Theo thông tin từ báo Pháp luật TP.HCM, ông Đỗ Trung Thành, Phó Trưởng phòng Kinh doanh - Công ty Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro), cho biết kể từ ngày 1/9, giá gas của công ty này tăng 12.000 đồng/bình 12 kg.
Do đó, giá bán lẻ đến người tiêu dùng là 398.000 đồng/bình 12 kg. Tương tự, Công ty Gas Pacific Petro tăng 12.000 đồng/bình 12 kg và quy định giá đến tay người tiêu dùng là 397.000 đồng/bình 12 kg; Gas Petrolimex Sai Gon cũng tăng 12.000 đồng/bình 12 kg, giá bán lẻ đến người tiêu dùng là 404.000 đồng/bình 12 kg.
Các công ty cho biết nguyên nhân tăng giá là do giá gas thế giới tháng 9 công bố bình quân 862,5 USD/tấn, tăng 42,5 USD/tấn so với tháng 8, vì vậy các công ty điều chỉnh tăng tương ứng. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay giá gas tăng bốn lần với tổng mức tăng là 34.000 đồng/bình 12 kg. Như vậy chỉ trong một tháng qua, người dân đã gặp cú sốc tăng giá điện giờ lại đến giá gas.
Vậy mà, mỗi lần tăng giá điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Bộ Công thương đều lặp lại điệp khúc, mức tăng như vậy là phù hợp, đúng với lộ trình điều chỉnh giá điện theo quy luật thị trường của Chính phủ, và quan trọng nhất là ít tác động tới đời sống người dân nói chung, và không tác động tới đối tượng hộ nghèo nói riêng.
Giá gas tăng thêm 12 nghìn đồng/bình |
Tuy nhiên, Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương (CIEM) đã đưa ra báo cáo cho thấy thực tế có phần trái ngược. Một trong 2 kịch bản điều chỉnh tăng giá xăng dầu và giá điện mà CIEM khảo sát là giá xăng dầu tăng 10% và giá điện được điều chỉnh đồng thời với mức tăng 5%. Theo kịch bản này, phần thu nhập cần trợ cấp để các hộ nghèo duy trì phúc lợi ban đầu là 48.700 đồng/hộ/tháng trong ngắn hạn và 53.600 đồng/hộ/tháng trong dài hạn (tính theo giá trị tiền đồng năm 2010). Với số lượng khoảng 2 triệu hộ dưới chuẩn nghèo như hiện nay, chi phí trợ cấp từ ngân sách nhà nước để bù đắp thiệt hại cho người nghèo do tăng giá điện và xăng ước khoảng 97,4 tỷ đồng/tháng (tức là khoảng 1.168,8 tỷ đồng/năm) trong ngắn hạn, và khoảng 107,2 tỷ đồng/tháng (tức 1.286,4 tỷ đồng/năm) trong dài hạn.
Kết quả nghiên cứu của CIEM cho thấy, chi phí bảo đảm an sinh cho hộ nghèo thực chất chính là chi phí mà ngân sách nhà nước gián tiếp bù lỗ cho DN trong các ngành kinh doanh hàng hóa có vị thế độc quyền. Ngân sách Nhà nước sẽ phải chi ra nhiều hơn để kìm giữ giá một số mặt hàng cơ bản. Theo tính toán của CIEM, khi giá tăng, dù ngân sách bù đắp phúc lợi cho hộ nghèo thì tỷ lệ nghèo vẫn tăng khoảng 0,65 điểm phần trăm trong ngắn hạn, và 0,7 điểm phần trăm trong dài hạn.
Trước câu hỏi của báo giới về sự lệch pha trên, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã thừa nhận việc tăng giá điện có ảnh hưởng tới đời sống người dân. Với mức tăng 5% thì CPI trực tiếp tăng khoảng 0,12%. Việc tăng giá điện này có thể cũng làm tăng giá thành của một số ngành sản xuất, tùy thuộc vào lĩnh vực, mức độ tiêu hao điện năng, công nghệ mà dao động trong khoảng từ 0,004-0,005%. Đối với một số ngành chịu tác động nhiều, điện năng tiêu thụ lớn thì giá tăng nhiều hơn, như xi măng tăng 0,43%; phôi thép tăng 0,41%; thép thành phẩm tăng 0,04%.
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, việc tăng giá này là phù hợp với mặt bằng cơ chế giá cả thị trường của sản phẩm đầu vào. Theo lộ trình tăng giá của ngành than, trong tháng 8/2013, giá than cung cấp cho ngành điện sẽ tăng từ 37-41%. Như vậy, chi phí nguyên liệu đầu vào cho EVN sẽ tăng 4.000 tỷ đồng trong năm 2013. Một nguồn nguyên liệu khác là khí cũng sẽ tăng giá trong thời gian tới. Do đó, Bộ Công thương quyết định tăng giá là để bảo đảm mục tiêu và quy định của Thủ tướng cho hoạt động của tập đoàn EVN.
Bên cạnh đó, ông Trần Tuấn Anh tiếp tục khẳng định, việc tăng giá này đúng theo lộ trình và không có tác động nhiều tới doanh nghiệp cũng như đời sống của người dân. Câu trả lời này khó làm hài lòng được dư luận. Giá gas tăng, giá than tăng, giá các sản phẩm tăng vậy người bị ảnh hưởng ở đây là ai?