôi được biết, chị tên là Linda đến từ Philipine không ngại giới thiệu với tôi về quán và khi tôi ngỏ ý muốn gặp được người chủ quán thì Linda không ngần ngại dẫn tôi tới thăm văn phòng quản lý.

Chủ quán là một phụ nữ còn khá trẻ, lúc đó cô mới bước qua tuổi 30, tên là Son Kyeong Ock, đã từng tham gia vào hoạt động phụ nữ và đặc biệt là hỗ trợ các phụ nữ di cư đến từ các nước khác nhau, ý tưởng làm một điều gì đó vừa thú vị, vừa hiệu quả trong các công tác hỗ trợ phụ nữ di cư.

Quán cà phê Hu đã được ra đời với ý nghĩa đó. Không chỉ là nơi tạo ra công ăn việc làm cho những người phụ nữ trong các gia đình đa văn hoá, cô Son mong muốn nơi này sẽ trở thành một địa điểm mà bất cứ người nào quan tâm tới văn hoá của các nước khác nhau tìm tới và cũng là nơi có thể hỗ trợ, giúp đỡ những khó khăn cho các gia đình đa văn hoá.

Quán sẵn sàng hỗ trợ việc tổ chức hôn lễ hay các lớp học về văn hoá cho các gia đình có vợ hay chồng là người nước ngoài cũng như tư vấn cho các mâu thuẫn, khó khăn trong gia đình. Thu nhập của quán cũng được dùng phần lớn để cho các hoạt động hỗ trợ phụ nữ trong các gia đình đa văn hoá.

Được biết quán cà phê mới chỉ có những người đến từ Philipine, Nhật Bản và Việt Nam làm việc. Trước đây chỉ có một nhân viên là người Việt Nam, chính là cô gái tôi đã nhìn thấy trong ảnh và một người mới nhất tên là Lụa là em út trong gia đình Hu tại nơi đây.

Tôi không gặp được Lụa hôm ấy mà chỉ có cô gái trong bức ảnh, khi tôi tìm tới, Lụa đang ngồi tại bàn chăm chú nghiên cứu một cuốn sách. Nghe thấy tiếng tôi chào bằng ngôn ngữ của quê hương mình, cô ngẩng mặt lên với nụ cười thật rạng rỡ.

Mong ước dịch được lịch sử quê hương

Sau những lời giới thiệu ban đầu, tôi được biết em tên là Trinh, 27 tuổi. Trinh bảo các nhân viên ở đây đều là những người phụ nữ tới Hàn Quốc làm dâu, nhỏ nhất là 20 tuổi, người nhiều tuổi nhất đã 50. Tất cả đều như một gia đình, yêu thương, giúp đỡ đùm bọc nhau.

Những khi không đông khách, có thời gian rảnh là tất cả mọi nhân viên đều chăm chỉ học thêm về ngôn ngữ, về lịch sử và văn hoá. Trinh khoe với tôi một tập tài liệu cô đang thu thập về lịch sử của Hàn Quốc cũng như của Việt Nam mà cô đang làm.

Tôi hỏi có khó không thì Trinh nói cũng khó nhưng rất thú vị. Trinh rất muốn thu thập và chọn lọc về lịch sử của Việt Nam và mong ước sẽ dịch ra để cho nhiều người được biết thêm về đất nước của mình. Nhưng cô cũng tự nhận thấy rằng, mình còn phải học thêm thật nhiều nữa để có thể làm được điều đó.

Dù tuổi đời còn trẻ nhưng Trinh đã tới Hàn Quốc được 6 năm tính tới lúc đó. Cô đã là mẹ của 2 đứa trẻ, đứa lớn lên 6 còn đứa nhỏ 4 tuổi. Trinh nói, kể từ khi bắt đầu đi làm việc tại đây, dù mới chỉ được một vài tháng nhưng cuộc đời cô đã hoàn toàn thay đổi.

Trước đây khi mới sang Hàn Quốc làm dâu, cũng như nhiều người khác, cô gặp không ít những khó khăn trong cuộc sống. Trinh sinh con ngay sau đó và 2 đứa trẻ chỉ cách nhau 2 năm khiến cuộc sống của cô chỉ ngày ngày quẩn quanh trong ngôi nhà nhỏ.

Có những thứ muốn học, cô cũng không có đủ thời gian để học. Việc khác biệt văn hoá, lối sống cũng gây khó khăn cho quan hệ mẹ chồng nàng dâu ban đầu.

Thế nhưng, giờ đối với cô, cuộc sống đã rất khác xưa. Không chỉ cố gắng đảm nhận tốt công việc được giao mà cô cũng cố gắng giữ được tốt vai trò trong gia đình.

Hàng ngày, các con của Trinh từ trường về nhà lúc 6 giờ, còn Trinh cũng chỉ về muộn hơn con 5-10 phút. Thời gian trước đó, mẹ chồng cô là người chăm sóc và trông nom các cháu, hỗ trợ con dâu.

Những ngày đầu đi làm, các con khá bám mẹ, chẳng muốn mẹ rời xa chúng. Đi làm nhưng tâm trí của Trinh cũng luôn nghĩ tới các con nhưng cũng chính vì thế cô càng cố gắng nhiều hơn trong công việc.

Mặc dù cuộc sống bận bịu, vất vả, khó khăn hơn nhưng không những có thu nhập thêm cho gia đình vốn cũng không dư dả gì nhiều và có thêm cơ hội để học tiếng Hàn và nhiều điều trong cuộc sống từ những người bạn của mình là điều Trinh không mong ước gì hơn.

Trinh nói có rất nhiều bạn bè Việt Nam đã tìm tới đây và có rất nhiều người Hàn Quốc cũng như quốc tế quan tâm tới Việt Nam. Khi tôi ngỏ ý nhờ Trinh giới thiệu một món ăn nào ngon nhất ở cửa hàng thì Trinh nói món nào cũng ngon hết. Đặc biệt mọi người rất thích thú trước món chè hoa quả của Việt Nam.

Hầu hết các loại hoa quả ở đây đều giống với Việt Nam nên cô không có khó khăn gì trong việc tìm kiếm nguyên liệu. Cà phê của Việt Nam cũng được nhiều người thích. Mặc dù hương vị của chúng giống nhau nhưng cà phê dù là pha sẵn mang từ Việt Nam sang cũng thơm hơn và được nhiều người yêu thích hơn.

Trinh say sưa nói về Việt Nam, ánh mắt cô sáng lên rạng rỡ. Tạm biệt Trinh, tạm biệt quán cà phê đặc biệt và đầy ý nghĩa này, tôi thấy trong lòng mình ấm áp lạ thường.

Để giờ đây, mỗi lần được nghe tin có một quán cà phê đa văn hoá được mở ra, lòng tôi lại thấy rộn ràng bởi tôi tin chắc rằng, ở đó cũng sẽ có một cô gái như Trinh, tìm được nơi để xây dựng một cuộc sống mới, để nhớ và khao khát mang 2 chữ Việt Nam tới cho thật nhiều người quan tâm và yêu mến.

  • Quốc Đạt
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn